Trong và sau đại dịch SARS-CoV-2, một vấn đề lớn đặt ra là 3 thay đổi đang tác động mạnh mẽ tới doanh nghiệp (biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu thế tiêu dùng); trong đó, vấn đề vượt qua rào cản kỹ thuật để thâm nhập các thị trường là rất quan trọng.
Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) với Chương trình “Chuẩn Hội nhập” thiết tha đồng hành cùng nông dân và doanh nghiệp để cùng nâng cao “chuẩn chất” cho nông sản Việt.
Từ nhận thức đó, tứ tháng 11.2021, Hội HVNCLC cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức Chuyên trang “Tầm nhìn nông nghiệp mới” trên  tờ Nhật báo này vào số thứ 6 hàng tuần (sau đó chuyển tải lên trang điện tử: https://nongnghiep.vn/).
Dưới đây là chuyên đề đầu tiên: “Tiêu chuẩn – tấm vé vào cửa thị trường thế giới với nhiều thách thức mới”
Trong bối cảnh thương mại tự do đang diễn ra mạnh mẽ trong khu vực và ở các thị trường xuất khẩu chiến lược của nông sản Việt Nam, tiêu chuẩn đang được sử dụng như một biện pháp phòng vệ thương mại hữu hiệu.
Cần phải nói cho rõ rằng sở dĩ có phòng vệ thương mại là do nền tảng pháp lý ở các nước tham gia thị trường tự do có sự khác biệt đáng kể liên quan đến khung pháp lý và hiệu quả thực thi luật.
Vì vậy, tiêu chuẩn còn được gọi là Hàng rào Kỹ thuật trong Thương mại (TBT), được áp dụng nhằm đảm bảo sự công bằng và xây dựng tính bền vững cho năng lực sản xuất của các bên tham gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. 
Hiện nay, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết đang có hiệu lực, dễ dàng nhận thấy sự cạnh tranh giữa hàng Việt Nam và hàng nhập khẩu đang diễn ra ngày càng gay gắt. Sự cạnh tranh này từng được dự đoán là cực kỳ khốc liệt cho ngành nông sản thực phẩm của Việt Nam, bên cạnh rất nhiều nhận định khả quan về cơ hội.
Lý do của sự khốc liệt này được cho là từ thực trạng xem nhẹ, hoặc chưa chú trọng việc áp dụng tiêu chuẩn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành. Nhiều báo cáo quốc tế về tình trạng an toàn thực phẩm tại Việt Nam đã nêu vấn đề:
* Năm 2016, một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) về các chính sách An ninh lương thực của Việt Nam nhận xét rằng Chính phủ Việt Nam cần can thiệp vào vấn đề an toàn thực phẩm.
* Năm 2017, Đánh giá chung của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Ngân hàng Thế giới về Quản lý Rủi ro An toàn Thực phẩm tại Việt Nam cho thấy rằng khung pháp lý ở Việt Nam vẫn còn những quan ngại nghiêm trọng về việc thực thi luật.
*Năm 2018, Sách Trắng của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam đã chỉ ra rằng nông sản Việt Nam có chất lượng thấp và thường bị các nước nhập khẩu từ chối vì vấn đề an toàn thực phẩm. Với Hiệp định Tự do Thương mại của EU và Việt Nam (EVFTA), trách nhiệm đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn của ta càng nặng hơn.
Cần nói thêm rằng, an toàn thực phẩm không phải là vấn đề duy nhất mà doanh nghiệp Việt còn phải vượt qua 2 cột mốc quan trọng: quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu của doanh nghiệp dẫn đầu, được biểu diễn trong lược đồ dưới đây:
Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao là Tổ chức đại diện doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đã tổ chức cho người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao, từ năm 1997. Đến nay, đã tạo dựng được một thương hiệu chung tin cậy trên cơ sở đánh giá, chọn lựa của người tiêu dùng, cũng là phán quyết của thị trường.
Sau 20 năm, trước chủ trương hội nhập kinh tế thế giới của nước ta, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao lại thấy phải tổ chức một chương trình mới, song hành cùng chương trình trên, nhằm tăng thêm sức cạnh tranh cho sản phẩm Việt bằng chương trình mới, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho mình, để sản phẩm Việt đáp ứng được tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế trên thị trường hội nhập.
Bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao – Tiêu chuẩn hội nhập” (GIS), được xây dựng với sự ủng hộ ngay từ đầu của Bộ Khoa học và Công nghệ, với đóng góp trực tiếp của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường, cùng với sự tham gia của các tổ chức và chuyên gia uy tín về tiêu chuẩn. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp “Nhãn hiệu chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập” để chương trình cấp lại cho doanh nghiệp. Đến nay đã có 123 doanh nghiệp thực phẩm trên toàn quốc được chứng nhận nhãn hiệu này. 
Chương trình được Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM (BQL ATTP) công nhận. Bên cạnh GIS, Hội cũng chọn đối tác chiến lược toàn cầu với tiêu chuẩn GLOBALG.A.P. (được quản lý và điều hành bởi Học viện Bán lẻ châu Âu) cho chương trình Local G.A.P tại Việt Nam.
Cho đến thời điểm này, có thể nói Hội là một trong số rất ít tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp (BSO) đã kiên định đặt các hoạt động áp dụng tiêu chuẩn quốc tế lên bậc ưu tiên số 1. Hội là BSO duy nhất đưa ra các tiêu chuẩn riêng như một giải pháp lấp đầy, thu ngắn khoảng cách giữa tiêu chuẩn quốc tế và thực tế áp dụng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt.
Hiện nay, trong bối cảnh thế giới vẫn đang hàng ngày đương đầu với đại dịch Covid-19, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp đang phải thay đổi mạnh mẽ theo xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia áp đặt thêm các rào cản với các sản phẩm y tế và giảm thuế nhập khẩu nông sản nhưng lại đòi hỏi chuẩn chất khắc nghiệt hơn, đặc biệt là TIÊU CHUẨN XANH, đòi hỏi nhà sản xuất phải bảo vệ môi trường, góp phần khôi phục hệ sinh thái.
Theo khảo sát của Accenture PLC (một công ty trong Fortune Global 500) hiện nay, 60% người tiêu dùng muốn mua Sản phẩm thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp phải thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, xây dựng quy trình sản xuất không ô nhiễm và sản phẩm phải tiến đến có “nhãn xanh” là những tiêu chuẩn mới mẻ lại rất quyết định trong cuộc canh tranh lâu dài sắp tới.
Hành trình tiếp cận và đạt đến các tiêu chuẩn XANH, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG cho nông sản Việt là chặng đường rất gian lao mà chúng ta phải vượt qua. Chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp và nông dân Việt đi đến thành công.
Theo Nông Nghiệp Việt Nam