Doanh nghiệp làm xuất khẩu phải đầu tư website cho thật tốt, ấn tượng. Các thông tin càng chi tiết càng tốt. Có sản phẩm quy cách, không để giá nhưng cung cấp kĩ các thông tin tham khảo như về năng lực cung cấp.

Nhiều năm làm việc cho các tổ chức giám định hàng xuất khẩu đi từ Việt Nam, bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập có những chia sẻ với các doanh nghiệp trong buổi kết nối B2B maching tại Lễ hội Sức khỏe và dinh dưỡng 2018, trước khi họ tham dự buổi kết nối với các đối tác trong và ngoài nước.

Buổi kết nối này nằm trong nhiều hoạt động khác đang diễn ra tại Lễ hội Sức khỏe và dinh dưỡng tại Nhà thi đấu Nguyễn Du, TP.HCM.

Hiểu về người mua hàng

Bà Kim Thanh cho biết, các doanh nghiệp cần hiểu xem nhà mua hàng là ai. Họ có thể là nhà nhập khẩu rồi phân phối lại cho nhà bán lẻ. Mua trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc thông qua công ty môi giới.

Họ cũng có thể đóng gói sản phẩm với tên của họ, còn tên nhà sản xuất ở cuối cùng hàng mã số về xuất xứ. Họ có hoặc không có bộ phận đảm bảo chất lượng vì chi phí cao, Họ chọn qua công ty môi giới có cung cấp đảm bảo chất lượng. Có vấn đề là công ty môi giới chịu trách nhiệm…

Còn nhóm nhà môi giới mua hàng thì giá trị gia tăng của họ là cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lượng. Hàng bị trả, không được nhập thì ảnh hưởng cả hai.

Nhóm tiếp theo là các nhà bán lẻ, họ mua trực tiếp từ nhà sản xuất nếu họ đủ lớn. Cũng có một số nhà bán lẻ chỉ mua từ nhà nhập khẩu vì mua t rực tiếp nhiều phức tạp.

Họ không hoặc rất ít khi mua từ nhà môi giới. Nhóm nhà bán lẻ có bộ phận đảm bảo chất lượng hoặc sử dụng dịch vụ đảm bảo chất lượng của bên thứ 2.

Nhà mua hàng tìm nhà cung cấp tại các Hội lớn

Những nhà mua hàng tìm kiếm nhà cung cấp ở đâu? Theo bà Kim Thanh, họ tìm thông qua hội chợ, nhưng hội chợ quốc tế chủ yếu là nhà nhập khẩu, ít người mua hàng. Nên những nhà mua hàng kinh nghiệm họ tìm đến các hiệp hội nhiều hơn, vì hội có các hội viên, thông tin đáng tin cậy nhiều hơn.

Không chăm sóc “mặt tiền nhà mình”

Chia sẻ thêm về vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải trong việc “tiếp thị” mình trước nhà mua hàng, bà Kim Thanh cho biết, doanh nghiệp Việt hay thiếu là website.

“Nhiều doanh nghiệp có website đơn điệu, không có tiếng Anh đầy đủ, nội dung không phong phú ở cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh”.

Trong khi đó, nhà mua hàng họ coi đầu tiên là website của doanh nghiệp trước. Nếu thiếu website thì đừng nói chuyện đến tiếp xúc và sẽ mất đi 50% cơ hội. Mất ấn tượng đầu tiên.

“Do đó nếu doanh nghiệp làm xuất khẩu phải đầu tư website cho thật tốt, ấn tượng. Các thông tin càng chi tiết càng tốt. Có sản phẩm quy cách, không để giá nhưng cung cấp kĩ các thông tin tham khảo như về năng lực cung cấp”… bà Kim Thanh nói.

“Đừng bao giờ nói với đối tác là mua bao nhiêu cũng đủ hết”

Bà Kim Thanh khuyên doanh nghiệp, khi làm việc với nhà mua hàng, đừng bao giờ nói là mua bao nhiêu cũng đủ hết. “Đây là một lời nói dối tệ hại. Tôi cho rằng, doanh nghiệp nên chỉ nói công suất tối đa của nhà máy, vùng nguyên liệu. Và nên thận trong khi nói về năng lực bán hàng. Bởi các nhà mua hàng, họ nhìn quy mô, kiểm chứng vùng nguyên liệu là biết sự thật đến đâu”.

Hãy cho họ thông tin càng nhiều càng tốt, không phải hỏi đến đâu trả lời đến đó.

Cần có các chứng nhận an toàn thực phẩm

Trong quá trình tìm hiểu mua hàng, nhà mua hàng đến đánh giá, thuê bên làm dịch vụ đánh giá không chỉ ở sản xuất, chế biến mà còn nơi cung cấp nguyên liệu.

“Họ đánh giá hạ tầng cơ sở, điều kiện vệ sinh để xác định điều kiện về sản xuất an toàn thực phẩm, chất lượng, ổn định. Đây là ba yếu tố xác định năng lực cung cấp”

“Họ đánh giá từng chi tiết nhỏ. Như mở nhà vệ sinh, nhà công nhân, bãi rác…kho hàng (hỏi đến đâu DN phải biết), nhiều doanh nghiệp bỏ qua chi tiết này”.

Nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, bà Thanh cho hay, hệ thống quản lý chất lượng ATTP, chương trình HACCP rất quan trọng nhưng nhiều DN không làm nghiêm túc. Trong khi đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng.

Nhà mua hàng họ còn đánh giá về trách nhiệm xã hội của DN. Về việc sử dụng lao động (điều này bị soi kỹ), quan hệ cộng đồng, môi trường phải thích ứng với biến đổi khí hậu…

Hiện nay, nhà bán lẻ khó tính đã áp dụng đánh giá để xem xét. Như Walmart phân ra màu xanh – cam – đỏ (xanh là đạt; cam phải 6 tháng điều chỉnh – đỏ là dừng cung cấp 1-3 năm.

Quy trình kiểm tra trước khi đóng hàng

Thực hiện bởi tổ chức công nhận chức năng giám định hoặc chỉ định. Chỉ thực hiện khi 80% hàng hóa đã đóng gói xong.

Cuối cùng bà Kim Thanh cho rằng, trước khi đóng hàng, doanh nghiệp cần kiểm tra về tuổi của container (có trường hợp quá 10 tuổi không được cập cảng); kiểm tra tình trạng container, chạy tải đến khi đạt nhiệt độ yêu cầu trong quá trình vận chuyển đối với container lạnh và mát; kiểm tra ngẫu nhiên, ghi lại sơ đồ container (phải rõ ràng để cung cấp thông tin cho hải quan lấy đúng hàng kiểm, không  cần dỡ cả container).

Bài, ảnh: Trần Quỳnh