Các cửa hàng bà Tám – chuỗi cung ứng của bán lẻ truyền thống Việt Nam đến nay vẫn theo mô hình của cách đây 20 năm, so với các nước trong khu vực thì chi phí phân phối nói chung vẫn cao hơn 20 – 30%. Ảnh minh họa

Nếu chọn một ngành, ở đó làn sóng 4.0 ảnh hưởng sớm và mạnh nhất, có thể nói đó là ngành bán lẻ. Cứ xem những doanh nghiệp hàng đầu đã ứng dụng công nghệ vào việc thay đổi cuộc sống hàng ngày của công chúng như Amazon, Alibaba…

Cách cá nhân và hộ gia đình tiếp cận thông tin, mua sắm và giao nhận sản phẩm đã thay đổi đáng kể nhờ công nghệ. Tuy vậy, theo các chuyên gia, chuỗi giá trị bán lẻ và phân phối vẫn chưa định hình. Việt Nam có 600.000 cửa tiệm bán lẻ theo mô hình truyền thống. Những “bà ngoại, bà Tám” tạp hoá cần hiểu rằng, cơ hội ngang bằng cho tất cả mọi quy mô.

Câu chuyện từ bên kia biên giới

Tại một vùng ngoại ô của thành phố Thượng Hải sầm uất, ở một khu dân cư đông đúc, có một cửa hàng tạp phẩm chuyên phục vụ các hộ gia đình xung quanh. Thoạt trông chẳng có gì đặc biệt, nhưng để ý sẽ thấy ông Li Xang không hề đụng tới mấy quyển sổ ghi chép.

Tất cả hàng hoá trong cửa hàng của ông đã được mã hoá, dữ liệu nằm trong một chiếc máy tính để bàn với phần mềm bán hàng được trang bị miễn phí từ một nhà cung cấp JD.com (tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc).

Mọi thông tin từ hàng xuất, nhập, tồn kho mỗi ngày đều được quản lý chính xác, tự động thông báo cho người chủ thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động. Sau khi kết thúc một ngày, có thể biết được lợi nhuận bán hàng cho cửa hàng hôm nay là bao nhiêu, sản phẩm nào sắp hết, sản phẩm nào bán chậm, tồn kho cao…

Cuối ngày ông mở ứng dụng, ngay sau khi xem qua các “KPIs” buôn bán hàng ngày, ông chuyển sang mục “đơn hàng đề nghị”. Lúc này ứng dụng đã giúp ông lên danh sách khoảng 100 sản phẩm cần nhập thêm.Sau khi điều chỉnh số lượng, ông nhấn nút, lập tức đơn hàng gửi ngay đến JD.com.24 giờ sau, hàng được giao, không sai một đơn vị.

Trả tiền cũng thực hiện qua ứng dụng tài chính của JD.com. Ông Li cho biết cách đây hơn hai năm, lúc còn bán hàng theo kiểu cũ, để được mua 100 sản phẩm, ông phải làm việc với nhân viên bán hàng của hơn chục nhà cung cấp đến giao dịch theo lịch.

Câu chuyện của ông Li Xiang không phải cá biệt, mà hiện nay trở thành phổ biến tại Trung Quốc.Các công ty như JD.com đã thay thế các nhà sản xuất phân phối cho kênh truyền thống. Họ không chỉ cung cấp công cụ để người tiêu dùng ngồi nhà đặt hàng, mà còn “can thiệp” vào chuỗi cung ứng đến từng ngõ ngách của thị trường bán lẻ truyền thống.

Các nhà sản xuất Trung Quốc lúc này chia làm hai dạng: hoặc là hăm hở hợp tác vì hệ thống phân phối yếu, chi phí thiết lập cao hơn rất nhiều so với hợp tác với các nền tảng như JD.com, hoặc là khiên cưỡng chấp nhận. Dự đoán, khoảng 50% trong số hơn 7 triệu cửa hàng tạp hoá tại Trung Quốc tham gia chuỗi cung ứng của các nền tảng như JD.com vào năm 2020.

Shoptech cùng doanh nghiệp

Chuyện ở xứ ta

Cách đây hơn một năm, khi Alibaba tuyên bố mua lại Lazada tại thị trường Đông Nam Á, giới bán lẻ bàn tán, nhưng tựu trung nhiều nỗi lo hơn là hào hứng. Nếu phân tích kỹ, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn quá nhỏ so với tham vọng của Alibaba.

Đích đến là thị trường bán lẻ hơn 100 tỷ USD, trong đó bán lẻ theo mô hình truyền thống chiếm hơn 80%. Chuỗi cung ứng của bán lẻ truyền thống Việt Nam đến nay vẫn theo mô hình của cách đây 20 năm, so với các nước trong khu vực thì chi phí phân phối nói chung vẫn cao hơn 20 – 30%. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho những nền tảng công nghệ có thể nhảy vào thay đổi hành vi mua bán của hơn 600.000 “bà Tám” tạp hoá với một chi phí tối ưu hơn.

Trong một hội thảo về bán lẻ gần đây, giám đốc một doanh nghiệp công nghệ đã chia sẻ câu chuyện: cách đây bốn năm, doanh nghiệp của ông đã phát triển một phần mềm quản lý cửa hàng. Ông sẽ tặng cho 200 cửa hàng tạp hoá để trải nghiệm.Điều kiện cho miễn phí này là doanh nghiệp được sở hữu dữ liệu bán hàng.

“Mơ ước” của ông, nếu thành công, doanh nghiệp sẽ nhân rộng để sở hữu cơ sở dữ liệu thị trường theo thời gian thực, kết hợp với các phương pháp phân tích sẽ cung cấp dịch vụ thông tin nghiên cứu thị trường chất lượng cao và giá rẻ. Phần mềm này có thể kết nối cửa hàng với các nhà cung cấp (tương tự cách mà JD.com đã làm), cửa hàng có thể đặt hàng cho các nhà cung cấp kết nối vào hệ thống, thay vì cử nhân viên đến bán hàng theo cách làm lâu nay.

Kết quả của trải nghiệm thất bại. Theo vị giám đốc này, lý do cơ bản là, bên cạnh giải pháp công nghệ của bản thân doanh nghiệp chưa tối ưu, vào thời điểm đó các cửa hàng bán lẻ, các nhà cung cấp chưa sẵn sàng cho cách làm mới. Tuy nhiên ông vẫn tin rằng, xu hướng thương mại điện tử tại Việt Nam cũng sẽ giống như những gì đã và đang xảy ra tại Trung Quốc.

Nghĩa là bên cạnh mô hình thương mại điện tử cho người tiêu dùng, mô hình phục vụ cho người bán lẻ sẽ phát triển.Thị trường vẫn đang chờ một nền tảng tối ưu đến từ đâu đó, để bắt đầu cuộc “cách mạng bán lẻ truyền thống”. Theo cách tính của ông, nền tảng công nghệ nào cho phép chuỗi cung ứng bán lẻ tại Việt Nam đưa mức chi phí bằng với các nước trong khu vực, đã có doanh số tỷ đô.

Các nghiên cứu gần nhất tại thị trường bán lẻ Việt Nam cho thấy, người bán lẻ Việt Nam có sự thích ứng, thay đổi nhanh nhất.Vậy họ cần những xu hướng chính nào để thay đổi? Đó là: dữ liệu khách hàng, giá trị thương hiệu và khả năng kiểm soát chuỗi giá trị doanh nghiệp.

Phan Tuệ