Thu hoạch và xử lý chuối tại trang trại của Công ty Union Trading (Việt Nam) ở tỉnh Bình Phước. Chuối là mặt hàng trái cây xuất khẩu cao thứ hai của Việt Nam sau thanh long. Ảnh: Union Trading
Trái chuối Việt Nam đã có được chiếc “visa” cần thiết để sang thị trường Trung Quốc hồi tháng 11/2022 khi hai nước ký nghị định xuất khẩu chuối tươi chính ngạch. Tuy vậy, để thong dong con đường chính ngạch, hộ nông dân và doanh nghiệp Việt Nam, phải đáp ứng nhiều điều kiện ngặt nghèo.
Nông dân thu hoạch tại một vườn ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai.
Tại xưởng đóng gói chuối của Công ty TNHH Real Farm thuộc huyện Trảng Bom ở Đồng Nai. Những nải chuối tươi sau khi thu hoạch từ vườn về trải qua một số công đoạn làm sạch, dán nhãn, hút chân không… Sau đó, chuối được đóng gói, đưa thẳng vào container lạnh bảo quản. Real Farm là một trong những đơn vị xuất khẩu chuối tươi tốp đầu của Việt Nam qua thị trường Trung Quốc. Hiện doanh nghiệp này hàng năm xuất qua thị trường Trung Quốc sản lượng dao động từ 1.000 – 1.200 container chuối tươi. Tuy nhiên, Giám đốc Lê Trung Hòa của Real Farm nói rằng có đến trên 60% các doanh nghiệp trồng chuối xuất khẩu ở Đồng Nai hiện nay do người Trung Quốc đứng ra vận hành, trồng, thu mua  và xuất khẩu về quê nhà. Doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh gặp không ít khó khăn.
Đường dài đến thị trường chính ngạch
Ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM, nói rằng người dân nước này có nhu cầu cao về chuối tươi, nhưng thị trường nội địa không cung cấp được nhiều. Đây sẽ là cơ hội cho các nhà xuất khẩu chuối của Việt Nam.Vị tổng lãnh sự cho biết thời gian vận chuyển, xuất khẩu chuối tươi từ Việt Nam tới một số địa phương của Trung Quốc mất khoảng sáu ngày.Doanh nghiệp và chính quyền hai nước cần phải có thêm nhiều trao đổi, phối hợp để cải thiện quá trình xuất khẩu nhanh hơn, đạt chuẩn hơn, ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Công ty TNHH Huy Long An là doanh nghiệp trồng chuối xuất khẩu có vùng trồng ở nhiều địa phương như Long An, Tây Ninh, Đồng Nai… Giám đốc Võ Quan Huy cho rằng để đảm báo các yêu cầu cho chuối xuất khẩu, doanh nghiệp đã đầu tư các hệ thống hiện đại và tự động trong việc chăm sóc, thu hoạch. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tuân thủ triệt để các điều kiện về kiểm dịch, quản lý vùng trồng, quản lý nhà đóng gói…
Ngoài thị trường Trung Quốc, Huy Long An còn xuất chuối tươi qua Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó, thị trường Nhật Bản yêu cầu khoảng 600 chỉ tiêu cần đáp ứng, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức làm.
Ông Huy cho biết, để xuất khẩu chuối tươi qua Trung Quốc, các vùng trồng của doanh nghiệp phải gắn kết với nhau. Muốn làm ăn bền vững doanh nghiệp phải gắn với vùng trồng, phải hỗ trợ người nông dân trồng chuối, đồng thời cần có những tiêu chuẩn, đánh giá thường xuyên để đảm bảo rằng, mặt hàng chuối xuất đi đáp ứng được yêu cầu.
Chuối được hút chân không trước khi đóng thùng.
Trong khi đó, bà Liêu A Kiều – Giám đốc điều hành Công ty Quốc tế Kelly Swangle, một doanh nghiệp xuất khẩu chuối ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai cho biết trước đây Trung Quốc nhập nhiều chuối từ Philippines. Nhưng trong khoảng 2 – 3 năm lại đây, tỷ trọng mua từ thị trường này giảm xuống, cùng với đó là tăng tỷ trọng mua từ Việt Nam.
Nghị định thư xuất chuối đi Trung Quốc như một bảo chứng về chất lượng. Từ đó, các đơn hàng của Kelly Swangle cũng tăng theo. Khoảng 80-85% chuối của doanh nghiệp này xuất qua Trung Quốc, còn lại là cho thị trường Nhật Bản, Malaysia và Trung Đông.
Diện tích trồng chuối ở Đồng Nai rất lớn.Nhưng bà Kiều nói rằng tính đồng đều về chất lượng chưa thật sự được đảm bảo. Gần đây, nông dân đang dần làm theo chất lượng, có chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật, giám sát và kiểm nghiệm sản phẩm…
“Chúng tôi đang chuẩn bị những vườn mẫu làm chuẩn, làm bảo chứng cho nông dân thấy rằng nếu họ muốn bán giá cao phải đáp ứng tiêu chuẩn này. Những người không theo tiêu chuẩn sẽ khó có chỗ đứng trên thị trường”, bà giám đốc nói.
Để ngành chuối và các doanh nghiệp trồng chuối liên kết với nhau, theo bà Kiều, cần có sự nhất quán nhiều mặt. “Việt Nam nên có một tổ chức quản lý về vấn đề kỹ thuật và tiêu chuẩn. Không nhất thiết là của nhà nước, có thể là các hiệp hội, hay tổ chức ngoài chính phủ. Làm tốt điều này chúng ta mới tồn tại được.Bởi sau này Trung Quốc sẽ không phải là một thị trường dễ tính.Thực sự họ không dễ, do nhu cầu họ lớn, nên có thể họ du di một chút thời gian đầu.Tôi nghĩ khoảng 3-5 năm tới, các tiêu chuẩn về xuất khẩu chuối sẽ đồng nhất với nhau ở các thị trường”, bà Kiều nhấn mạnh.
Kiểm tra chuối thu hoạch trước khi đưa vào các bể rửa.
Tăng cường chế biến sâu
Đa phần các doanh nghiệp, cơ sở trồng chuối ở Đồng Nai xuất khẩu trái thô, rất ít đơn vị làm chế biến. Bởi làm chế biến cần có đầu tư máy móc trang thiết bị, đi nhiều để tìm hiểu thị trường, sáng tạo, và quan trọng nhất là tìm được đầu ra cho sản phẩm…
Ông Lý Minh Hùng – Giám đốc HTX Thanh Bình ở Trảng Bom, Đồng Nai – nói rằng HTX tạo chuỗi liên kết đến hơn 100 hộ nông dân, và bao tiêu đầu ra cho các thành viên này. Mấu chốt để tạo mối liên kết này là phải có nhiều phân khúc khác nhau.“Phải xem xét tín hiệu từ thị trường để biết được khi nào cần đẩy mạnh sản phẩm gì.Như hiện nay chúng tôi đang tập trung xuất khẩu trái chuối tươi, tức phần thô. Nhưng sau giai đoạn này sẽ đẩy mạnh phương án chế biến”, ông nói.
Hiện Thanh Bình đã chế biến chuối cấp đông, chuối chiên giòn.Cuối năm 2022, HTX xuất chuối sấy giòn, sấy dẻo qua nhiều thị trường, và chuẩn bị xuất chuối sấy qua Úc.
Đặc biệt hơn, từ thân cây chuối, HTX này đã làm ra dây chuối, sợi chuối cho các đơn vị làm thủ công mỹ nghệ trong nước và xuất khẩu. “Phải tạo ra những giá trị tăng thêm như thế để gắn bó cùng nông dân, nếu không làm được rất khó để trụ lại trong ngành này một cách bền vững lâu dài”, ông giám đốc khẳng định.
Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, dự kiến năm 2025 ngành chuối đạt giá trị 5.000 tỷ đồng. Để hiện thực hóa điều này, ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa ra sáu nhóm giải pháp thực hiện: Phát triển tập trung gắn với quy hoạch cơ sở hạ tầng; Gia tăng giống có chất lượng; Gia tăng chất lượng chuối tươi bằng việc áp dụng đồng bộ các gói kỹ thuật canh tác, sản xuất chuẩn hóa nâng cấp các cơ sở đóng gói; Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Gia tăng giá trị thông qua chế biến sâu, đa dạng sản phẩm từ chuối; Tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng thương hiệu.
  • Việt Nam có khoảng khoảng 154.000 ha diện tích trồng chuối với sản lượng 2,3 triệu tấn. Trong khi đó, theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông Đồng Nai, tỉnh này có diện tích trồng chuối lớn nhất và được xem là thủ phủ chuối của cả nước, với trên 10.000 ha cây chuối cấy mô xuất khẩu. Đồng Nai cũng là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng mã số vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu qua Trung Quốc với 30 vùng trồng, diện tích khoảng 5.669 ha, chiếm tỷ lệ trên 40% diện tích trồng chuối trên địa bàn tỉnh. Và có 39 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã số xuất khẩu.Trong đó, diện tích trồng chuối tập trung nhiều ở huyện Trảng Bom có diện tích chuối xuất khẩu lớn nhất tỉnh với khoảng 6.000 ha. Diện tích còn lại được trồng rải rác ở các địa phương khác như Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Thống Nhất, Cẩm Mỹ…

https://www.youtube.com/watch?v=8_B_7I56dMQ

bài và ảnh Trần Quỳnh (theo TGHN)