Cuộc điều tra bình chọn HVNCLC 2019 do Hội DN HVNCLC chủ trì thực hiện đã chính thức khép lại sau ba tháng điều tra. Sau một tháng tiếp nhận hồ sơ minh bạch và cập nhật thông tin của doanh nghiệp, đồng thời tiếp nhận ý kiến phản hồi từ các cơ quan quản lý kinh doanh các địa phương mà doanh nghiệp đăng ký, Hội DN HVNCLC đã tìm ra 542 doanh nghiệp chính thức đạt danh hiệu HÀNG VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO 2019 DO NGƯỜI TIÊU DÙNG BÌNH CHỌN.
Cuộc điều tra với 270 phỏng vấn viên trên toàn quốc cùng với 60 quản lý, giám sát vùng đã thực hiện phỏng vấn trực tiếp 12.000 hộ gia đình và 5.400 điểm bán tại 12 tỉnh, thành phố là những trung tâm kinh tế trọng điểm của bốn vùng kinh tế (miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ).
Ngoài ra, cuộc điều tra năm nay đã nâng cấp việc thăm dò online với App chuyên dụng và kết quả thu được gần 4.000 ý kiến trả lời, là người tiêu dùng cả nước, từ các đô thị lớn và cũng có cả các bạn trẻ từ vùng cao và biên giới phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Đắk Lắk…)
23 năm là một hành trình không ngơi nghỉ của HVNCLC. Từ hành trình đó, rất nhiều doanh nghiệp, nhiều thương hiệu đã vươn lên, bay cao, bay xa. Nhiều thông tin bổ ích từ cuộc khảo sát, sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn cận cảnh về một “chân dung thị trường” trong cơn chuyển động, tác động của làn sóng công nghệ sinh ra từ cách mạng 4.0.
Và, có một thực tế không thể bỏ qua, đó là hàng hoá ngày nay muốn bán được, muốn đi xa và lên được kệ hàng thế giới, bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn với sự hỗ trợ mang tính quyết định của công nghệ. Đó phải chăng là đôi cánh chắp cho hàng Việt bay ra thị trường thế giới thành công?
Đó là lý do tại sao Lễ công bố HVNCLC 2019 chọn chủ đề: “Số hoá – Chuẩn hoá – Chinh phục thị trường”.
Cuộc điều tra HVNCLC 2019 hé lộ nhiều thông tin mới, phong phú về thị trường, cần thiết cho việc kinh doanh của doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát cho thấy siêu thị là nơi được người tiêu dùng ưng đến nhất khi chọn mua nhu yếu phẩm, văn phòng phẩm, đồ gia dụng. Kế đến là hệ thống cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện lợi (bao gồm tạp phẩm của hộ gia đình). Chợ truyền thống tuy có giảm vị thế ở một số mặt hàng, nhưng vẫn chiếm ưu thế ở ngành hàng thực phẩm tươi sống. Kênh trực tuyến dù đứng cuối bảng, nhưng vẫn cho thấy xu hướng mua sắm online ngày càng khởi sắc, nhất là hàng may mặc, mỹ phẩm, văn phòng phẩm, điện tử… hầu hết phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trẻ.
Theo kết quả khảo sát, sản phẩm trong nước vẫn chiếm ưu thế trên thị trường với tỷ lệ đa số NTD vẫn yêu thích và thường mua dùng (89% và 93%). Tuy nhiên, tỷ lệ NTD yêu thích sản phẩm ngoại nhập từ kết quả khảo sát ba năm gần đây vẫn cao hơn tỷ lệ mua dùng hiện tại. Với xu thế này, có thể trong tương lai gần tỷ lệ mua dùng sẽ tiếp tục có sự chuyển dịch sang các sản phẩm ngoại nhập, nhất là hàng của Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, có 88% NTD nhận biết logo HVNCLC – do NTD bình chọn, kế đến là chứng nhận ISO, VietG.A.P, HVNCLC – Chuẩn hội nhập… với gần 90% người tiêu dùng đồng tình với quan điểm “sản phẩm đạt các chứng nhận tiêu chuẩn làm tôi yên tâm khi mua dùng” .
Kết quả khảo sát cho thấy yếu tố chất lượng (mà người tiêu dùng cảm nhận như ngon/hợp khẩu vị; bền/chất liệu tốt) và tính an toàn khi sử dụng là hai yếu tố được NTD hiện nay quan tâm hơn cả. Kế đến mới là các yếu tố thông tin sản phẩm rõ ràng, dễ tìm mua hay thương hiệu nổi tiếng. Các yếu tố giá cả, khuyến mãi chỉ còn sức hút với một bộ phận nhỏ NTD và không còn là yếu tố lựa chọn tiên quyết.
Thị trường thực phẩm hữu cơ – Tiềm năng lớn. Theo báo cáo mới nhất của trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (bộ Công thương). Việt Nam có 33/63 tỉnh, thành phố đã tiếp nhậnphát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, diện tích đạt hơn 76.600ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010. Khoảng 60 tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ – lĩnh vực được xem là có nhiều thuận lợi để phát triển ở Việt Nam. Theo một báo cáo của Nielsen trong năm 2018, 37% người tiêu dùng Việt nói rằng sức khoẻ là mối bận tâm lớn nhất của họ.
Hàng hóa không có tiêu chuẩn: “Rớt từ vòng gửi xe”. Vì thiếu tiêu chuẩn nên rất nhiều nông sản, thực phẩm Việt Nam dù có chất lượng tốt vẫn phải chịu cảnh “rớt từ vòng gửi xe” khi tìm đường hội nhập”.
Tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu dùng nông sản thực phẩm Việt chất lượng cao” do Hội DN.HVNCLC tổ chức cuối năm 2018, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà xuất khẩu cũng như các nhà phân phối trong và ngoài nước cùng nhận định hàng Việt muốn chinh phục nhà phân phối, chinh phục người tiêu dùng, muốn đi xa, đi vững thì phải có tiêu chuẩn. Nếu giới thiệu một sản phẩm tốt nhưng không có bất kỳ chứng nhận tiêu chuẩn nào thì chắc chắn các nhà phân phối, các đối tác nước ngoài sẽ lắc đầu, thậm chí họ không muốn nghe. Trong bối cảnh hội nhập, vai trò của tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế về an toàn, chất lượng là rất quan trọng đối với sản phẩm, hàng hoá. Do vậy, muốn cạnh tranh, xuất khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi cách tiếp cận, đó là phải làm theo tiêu chuẩn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu…
Các điểm bán lẻ được công nghệ hóa. Nhiều chủ tiệm tạp hoá (trực tiếp và trực tuyến) bắt đầu hiểu vai trò của dữ liệu khách hàng, giá trị thương hiệu và khả năng kiểm soát giá trị doanh nghiệp. Mô hình “tiệm tạp hoá” tại Việt Nam đang thay đổi, dù nhỏ nhưng nhiều tiệm tạp hoá bắt đầu quan tâm việc tối ưu hoá kinh doanh: không còn giữ nhiều vốn lưu động để tăng tồn kho, quan tâm đến dòng tiền ra – vào hiệu quả, cẩn thận hơn trong việc lựa chọn nhà cung cấp, chú ý chọn sản phẩm có tính thanh khoản… Họ tìm nguồn cung cấp rẻ, ổn định và các cơ hội mua bán trên mạng để tăng doanh số.
Phát biểu về lễ công bố, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho biết: “Sau gần 3 năm triển khai Bộ tiêu chí HVNCLC Chuẩn hội nhập cho ngành thực phẩm, đến nay đã có 88 doanh nghiệp trong lĩnh vực này đạt danh hiệu HVNCLC – Chuẩn hội nhập. Năm 2019, Hội sẽ cho ra mắt Bộ tiêu chí HVNCLC Chuẩn hội nhập cho ngành phi thực phẩm, sau khi đã xây dựng, tham vấn các doanh nghiệp, tổ chức, chuyên gia trong ngành….
Hai bộ tiêu chí này sẽ là lợi thế, điểm tựa về chất lượng kỹ thuật, là lời cam kết vững chắc về chất lượng để cạnh tranh với hàng của các nước Asean đang tràn ngập và cả cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu, nhất là khi CPTPP mang lại cơ hội mới”.
Bà Vũ Kim Hạnh cho biết thêm, CPTPP có hiệu lực, sân chơi mới mở ra, nhưng cũng đồng thời sẽ khép lại những cơ hội nếu doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng. Bộ tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập triển khai hơn hai năm qua, Bộ tiêu chuẩn LocalG.A.P sẽ triển khai trong năm 2019, Chương trình hợp tác với bộ Khoa học và công nghệ hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp làm tiêu chuẩn, Diễn đàn Mekong Connect mở rộng từ 2019, Chuỗi hội chợ trong ngoài nước cùng các bBusiness trip… đã và sẽ là những hoạt động trọng tâm của Hội Doanh nghiệp HVNCLC, nhằm nâng tầm hàng Việt.
Trần Quỳnh