Ảnh minh họa Robot phục vụ nhà hàng. Nguồn: Forbes

Tiêu điểm

Không thể tìm được nhân công, doanh nghiệp Mỹ đành thuê robot

Sau nhiều tháng kiên nhẫn chờ người lao động tái gia nhập thị trường việc làm, các doanh nghiệp Mỹ hiện đang chuyển sang tự động hóa hay thuê mướn robot để làm việc.

Hiện chỉ 10% người tìm việc ở nước này đang nóng lòng tìm kiếm việc làm – theo khảo sát gần đây của hãng dịch vụ việc làm Indeed. Hãng này nói rằng lý do thì nhiều, bao gồm chuyện e ngại dịch bệnh, chi phí chăm sóc trẻ, các đợt hỗ trợ tiền mặt của chính phủ, các khoản tài trợ thất nghiệp. Người thất nghiệp giờ không kêu ca chuyện không có việc làm, mà là chủ nhân các hãng xưởng – đặc biệt mảng nhà hàng và khách sạn – đang ta thán là không còn ai màng chuyện đi làm bởi các trợ cấp quá lớn từ chính phủ liên bang và tiểu bang.

Công nghệ mã QR có thể giúp các nhà hàng thiếu nhân viên “tiết kiệm” được một người đến từng bàn để ghi món cho khách. Đây là công nghệ đầu tiên có thể áp dụng cho quá trình tự động hóa ở ngành công nghệ nhà hàng. Các dấu hiệu khác của cuộc cách mạng tự động hóa trong ngành này đang lộ dần.

Thuê nhân công đang là vấn đề đau đầu cho ngành công nghiệp nhà hàng nhiều tháng qua, theo tờ Business Insider. Nổi bật nhất là chuyện các chuỗi fastfood như McDonald’s hay KFC chật vật đối phó với nạn thiếu nhân lực trên toàn quốc. Một số chuỗi đã bắt đầu sử dụng công nghệ để thay thế các lao động giá rẻ. Chẳng hạn, chuỗi quà tặng và nhà hàng Cracker Barrel tung ra ứng dụng điện thoại để khách tự trả tiền cho bữa ăn tại nhà hàng. Còn McDonald’s đang thử nghiệm hệ thống đặt hàng tự động dành cho khách lái xe (drive-thru service) tại 10 điểm ở Chicago. Hay chuỗi nhà hàng và giải trí Dave & Buster’s có kế hoạch thực hiện đặt món không tiếp xúc.

Các lợi ích của tự động hóa là rất dễ thấy và chắc chắn. Hơn nữa, các giải pháp tự động hóa chỉ cần đầu tư một lần, giúp tăng hiệu suất lao động và không đòi hỏi các giải pháp đắt tiền cho tình trạng khủng hoảng thiếu nhân công hiện tại.

Dữ liệu cho thấy quá trình dịch chuyển sang tự động hóa đã diễn ra trong nhiều tháng qua. Hiệu suất lao động tăng 5,4% trong quý 1/2021 – đây là mức cải thiện cao nhất trong hơn 20 năm qua. Điều này xảy ra khi doanh nghiệp bắt đầu thuê mướn lại người làm và cũng đồng nghĩa tỷ lệ cải thiện năng suất  có phần liên quan đến việc tiếp tục sử dụng công nghệ của thời kỳ dịch bệnh.

Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, phần lớn là mảng nhà hàng khách sạn, đã không dám thừa nhận rằng tự động hóa sẽ là sa thải công nhân. Các điểm của chuỗi Dave & Buster’s sử dụng công nghệ đặt hàng không tiếp xúc có thể mở rộng quy mô của khu vực dịch vụ và giảm nhân viên để năng cao hiệu quả của chuỗi – CEO Margo Manning của chuỗi nhận xét.

Mọi người luôn e ngại rằng việc áp dụng công nghệ mới sẽ làm xuất hiện vòng tròn lẩn quẩn là mất công việc và lương rẻ mạt bởi robot sẽ thay thế con người. Lối suy nghĩ này thường được gọi là “suy nghĩ Luddite” sau sự kiện một nhóm công nhân ở Anh phá máy móc vì đã làm họ mất việc trong những năm đầu tiên của cuộc Cách mạng công nghiệp vào những năm đầu 1800. Nhưng tự động hóa cũng có thể sản sinh vòng tròn sáng tạo, nhân bản hơn thay vì “vòng tròn Luddite”.

Việc áp dụng công nghệ sáng tạo mới giúp tăng năng suất lao động trong nhiều thế kỷ qua. Điều này cũng giúp tăng tiền lương của người lao động. Tiền lương tăng cũng đồng nghĩa việc bơm tiền nhiều hơn cho hoạt động mua sắm, và hệ quả là sẽ làm tăng nhu cầu nhân dụng ở một bộ phận nào đó của nền kinh tế.

Chấp nhận tự động hóa cũng tối ưu hóa tỷ lệ tăng trưởng việc làm – nhà kinh tế học Noah Smith viết trên trang cá nhân hôm 13/6 vừa rồi. Bồi bàn chuyên nghiệp hay người làm thêm ở nhà hàng có thể phát triển những kỹ năng mới, giá trị hơn bởi những công việc được trả lương thấp đã được robot đảm nhận. Các giai đoạn của sáng tạo ồ ạt và đỉnh cao – kể từ Cách mạng công nghiệp đến thời kỳ bùng nổ của trào lưu dot-com – đã không xóa sổ việc làm, mà chỉ dịch chuyển sang một nơi nào đó trong nền kinh tế.

“Sự thúc đẩy tự động hóa là quá trình tin tưởng vào khả năng của nhân loại”, nhà kinh tế học viết.

Công nghệ mới do con người tạo ra. Và cuối cùng, công nghệ này có thể được sử dụng để làm công việc của con người được tốt đẹp hơn, không phải tồi tệ đi. Đây có thể là khởi đầu của một trào lưu mới.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,65 – 56,25 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán ra. Chênh lệch giá hai đầu là 600.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.786,4 USD/ounce, giảm 0,9 USD, tương đương 0,05% so với chốt phiên trước. Được biết, giá vàng được dự báo có thể tăng mạnh lên trên mức 1.800 USD/ounce trong tuần nay sau khi biên bản họp tháng 6 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được công bố.

2/ Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như tác động của dịch Covid-19, tuy nhiên, vẫn đạt được kết quả khả quan. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 3,27 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2020. Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản trong tháng 6 vừa qua tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng ước tính là 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 865 triệu USD. Đyược biết, Việt Nam hiện đang có cơ hội lớn để tăng thị phần tại thị trường Mỹ khi ngành thủy sản Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bùng phát và xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc sang Mỹ vẫn bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại giữa 2 nước. Những kết quả xuất khẩu rất khả quan sang các thị trường trọng điểm và các thị trường khác trong nửa đầu năm nay, cho thấy đích xuất khẩu 8,8-9 tỷ USD vào cuối năm 2021 là con số khả thi với thuỷ sản Việt Nam.

Xuất khẩu thủy sản năm nay có thể chạm mốc 9 tỷ USD. Ảnh: Nông Nghiệp

3/ Hãng bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam và Công ty CP Tiki đã tuyên bố một thỏa thuận thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện độc quyền đầu tiên giữa một doanh nghiệp cung cấp giải pháp bảo hiểm và một nền tảng công nghê hàng đầu Việt Nam. Theo đó, AIA Việt Nam sẽ trở thành đối tác độc quyền cung cấp đến hàng triệu khách hàng của Tiki các giải pháp bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe phù hợp. Bên cạnh đó, AIA Việt Nam và Tiki sẽ cùng hợp tác nghiên cứu và triển khai các giải pháp đáp ứng nhu cầu tài chính ngày càng lớn của người Việt. Hợp tác chiến lược này sẽ giúp kết hợp kinh nghiệm, chuyên môn về bảo hiểm của AIA và sự am hiểu của Tiki đối với các nhu cầu của khách hàng Việt Nam, từ đó cùng mang lại trải nghiệm mua sắm các sản phẩm bảo hiểm trên nền tảng trực tuyến một cách đơn giản và an tâm nhất.

