Không hẹn mà gặp, gần 300 loại gia vị khác khắp mọi miền đất nước cùng xuất hiện tại sự kiện thương mại lớn là Hội chợ HVNCLC TP.HCM vào dịp 30/4/2019, tạo nên một không gian gia vị đặc sắc chưa từng có với người dân khu vực Nam bộ.
Gia vị đóng vai trò rất quan trọng trong các món ăn Việt, từng loại gia vị đã tạo nên nét đặc trưng riêng trong từng món ăn truyền thống của Việt Nam. 54 dân tộc trên giải đất hình chữ S, mỗi dân tộc đều có những nguyên liệu và gia vị độc đáo riêng, thậm chí được xem là bí quyết gia truyền. Đây có thể xem là kho báu tuyệt vời của người Việt.
Đạo diễn, Đại sứ hàng Việt – Hạnh Thúy cho biết, từng đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ăn khắp các vùng miền, bà ngạc nhiên về “sự phong phú khủng khiếp” của ẩm thực Việt. Chẳng hạn như chỉ với vị chua, ở miền Nam, người ta sử dụng chanh, dấm, trái bần, khế. Trong khi đó, miền Bắc lại hay sử dụng quả tay chua, quả sấu, lá bồng vang… Gia vị không thể thiếu trong ẩm thực Việt và đó là nét đặc trưng, tạo ra sự đậm đà của các món ăn khắp mọi miền.
Không phải người Việt nào cũng biết hết tất cả các loại gia vị, rất nhiều trong số đó như: rau sam bay, lá chùa dù, trái chúc, đậu xị, mật sim rừng, địa liền.v.v.. vẫn còn lạ lẫm với nhiều người, thậm chí cả các đầu bếp nổi tiếng. “Do đó, việc tập hợp được hàng trăm loại gia vị ở hội chợ này được xem là một kỳ tích dù chỉ trong thời gian rất ngắn” – bà Hạnh Thúy nói.
Bà Vũ Kim Anh – PGĐ Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp, người được giao trọng trách tìm kiếm, thu thập các loại gia vị cho rằng, dù có được sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia, đầu bếp khắp cả nước nhưng việc tìm ra được các loại gia vị ở khắp lãnh thổ Việt Nam kỳ này là điều không hề dễ.
Tuy nhiên, may mắn là nhờ các nguồn lực, trong đó có cả công nghệ số, mạng xã hội Facebook, nhiều người dù không quen biết nhưng cũng đã nhiệt tình gửi gia vị của vùng quê họ cho ban tổ chức. Do đó, gian trưng bày đã có được gần 300 loại gia vị khác nhau. Trong đó có sản phẩm được chỉ dẫn địa lý như tiêu cùa của Quảng Trị hay nhiều sản phẩm rất lạ như lá xào dông được lấy từ núi cao ở Ninh Thuận…
Giá trị đang bị lãng quên
Cay cay của tiêu, nồng nàn của mắc khén, thơm thơm của lá chanh, chua chua của quả sấu, thanh chua của trái bần. v.v.. , gia vị không chỉ tạo hương vị thơm, ngon đặc trưng, mà còn đóng vai trò là cái hồn, là sự tinh túy của món ngon từng dân tộc, từng vùng miền. Dù gần gũi hay xa lạ, dù bình thường hay đặc biệt thì gia vị, ngoài việc tạo nên những mùi vị đặc trưng cho món ăn còn được xem là nguồn cung cấp nhiều loại dược tính, mang lại lợi ích cho sức khỏe con người.
Do đó, việc khai thác các giá trị dựa trên ẩm thực, sự độc đáo của gia vị Việt là lợi thế lớn cho người nội trợ, các đầu bếp Việt. Thậm chí đây còn là cơ hội, là hướng mở cho ngành du lịch Việt Nam phát triển hơn. Bên cạnh đó, nó còn tạo nên sự phong phú trong văn hóa của âm thực Việt, khiến không chỉ du khách quốc tế mà ngay cả với những người Việt cũng phải mê mẩn. Mặc dù tầm ảnh hưởng của gia vị đến ẩm thực không hề nhỏ nhưng hiện nay, nhiều người vẫn không nhận biết được hết các giá trị vốn có của nó.
Đạo diễn Hạnh Thúy lo ngại, rất nhiều loại gia vị Việt đang bị mai một, nhiều người dân Việt Nam chưa biết cách sử dụng các loại gia vị một cách đúng nghĩa hoặc tận dụng hết các giá trị của nó. “Tôi thấy người dân Nam bộ họ bỏ quên trái bần, trái giác. Điều này mang đến cho mình cảm giác rất đau lòng. Nhiều người không biết sử dụng gia vị nào đó để làm gì cả. Rất nhiều quốc gia trên thế giới khai thác nguồn gia vị thành những sản phẩm đặc trưng, mang lại nhiều lợi thế” – đạo diễn Hạnh Thúy nói.
Việt Nam với nền ẩm thực phong phú về nguyên liệu từ rau, củ, quả; nguyên liệu tươi sống như hải sản cho đến thịt, cá và gia vị là thứ để biến những loại thực phẩm đó thành món ăn làm say đắm lòng người. Có hàng ngàn loại gia vị chưa được đánh thức hoặc đang bị bỏ quên trong những mảnh vườn, trong những khu rừng. Do đó, điều cần nhất chính là phải làm sao để các loại gia vị này được nhiều người biết đến, hiểu và tận dụng tối đa sự phong phú để biến nó trở thành lợi thế không chỉ trong ẩm thực.
Thương mại hóa là hướng đi cho gia vị Việt
“Từng tham gia nhiều hội chợ thương mại quốc tế, tôi thấy rằng người ta rất quan tâm đến gia vị. Việt Nam có nguồn gia vị vô cùng phong phú, vô cùng đặc sắc, động vật có, thực vật có, hữu cơ có, vi sinh có, vô cơ có thì tại sao mình không nghĩ đến việc làm sao để thương mại hóa tốt hơn. Tôi nghĩ rằng, sâu xa hơn là phải hướng tới việc đưa được hết các gia vị Việt Nam ra được thị trường trong và ngoài nước. Từ đó vừa phát triển được ẩm thực Việt Nam, vừa phát triển được các giá trị giúp đồng bào dân tộc, giúp nông dân của mình” – bà Vũ Kim Anh chia sẻ về sự kỳ vọng sau khi thực hiện bộ sưu tập gia vị tại Hội chợ HVNCLC tại TP.HCM 2019.
Sau thành công của việc trưng bày gần 300 loại gia vị lần này, ban tổ chức mong muốn làm sao để thương mại hóa sản phẩm. Chị Lại Thị Bích – Giám đốc Cty TNHH Hồ tiêu Ngũ Sắc, tỉnh Gia Lai, người khá thành công khi thương mại hóa sản phẩm tiêu rừng 5 màu sắc ở Gia Lai cho rằng: “Khi muốn thương mại sản phẩm thì điều đầu tiên, chúng ta phải tạo ra được cái tên thương mại cho loại gia vị đó. Một điều bắt buộc là phải sản xuất được sản phẩm đạt chuẩn, khẳng định được chất lượng. Đặc biệt, trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp phải kiểm định mẫu, kiểm định chất lượng đàng hoàng, sau đó đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và tên sản phẩm. Sau khi đạt được những vấn đề này thì mình mới làm công tác tiếp cận thị trường”.
Cùng chiêm ngưỡng một số hình ảnh về gia vị tại Hội chợ HVNCLC TP.HCM 2019: