Tiến sĩ John Walsh, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ những nhận định của ông về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
– Thưa ông, với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới như hiện nay, kinh tế Việt Nam sẽ ra sao trong thời gian tới, lấy quý 2/2020 làm ví dụ chẳng hạn?
– Rất khó để nhận định chắc chắn điều này vì nhiều yếu tố về đại dịch còn chưa rõ ràng. Liệu chủng virus corona này có tiếp tục biến đổi? Liệu có đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai không? Trong tương lai, những người mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng liệu có lây nhiễm cho nhiều người khác? Hiện chúng ta không thể biết câu trả lời chính xác cho bất kỳ câu hỏi nào nêu trên, vì về bản chất mỗi đại dịch mới có thể hoàn toàn khác so với những đại dịch trước kia.
Tuy nhiên, chúng ta có thể dự đoán về kinh tế Việt Nam ở giai đoạn nào đó trong tương lai khi dịch bệnh đã giảm và ổn định. Nếu nhìn một cách lạc quan, mọi thứ phần nào sẽ trở lại bình thường dù nhu cầu sẽ tiếp tục thấp khiến tốc độ tăng trưởng tiềm năng ở Việt Nam và những nơi khác đều giảm. Từ góc độ này, những nền tảng cơ bản của thị trường sẽ không thay đổi và hoạt động thương mại sẽ được nối lại.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một hướng nhìn bi quan hơn về tương lai. Dưới góc độ này, mâu thuẫn giữa các chính phủ đang leo thang do cách hiểu đối lập về trách nhiệm của nhau, hay mức độ sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau của các bên. Mối quan hệ Trung – Mỹ có lẽ đang là tâm điểm chú ý. Nếu căng thẳng tăng cao, sẽ có thể có nhiều quốc gia muốn tách ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu – mảng gần đây bộc lộ tính dễ bị tổn thương, và theo đuổi chiến lược phi toàn cầu hóa. Nếu điều đó xảy ra, kinh tế Việt Nam có thể gặp khó khăn trong dài hạn vì doanh nghiệp nội chưa đủ mạnh.
– Theo ông, hiện Chính phủ nên ưu tiên gói hỗ trợ kinh tế nào? Ông nghĩ thế nào về gói hỗ trợ để kích cầu mà các nước khác đang áp dụng?
– Chính phủ các nước khác đang đưa ra các gói kích cầu phản ánh nền kinh tế của mỗi quốc gia nhưng đều chia sẻ một số điểm chung. Một số chính phủ cam kết phân chia nguồn lực hợp lý hơn các nước khác. Một số phải đối mặt với nhiều phản kháng hơn từ các nhóm lợi ích bảo thủ, những người muốn đảm bảo giữ quyền kiểm soát phần lớn các nguồn lực của chính phủ. Không chính phủ nào không gặp phải những áp lực như vậy và tôi cho rằng bất kỳ quyết định nào mà Chính phủ Việt Nam đưa ra cũng sẽ có người chỉ trích họ.
Điều quan trọng là cần xem xét toàn diện từng lĩnh vực. Vì vậy, nếu chính phủ quyết định hỗ trợ ngành nông nghiệp, họ cũng sẽ cần hỗ trợ tất cả các mắt xích của chuỗi cung ứng để đưa sản phẩm nông nghiệp vào các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, v.v. Tương tự với ngành du lịch, không chỉ hỗ trợ khách sạn và nơi lưu trú mà cả phương tiện đi lại, khu nghỉ dưỡng, hỗ trợ bán lẻ và những dịch vụ cá nhân. Nhìn chung, sẽ tốt hơn nếu hỗ trợ những ngành có ảnh hưởng lớn nhất đến việc làm.
– Một loạt các chính sách tài khóa và tiền tệ được đưa ra để hỗ trợ nền kinh tế, những ưu – khuyết điểm của các chính sách này là gì, thưa ông?
– Nhìn chung, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế. Quan trọng không kém, Chính phủ đã rất quyết đoán và hành động sớm giúp Việt Nam tránh được những sai lầm của một số quốc gia khác.