4/ Do dịch bệnh Covid-19 có phần ảnh hưởng nên giá lúa trên thị trường đang có chiều hướng giảm. Hiện đang vào giữa vụ thu hoạch lúa hè thu, nhưng giá lúa ở Cần Thơ lại đang giảm từ đầu tháng 6 đến nay. Lúa tươi được thương lái thu mua dao động từ 5.300 – 5.800 đồng/kg, giảm từ 350 – 800 đồng/kg so với giá đặt cọc trước đó (tùy vào từng loại giống). Thậm chí có trường hợp thương lái bỏ cọc không mua do giá lúa giảm. Nhiều nông dân Cần Thơ cho biết vụ hè thu năm nay không được thuận lợi như các năm trước khi giá lúa đầu vụ cao, nhưng khi tới ngày thu hoạch, giá lúa lại xuống thấp so với cùng kỳ năm trước. Được biết, với giá bán lúa tươi hiện nay cho thương lái là 5.800 đồng/kg, sau khi trừ hết các chi phí, lợi nhuận của nông dân chỉ còn khoảng 1,5 triệu đồng/công, giảm khoảng 600.000 – 700.000 đồng/công so với vụ hè thu năm ngoái.

5/ Theo nguồn tin từ báo Thelec (Hàn Quốc), Samsung sẽ bán bộ phận sản xuất mạch in linh hoạt cứng (RFPCB) ở Việt Nam vào tháng 8 tới. Đây là một phần của Samsung Electro-Mechanics, công ty sản xuất các linh kiện cơ khí và điện tử cho các đối tác của tập đoàn Samsung. Samsung Electro-Mechanics từng là nhà cung cấp bảng mạch và module không dây lớn nhất toàn cầu trước thời điểm gặp nhiều khó khăn, thua lỗ. Ban đầu, Samsung dự định sẽ bán lại mảng kinh doanh linh kiện không dây cho Chemtronics nhưng thỏa thuận bị hủy bỏ vào tháng 5. Do đó, hãng quyết định cắt giảm sản xuất nhằm hạn chế thua lỗ. Được biết, Samsung chỉ cung cấp 30% bảng mạch RFPCB dành cho iPhone 13, phần còn lại Apple sẽ mua từ 2 đối tác Hàn Quốc khác là BH (hơn 50%) và Youngpoong Electronics (hơn 10%). RFPCB là linh kiện quan trọng trong iPhone, được dùng để kết nối bo mạch chính với bảng điều kiển OLED.

6/ Theo CNBC, hãng sản xuất bán dẫn Nexperia của Trung Quốc sẽ chi 87 triệu USD để mua lại Newport Wafer Fab (NWF), nhà máy sản xuất chip lớn nhất tại Vương quốc Anh. Nexperia hiện đang đàm phán để hoàn tất thỏa thuận mua NWF và dự kiến sẽ công bố vào đầu tuần sau. Được biết, NWF hiện đang nợ HSBC khoảng 27,6 triệu USD và nợ chính phủ Wales 24,8 triệu USD. Theo CNBC cho biết, NWF sẽ trả hết nợ sau của mình sau khi hoàn tất quá trình bán lại cho công ty Trung Quốc. Hiện tại, Phần lớn chip trên thế giới được sản xuất tại châu Á. TSMC (Đài Loan), với Samsung (Hàn Quốc) và SMIC (Trung Quốc) là những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chính quyền một số quốc gia đã ngăn chặn doanh nghiệp Trung Quốc mua lại các công ty bán dẫn.

