Thủ đô Indonesia có thể không phải là nơi làm ăn dễ dàng nhất – thành phố bị ùn tắc giao thông kinh niên, và đầy dẫy những thủ tục rườm rà, quan liêu.
Nhưng bất chấp những rắc rối đó, Jakarta gần đây đã trở thành một trong những trung tâm khởi nghiệp sôi động nhất Đông Nam Á.
Indonesia tự hào có bốn kỳ lân – các công ty khởi nghiệp được đánh giá một tỷ USD trở lên – và là nơi tiếp nhận vốn mạo hiểm lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.
Các công ty vốn mạo hiểm đã bơm 1,4 tỷ USD vào 123 giao dịch trong năm 2016, tăng gấp đôi giá trị các cam kết của họ trước đó một năm, theo hãng tư vấn AT Kearney và Google. Giá trị giao dịch nhiều khả năng lại tăng gấp đôi trong năm 2017.
“Bây giờ chúng ta đang chứng kiến một sự gia tăng nhất quán các startup,” Ridzki Syahputera, giám đốc phát triển công ty của Convergence Ventures, một hãng vốn mạo hiểm trong nước, nhận định.
“Tôi cho rằng Jakarta đạt được sự tín nhiệm thị trường nhất định để nhận được tài trợ. Các doanh nhân tin rằng họ có thể nhận tài trợ, trong khi năm năm trước, họ chỉ mới nghĩ rằng, chỉ khi tôi thực sự là người giỏi nhất tôi mới có cửa huy động vốn thành công.”
Chính tiềm năng thị trường của Indonesia đã kích thích các nhà đầu tư quốc tế. Đất nước có dân số đông thứ tư trên thế giới, với trên 260 triệu người, 60% trong số đó dưới 40. Họ còn nhạy bén về kỹ thuật số: sở hữu smartphone sẽ đạt 78% dân số vào năm 2020.
Không như những đất nước có thị trường nội địa nhỏ hơn như Singapore hoặc Hàn Quốc, cảnh tượng khởi nghiệp của Indonesia đang được tập trung vào phân khúc người tiêu dùng.
Các kỳ lân của nước này đều lấy người tiêu dùng làm trung tâm: Tokopedia và Bukalapak là những công ty thương mại điện tử, trong khi Go-Jek khởi nghiệp bằng một hãng taxi công nghệ và hiện nay là một nền tảng đặt hàng đủ thứ dịch vụ hàng ngày. Travelika là một dịch vụ du lịch trực tuyến.
Làn sóng startup sắp tới tập trung vào các dịch vụ phụ thuộc như thanh toán, hậu cần và công nghệ quảng cáo. Và trong khi sự nông cạn của các thị trường vốn của Indonesia có nghĩa là một chiến lược rút lui bằng cách niêm yết là không khả thi đối với hầu hết startup, các kỳ lân của đất nước hiện nay đang đóng vai trò của các công ty mua lại các doanh nghiệp mới đó – tiếp thêm sinh lực cho hệ sinh thái ở thủ đô của đất nước.
Sự thúc đẩy biến Indonesia thành nền kinh tế số lớn nhất vùng của Tổng thống Joko Widodo góp phần tạo thêm đà cho phát triển. Chính phủ của ông đang hỗ trợ một phát kiến nuôi dưỡng 1.000 startup vào năm 2020 với tổng định giá là 10 tỷ USD, và phát kiến này đóng một vai trò then chốt trong chương trình Nexticorn nối kết các startup triển vọng của nước nhà với các nhà đầu tư quốc tế, tạo thêm một tầng vốn nữa.
“Tôi khá hài lòng với tình hình đang diễn ra, cách mà Jakarta phát triển thành một đô thị,” Benedicto Haryono , đồng sáng lập, CEO của dịch vụ cho vay đồng đẳng trực tuyến KoinWorks.
Được thành lập năm 2015, công ty là một trong nhiều startup fintech đang nổi lên trong thành phố. Nhưng anh nói thêm về những vấn đề tồn tại. “Thuê người vẫn là một thách thức. Tài năng rất thiếu, Haryono nói. “Nếu bạn có tiền, vâng, bạn có thể thuê, nhưng nếu bạn phải cạnh tranh thuê người với những đối thủ như Go-Jek, khó quá trời.”
Vấn đề này “không thể khắc phục qua một đêm”, Shekhar Chauhan, giám đốc của AT Kearney, nói. Theo hãng tư vấn này, Indonesia đào tạo chỉ được 278 kỹ sư trên một triệu dân mỗi năm, thua xa các nước trong vùng như Malaysia hoặc Thái Lan với mức đào tạo trên một ngàn.
“Một trong những khuyến nghị chúng tôi đưa ra là tạo thuận lợi để thu hút tài năng từ nước ngoài, một vấn đề khác ở Indonesia,” Chauhan nói. Indonesia cảnh giác với việc đưa lao động kỹ năng nước ngoài vào vì lo ngại điều đó lấy mất các cơ hội việc làm đối với lực lượng lao động trẻ của họ.
Vừa muốn có số lượng lớn các startup săn tiền mà vừa không đủ tài năng đang làm cho các nhà đầu tư quan ngại, ông nói thêm. “Đó là chỗ họ có thể phá rào cản,” Chauhan nói.
Trần Bích (theo Nikkei)