Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chào đón các đại biểu tham dự diễn đàn
Sáng nay 21/12, Diễn đàn Mekong Connect 2020 với chủ đề “Đưa sản phẩm dịch vụ Đồng bằng sông Cửu Long vào chuỗi giá trị toàn cầu” chính thức khai mạc tại TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp.
Mekong Coonect 2020 có sự tham dự của:
  • Ông Huỳnh Thành Đạt – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Ông Lê Minh Hoan – Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh
  • Các chuyên gia trong và ngoài nước cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố ABCD – Mekong 
Bên cạnh đó, Diễn đàn năm nay có sự tham gia của 700 chủ doanh nghiệp, CEO, CFO, giám đốc các bộ phận, quản lý cấp trung các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ, xuất nhập khẩu, các startup muốn phát triển sản phẩm từ nguồn tài nguyên địa phương, các doanh nghiệp muốn phát triển thị trường, các nhà mua hàng quốc tế…
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Quốc Phong – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, liên kết được xem là một trong những chìa khóa quan trọng để đi đến thành công. Tuy nhiên, việc liên kết chưa đạt như mong đợi được xem là điểm nghẽn của nền kinh tế, đặc biệt là trong liên kết vùng.

https://bsaonline.vn/phat-bieu-cua-lanh-dao-tinh-dong-thap-tai-phien-khai-mac-mekong-connect-2020/

Một trong những chủ đề chính của phiên thảo luận sáng nay xoay quanh các lợi ích và cơ hội mà hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) mang lại đối với các sản phẩm nông nghiệp và quá trình phát triển của ĐBSCL trong tương lai.
Thuế quan giảm, nhưng hàng rào kỹ thuật gia tăng
Thương mại song phương Việt Nam – EU đã có bước tiến triển lớn trong thập niên qua. Tổng kim ngạch hai chiều đã tăng lên 45 tỷ euro trong năm 2019, so với con số 10 tỷ euro trong năm 2009. Xuất khẩu sang thị trường châu Âu hiện chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, giúp giảm bớt hàng rào thuế quan với 71% tổng giá trị hàng Việt Nam xuất sang EU. Trong vòng một thập niên tới, con số này sẽ lên đến 99%.
Thuế suất đối với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sẽ xuống thấp gần bằng zero trong vòng 10 năm tới. Chẳng hạn như các mặt hàng thủy có thuế suất đến 85% trong năm 2020 này sẽ giảm xuống gần 0% trong năm 2023. Trong khi đó, thuế suất đối với các loại nông sản sẽ giảm dần theo lộ trình tiệm tiến: từ 65% trong năm 2020 xuống còn 31% trong năm 2023 và dưới 5% trong năm 2030.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thực hiện đầy đủ EVFTA sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng 12% trong giai đoạn 2021 – 2030. Riêng với trái cây, tỷ lệ tăng trưởng là 20% nhờ vào EVFTA, mở ra cánh cửa thâm nhập thị trường mới cho nông dân, nhà sản xuất và nhà xuất khẩu ở ĐBSCL.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu trong năm 2019 của Việt Nam đạt 264,19 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước đó, xuất siêu hơn 11 tỷ USD. Việt Nam cũng đạt mức xuất siêu kỷ lục trong 11 tháng của năm 20,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%.
Ngoài việc giúp tăng xuất khẩu hàng Việt Nam sang EU, hiệp định EVFTA cũng giúp bảo vệ tốt hơn hàng hóa đối với hàng nhái hay hàng giả trên thị trường EU thông qua điều khoản về chỉ dẫn địa lý (GI). Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Eurocham, cho biết hiện có 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo vệ ở châu Âu. Trong số này có các sản phẩm của ĐBSCL như vú sữa Vĩnh Kim hay muối biển của Bạc Liêu.
Các diễn giả trong phiên thảo luận sáng của Mekong Connect 2020 cũng chỉ ra rằng một khi hàng rào thuế quan được giảm bớt thì các hàng rào kỹ thuật khác lại được dựng lên. Và đây là những thách thức mới đối với hàng hóa và dịch vụ của đồng bằng muốn vào thị trường EU.
Bà Bùi Kim Thùy từ Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN nói: “Kiểm dịch động thực vật, thuế chống phá giá, thuế chống lẩn tránh, các biện pháp tự vệ lại là những rào cản được đẩy lên, thay thế cho các mức thuế hạ của FTA”.
Ông Nguyễn Hải Minh nói thị trường EU đòi hỏi các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và các sản phẩm lưu thông trên thị trường 450 triệu dân này phải đáp ứng tiêu chuẩn của khối EU về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, vệ sinh và phát triển bền vững. “Nhưng đáp ứng được các tiêu chuẩn này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiến xa hơn và củng cố vị trí, gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng thực phẩm”, ông nói.
Cải thiện hạ tầng, nâng cao năng lực quản
Ngoài việc giúp sản phẩm và dịch vụ nâng chuẩn, ông Nguyễn Hải Minh tin rằng EVFTA giúp nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và năng lực quản lý của đồng bằng.
Phó Chủ tịch Eurocham nói hiệp định EVFTA sẽ giúp tăng dòng chảy hàng hóa bởi các doanh nghiệp cả hai bên sẽ tìm cách tận dụng và xâm nhập thị trường ưu đãi và thuế suất đang giảm dần. Điều này đòi hỏi các mạng lưới vận chuyển và hạ tầng logistics hiện đại. Vì thế, các cảng ở các tỉnh ở khu vực láng giềng như TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm dòng lưu thông hàng hóa thông suốt và tận dụng hết các ưu đãi của EVFTA. “Vì vậy, nâng cấp mạng giao thương vùng giữa các trung tâm logistics này và khu vực ĐBSCL có thể giúp tăng xuất khẩu và giảm chi phí cho doanh nghiệp”, ông nhận định.
Ông Minh cũng tin EVFTA cũng giúp nâng cao năng lực quản lý. Chính phủ Việt Nam trong nhiều thập niên qua đạt được tiến bộ lớn trong việc tinh giản và hiện đại hóa thủ tục hải quan và quy trình xuất nhập khẩu. Tăng cường cải tiến ở lĩnh vực này sẽ khuyến khích gia tăng đầu tư nước ngoài (FDI) từ các công ty châu Âu và tăng kết nối các sản phẩm và dịch vụ của ĐBSCL vào thị trường quốc tế và thương mại toàn cầu.
EVFTA cùng những hiệp định thương mại khác tạo những cơ hội mới cho Việt Nam trong bối cảnh mới – theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. “Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới đang chao đảo, mọi người đang xem xét và sắp xếp lại các chuỗi cung ứng. Cùng với đó là việc thay đổi và củng cố các mối quan hệ và đối tác. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ có các cơ hội để lấp vào những chỗ trống của các sự thay đổi. Đối với nông nghiệp, sự thiếu hụt của lương thực trên toàn cầu sẽ tạo ra những cơ hội nhất định cho Việt Nam, tuy nhiên thì những thách thức vẫn còn ở đó”, chuyên gia phát biểu
Bà nói rằng thị trường EU đặt ra tiêu chuẩn và chất lượng cao và doanh nghiệp Việt sẽ bị lãng quên trong thị trường mênh mông đó. “Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không cố gắng thì các thị trường EVFTA và CPTPP cũng sẽ quên Việt Nam. Đây sẽ là một điều mất mát vì sự thay đổi từ Việt Nam và các thị trường đã gặp nhau, tạo ra những cơ hội và sự phát triển rất lớn để vươn lên. Việt Nam đi vào những thị trường dễ tính sẽ tự kiềm hãm mình ở mức thu nhập trung bình, nếu cứ tiếp tục làm gia công và các sản phẩm giá trị gia tăng thấp. Đây là những lo lắng lớn nhất của tôi”, bà nhấn mạnh.
Cũng tại Diễn đàn Mekong Connect 2020, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao đã trao chứng nhận Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao – Chuẩn hội nhập cho 16 doanh nghiệp ở 2 lĩnh vực là thực phẩm và phi thực phẩm.
Ngành Thực Phẩm
  1. CÔNG TY TNHH NEW CHOICE FOODS
  2. CÔNG TY TNHH NƯỚC GIẢI KHÁT QUỐC TẾ THÁI DƯƠNG
  3. CÔNG TY CỔ PHẦN SX THỰC PHẨM ANH KIM
  4. CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN GIA BẢO
  5. CÔNG TY TNHH LIÊN KẾT THƯƠNG MẠI TOÀN CẦU
  6. CÔNG TY CỔ PHẦN DINH DƯỠNG KHÁNH HÒA
Ngành Phi Thực Phẩm
  1. CÔNG TY TNHH ĐIỆN GIA DỤNG HOÀNH KIẾN ĐẠT – LONG AN
  2. CÔNG TY CỔ PHẦN XUẤT NHẬP KHẨU NAM THÁI SƠN
  3. CÔNG TY CỔ PHẦN SƠN JYMEC VIỆT NAM
  4. CÔNG TY TNHH SX DECAL VĨNH AN – LONG AN
  5. CÔNG TY TNHH DI ĐẠI HƯNG
  6. CÔNG TY TNHH NTPM VIỆT NAM
  7. CÔNG TY TNHH NHỰA – CƠ KHÍ VÀ THƯƠNG MẠI CHẤN THUẬN THÀNH
  8. CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI SẢN XUẤT XÂY DỰNG THÀNH CÔNG THÀNH
  9. CÔNG TY TNHH SX DECAL VĨNH AN – LONG AN
  10. CÔNG TY CỔ PHẦN XUẤT NHẬP KHẨU NAM THÁI SƠN
B.S.A