Doanh nghiệp khởi nghiệp Hương Đồng Tháp được tham gia Hội chợ ThaiFex tại Thái tháng 8/2017.

(Cafenews)-Chiều chủ nhật 9/9/2018, tôi đến văn phòng BSA dự buổi hướng dẫn các dự án khởi nghiệp chuẩn bị trình bày tại vòng bán kết sắp diễn ra ở TP.HCM.

Thấy có nhiều bạn khởi nghiệp từ Đồng Tháp, Huế, Ninh Thuận, Cà Mau… Thì ra, các bạn không kịp dự hai cuộc ở Bến Tre (5/9), Đồng Tháp (8/9). Năm nay có đến 108 dự án lọt vào vòng bán kết, sau đó sẽ chọn 30% số này vào chung kết ngày 26 và 27/10/2018.

Những “bà đỡ”

Tại cuộc sơ tuyển để chọn các dự án vào bán kết, ông Nguyễn Lâm Viên, vừa là nhà tài trợ, vừa là cố vấn cho chương trình (sau đây gọi là SKC – Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) nói: “Bận lắm nhưng tôi vẫn phải đi dự hoạt động của SKC, vì muốn góp sức ở khâu quan trọng nhất là thương mại hoá các sản phẩm cuối cùng của các dự án. Đó là điều có ý nghĩa và quan trọng nhất. Nhiều dự án còn non, chưa đủ lực ra thị trường, nhưng cần phát hiện từ khi còn là một mầm non mới nhú, để nuôi dưỡng, hỗ trợ kịp thời”.

Năm nay, điểm mới của SKC, một nét mới được chăm chút và được các bạn trẻ ủng hộ là: số hoá các hoạt động. Mỗi cuộc họp, mỗi góp ý của các chuyên gia đều có livestream, sau đó, cắt gọt lại thành clip trên YouTube, đưa tin trên web của BSA (bsa.org.vn và fanpage của SKC)… Tất cả đều có trên mạng.Hiện SKC đã hình thành nhiều nhóm cùng ngành, hay cùng địa phương, hoặc cùng mối quan tâm để các bạn khởi nghiệp thường xuyên trao đổi.

Tập hợp đội ngũ, lên kế hoạch kinh doanh cho đến có sản phẩm ra thị trường, là một hành trình dài lắm. Trên mỗi chặng là hàng loạt việc cần làm. Ngoài những bài học căn cơ, là những chuyến đi thực tế chia sẻ kinh nghiệm bằng trực diện hiện trường, rồi giai đoạn kèm cặp của các chuyên gia và năm 2018, đã có diễn đàn để trao đổi, học hỏi nhau qua mạng. Trên cả chuỗi giá trị, từng khâu đều có các chuyên gia trực chiến.

Tổ chức sản xuất sao cho hiệu quả, an toàn, là thầy Phan Văn Minh, cô Quỳnh Viên, chị Ino Mayu, anh Nguyễn Duy Long… Khâu làm kế hoạch kinh doanh, nhân sự, tài chính, làm tiếp thị, quảng bá sản phẩm là các anh Trần Anh Tuấn, Ngô Đình Dũng, Huỳnh Phước Nghĩa… Còn kết nối các bạn với thị trường là hàng loạt giải pháp mà BSA luôn tận dụng các không gian xúc tiến thương mại chuyên nghiệp do BSA tổ chức cho doanh nghiệp, như dành chỗ bán hàng thường xuyên tại phiên chợ Xanh – Tử Tế vào hai ngày cuối tuần, rồi tham dự các hội thảo, các buổi huấn luyện (đều tổ chức kết nối, trưng bày sản phẩm) hay đi hội chợ HVNCLC, đặc biệt là đi hội chợ quốc tế, khuyến khích tham gia các chương trình của các hệ thống siêu thị quốc tế ở Việt Nam, đặc biệt là chương trình hỗ trợdoanh nghiệp nhỏ phối hợp với Central Group…

Đã có những câu chuyện hay, cảm động trong hành trình khởi nghiệp, nâng đỡ từng bước cho người khởi nghiệp và cũng chứng minh tính năng động, ham học hỏi của các bạn trẻ, như sản phẩm của cặp vợ chồng chủ dự án gia vị bún bò Yes Huế. Chỉ cần qua mạng, với hướng dẫn cặn kẽ của anh Trần Anh Tuấn, Yes Huế đã thay đổi bao bì, nhận diện thương hiệu, ra sản phẩm mới, mở rộng mạng lưới phân phối vào các siêu thị lớn… Hay như bạn Thành Phạm, thương hiệu “Con tôm rừng”, từ bán con tôm sinh thái, giờ đang chuyển lên một sự nghiệp mới: du lịch sinh thái chắc từng bước theo hướng dẫn của các chuyên gia.

