Sáng 7/11, Diễn đàn Mekong Connect 2019, có chủ đề “Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng, tăng cường hội nhập thị trường” chính thức diễn ra tại Nhà hàng – Khách sạn Vạn Phát 1, TP.Cần Thơ. Đây là diễn đàn kinh tế lớn nhất ĐBSCL, thu hút hơn 700 đại biểu đến từ các bộ ngành trung ương, lãnh đạo các địa phương ABCD, các chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, nông dân, các cơ quan thông tấn báo chí, doanh nghiệp khởi nghiệp… và sinh viên các trường Đại học tham dự.

Diễn đàn năm nay có cách nhìn, cách tiếp cận nhằm thay đổi nền nông nghiệp từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế” theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển ĐBSCL bền vững thích ứng biến đổi khí hậu và xu thế thị trường.

Ra đời từ sáng kiến của mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (viết tắt của An Giang- Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp), Mekong Connect – CEO forum là diễn đàn thường niên dành cho doanh nhân, nông dân, nhà quản lý chính quyền, các chuyên gia trong và ngoài nước. Chương trình được Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao phối hợp với lãnh đạo 4 địa phương ABCD tổ chức, cùng với đó là sự hỗ trợ của Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC.

Ngoài chủ đề chính ““Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng, tăng cường hội nhập thị trường”, Diễn đàn Mekong Connect 2019 còn có 4 nhóm đề tài sẽ được thảo luận trong buổi chiều cùng ngày, gồm “Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản đồng bằng”, “Bắt mạch xu huớng thị trường, định hướng cho nông sản đồng bằng”, Ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị”, “Liên kết khởi nghiệp và phát triển trên nền tài nguyên bản địa”.

Ông Lê Minh Hoan – Ủy viên BCH TW Đảng – Bí thư Tỉnh uỷ Tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại diễn đàn. Theo ông, với sự hỗ trợ của Hội DN HVNCLC, các tỉnh ABCD có thêm sự liên kết chặt chẽ, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp 4 tỉnh, từng bước hướng tới việc liên kết toàn vùng.

Ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao diễn đàn Mekong Connect lần này. Theo ông, Diễn đàn là cơ hội tốt để kết nối các CEO, các doanh nghiệp với hộ nông dân, HTX, nhà khoa học, tổ chức tín dụng và kết nối giữa các khu vực tư nhân với nhà nước. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục đồng hành với ĐBSCL để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu thị trường theo đúng tinh thần Nghị quyết 120 năm 2017 của Chính phủ. Bộ cũng sẽ đồng hành với các tỉnh, thành khu vực này thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp tăng cường sự kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bà Bùi Kim Thùy – Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN phát biểu và chia sẻ về các hiệp định thương mại tự do và triển vọng thương mại của nông sản ĐBSCL.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch CLB Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) chia sẻ về những câu chuyện về Hội nhập kinh tế và phát triển bền vững. Tập trung vào sự chủ động và kiến tạo, các tiềm lực đầu tư vào hạ tầng cũng như ngành nông nghiệp ở ĐBSCL, công nghệ, logistics… Phát triển liên kết vùng ĐBSCL để phát triển kinh tế cả nước chứ không chỉ riêng khu vực này.


Bà Nguyễn Thanh Bích Thùy – Thành viên Hội đồng quản trị độc lập – Tập đoàn Novaland phát biểu chia sẻ về “Kích hoạt du lịch ĐBSCL để thích ứng với biến đổi khí hậu”. Theo bà Thùy, ĐBSCL sẽ trở thành “Điểm đến du lịch miền sông nước số 1 của châu Á”, qua đó tạo ra 300.000 việc làm mới, thu tới 4 tỉ USD chi tiêu trực tiếp từ du khách vào năm 2030. Các địa phương ở ĐBSCL phải đầu tư vào hạ tầng, khi lưu trú, các dịch vụ ngay từ lúc này để đáp ứng nhu cầu 19 triệu khách lịch qua đêm, trong đó có 30% là khách quốc tế. Và Novaland chính là một trong những tập đoàn có thể hợp tác với các tỉnh, thành để đầu tư, đồng bộ cho hạ tầng.


Đại sứ Isreal Nagdav Eshcar đã tham dự tất cả các kỳ Mekong Connect từ khi ông nhận nhiệm vụ ở Việt Nam. Tại Mekong Connect 2019, ông chia sẻ về “Công nghệ hỗ trợ và ứng dụng tốt cho nông nghiệp Việt Nam, từ góc nhìn công nghệ Israel. Ông giới thiệu 4 công nghệ mới là nấm Mycorrhizal Fungi, có quan hệ cộng sinh với bộ rễ của cây. Nhiệm vụ chính của loại nấm này là hấp thu khoáng chất trong đất từ những nơi cây không với tới được. Công nghệ thứ 2 là ứng dụng quản lý trang trại thông minh dựa vào thiết bị thông minh. Người nông dân không có thói quen sử dụng ứng dụng thông minh và máy tính nhưng nếu sử dụng điện thoại di động thì rất tiện lợi. Công nghệ thứ 3 là nuôi tôm trong nhà kính và công nghệ thứ 4 là thu hoạch nông sản bằng máy bay không người lái. Công nghệ này đang được một công ty ở Israel phát triển và sẽ phổ biến trong thời gian tới.


Các chuyên gia, diễn giả tham gia thảo luận về “Những bước tiến mới trong định hướng phát triển bền vững cho ĐBSCL hội nhập”.


Tại sự kiện, Hội DN HVNCLC đã trao chứng nhận HVNCLC – Chuẩn hội nhập cho 24 DN thuộc 2 ngành thực phẩm và phi thực phẩm. Sau 3 năm xây dựng và tổ chức chương trình “HVNCLC – Chuẩn hội nhập”, đến nay đã có 142 DN đạt được chứng nhận này.