Ngày 30/10, tại UBND TP. Cần Thơ, Hội DN HVNCLC, câu lạc bộ LBC và các tỉnh thành ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) tổ chức họp báo, giới thiệu Mekong Connect 2019.
Theo đó, Diễn đàn Mekong Connect 2019 diễn ra vào ngày 7/11, tại Khách sạn Vạn Phát, TP. Cần Thơ với hơn 700 đại biểu tham dự.
Lịch chi tiết Mekong Connect tại đây: http://mekongconnect.vn/
Đến dự và chủ trì buổi họp báo có ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Trúc Sơn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, ông Đỗ Hoàng Trung – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Cần Thơ và các Sở, ngành 4 địa phương…
Theo Ban tổ chức, Mekong Connect 2019 có nhiều điểm nổi bật:
– Khởi động từ giữa tháng 8/2019, với sự tham gia của 5 nhóm công tác của các tỉnh và Hội DN HVNCLC tham gia xây dựng nội dung Diễn đàn.
– LBC và Hội DN HVNCLC chuẩn bị các khâu hậu cần, triển lãm…
– Trước khi Mekong Connect 2019 diễn ra, mỗi tỉnh trong ABCD Mekong nhận nghiên cứu, chuyển bị đề tài, sau đó gom lại, in thành báo cáo của chủ đề chung và mỗi tỉnh cũng sẽ trình bày đề dẫn cho 4 nhóm thảo luận tại Diễn đàn.
– Trong quá trình chuẩn bị Diễn đàn, đã tổ chức các tọa đàm, gặp gỡ với chuyên gia và doanh nghiệp liên quan chủ đề để chuẩn bị thiết thực cho Diễn đàn. Tổ chức 2 Workshop về 2 vấn đề được quan tâm nhất là: “Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản đồng bằng”; “Công nghệ hỗ trợ kinh tế nông nghiệp”.
– Sau Diễn đàn, tiếp tục thực hiện một số dự án hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và nông dân của ABCD Mekong và các tỉnh ĐBSCL theo yêu cầu.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho biết, qua những cuộc workshop, làm việc với các tỉnh, Mekong Connect có những “từ khóa” nổi bật là “kết nối”, “bền vững”, “công nghệ”.`
Riêng về “bền vững”, tại Mekong Connect này có 2 bài phát biểu. Đầu tiên là ông Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch LBC, Chủ tịch GIB sẽ chia sẻ về: “Hội nhập kinh tế và phát triển bền vững”, và bà Nguyễn Thanh Bích Thùy, Thành viên Hội đồng quản trị tập đoàn Novaland có bài chia sẻ về: “Tích hợp và gắn kết du lịch và nông nghiệp để phát triển kinh tế ĐBSCL”.
Bà Vũ Kim Hạnh dẫn chứng, khái niệm về phát triển bền vững có trong nhiều mô hình ở Cần Thơ Fram, gắn bó sản xuất bền vững, hữu cơ, an toàn với thị trường, giáo dục. Bến Tre có dạy về nông nghiệp hữu cơ cho các bạn học sinh trong trường học, và dạy nông dân tham gia làm hữu cơ theo mô hình PGS…
“Bền vững là thay đổi cách làm nông, từ làm nông dựa trên hóa chất sang dựa trên sự an toàn, dựa trên sinh học… để bảo vệ môi trường, sức khỏe cho người sản xuất, tiêu dùng”, Chủ tịch Hội DN HVNCLC nói.
Phát biểu tại họp báo, ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp phụ trách đề tài: Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản đồng bằng. Trong đó, có mô hình Hội quán tỉnh Đồng Tháp ra đời hơn 3 năm nay, đúc kết kinh nghiệm, có được sự đánh giá rất cao. Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng nói đến những tác động lớn ảnh hưởng đến đồng bằng hiện nay là, biến đổi khí hậu, công nghiệp 4.0.
Ông Nghĩa kỳ vọng rằng, sau Mekong Connect 2019, mong muốn đúc kết nhân rộng kết quả vào thực tế, góp phần nâng cao thu nhập người dân, nâng cao vị thế đồng bằng.
Trong khi đó, đề tài về “Liên kết khởi nghiệp và phát triển trên nền tài nguyên bản địa” sẽ được tỉnh Bến Tre thực hiện. Ông Nguyễn Trúc Sơn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết, khởi nghiệp ở Bến Tre có chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp”, mục tiêu là nhằm tạo ra nhiều doanh nghiệp, tạo việc làm, sinh kế và giảm nghèo để nâng cao mức sống người dân.
“Chúng tôi lập ra Hội đồng tư vấn khởi nghiệp, do Bí thư tỉnh ủy làm chủ tịch, có UBND, các ngành tham gia với những nghị quyết đưa ra lồng ghép vào việc phát triển kinh tế xã hội hàng năm. Có bàn tròn doanh nghiệp với các chủ đề khác nhau để trao đổi các vấn đề có liên quan đến doanh nghiệp. Bên cạnh đó là làm các vấn đề về thủ tục đầu tư, thủ tục hành chánh cho doanh nghiệp. Có phiên chợ khởi nghiệp cho các sản phẩm của người khởi nghiệp…”, ông Nguyễn Trúc Sơn cho hay.
Diễn đàn năm nay có cách nhìn, cách tiếp cận nhằm thay đổi nền nông nghiệp từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế” theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển đồng bằng sông Cửu Long bền vững thích ứng biến đổi khí hậu và xu thế thị trường. Bằng cách tiếp cận ấy, Ban tổ chức đã xác định chủ đề chính của Diễn đàn năm nay, là: Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng, tăng cường hội nhập thị trường.
Một số hình ảnh tại buổi họp báo: