Hồng ngâm là loại quả đã quá đỗi quen thuộc, thậm chí nhiều người đã phát ngán với loại quả này. Thế nhưng, hồng treo gió lại là một món ăn cực độc đáo mà không phải ai cũng có may mắn được ăn thử.
500.000 đồng/kg vẫn tiếc công sức
Vài ngày qua, trên mạng xã hội đã chia sẻ “rần rần” về một món ăn cực kì độc đáo là hồng treo gió. Nghe cái tên thôi cũng khiến nhiều người không khỏi tò mò, xem đây là món ăn gì.
Liên lạc với Facebook “chính chủ” của món ăn này, PV đã gặp chị Lê Ngọc Yến – chủ một cửa hàng online tại Hà Nội. Chị Yến cho biết: “Biết là món độc” nhưng tôi không ngờ phản hồi của khách lại nhiều đến thế. Đơn hàng gửi đến không đếm xuể, nhưng cũng đành chịu vì làm rất kỳ công, mà ăn thì chỉ nháy mắt một cái là hết cả cân.”
“Thậm chí, nếu có bán 500.000 đồng/kg, tôi cũng thấy tiếc vì công sức bỏ ra lớn quá”, chị Yến nói.
Sợ có thêm nhiều người bình luận và đặt số lượng lớn, chị Yến còn phải khóa dòng thông báo về hồng treo gió lại để tránh mọi người “đòi” hàng.
Thú chơi cũng lắm kì công
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi, tại sao kinh doanh lại còn “ngại” làm. Nhưng kì thực, phải nghe hết quá trình làm ra hồng treo gió mới thấm được, 500.000 đồng/kg kia là bỏ ra mua công sức của người làm.
Cụ thể về cách làm theo chị Yến thì, những bước đầu tiên là chọn hồng: “Hồng treo gió có thể sử dụng hồng ngâm ở đâu cũng được, không cứ gì phải là hồng trứng Đà Lạt. Nhưng nếu có thể sử dụng hồng trứng và hồng vuông Đơn Dương chuyển từ Đà Lạt ra vẫn là đỉnh nhất.”
“Không chỉ chọn nguồn gốc, muốn có hồng ngon cũng phải biết cách chọn. Vì sau nhiều lần bị mốc, tôi đã rút được kinh nghiệm là chỉ nên làm hồng treo gió bằng quả ương, hơi ngả vàng là tốt nhất”, chị Yến chia sẻ thêm.
Sau công đoạn chọn hồng, chị Yến phải đem đi gọt vỏ (gọt sạch nhưng chừa lại tai hồng để buộc dây), rửa sạch rồi nhúng hồng ngập trong một bát rượu trắng có nồng độ cao trong 1 phút.
Xong các công đoạn trên, hồng sẽ được quấn phần tai bằng chỉ, “quấn thật căng mà không sợ đứt núm hồng, vì loại hồng được chọn để làm là hồng xanh”, chị Yến lưu ý.
Ngoài ra, theo bà chủ shop online: “Hồng nên treo ở chỗ có gió và có nắng, tốt nhất là nơi cao, ít bụi và nên che đậy nếu nhà ở mặt đường. Đặc biệt, khi sương xuống, phải mang hồng vào cất.”
Thú chơi cũng lắm kì công, vì sau khoảng 3 – 4 ngày, khi hồng bắt đầu héo hẳn vào, bên ngoài dai dai, bên trong lại mềm mềm là lúc phải “massage” cho quả.
Massage cho hồng là việc dùng tay nắn, bóp nhẹ nhàng từng quả. Đều đặn ngày nào cũng phải lên thăm nom và massage thư giãn như vậy.
Mùa hồng ngâm và thời tiết lúc ngoài Bắc lúc này đúng là sinh ra là để cho nhau. Bởi theo bà chủ cửa hàng ẩm thực, nắng hanh hao, có gió thì hồng sẽ không bị mốc.
Tuy nhiên, nếu thời tiết không ủng hộ, thì trong 5 ngày đầu tiên phải nhúng hồng vào trong cồn. Khi quả đã khô se sắt vỏ và tóp đi hai phần ba thì dừng lại.
Nhiều công đoạn như vậy, mà còn phải trông vào thời tiết, bởi trời phải nắng to ròng rã trong khoảng 12 ngày thì một mẻ hồng mới được thu hoạch, trời mưa ẩm thì phải phơi thêm 5 ngày nữa.
“Nếu muốn sớm thu hoạch có hàng cho khách thì tôi dùng loại hồng nhỏ bằng một nửa, chỉ 50g/quả. Phơi hồng nhỏ này chỉ 6 – 7 ngày là quả đã đẹp, khô dẻo rồi”, chị Yến cho biết thêm.
Để cho ra được một cân hồng treo gió, chị Yến phải dùng tới 7 – 8 kg hồng tươi. Hiện đang cuối mùa, giá thị trường của hồng ngâm quả tươi loại ngon hiện nay đã 40.000 – 50.000 đồng/kg. Tính riêng chỗ đó, chi phí đã khoảng 300.000 – 400.000 đồng.
Mua buôn sẽ rẻ hơn, nhưng với công sức bỏ ra, thì dù chị Yến có bán 500.000 đồng/kg thì nghe xong cách làm, nhiều người cũng sẽ không tiếc số tiền bỏ ra để nếm thử món ăn thú vị này.
Theo Dân Trí