7/ Theo VASEP, trong số 155 công ty từ Ấn Độ được đánh giá, hai công ty là MSA Marines và HN Indigos đã được chọn để điều tra việc bán hàng vào Mỹ. Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã xác định sơ bộ rằng một lượng tôm nước ấm đông lạnh của Ấn Độ đang hoặc có khả năng được bán ở thị trường Mỹ với giá thấp hơn giá trị bình thường trong giai đoạn xem xét. Theo đánh giá sơ bộ, tôm từ MSA Marines sẽ bị áp mức thuế chống bán phá giá 4,73% trong khi các sản phẩm từ HN Indigos sẽ bị đánh thuế 11,36%. Các sản phẩm từ 153 nhà xuất khẩu tôm khác của Ấn Độ sẽ bị đánh thuế suất tương tự là 7,57%. Nửa đầu năm 2021, Ấn Độ là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Mỹ, chiếm từ 30,8-39% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Mỹ.

8/ Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc đã ra lệnh cho các kho ứng dụng loại bỏ Didi Chuxing, vài ngày sau đợt IPO trị giá 4,4 tỷ USD tại Mỹ. Lệnh cấm được đưa ra với lý do Didi Global vi phạm nghiêm trọng đối với việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân và không giải thích chi tiết. Điều này có nghĩa các nhà điều hành kho ứng dụng lớn nhất ở Trung Quốc như Apple và các nhà sản xuất điện thoại thông minh như Huawei, Xiaomi phải loại Didi khỏi dịch vụ của họ. Cùng với lệnh cấm, CAC yêu cầu Didi khắc phục các vấn đề theo yêu cầu pháp lý và tiêu chuẩn quốc gia, đồng thời thực hiện các bước để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng. Tuy nhiên, gần nửa tỷ người dùng hiện tại của Didi vẫn có thể tiếp tục sử dụng ứng dụng bình thường, miễn là họ đã tải xuống trước ngày 4/7.

Thông tin của Didi Global trên sàn chứng khoán New York. Ảnh: Reuters.

9/ Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), so với mục tiêu đặt ra cho cả năm 2021 là 6 triệu tấn với trị giá 5 tỷ USD, Thái Lan chỉ có thể xuất khẩu được 5,7 triệu tấn gạo trong năm nay. Đặc biệt, trong nửa năm 2021, số lượng gạo xuất đi của Thái Lan chỉ bằng gần 80% số lượng cùng kỳ năm ngoái. Chủ tịch của hiệp hội trên cho biết gạo Thái Lan đắt hơn đối thủ cạnh tranh và làm ảnh hưởng đến doanh số bán. Đây là kết quả của việc đồng baht nội địa tăng giá và hạn hán. Theo đó, giá gạo Thái Lan cao hơn hầu hết các đối thủ cạnh tranh như Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc. Trong 6 tháng năm 2021, Thái Lan chỉ xuất khẩu được 2,2 triệu tấn gạo với giá trị 1,382 tỷ USD, giảm 21,03% về lượng và 28,14% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

10/ Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT), nợ hộ gia đình của Thái Lan đã đạt mức cao nhất trong 18 năm qua sau khi tăng lên mức tương đương 90,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý đầu tiên của năm nay. Theo đó, nợ hộ gia đình của Thái Lan đã tăng lên mức 14.130 tỷ baht (khoảng 440 tỷ USD) trong quý đầu tiên của năm 2021. K-Research ước tính tốc độ tăng dư nợ hộ gia đình của Thái Lan trong năm 2021 sẽ bằng với năm 2020, ở mức 4,1% hoặc cao hơn. Điều này có nghĩa là tốc độ tăng nợ hộ gia đình trong năm nay có thể vượt mức tăng trưởng GDP năm thứ tư liên tiếp. Được biết, trong quý IV năm 2020, tỷ lệ nợ hộ gia đình ở Thái Lan là 84,9%.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA