Cơ cấu gạo Việt Nam đang dịch chuyển từ lượng sang chất. Ảnh: Gạo hữu cơ ĐBSCL tham dự hội chợ quốc tế Thaifex 2018. Ảnh: Kim Chi.

Những từ khoá luôn được nhắc tới trong câu chuyện lúa gạo được bàn thảo tại Bến Tre, trong khuôn khổ Mekong Connect 2017: tài nguyên bản địa, giống lúa tối ưu, công nghệ thích ứng, mô hình 2+1 (kênh phân phối, xây dựng nhãn hiệu riêng, chỉ dẫn địa lý), văn hoá gạo, giảm đất lúa…

Vào thời điểm ấy, trường đại học Los Banos, Philippines đã tặng hai giải thưởng lớn cho GS.TS Võ Tòng Xuân, cựu sinh viên xuất sắc nhất, trong lần kỷ niệm 50 năm của trường, gồm: “Giải thưởng vàng dành cho cựu sinh viên xuất sắc nhất” (2017 Golden Jubilarian Award) và “Cựu sinh viên  xuất sắc về kỹ thuật lúa gạo” (2017 Outstangding Uplb Alumni Award for Rice Technology).

Lối mòn không an toàn?

Philippines là nơi đặt trụ sở của viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế, và vấn đề đặt ra ngày xưa, ở Philippines nói tới Saigon Rice, ai cũng biết.“Còn bây giờ mình cứ bàn cãi, nhưng không biết cái nào mới là thương hiệu của mình”, GS Xuân nói.

Gạo là lmặt hàng xuất khẩu chủ lực của Cần Thơ, chiếm 20 – 25% tổng kim ngạch xuất khẩu ở xứ “gạo trắng nước trong”, ông Trương Quang Hoài Nam, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhắc tới sự kiện hơn 412 container gạo bị trả về từ năm 2012 đến 8/2016, do có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Sau đó, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phải tạm dừng xuất khẩu gạo sang Mỹ.

Thời gian gần đây, khách hàng bắt đầu truy xuất nguồn gốc và đến ruộng lúa kiểm tra. “Cần Thơ định hướng làm lúa an toàn, hữu cơ, nhưng bước đầu sẽ làm điểm cánh đồng lúa sạch tại Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai, với diện tích 10.000ha (trong tổng số 80.000ha lúa mỗi vụ), rất mong có sự chia sẻcủa các nhà khoa học, ông Nam nói.

GS.TS Võ Tòng Xuân thấy tiếc khi Cần Thơ mất cơ hội hợp tác liên doanh xuất khẩu gạo (1993 – 1995) do liên doanh gạo Việt – Mỹ tan rã. Lúc đó, liên doanh này dám ký hợp đồng với nông dân mua giá cao, bán giá cao và dự định làm cả gạo đồ, nhưng có lãnh đạo tỉnh lo ngại nói “đưa ông Mỹ này vào thì làm sao doanh nghiệp Việt Nam mua được”.Trong khi đó, cho tới nay doanh nghiệp dám ký hợp đồng với nông dân đếm trên đầu ngón tay.

Tại Cần Thơ, công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao, ADC Group, công ty Gentraco; Đồng Tháp có Co May Group, đang dẫn đầu cuộc bứt phá bằng công nghệ mới theo hai cách: tối ưu hoá các giống gạo bản địa và làm giàu giá trị mới theo chuỗi giá trị.

Nếu công ty Trung An đầu tư 3 triệu USD để hoàn thiện hệ thống tồn trữ, chọn gạo ngon, làm theo quy trình an toàn, Global G.A.P, hữu cơ ở Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Thì ADC vừa phát triển “cánh đồng mơ ước” ở các tỉnh vừa phát triển nhóm thực phẩm chức năng tại nhà máy Phước Thới, Ô Môn, TP Cần Thơ; vừa đầu tư hiện đại hoá kho gạo tại Cần Thơ, vừa đón dòng chảy lúa gạo tại Sa Đéc, xây nhà máy – kho chứa theo tiêu chuẩn quốc tế. Những công ty này đang chuyển từ “trọng cung”, sang “trọng cầu”; chuyển từtối đa hoá số lượng, sang tối ưu hoá sản phẩm.