Nhờ những “bà đỡ” mà danh sách các sản phẩm khởi nghiệp đã ra thị trường đến nay đa dạng đến bất ngờ: tinh dầu thảo mộc, các loại gia vị chế biến, phở sắn, giày bằng xơ mướp, muối ngâm chân, bánh chùm ngây…

Cùng nhau đi về phía trước

Nhiều năm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, tôi hiểu họ thường gặp nguy ở một “khúc quanh hiểm nghèo” là nâng quy mô, hay nói như cách thường dùng là “scale up”. Sau thành công bước đầu, cần mở rộng thị trường, quy mô sản xuất là gặp khó liền và dễ gãy đổ. Không ít dự án nghe trúng giải, truyền thông rất xôm, rồi im lặng. Chủ dự án “trồi” lên than: “Con thất bại rồi. Làm lại cô ơi”.

Hiện nay ở Việt Nam có nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, có chương trình được rất nhiều tiền của Nhà nước và các quỹ. Một câu hỏi cần đặt ra là: “Trung tâm của các chương trình này là ai? Có chắc là người khởi nghiệp không? Môi trường hoạt động, chính sách chung cho khởi nghiệp hiện nay ra sao? Họ cần gì? Họ bị yếu và thiếu gì?”…

Các cuộc thi dự án khởi nghiệp, theo tôi, nên quan niệm rằng đây chỉ là một chặng cần có. Thi là để mỗi dự án soát xét kỹ tính cạnh tranh (quan trọng nhất là cạnh tranh trên thị trường, không phải để lấy giải), tập trung chỉnh sửa những chỗ còn khiếm khuyết, quan trọng hơn, ban tổ chức không nên coi các cuộc thi là mục đích cuối cùng, mà là một hình thức hoạt động giúp các dự án, trước và sau cuộc thi phải tổ chức nhiều hoạt động thiết thực đồng hành hỗ trợ các dự án. Đó mới là lý do tồn tại, thước đo hiệu quả của các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp. Còn “xuân thu nhị kỳ” tổ chức thi, truyền thông, truyền cảm hứng… thì không giúp được gì, hoặc giúp rất ít cho các bạn khởi nghiệp.

Tôi liên tưởng tới quan niệm chẳng mới mẻ gì của một số nước ASEAN đang làm cho doanh nghiệp khởi nghiệp của họ, phải học và hiểu, thực hành được những bước cơ bản có chứng chỉ rồi mới được chính thức hỗ trợ khởi nghiệp, sau đó là huấn luyện nâng từng cấp, cho đến khi cứng cáp bung ra thị trường quốc tế. Chuyên gia Việt Nam, chị Nguyễn Phi Vân được mời làm cố vấn và trực tiếp giảng dạy cho chương trình khởi nghiệp của Malaysia.Còn tại Việt Nam, chương trình khởi nghiệp vẫn được nhắc đến tại các hội thảo, còn đến với người khởi nghiệp vẫn chưa được nhắc đến.

Kinh nghiệm cho thấy, hễ được hỗ trợ tận tình, họ hoạt động lên tay và khá lên rất nhanh. Nhưng phải tính kỹ về chiến lược, mục tiêu và kế hoạch đường dài hỗ trợ. Khiếm khuyết của các chủ dự án khởi nghiệp là tính liên kết, một thiếu sót căn bản ngay cả với doanh nghiệp đã thành danh. Làm sao để chủ dự án thấy thị trường đang mênh mông, kết được thành chuỗi, cần không khí hợp tác để tạo chất men năng lượng tích cực.

Điều đáng mừng nhất là các bạn trẻ khởi nghiệp nông nghiệp hiện nay tuy làm nông, thường là nhỏ, nhưng họ không có tâm lý tiểu nông. Họ hiểu sức mạnh của cộng đồng, của kỹ thuật số… Và hiểu cả con đường dài phía trước cần có những hành trang gì, cho đến khi
sản phẩm được thương mại hoá thành công…

Kim Hạnh (theo TGTT)