Ngày 17/2/2025, tại Văn phòng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao (HVNCLC), Hội tổ chức cuộc họp Ban Chấp hành đầu năm 2025, với hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Cuộc họp với các đại diện doanh nghiệp trong Ban Chấp hành, như: Vinamit, Vissan, Thiên Long, ABC Bakery; Mỹ Hảo, DannyGreen, VietNipa…
Mục tiêu chính của cuộc họp là nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp hội viên và thúc đẩy các sáng kiến mới. Do đó, cuộc họp bàn về nhiều nội dung trọng tâm bao gồm:
Thảo luận về mô hình tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp: Hội sẽ xem xét việc tổ chức doanh nghiệp theo nhóm chuyên sâu theo ngành hoặc theo địa phương. Trước mắt, các nhóm thử nghiệm sẽ được triển khai tại Hà Nội, TP.HCM – miền Đông và Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tại cuộc họp, Hội DN HVNCLC cũng giới thiệu chương trình “Giải thưởng Doanh nghiệp tạo Giá trị Xã hội Bền vững”: Đây là sáng kiến mới nhằm vinh danh các doanh nghiệp có đóng góp đáng kể cho xã hội và môi trường.
Hội DN HVNCLC kêu gọi sự tham gia tích cực của các thành viên Ban Chấp hành, trong đó mỗi thành viên sẽ chủ trì một nội dung hoạt động hàng tháng dành cho doanh nghiệp hội viên.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia Ban Chấp hành Hội cũng bàn thảo về một số chương trình hoạt động trọng tâm, hàng năm của Hội, như: Lễ công bố HVNCLC 2025; Diễn đàn kinh doanh sáng tạo (IIBF); Cuộc thi Khởi nghiệp Xanh; Diễn đàn kinh tế Mekong Connect…
Bên cạnh các hoạt động của hội, các doanh nghiệp cũng thảo luận về tình hình kinh tế và xu hướng thị trường.
Theo ghi nhận từ các thành viên Ban Chấp hành Hội, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều thách thức, sức mua suy giảm, việc doanh nghiệp linh hoạt thích ứng và đổi mới là điều tất yếu.
Ông Nguyễn Phúc Khoa – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vissan đánh giá thị trường hiện nay đang rất khó khăn, cơ bản các mặt hàng đều giảm so với năm trước. Hàng loạt mặt bằng ở nhiều tuyến đường lớn treo biển trả mặt bằng vì sức mua thị trường giảm, và do thương mại điện tử (TMĐT) đang được đẩy mạnh; mặt khác, những mặt bằng trong hẻm có giá thuê rẻ hơn được chọn có xu hướng tăng hơn.
Ông Khoa nhận định, tình hình như hiện nay cho thấy, năm 2025 tiếp tục khó khăn cho nền kinh tế. Trong khi đó, thời tiết không thuận lợi, giá thành tăng cao do nguyên liệu đầu vào tăng lên mà doanh nghiệp không thể kéo giá bán lên cao được. Do vậy, việc trước mắt phải làm là tiết giảm chi phí, tập trung xây dựng cho bộ máy, tổ chức lao động một cách hiệu quả hơn.
Nhiều nơi trước đây là những điểm bán hàng trực tiếp hiện đang đang báo động vì suy thoái, hàng hóa không bán được. Việc này đã diễn ra trong những năm 2023-2024, nhưng đến nay càng khốc liệt hơn.
Ông Lâm Viên dẫn chứng, “Kênh MT của chúng ta hiện nay còn có người vào, bên Trung Quốc giảm đi rất nhiều. Nhân viên của kênh MT phải làm một website online, khách vào họ giới thiệu về nó… để nếu họ chưa mua ngay lúc này thì về nhà suy nghĩ mua, và hệ thống siêu thị cũng ship tận nhà cho khách. Đó là áp lực rất lớn cho các thương hiệu lâu đời”.
Do đó, chắc chắn chúng ta phải đi tìm những cách khác để thâm nhập thị trường, như cách các thương hiệu start-up đang làm có nhiều nét nổi bật.
“Như Tiktok chẳng hạn, sản phẩm sốt “caytedai” của bánh tráng Tân Nhiên đang tạo ra những độ lan tỏa mạnh trên thị trường hiện nay khi làm với những người có sức hút trên mạng xã hội. Có thể tuổi đời của các sản phẩm không dài nhưng nó đẩy được thành xu hướng”, ông Viên nói.
Từ đây vị Tổng Giám đốc của Vinamit cho rằng, các sản phẩm tốt cho sức khỏe phải đi theo cách mới, cách cũ không phù hợp nữa. Bản thân Vinamit cũng vậy, chúng tôi phải thay đổi cách tiếp cận này.
“Thương hiệu của chúng tôi thay đổi thương hiệu khác để vào thị trường các nước, chúng tôi làm theo kiểu cá nhân hóa hơn. Đó là cách đi mới chúng tôi đang áp dụng”.
Do đó chúng ta phải thay đổi, nhất là những doanh nghiệp lâu đời, vì thị trường, con người ngày nay đã và đang thay đổi lối sống.
Trong khi đó, bà Trần Phương Nga – CEO của CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG), cho biết hiện nay, nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau đang chịu áp lực lớn trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh sang thương mại điện tử và số hóa. Thiên Long cũng không nằm ngoài xu hướng này, chúng tôi đang triển khai mạnh mẽ quá trình chuyển đổi để nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững hơn trên thị trường.
Liên quan đến tiêu chuẩn ESG, bà Nga cho rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có sự nắm bắt đầy đủ và rõ ràng về tiêu chí cũng các yêu cầu mang tính pháp lý cả trong và ngoài nước. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải tự xoay xở, loay hoay tìm cách áp dụng, đôi khi thiếu tính hệ thống.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn có thêm các chương trình hướng dẫn cụ thể, giúp doanh nghiệp hiểu đúng, làm đúng và áp dụng ESG một cách bài bản, hiệu quả hơn. Đây cũng là một hướng đi mà Hội DN HVNCLC có thể xem xét, kết nối chuyên gia, tổ chức các hội thảo, khóa đào tạo chuyên sâu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Ban Chấp hàng Hội DN HVNCLC họp trực tiếp và trực tuyến
Bài, ảnh: Trần Quỳnh