Từ mô hình canh tác lý tưởng đến đầu tàu Cỏ May

Đồng Tháp có 540.000ha đất lúa, sản lượng lúa hàng năm trên 3,4 triệu tấn. Theo sở Khoa học và công nghệ Đồng Tháp, giai đoạn 2011 – 2016, có 50 kết quả nghiên cứu khoa học cấp tỉnh đã chuyển giao ứng dụng. Trong đó có 15 mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái trên ruộng lúa, với tổng diện tích 454ha, nông dân tham gia; quản lý rầy nâu bằng biện pháp sinh học kết hợp công nghệ sinh thái, sản xuất lúa sử dụng phân hữu cơ, luân canh lúa – tôm, lúa – đậu nành; ứng dụng hệ thống GIS trong quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự tính, dự báo dịch hại trên cây lúa…

Ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Tháp, mời TS Nguyễn Thanh Mỹ, nhà sáng chế – phát minh, khởi nghiệp với ba dự án (Rynan Smart Fertilizer, Rynan Technologies và Rynan Agrifoods) trong lĩnh vực nông nghiệp, về Đồng Tháp xây dựng mô hình “Canh tác lúa lý tưởng” quy mô 7,6ha ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Mô hình tích hợp từng được chia sẻ trong Mekong Connect, gồm: máy cấy lúa hiện đại (vùi phân, thuốc diệt cỏ, diệt ốc…), phân bón thông minh, lắp hệ thống cảm ứng đo mực nước bằng năng lượng mặt trời, kết nối qua điện thoại thông minh (smartphone)… Tới nay, nông dân giảm gần 50% chi phí, tăng hơn 10% năng suất và giảm được 50% lượng phát thải khí nhà kính. Ban giám đốc HTX Mỹ Đông 2 cho biết, sau khi tổng kết mô hình, nông dân tự nguyện tham gia mở rộng sản xuất lúa lên 170ha.

Co May Essential chú ý khâu sau thu hoạch, hiện nay cần “vũ khí” mới, ông Phạm Minh Thiện, CEO Co May Group, nói tới công nghệ mới khi trở lại châu Âu vào tháng 9.2018.

Năm qua, Cỏ May chuyển giao quy trình làm nấm rơm sạch thanh trùng nguyên liệu, chất nấm trong nhà cho nông dân. Với chi phí đầu tư nghiên cứu và chuyển giao cho cộng đồng trên 1 triệu USD, Cỏ May còn làm nước mắm từ nấm rơm, và mở đường cho các sản phẩm giàu dinh dưỡng chưa từng có tham gia thị trường.

Nhà máy chiết xuất tinh dầu từ cám gạo làm mỹ phẩm cũng sử dụng công nghệ EU. Trung bình mỗi ngày, Cỏ May thu mua 300 – 400 tấn cám. Cám gạo giàu gamma oryzanol – hoạt chất oxy hoá cực mạnh, chứ không chỉ là chất béo (16%), theo tính toán của ông Thiện, giá bán phổ biến hiện nay là 7 triệu đồng một kilôgram 1kg. 1 tấn cám gạo cho ra khoảng 2,5kg gamma oryzanol, thu 17 triệu đồng, trong khi giá cám chỉ khoảng 5,2 triệu đồng/tấn. Có thể chiết xuất 14 – 15% tinh dầu, phần còn lại vẫn có thể làm ra sản phẩm cho thức ăn chăn nuôi. Tương tự, nguồn rơm từng bị xem là chất thải, bỏ phế hoặc đốt đồng, khi lọt vào tầm ngắm của Cỏ May, cứ 10kg rơm sản xuất được 1kg nấm, tiền rơm 10.000 đồng, chi phí các loại 20.000 đồng; giá nấm rơm sạch là 160.000 đồng. Còn bã rơm sau khi xay và xử lý vi sinh, được đóng gói bán với giá 60.000 đồng/kg, tính cách nào cũng lời hơn gạo.

Nếu ở Cần Thơ, ADC Pharma đầu tư công nghệ hiện đại và trở thành nơi gia công hoàn thiện sản phẩm cho các đối tác, thì Cỏ May (Đồng Tháp) với cách ứng dụng công nghệ CO2 siêu tới hạn, đã thu hút nhiều công ty Nhật Bản tới đặt hàng. Ông Hiroyuki Takayanagi, công ty Vox Trading; và ông Yuichi Nishzawa, công ty Oryza Corp, tới Cỏ May, nói rằng đã tìm thấy ở Cỏ May đúng nguồn hàng chiết xuất từ nguồn nguyên liệu địa phương.

Hoàng Lan