Sáng 18/12, tại Hội trường Đại học An Giang, TP Long Xuyên, An Giang, phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Connect 2024 đã diễn ra với hơn 600 đại biểu là các đại diện ngoại giao, lãnh đạo trung ương, địa phương, các doanh nhân và các nhà khoa học, các chuyên gia đa lĩnh trong và ngoài nước.
Phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Connect có sự tham dự của nhiều lãnh đạo trung ương và địa phương: Ông Huỳnh Thành Đạt – Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Phan Văn Mãi- Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; Ông Trương Quang Hoài Nam – Phó Trưởng ban đối ngoại TW; Ông Lê Hồng Quang – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh An Giang; Ông Kayzad Namdarian, Lãnh sự Kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP.HCM… cùng lãnh đạo nhiều bộ ngành, TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL.
An Giang sẵn sàng hợp tác, chia sẻ có trách nhiệm
Phát biểu khai mạc phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Connect 2024, ông Hồ Văn Mừng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định: “Diễn đàn Mekong Connect là Diễn đàn kinh tế thường niên lớn nhất vùng ĐBSCL, mang ý nghĩa hết sức tích cực vừa là hoạt động thường niên dành cho doanh nhân, doanh nông, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia. Đồng thời, cũng là mục tiêu gắn kết, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế – xã hội giữa các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL với TP.HCM”.
Theo Chủ tịch tỉnh An Giang, Diễn đàn Mekong Connect 2024 với chủ đề “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới” là cơ hội tốt để tỉnh An Giang giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của tỉnh: Nông nghiệp, du lịch và kinh tế biên mậu theo quy hoạch của tỉnh được duyệt, thúc đẩy liên kết vùng và sự ủng hộ của Trung ương để đầu tư phát triển kinh tế các khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh.
Bên cạnh đó, tăng cường sự kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác giữa tỉnh An Giang với TP.HCM và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành liên kết chuỗi giá trị, nắm bắt xu hướng thị trường, định hướng cho nông sản, ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản và tăng cường hội nhập thị trường.
“Thông qua Diễn đàn lần này, tỉnh An Giang mong muốn chuyển thông điệp mạnh mẽ đến với Lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TP.HCM, các đối tác, các nhà đầu tư trong và ngoài nước là “An Giang sẳn sàng hợp tác và chia sẻ có trách nhiệm với tất cả các bên trong tất cả các lĩnh vực từ việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hợp tác phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh yếu tố liên kết vùng, phát triển các hạ tầng giao thông, thủy lợi, quản lý nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”” – ông Hồ Văn Mừng nhấn mạnh.
7 định hướng công nghệ
Bộ Khoa học & Công nghệ luôn quan tâm đến việc hoạch định chính sách và chiến lược phát triển của TP.HCM và ĐBSCL nói chung và diễn đàn Mekong Connect nói riêng. Phát biểu tại phiên toàn thể ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, khẳng định: “Mekong Connect là một diễn đàn thường niên uy tín, là cầu nối vững chắc giữa các tỉnh vùng ĐBSCL với TP.HCM và cả nước. Tôi ghi nhận và đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn với cách làm sáng tạo, có tính kế thừa, có mục tiêu rõ ràng để giải quyết các vấn đề thực tiễn.”
Vùng ĐBSCL gồm 13 địa phương, trong đó có 6 địa phương thuộc nhóm 30 địa phương dẫn đầu cả nước về “Chỉ số Đổi mới sáng tạo địa phương (PII) do Bộ KH&CN công bố năm 2023”.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, ĐBSCL được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng với những cánh đồng lúa rộng lớn, hệ sinh thái thủy sản phong phú và nguồn lao động dồi dào, là trụ cột quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sụt lún đất và áp lực cạnh tranh toàn cầu.
“Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng sự liên kết chặt chẽ giữa ĐBSCL và TP.HCM – là trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ hàng đầu của cả nước, chính là chìa khóa để vượt qua các thách thức, tối ưu hóa nguồn lực và gia tăng giá trị cho vùng” – Bộ trưởng KH&CN nói.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, để đạt được các mục tiêu, ý tưởng phát triển bền vững, các địa phương Vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động gắn với KHCN&ĐMST với các 7 định hướng:
Một là, chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham mưu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo theo hướng thí điểm các cơ chế mới, cơ chế đặc thù để triển khai các hoạt động theo chiều sâu.
Hai là, tiếp tục triển khai các hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại các địa phương trong Vùng, gắn với các lĩnh vực khai thác tốt thế mạnh của Vùng.
Ba là, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Bốn là, các cơ quan, đơn vị, các trường Đại học trong vùng tiếp tục quan tâm tới chương trình, nâng cao chất lượng của các đề xuất, cần tập trung đề xuất trúng vấn đề, đúng tầm của nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia.
