Sầu riêng cầu vồng là đặc sản của đảo Papua thuộc lãnh thổ Indonesia. Ảnh: Steemit
Tiêu điểm
Indonesia bắt đầu chú ý đến “sầu riêng cầu vồng”
Có tên khoa học là Durio Zibethinus L., sầu riêng cầu vồng là kết quả của sự lai tạo hàng trăm năm qua giữa sầu riêng trắng, sầu riêng đỏ và sầu riêng vàng. Pelangi – trong tiếng Bahasa Indonesia có nghĩa là “cầu vồng” – là một đặc sản của phần đảo Papua phía Tây thuộc Indonesia, với các múi sầu riêng có sắc cầu vồng.
Sầu riêng nói chung có thể phát triển tối ưu ở vùng đất thấp đến vùng đất trung bình và năng suất của nó sẽ giảm nếu ở vùng đồng bằng hoặc vùng cao nguyên có nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, sầu riêng Pelangi có thể sống và phát triển tốt ở mọi địa hình, chất đất và ánh sáng mặt trời. Sầu riêng Pelangi có thể cho thu hoạch hai  lần trong năm với số lượng trái trên cây từ 400-800 trái mỗi năm. Điều này khác xa so với các loại cây sầu riêng khác chỉ cho thu hoạch một lần trong năm và số lượng trái trung bình 150 trái/năm mỗi cây.
Sầu riêng Pelangi sau khi hái xuống có thể giữ độ tươi ngon trong 6-7 ngày mà không cần xử lý thêm. Điều này thuận lợi nhiều cho quá trình đưa trái cây đi khắp nơi.
Theo Jawa Pos và tạp chí GNFI, màu sắc cầu vồng của sầu riêng Pelangi thể hiện sự thay đổi hàm lượng các hợp chất trong trái sầu riêng. Ví dụ, màu đỏ cho thấy sự hiện diện của các hợp chất chống oxy hóa, rất hữu ích cho sức khỏe. Màu vàng của thịt quả thể hiện sự có mặt của hợp chất Beta Caroten rất tốt cho việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm quá trình oxy hóa cholesterol xấu, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành tim. Ngoài ra, Beta Carotene còn có thể cải thiện hệ thống miễn dịch và có nhiều hợp chất khác chứa trong thịt của quả sầu riêng Pelangi rất tốt cho cơ thể.
Sầu riêng Pelangi được đánh giá là có thể cạnh tranh với loại sầu riêng Monthong nổi tiếng của Thái Lan hay sầu riêng thượng hạng Musang King của Malaysia. Từ năm 2019, Bộ Nông nghiệp Indonesia đã chuẩn bị hàng trăm hectare đất để trồng giống sầu riêng Pelangi này.
Tài liệu của Đại học Ciputra tại Indonesia cho biết Karim Aristides, nhà khoa học đến từ Nam Sumatra, tốt nghiệp Đại học ở Berlin là người phát hiện ra giống sầu riêng quý hiếm này vào năm 2009. Ông cũng là người giữ độc quyền kinh doanh loại sầu riêng này.
Báo chí Indonesia từng thuật rằng loại sầu riêng này từng được bán đấu giá đến 1.000 USD/trái và năm 2019 chỉ có 2 trái to giá đó tại lễ hội trái cây Banyuwangi ở Indonesia. Năm 2020-2021, lễ hội này không tổ chức được do dịch Covid.
———————————————————————————————————————————————————————–
Thái Lan gần chạm kỷ lục xuất khẩu 1 tỷ USD sầu riêng mỗi tháng
Sầu riêng là loại trái cây vua, kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong các loại trái cây. Kể từ năm 2014, giá trị xuất khẩu sầu riêng tươi của Thái Lan vượt qua tất cả các loại trái cây và chỉ trong tháng 5-2021, xuất khẩu đạt kỷ lục với 934,9 triệu USD, tỷ lệ tăng trưởng 95,3% so với cùng kỳ năm 2020. (Tháng 5 là vụ thu hoạch sầu riêng lớn nhất ở Thái Lan).
Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng Thái Lan đạt 1,839 tỷ USD, tăng 45,2% so với cùng kỳ, vượt qua khoai mì để trở thành loại nông sản xuất khẩu có giá trị xuất khẩu lớn thứ hai, chỉ xếp cao su.
Năm 2020, xuất khẩu sầu riêng tươi của Thái Lan đạt kỷ lục 2,073 tỷ USD, tăng 41,5% so với năm 2019. Dự kiến, năm nay xuất khẩu sẽ đạt 2,8-2,9 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng vẫn trên 40%.
Trung Quốc chiếm đến 70% thị trường nhập khẩu sầu riêng, Hong Kong 20%.
Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn thuộc Ngân hàng thương mại Kasikorn dự báo Việt Nam, Indonesia và Malaysia sẽ cạnh tranh với Thái Lan trên thị trường trái cây vua.
———————————————————————————————————————————————————————–
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 57,15 – 57,85 triệu đồng/lượng, tăng tới 350.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá hai đầu vẫn ở mức 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.758 USD/ounce, giảm 5,4 USD, tương đương 0,31% so với chốt phiên trước.
2/ Infographic: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là bệ đỡ nền kinh tế của Việt Nam giữa đại dịch trong 9 tháng đầu năm 2021
3/ Vừa qua, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, thì Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận. Theo đó, đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận được bảo hộ tại Nhật Bản có thể nói như “giấy thông hành” để vào thị trường Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung. Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính.
