Thanh Nhã ái ngại nhìn ba đang nghẹn ngào kể chuyện đứa con chưa ra đời đã qua đời
Tôi không định viết về từng gia cảnh đau buồn mỗi lần đi thăm các cháu mồ côi vì Covid. Vì kể sao cho hết. Nhưng cũng có những câu chuyện cứ trĩu nặng trong lòng, không thể không nói ra như một cách sẻ chia cùng mọi người, cho vơi nỗi khổ của những người “tận khổ” mình gặp, và cũng để người Sài Gòn, người Việt mình thương nhau hơn, càng muốn gìn giữ cuộc sống cho nhau hơn.
Nhà của cháu Thanh Nhã, học sinh lớp 11 trường THPT Lê Minh Xuân ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh (TP.HCM) là một tiệm bán vật liệu xây dựng. Nhà rộng, hơi tuềnh toàng, đang làm nơi bán, vựa chứa hàng và cũng là nhà ở luôn.
Mới nhìn cảnh vắng vẻ cũng khá giống những nơi tôi đã gặp. Mất người vợ trẻ nhu hiền đảm đang, ông chồng buồn lặng như không muốn nói chuyện và cô con gái tuổi 17 tuổi đột ngột mất mẹ thì đến giờ vẫn ngơ ngác, câm lặng. Cho đến khi tôi thắp nhang và bị hút vào đôi mắt buồn của người phụ nữ trung niên mặc chiếc áo tràng xám trong di ảnh. Đôi mắt người ra đi nói rất nhiều điều. Bạn cùng đi với tôi bỗng nói nhỏ điều bạn ấy phát hiện, trên bàn thờ có tới hai hủ cốt xếp canh nhau, trong góc sâu, một hủ lớn và một hủ nhỏ.
Hỏi người chồng, mới biết, đứa con chưa sinh trong bụng vợ anh đã chết lưu, được bệnh viên lấy ra trước để cứu người mẹ khi ấy đã quá yếu, nhưng 3 ngày sau đó, người mẹ cũng ra đi. Ba ngày khốc liệt, đau đớn, hi vọng và tuyệt vọng. Người chồng nói ngắt quãng: Tôi nhận tin vợ tôi cũng mất, thật là không biết nói sao nữa. Về đứa con út chưa kịp sinh ra, khi con gái đầu của hai anh chị đã 17. Vợ chồng tôi có 3 cháu, cháu lớn là Thanh Nhã, cháu kế 13 tuổi, nay đã xuất gia, là chú tiểu rồi, chúng tôi đã gọi là chú. Nhà vắng, tôi và vợ định sinh thêm một cháu út. Vợ tôi khỏe mạnh bình thường, hay đi chùa làm phước và rất chăm việc tu. Thường đi chùa cùng mẹ, cậu con trai thấy thích giáo lý nhà Phật, dần dần xin xuất gia luôn. Gần đây, sau khi mẹ mất, “chú” thường về nhà, vừa học tiếp online vừa chăm sóc nhang khói và tối tối, chúng tôi lại ngồi tụng kinh cầu siêu cho người đã mất. Và anh thấp giọng…
Nhà này bây giờ buồn lắm cô ơi, trước đây tuy nhà thuê, không đủ tiện nghi, làm ăn cực lắm nhưng lúc nào cũng vui. Vợ thì hiền, con thì học giỏi nên tui thấy cuộc sống hạnh phúc lắm, giờ thì… Bốn người, mẹ vợ, tôi, cháu Nhã và chú tiểu, tối nào cũng đều ngồi tụng kinh cầu siêu cho 2 mẹ con. Chú ở đây mấy ngày trong tuần, cuối tuần, trường nghỉ học, chú về chùa, rồi tối chủ nhật lại quay về nhà.
Di ảnh chị Huyền Trang trong bộ áo tràng xám, giờ chỉ còn là chút tro cốt bên cạnh.
Khi tôi thăm hỏi bà ngoại Thanh Nhã (từ đầu bà ngồi tách ra đằng xa sau nhà như “tránh” khách). Bà kể, tôi quê ở Cà Mau, nhà cũng khó khăn nên lên đây sống. Lâu nay tôi ở đây với vợ chồng con gái lớn nhất, ban ngày tôi cũng đi làm phụ giúp việc nhà quanh xóm, tối mới về. Con gái tôi mất vì Covid nó tên Trần Huyền Trang (trời, tôi nói thầm sao lại đặt tên cho chị ấy như định mệnh vậy) nó hiền lắm, ngoài việc nội trợ trong nhà nó thường đi chùa, rất siêng năng nấu cơm từ thiện, luôn phát tâm làm phước. Hai vợ chồng cháu vui lòng cho đứa con trai duy nhất xuất gia đi tu luôn ở chùa. Thằng rễ tôi, tôi thương còn hơn con gái, nó hiền, không rượu chè cờ bạc gì hết, chỉ lo làm ăn, thương vợ con hết lòng. Rủi là vợ nó vắn số quá. Bây giờ tui thay vợ nó, lo cơm nước hàng ngày, mà cả nhà có mấy ai muốn ăn cơm đâu…
Nước mắt người già và câu chuyện thật là không thể buồn hơn. Nhưng trong sâu thẳm cõi lòng, người mẹ vợ đó, tôi thấy bà rất an tâm về tình thương của con rể dành cho vợ và cháu ngoại. Mọi người rất yêu quí người ra đi và họ trân trọng, thương quí nhau. Hạnh phúc của gia đình này là tình thương họ dành cho nhau và cùng dồn tình thương cầu mong cho người ra đi sớm siêu thoát.
Tôi đã từng ngồi tụng bài vãng sanh như vậy, không phải hàng đêm, mà cứ nghĩ đến tiếng mõ nhịp đều trong tiếng lẩm nhẩm cầu kinh đêm đêm đó, thật là đau buồn đến buốt lòng. Mong cho người ra đi siêu thoát mà lòng người ở lại đau biết bao nhiêu? Hi vọng thời gian sẽ giúp ngấn nước mắt lưng tròng của người chồng dần khô và mọi người ở lại tìm lại được sự bình tâm trong tình thương bên nhau, như mong muốn thiết tha của người trong di ảnh…
Vũ Kim Hạnh