Năm là, các địa phương, trường/việc, các tổ chức KH&CN có thể tham gia đề xuất các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN để góp phần đẩy nhanh mục tiêu phát triển bền vững của Vùng.
Sáu là, để thúc đẩy kết nối, hợp tác phát triển Vùng ĐBSCL với TP.HCM và cả nước thì trước hết cần quan tâm đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trong đó vấn đề nghiên cứu sử dụng các nguồn vật liệu thay thế nguồn tài nguyên vật liệu tự nhiên (cát, đá, sỏi, …) đang dần cạn kiệt như sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón.
Bảy là tăng cường liên kết vùng, nâng cao nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho hoạt động KHCN&ĐMST.
Australia cam kết xây dựng năng lực con người ĐBSCL
Australia là một đối tác quan trọng và gắn bó lâu năm với ĐBSCL trong các dự án phát triển bền vững. Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Connect 2024, ông Kayzad Namdarian, Lãnh sự Kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP.HCM, cho biết Australia nhìn nhận ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong tầm nhìn chung của Australia với Việt Nam – hướng tới một khu vực cởi mở, ổn định và thịnh vượng. “ĐBSCL là khu vực địa lý quan trọng đối với mối quan hệ Australia – Việt Nam và Australia tự hào đã đầu tư hơn 650 triệu đô la kể từ năm 2000” – ông Kayzad Namdarian nói.
Cũng theo ông Kayzad Namdarian, nhận thức được những rủi ro về khí hậu đối với ĐBSCL, Australia đang mở rộng danh mục hợp tác của mình trong cả lĩnh vực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu bao gồm: một chương trình song phương mới – Aus4Adaptation (75 triệu đô la Úc trong 10 năm) – sẽ tập trung vào việc thích ứng với biến đổi khí hậu để giải quyết những thách thức của ĐBSCL trong những năm tới; 17 triệu đô la (từ năm 2023-2028) vào việc chuyển đổi canh tác lúa ở ĐBSCL sang sản xuất lúa phát thải thấp và bền vững, hỗ trợ mục tiêu canh tác 1 triệu ha lúa phát thải thấp và chất lượng cao của Việt Nam.
Ngoài ra, Australia còn có các chương trình hợp tác nông nghiệp lâu dài với Việt Nam, như Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) đã hoạt động tại ĐBSCL trong hơn 30 năm, hợp tác với các viện nghiên cứu địa phương (bao gồm cả Đại học Cần Thơ) để phát triển các giống lúa mới có giá trị cao và bảo vệ đất ven biển có giá trị thông qua việc bảo tồn rừng ngập mặn.
“Chúng tôi cũng đang xây dựng năng lực con người ở ĐBSCL. Khoảng 300 người ở khu vực ĐBSCL đã nhận được học bổng để theo học tại các trường đại học của Úc kể từ những năm 1980. Gần 100 lãnh đạo địa phương ở ĐBSCL đã được đào tạo và tham gia các khóa học ngắn hạn” – ông Kayzad Namdarian nói.
Nhấn mạnh bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay, ông Kayzad Namdarian cho rằng, các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu buộc phải triển khai các biện pháp mạnh mẽ hơn và thực hiện các chiến lược ESG của mình. Việc tạo ra nơi làm việc công bằng và toàn diện sẽ là động lực chính cho sự thành công của doanh nghiệp cũng như sự hòa nhập xã hội và kinh tế rộng rãi hơn.
Chính phủ Australia cam kết mạnh mẽ đi đầu trong các nỗ lực trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái và thúc đẩy bình đẳng giới. “Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với các đối tác địa phương như ECUE và Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Kinh doanh (BSA) để ủng hộ việc thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc và giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam. ECUE và BSA được trang bị để cung cấp Dịch vụ Đánh giá chất lượng giới và Chiến lược (GEARS) dành cho các doanh nghiệp tại Việt Nam – công cụ bình đẳng giới đầu tiên và hiện tại là duy nhất tại nơi làm việc được tạo ra dành riêng cho thị trường ASEAN” – ông Kayzad Namdarian khẳng định.
Diễn đàn Mekong Connect năm 2024 diễn ra trong hai ngày 17 và 18/12/2024 tại Đại học An Giang, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, với chủ đề: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng ĐBSCL – TP.HCM và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới”.
Mekong Connect 2024 với sự bảo trợ của Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN, do UBND tỉnh An Giang và UBND TP.HCM đồng tổ chức và chủ trì. Cùng với đó là sự đồng hành của các tỉnh thành: Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang và Vĩnh Long.
Sự kiện được phối hợp thực hiện bởi: Sở Công Thương TP.HCM, Sở Công Thương An Giang, Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, VCCI Đồng bằng sông Cửu Long và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC). Mekong Connect 2024 được điều phối bởi: Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp – BSA.
BSA Media