Giá đường dự báo tiếp tục sẽ tiếp tục cao trong 12 tháng tới khi khủng hoảng năng lượng chưa được giải quyết.
Hai nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới là Brazil và Ấn Độ đã thu hẹp sản lượng đường mía và chuyển sang sản xuất nhiều ethanol hơn do nhu cầu năng lượng tăng cao. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang gây áp lực lên thị trường đường, giá đường mía đã đạt kỷ lục cao trong bốn năm vào tháng 10 vừa rồi và dự báo sẽ tiếp tục cao trong 12 tháng tới.
John Stansfield, nhà kinh doanh và nhà phân tích tại Group Sopex cho biết: “Đây là hai người chơi lớn trên thị trường đường. Áp lực buộc họ phải sản xuất thêm ethanol trong 12 tháng tới sẽ đẩy giá đường lên cao”.
Hợp đồng đường trắng ICE đã tăng 1,2% tại London hôm 1-11, nâng mức tăng của năm nay lên 22%. Giá đường thô tại New York cũng tăng 1,1%. Cả hai hợp đồng đều tăng trong tháng 8 khi thời tiết băng giá gây thiệt hại cho vụ mùa năm nay của Brazil.
Giá xăng ở Sao Paulo tăng mạnh, khiến nhu cầu ethanol để chạy xe hơi cũng gia tăng.  Công ty năng lượng nhà nước Petrobras SA cho biết nhập khẩu xăng của nước này đã tăng hơn 10 lần trong quý 3 lên 42.000 thùng/ngày.
Andy Duff, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh doanh nông sản và thực phẩm Nam Mỹ của Rabobank cho biết: “Thị trường nội địa đối với ethanol và thị trường đường quốc tế đang tranh giành mía đường của Brazil. Giá dầu trên 80 USD/thùng đã tạo ra một mức giá sàn khoảng 17 cent/pound cho giá đường”.
Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới, đang có kế hoạch đưa ethanol chiếm 20% hỗn hợp nhiên liệu xe cộ vào năm 2025 nhằm khai thác sản lượng đường dư thừa trên thị trường trong những năm gần đây. Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) cho biết, chiến lược đó có thể khiến sản lượng đường tinh luyện giảm trong năm tới.
Tobin Gorey, chiến lược gia hàng hóa nông nghiệp tại Commonwealth Bank of Australia cho biết: “Động thái này có thể diễn ra chậm chạp nhưng ước tính của ISMA là một dấu hiệu hữu hình cho thấy quá trình này đã bắt đầu”.
Trong khi đó, Engelhart Commodities Trading Partners cho biết xuất khẩu đường của Ấn Độ có thể giảm hơn một nửa trong năm 2022 – 2023 từ mức 6 triệu tấn của năm nay.
“Nếu họ không xuất khẩu 6 triệu tấn đường vào năm tới, thế giới sẽ trở nên căng thẳng và điều đó trở nên rất thú vị đối với giá đường”, nhà phân tích John Stansfield cho biết.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC tại TP.HCM đang ở mức 57,65-58,35 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá hai đầu vẫn giữ 700.000 đồng. Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 9,2 USD lên 1.793,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng lùi nhẹ về gần 1.790 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 trên sàn Comex New tăng gần 2 USD lên 1.785,7 USD/ounce.
2/ Trong báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng quí 3-2021 của Hội đồng vàng thế giới (WCG), nhu cầu vàng trang sức và lượng tiêu thụ của Việt Nam trong quí 3 vừa qua giảm mạnh. Trong đó, lượng tiêu thụ vàng trang sức, vàng miếng và đồng xu vàng đều giảm hơn một nửa so với quí 3 năm ngoái, lần lượt chỉ còn khoảng 1 tấn và 2 tấn. Đây cũng là số liệu ở mức thấp nhất mà WCG thống kê từ năm 2000.
Tuy nhiên, nếu so với lũy kế 9 tháng đầu năm thì con số ước tính vàng tiêu thụ trong quí 3 lũy kế vẫn tăng mạnh ở cả vàng trang sức lẫn vàng miếng và xu vàng, lần lượt cao hơn khoảng hơn 19% và 12%. Chủ yếu là vì trong quí 2 vừa qua lượng tiêu thụ tăng vọt đáng kể so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của WCG, lượng tiêu thụ vàng tại Việt Nam vẫn thấp hơn so với mức trước khi đại dịch. Riêng trong năm 2020, nhu cầu tiêu thụ vàng đã lần lượt giảm 38% và 26%.
3/ Giá vật liệu xây dựng trong nước tăng cao từ 5-20%. Theo thống kê của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), chỉ riêng tháng 10, nhiều doanh nghiệp thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000 – 192.000 đồng/kg thép, tùy thương hiệu… Tương tự, từ ngày 25-10, giá xi măng cũng tăng mạnh, trung bình từ 80.000 – 100.000 đồng/tấn. Nguyên nhân là do giá than trong nước tăng bình quân từ 7% – 10%, dầu DO dùng để đốt khi mới sấy lò cũng tăng giá hơn 10% và hàng loạt phụ gia dùng trong sản xuất xi măng đều tăng giá. Trong khi đó, giá than chiếm 40% – 45% giá thành sản xuất xi măng.
4/ Số liệu IHS Markit cho thấy sản lượng ngành sản xuất tăng lần đầu tiên trong năm tháng. Trong báo cáo đầu tháng 11 của IHS Markit, chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng) của Việt Nam trong tháng 10 đạt 52,1 điểm sau khi chỉ đạt 40,2 điểm trong tháng 9. Ngưỡng trên 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất được mở rộng trong tháng. Khảo sát cũng cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện trong lĩnh vực sản xuất, từ đó kết thúc thời kỳ giảm kéo dài bốn tháng.
Việc nới lỏng các hạn chế do Covid-19 đã giúp một số công ty tái khởi động sản xuất trong tháng 10, trong khi những công ty khác tăng sản lượng để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Kết quả là sản lượng được ghi nhận tăng lần đầu tiên trong năm tháng. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh trở lại cũng được ghi nhận khi các nhà sản xuất và khách hàng của họ đều khôi phục hoạt động.
Trang trại nuôi ong ở Mộc Châu. Nếu bị kết luận là bán phá giá, các sản phẩm mật ong của Việt Nam sẽ bị áp thuế 47,56-138,23%. Ảnh: VNA
5/ Hồi tháng 5-2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong từ Brazil, Ấn Độ, Ucraina, Argentina và Việt Nam. Quyết định này được DOC đưa ra sau 20 ngày thụ lý đơn phản ánh từ Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ và Hiệp hội Mật ong Sioux. Theo đó, biên độ bán phá giá do DOC ước tính áp với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm mật ong của Việt Nam là 47,56-138,23%. Thời gian điều tra là 12 tháng, có thể gia hạn thêm 6 tháng theo quy định của Mỹ.
Hiện tại, hơn 95% sản lượng mật ong của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Nếu Mỹ áp thuế chống bán phá giá, mật ong Việt Nam sẽ rất khó khăn về đầu ra, kéo theo đó là sinh kế của 35.000 người nuôi ong Việt Nam bị thiệt hại nặng nề. Số liệu của hải quan Mỹ cho biết, kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt khoảng 50.700 tấn năm 2020, chiếm khoảng 25,8% tổng lượng nhập khẩu mật ong của quốc gia này.
Trong khi đó, theo Nikkei Asia, ngành công nghiệp mật ong của Trung Quốc đứng đầu trên thế giới về sản lượng và đã bị Mỹ áp dụng các biện pháp chống phá giá từ năm 2001. Trong nhiều năm qua, các công ty Trung Quốc đã đi đường vòng bằng cách đưa các thùng mật ong không nhãn mác sang Thái Lan và Việt Nam. Từ đây, chúng được chiết xuất sang các chai, lọ nhỏ hơn và dán nhãn sản xuất tại hai nước này. Sau đó, mật ong “made-in-Vietnam” hay “made-in-Thailand” sẽ được xuất sang Hoa Kỳ với thuế suất thấp hơn.
6/ Một đợt mưa lớn bất thường ở Trung Quốc đã khiến giá rau tăng cao, làm dấy lên lo ngại về giá lương thực và khiến các quan chức chính phủ ở Bắc Kinh lo lắng. Bộ Thương mại Trung Quốc khuyến cáo các hộ gia đình nên tích trữ nhu yếu phẩm hàng ngày trong trường hợp nhu cầu tăng đột biến, ngoài ra chính phủ nước này cam kết nỗ lực đảm bảo cung cấp đủ lương thực cho mùa đông.
7/ Việc Apple thay đổi và nâng cấp cơ chế bảo mật trên iPhone sẽ khiến các nền tảng mạng xã hội mất hàng tỷ USD vì không thể thu thập dữ liệu người dùng như trước. Tiêu biểu, Facebook được dự báo sẽ thiệt hại khoảng 10 tỷ USD trong năm nay. Công ty Lotame trong ngành quảng cáo dựa trên dữ liệu, cho hay các tập đoàn như Youtube, Facebook, Twitter, và Snap (Snapchat) sẽ mất khoảng 12% doanh thu quảng cáo trong quý 3 và quý 4 năm nay, từ những người dùng điện thoại iPhone chọn khóa khả năng theo dõi hành vi của các nhà quảng cáo và ứng dụng mạng xã hội. Nói nôm na, nếu trước đây một nhãn hàng đồ lót nam bán được 1 sản phẩm sau khi mua quảng cáo tiếp cận 1.000 người tiêu dùng thì nay họ phải mua gói tăng gấp đôi số lượng tiếp cận lên 2.000 người.
8/ Trong phiên giao dịch sáng 2-11, giá dầu chỉ giảm nhẹ sau khi tăng mạnh vào phiên hôm qua. Cụ thể, dầu WTI giảm 0,02 USD/thùng tương ứng 0,02% xuống mức 84,03 USD/thùng; Dầu Brent giảm 0,06 USD/thùng tương ứng 0,07% xuống mức 84,65 USD/thùng. Mặt khác, liên minh OPEC+ vẫn cứng rắn trong kế hoạch tăng dần sản lượng bất chấp sức ép từ Mỹ thúc đẩy tăng mạnh hơn; và giá vẫn ở xu hướng tăng, bất chấp việc Trung Quốc đã giải phóng dự trữ xăng và dầu diesel để tăng nguồn cung thị trường và hỗ trợ ổn định giá ở một số khu vực.
Bị thúc đẩy bởi giá dầu tăng, các công ty năng lượng Mỹ đã bổ sung thêm các giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong tháng thứ 15 liên tiếp trong tháng 10, đưa chúng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
9/ Gojek và hãng chế tạo xe điện Gogoro của Đài Loan thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm chương trình đổi pin tại thủ đô Jakarta, Indonesia trong thời gian tới. Đây là phần cam kết của Gojek trong việc đạt mục tiêu phát thải bằng không vào năm 2030. Trong thời gian đầu, sẽ có 250 xe điện của Gogoro và bốn trạm đổi pin được thiết lập tại Jakarta. Sau đó, chương trình sẽ mở rộng cho 5.000 xe điện và lập thêm các trạm đổi pin ở khắp thủ đô.
Ricky Hồ / BSA

https://bsaonline.vn/xe-dap-tang-gia-nhung-ban-chay-khi-nguoi-nhat-ngai-noi-dong-nguoi/