Bất cứ khi nào một nền kinh tế gặp khó khăn thì việc bơm tiền nhanh chóng luôn là giải pháp hữu hiệu ngay lập tức – nhưng dòng tiền đó phải thực sự đi vào nền kinh tế và đóng góp vào tốc độ lưu chuyển tiền tệ. Nếu đưa tiền cho người giàu thì họ có thể sẽ dùng để gửi ngân hàng hoặc mua hàng hóa nhập khẩu đắt tiền. Nhưng nếu đưa tiền cho người nghèo thì họ sẽ chi tiêu ngay lập tức tại địa phương mình đang sống vì họ cần thực phẩm, thuốc men và các dịch vụ cơ bản. Vì vậy, hỗ trợ tầng lớp lao động là quyết định đúng đắn về cả góc độ kinh tế và công bằng.
Đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và rất nhỏ nên đang bị ảnh hưởng khá nặng. Lực lượng lao động rất lớn, đa phần là những người dễ bị tổn thương do thu nhập khiêm tốn, lại đang làm việc cho loại hình doanh nghiệp nêu trên. Vì vậy, cần lưu ý hỗ trợ các doanh nghiệp này.
Về mặt lãi suất, thật không may là trong hơn một thập kỷ qua kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng như khủng hoảng thắt lưng buộc bụng sau đó, các chính sách như giảm lãi suất trở nên kém hiệu quả hơn trước đây. Trừ một số nước đang phát triển và nghèo, lãi suất nhìn chung đang ở mức thấp. Chênh lệch lãi suất giữa các nước cũng sẽ tác động đến việc điều tiết nền kinh tế. Vì vậy, các nhà hoạch định cần tính toán kỹ càng. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ luôn có độ trễ hơn so với chính sách tài khóa. Song với bối cảnh Việt Nam hiện nay, có lẽ chúng ta phải cần cả hai chính sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhỏ.
Về thị trường lao động, Chính phủ đã đưa ra chính sách kết hợp cả chủ động và thụ động. Chính sách thụ động bao gồm trợ cấp thất nghiệp để người dân có thể tiếp tục cuộc sống trong một thời gian mà không cần làm việc. Các chính sách chủ động hơn gồm cung cấp các chương trình đào tạo và nâng cấp kỹ năng để giúp người dân tìm việc làm mới.
Tuy nhiên, dù Chính phủ có biện pháp hay chính sách gì, cần lưu ý rằng nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế rất mở nên sẽ phụ thuộc vào những gì diễn ra ở các quốc gia khác nữa. Nếu các chính phủ khác không hành động thích hợp thì nỗ lực của một chính phủ riêng lẻ sẽ không thể đạt được thành công như mong đợi.
Về lâu dài, cần có sự phối hợp và hợp tác lớn hơn nữa trong khối ASEAN để đưa ra các chính sách toàn khu vực trong những cuộc khủng hoảng như hiện nay. Chúng ta biết rằng khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu đang đến và chắc chắn các quốc gia sẽ cần chung tay xây dựng những chính sách đa phương.
– Trong khủng hoảng, chính sách tài khóa thường được ưu tiên trước và giai đoạn sau đó chính sách tiền tệ mới phát huy tác dụng. Theo ông, lúc này đây, việc bơm tiền và hạ lãi suất có tác dụng không, khi các doanh nghiệp đang thu hẹp sản xuất kinh doanh vì dịch bệnh?
– Chúng ta đã thấy trường hợp của Mỹ chi số tiền hàng tỉ đô la để hỗ trợ nền kinh tế và nhiều chuyên gia cảm thấy rằng điều này vẫn sẽ không đủ – và có lẽ sẽ không bao giờ đủ dù có chi bao nhiêu đi nữa. Điều tương tự cũng đang diễn ra với các nước Tây Âu và Nhật Bản. Vì vậy, sẽ sai lầm khi tuyên bố rằng Chính phủ Việt Nam có thể giải quyết những vấn đề này chỉ bằng cách bơm tiền vào nền kinh tế. Điều này chắc chắn là cần thiết nhưng có lẽ sẽ không đủ để phục hồi.
Các công ty chắc chắn đang giảm các hoạt động ở thời điểm hiện nay, nhiều trong số đó làm như vậy để bảo vệ nhân viên khỏi dịch bệnh. Như đã đề cập ở trên, hầu hết các công ty này là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối tượng này trên toàn thế giới có xu hướng có vấn đề về lưu chuyển tiền tệ. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng sau ba tháng không có thu nhập. Có thể không thể cứu được tất cả những doanh nghiệp này nhưng cũng đáng nỗ lực giúp cứu càng nhiều doanh nghiệp càng tốt.
– Đầu tư công có thể được xem là giải pháp tốt hiện nay để tạo ra hiệu ứng lan tỏa nền kinh tế. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
– Đây là câu trả lời chính xác cho một nền kinh tế bị suy thoái. Đại diện cho các nhà đầu tư tư nhân, chuyên gia kinh tế Paul Krugman giải thích rằng suy thoái có thể cho thấy các nhà đầu tư mất tự tin, nghĩa là họ không có mong muốn đầu tư. Điều này khiến lượng tiền được lưu thông và vận tốc lưu thông giảm xuống, và một vòng xoáy luẩn quẩn bắt đầu. Các chính phủ phải hành động ở đây vì họ là những định chế lớn nên khó có thể đưa ra cam kết rồi lại không thực hiện. Hơn nữa, họ có thể chỉ cần in thêm tiền (thông qua nhiều phương tiện hợp pháp) nếu cần. Bơm tiền vào nền kinh tế giúp khôi phục niềm tin vào hệ thống nói chung và người thu nhập thấp có xu hướng chi tiêu ngay lập tức, do đó làm tăng vận tốc lưu chuyển dòng tiền. Chúng ta đã thấy cách tiếp cận này thành công trong các giai đoạn suy thoái kinh tế trước đây, và hơn nữa, chúng ta đã thấy rằng cách tiếp cận ngược lại, thắt lưng buộc bụng hoặc giảm chi tiêu công, chưa bao giờ có hiệu quả.
Đầu tư công có thể tập trung vào cơ sở hạ tầng vật chất, vì xây dựng là quy trình thường cần rất nhiều lao động và hiện có nhiều dự án như vậy ở Việt Nam nên sẽ rất hữu ích để bắt đầu. Nếu không đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất, chẳng hạn như nhiều dự án thuộc Mạng lưới Đường cao tốc châu Á đang được xây dựng dưới sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á, thì có thể đầu tư vào ngành giáo dục, ví dụ như đầu tư cải tạo các trường tiểu học trên cả nước.
– Sau khi dịch bệnh qua đi, Việt Nam cần làm gì? Một số dự báo cho thấy Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP lên đến 7% trong năm 2021. Theo ông, đâu là lý do để lạc quan đến như vậy?
– Trong báo cáo Nghiên cứu toàn cầu – Triển vọng kinh tế được công bố gần đây, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 2 dự đoán sẽ chậm lại, chỉ đạt 3,3% do những thách thức liên quan đến Covid-19.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 2,7% trong năm nay, nhưng sẽ phục hồi mạnh mẽ lên 7% vào năm 2021.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ giảm mạnh xuống còn 2,2% vào năm 2020 và sau đó tăng trở lại 6,3% vào năm 2021.
Các tổ chức trên lãnh trách nhiệm đi đầu trong việc dự đoán và lập kế hoạch cho tương lai, đồng thời sẽ xem xét kịch bản tốt nhất cũng như các kịch bản khác. Chúng ta chứng kiến nhiều chính phủ trên khắp thế giới tuyên bố lạc quan về tương lai nền kinh tế nước họ, một phần để trấn an người dân và phần khác để trấn an thị trường. Tuy nhiên, khi thực tế thay đổi, dự đoán cũng phải thay đổi. Đây là một ví dụ về một bài học khác từ chuyên gia kinh tế Keynes. Ông cho biết khi sự thật thay đổi, ý kiến của ông cũng sẽ đổi theo.
Nếu Covid-19 có thể được kiểm soát trên toàn cầu vào quý 2, thì các dự đoán tích cực có thể được chứng minh là đúng. Tuy nhiên, từ những câu trả lời khác được đưa ra ở đây, dường như sự lạc quan này không có nhiều khả năng xảy ra. Sẽ có những thay đổi và ngay cả khi những thay đổi này là tốt cho toàn cục thì chúng sẽ vẫn làm đảo lộn những dự đoán kinh tế hiện nay.
– Xin cảm ơn ông!
Theo Linh Nga/DĐDN