Khởi nghiệp là cả một chuỗi hoạt động để bước đến thành công chứ không phải riêng lẻ một vấn đề. Trong ảnh: Mật ong hút dẻo của hai vợ chồng khởi nghiệp Thanh Long đã tìm được đầu ra.

(Cafe news)-Khởi nghiệp phải được xem là sự sống còn của mỗi địa phương thì mới thành công chứ không phải chỉ là làm được bao nhiêu hội thảo”, ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp, nói.

Cũng theo ông Hoan, khởi nghiệp mà lủi thủi một mình sẽ không bao giờ thành công. Nhưng người Việt Nam hay làm một mình vì sợ bị ăn cắp thông tin, sợ chia sẻ thành công…

Tư duy nhiệm kỳ

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ chọn là năm “Quốc gia khởi nghiệp”. Tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các chương trình khởi nghiệp được quan tâm xây dựng như ở Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ… Nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, phó giám đốc phụ trách VCCI chi nhánh Cần Thơ, trước đây, người ta bàn về khởi nghiệp như là phong trào, nhưng vấn đề là làm gì cho hiệu quả. Cuộc thi chỉ mới là một mảng nhỏ. Khởi nghiệp bắt đầu từ ý tưởng, đằng sau đó là câu chuyện dài. Không thể 1 – 2 năm là có sản phẩm hoàn chỉnh. Ít nhất cũng năm năm. Nếu nói về tính hiệu quả, Đồng Tháp đang đi đầu.

ĐBSCL chỉ mới ở giai đoạn đầu của khởi nghiệp. Các địa phương nghĩ ra “sáng kiến” nâng doanh nghiệp tư nhân thành công ty, nâng cấp chi nhánh hay kêu gọi mở công ty mới để sớm có đội hình doanh nghiệp hùng hậu, nhưng trong đó có bao nhiêu thực thể khởi nghiệp sáng tạo?

“Để lãnh đạo khởi nghiệp thành công ở địa phương phải bỏ tư duy nhiệm kỳ”, ông Lê Minh Hoan nói. Ông cho rằng, đầu tư cho khởi nghiệp là đầu tư cho tương lai. Bởi vì từ khi nung nấu ý tưởng đến khi hiện thực hoá ý tưởng đó mất đến năm năm, hết một nhiệm kỳ. Nhiều khi lãnh đạo đó về hưu rồi. Muốn biết ý tưởng đó thực hiện ra sao thì phải qua nhiệm kỳ sau mới thấy và vẫn phải tiếp tục. “Điều quan trọng nhất là đừng để những người khởi nghiệp có cảm giác họ bị bỏ rơi, lãnh đạo địa phương phải đồng hành và chia sẻ với họ”, ông Hoan nói tiếp.

Đồng Tháp biết nguồn lực không có nhiều nên cần hỗ trợ từ TP.HCM, đặc biệt là trung tâm BSA, ký hợp tác, mời chuyên gia về giảng dạy. Đồng Tháp là đơn vị đầu tiên ở ĐBSCL ký kết với quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, thực hiện ba nội dung: xây dựng ý tưởng, lập kế hoạch dự án khởi nghiệp, tham gia các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, tương trợ về vật chất và dịch vụ cần thiết từ hai phía.

Hai vợ chồng Thanh Long, từng tham gia cuộc thi do BSA tổ chức, khá thành công trong việc “vắt” mật ong và thị trường hóa sản phẩm.

Đừng quá tung hô

“Đối với các bạn trẻ khởi nghiệp, cũng không nên tung hô quá khiến các em chủ quan. Hỗ trợ kế hoạch sản xuất – kinh doanh, nhưng nếu giao một cục tiền quá lớn cho các em là sai lầm, vì các em còn nhỏ, mới khởi nghiệp, chưa biết quản trị dòng tiền. Cái chính là làm sao giúp hướng đi, chỉnh sửa từ từ cho hoàn thiện sản phẩm. Nhiều khi ý tưởng hay, đối với các em là mới lạ, bay bổng nhưng ở bên ngoài người ta đã làm từ lâu rồi. Cái đó mình cũng phải chú ý”, ông Hoan chia sẻ.

Từ sáng kiến của mạng lưới ABCD-Mekong, Đồng Tháp thành lập CLB khởi nghiệp, tập hợp các doanh nghiệp dẫn đầu, có tổ tư vấn. Các dự án khởi nghiệp dự thi theo chương trình của trung tâm BSA, VCCI trở về đều được tỉnh chuyển qua cho các chuyên gia tư vấn, “chỉnh lại” theo hướng thương mại hoá, Đồng Tháp đã có lực lượng doanh nghiệp chịu làm và làm được điều này.

Cao Thanh Hùng, sinh viên năm cuối khoa Công nghệ, trường đại học Cần Thơ, cho biết CLB Dynamic đã nghiên cứu chế tạo thiết bị theo dõi ô nhiễm không khí dựa trên nền tảng internet vạn vật (IoT). Tuy nhiên, Hùng và anh em trong CLB đang hụt về kỹ năng quản trị, chưa thể đo lường được mức độ rủi ro hay khả năng chấp nhận của thị trường đối với sản phẩm. Có ý kiến cho rằng thiết bị dùng cho gia đình khoảng 680.000 đồng, thiết bị cho nhà xưởng, văn phòng khoảng 1,8 tỷ đồng là quá cao. “Tụi em không có vốn, cũng chỉ mới lắp ráp thủ công, chưa biết đăng ký sở hữu trí tuệ và rất cần người tư vấn”, Hùng cho biết.

PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi, giám đốc trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, chia sẻ: khởi nghiệp luôn có tỷ lệ thành công rất thấp, nếu không có tâm thế chủ động, vững vàng để tìm cách khắc phục, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ rơi vào cảm giác bất an khi gặp những rào cản, khó khăn, gây tác động tiêu cực lên việc kinh doanh. Do vậy, muốn tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả, trước tiên phải tạo ra những “hạt giống” tốt – tức là tạo ra một thế hệ doanh nhân trẻ tài giỏi và muốn tạo ra “hạt giống” tốt, phải hoàn thiện tâm thế khởi nghiệp.

Nông dân tư duy theo mùa vụ, doanh nghiệp tư duy theo thương vụ, cán bộ tư duy theo nhiệm kỳ là câu chuyện lâu nay… “biết rồi, nói mãi”, nhưng không sửa được nên từ khi phát động năm Quốc gia khởi nghiệp tới nay, không ít địa phương vẫn còn đánh đồng “khởi nghiệp sáng tạo” và mở một công ty gì đó miễn có bộ thuế là được.

Bài, ảnh Ngọc Bích 


Theo TGTT