4/ Bộ Công Thương cho biết đã nhận được công hàm của Ủy ban Kinh tế Á Âu (EEC) cuối tháng 9 rồi, thông báo các mặt hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) đã vượt mức ngưỡng hạn ngạch thuế quan ưu đãi nhập khẩu quy định cho năm 2021 trong 7 tháng đầu năm. Theo đó, nhóm đồ lót vượt 75% ngưỡng quy định; nhóm váy, đầm, quần áo phụ nữ vượt 5%. Trong khi nhóm bộ comple, áo jacket, áo khoác thể theo, quần dài… đã đạt 100% mức ngưỡng quy định xuất sang EAEU được hưởng thuế ưu đãi. Được biết, tuỳ vào lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may sẽ bị áp mức thuế MFN (thuế tối huệ quốc) trong 6-9 tháng.
5/ Carousell, tập đoàn chủ quản của Chợ Tốt tại Việt Nam đã chính thức trở thành một công ty công nghệ ‘kỳ lân’ của châu Á với mức định giá 1,1 tỷ USD sau khi nhận được khoản đầu tư 100 triệu USD từ STIC Investment. Với nguồn đầu tư mới này, Carousell sẽ nhanh chóng mở rộng đội ngũ nhân lực tại Việt Nam để tăng tốc sự phát triển của Chợ Tốt trong các ngành hàng mua bán xe hơi, bất động sản, đồ điện tử và hàng hóa đã qua sử dụng và việc làm lao động phổ thông. Hiện tại, Carousell được ghi nhận là một trong những công ty công nghệ phát triển nhanh nhất trong thị trường này. Mỗi ngày, hàng chục triệu người dùng của Carousell, Mudah.my, Chợ Tốt và OneKyat vẫn đang tích cực tham gia mua bán.
6/ Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2021, tất cả các hãng hàng không Việt Nam chỉ thực hiện được 105.384 chuyến bay tương ứng với mức giảm 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, “tân binh” Vietravel Airlines xếp cuối bảng khi chỉ thực hiện được 1.287 chuyến bay. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng chuyến bay của hãng này bị giảm mạnh. Đáng chú ý, trong 6 hãng hàng không, Bamboo Airways đứng thứ 3 với 20.361 chuyến bay và là hãng bay duy nhất tăng trưởng dương tăng 14,5% chuyến bay so với cùng kỳ. Đứng đầu bảng xếp hạng là Vietnam Airlines, hãng thực hiện nhiều chuyến bay nhất trong 9 tháng đầu n8am với 39.544 chuyến bay, giảm 33,1% so với cùng kỳ 2020.
7/ Theo Nikkei Asia, Samsung có thể đạt lợi nhuận tăng 2 con số trong quý 3 năm nay nhờ nhu cầu lớn về bán dẫn và điện thoại thông minh màn hình gập, cũng như đồng nội tệ Hàn Quốc suy yếu. Theo đó, các nhà phân tích cho rằng lợi nhuận hoạt động của “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc này thậm chí có thể vượt qua kỳ vọng của thị trường, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 15,8 ngàn tỷ won (13,4 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 do giá bộ nhớ và chip đúc tăng. Được biết, doanh số bán ra tăng mạnh đối với dòng smartphone Galaxy Z được tung ra vào tháng 8 đã góp phần vào kết quả này. Trong khi việc đồng won Hàn Quốc suy yếu bổ sung thêm khoảng 1.000 tỷ won vào lợi nhuận của công ty.
8/ Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết, giá lương thực thế giới trong tháng 9 vừa qua tiếp tục tăng tháng thứ 2 liên tiếp, lên mức cao nhất trong 10 năm qua, chủ yếu do đà tăng của giá ngũ cốc và dầu thực vật. Theo đó, chỉ số giá thực phẩm của FAO, công cụ theo dõi giá cả trên thị trường quốc tế của các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, đã đạt mức trung bình 130,0 điểm trong tháng 9 vừa qua, là mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 9/2011. Được biết, so với cùng kỳ năm ngoái, giá lương thực đã tăng 32,8% trong tháng 9. Ngoài ra, giá hàng hóa nông nghiệp cũng đã tăng mạnh trong năm 2020, do mất mùa trong khi nhu cầu tăng cao ở thị trường Trung Quốc.
Chỉ số giá ngũ cốc của FAO trong tháng 9 đã tăng 2,0% so với tháng trước đó, chủ yếu là nhờ mức tăng gần 4% của giá lúa mì, khi hoạt động xuất khẩu bị hạn chế trong khi nhu cầu lại gia tăng mạnh mẽ.
9/ Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, sản lượng thịt heo của Tây Ban Nha đã đạt 2,6 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trong năm thứ tám liên tiếp, giúp quốc gia này trở thành nhà sản xuất thịt heo lớn nhất EU. Được biết, Đức từ lâu đã đứng đầu bảng các nhà sản xuất thịt heo của EU, nhưng đợt bùng phát Dịch tả heo châu Phi (ASF) vào tháng 9/2020 ở heo rừng đã khiến nước này mất quyền tiếp cận thị trường béo bở tại Trung Quốc. Điều này cũng đã thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sản xuất thịt lợn của EU sang Tây Ban Nha, vốn không có ASF, nhờ các quy định ít rắc rối của nước này trong các lĩnh vực như quy hoạch và sử dụng phân. Được biết, Trung Quốc tính đến nay là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với các sản phẩm từ heo của EU, chiếm khoảng 56% doanh số bán hàng.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA