Tiêu điểm:

Kinh tế Myanmar tăng trưởng âm 18% trong năm 2021

Kinh tế Myanmar dự kiến sẽ “teo” lại 18% trong năm 2021 do bất ổn xã hội sau đảo chính quân sự và các đợt bùng phát dịch Covid-19. Hệ quả là tỷ lệ người dân sống trong đói khổ sẽ tăng gấp đôi vào đầu năm tới.

“Các vụ đóng cửa, đình công và cắt Internet đã làm giảm tính thanh khoản, gây khó khăn cho ngành ngân hàng”, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 27/7 viết. Đồng kyat của nước này đã mất 23% giá trị so với đồng USD kể từ sau đảo chính quân sự đầu tháng 2 năm nay.

Tốc độ tăng trưởng âm sẽ khiến nền kinh tế Myanmar giảm quy mô 30% nếu so với thời điểm trước dịch. Tỷ lệ dân số sống trong nghèo đói sẽ có thể tăng gấp đôi vào đầu năm 2022 so với mức độ của năm 2019.

Các nhà đầu tư lũ lượt kéo về Myanmar sau khi quân đội nước này bỏ chính sách “bàn tay sắt” vào năm 2011, mở đường cho các cải cách dân chủ và tự do hóa kinh tế với hơn 50 triệu dân. Nhiều nhà đầu tư nước đình hoãn hoạt động hoặc thoái vốn hoàn toàn khỏi Myanmar ngay lập tức sau cuộc đảo chính 1/2/2021.

Hãng bia Kirin của Nhật Bản công bố sang nhượng cổ phần của họ tại các liên doanh sản xuất bia ở Myanmar. Mới nhất, đầu tháng 7 này, gã khổng lồ về viễn thông Telenor ASA của Na Uy đã công bố sẽ bán chi nhánh viễn thông Myanmar có tới 18 triệu khách hàng. Trong khi đó, các tập đoàn đa quốc gia còn bám trụ tại Myanmar thì đang lo ngại về hình ảnh, tên tuổi thương hiệu của họ ngày càng xấu đi khi làm ăn với chính quyền quân sự.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,6 – 57,3 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với giá hôm trước. Chênh lệch giá hai đầu được mở rộng thành 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.796,3 USD/ounce, giảm 5,9 USD, tương đương 0,33% so với chốt phiên trước.

2/ Theo Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Đông Nam Bộ, giá gà công nghiệp tại các trang trại Đồng Nai hiện chỉ còn 6.000 – 7.000 đồng/kg nhưng không có đầu ra vì lò mổ đóng cửa do Covid-19. Nếu so với giá thành khoảng 29.000 đồng/kg trước đây thì người nuôi gà lỗ 12.000 – 13.000 đồng/kg, mỗi con gà lỗ 30.000 – 32.500 đồng. Một số trại gà tại Đồng Nai cũng cho biết hiện lượng gà không bán được đã quá lứa nhiều hơn, hàng ngày trại lấy ra hàng chục con gà chết vì chuồng chật, gà dẫm đạp, mổ nhau. Được biết, nguyên nhân khiến giá gà tiếp tục lao dốc không phanh từ 12.000 đồng/kg, chỉ sau vài ngày còn 6.000 đồng/kg, là do nhà máy giết mổ gia cầm An Nhơn duy nhất tại TP.HCM đóng cửa do có ca F0. Ngoài ra, vận chuyển cũng khó khăn nên thương lái ngại thu mua.

Giá gà rẻ như cho, đến tuổi xuất bán mà không ai mua. Ảnh: PLO

3/ Hôm nay 27/7, ứng dụng Be đã dừng mọi dịch vụ từ 10h sáng còn Grab bắt đầu tiêm vaccine cho tài xế đầu giờ chiều, trong bối cảnh thiếu shipper khan hiếm và bị siết chặt. Be Group, đơn vị sở hữu Be xác nhận đã chính thức tạm ngưng cung cấp dịch vụ giao hàng và đi chợ hộ tại TP HCM từ 10h ngày 27/7 đến 1/8 hoặc đến khi có thông báo mới. Tính đến 10h ngày 27/7, ứng dụng gọi xe Be đã tạm ngưng cung cấp tất cả dịch vụ tại Hà Nội và TP HCM. Công ty cho hay đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để có thể triển khai tiêm vaccine cho đội ngũ tài xế công nghệ trong thời gian sớm nhất. Được biết, một số nền tảng cung cấp dịch vụ giao hàng và đi chợ khác cho hay vẫn tiếp tục duy trì hoạt động nhưng đã giới hạn khung giờ theo quy định của UBND TP HCM kể từ ngày 26/7.

4/ Do ảnh hưởng dịch Covid-19, các hãng Bamboo Airways, Vietjet, Pacific Airlines đã tạm dừng khai thác các chuyến bay chở khách thường lệ. Hiện chỉ còn Vietnam Airlines, Vasco khai thác một số đường bay. Theo thông báo của Bamboo Airways, hãng này đã tạm dừng khai thác tất cả các chuyến bay thường lệ do hãng khai thác từ ngày 26/7 đến hết ngày 7/8. Còn các hãng Vietjet, Pacific Airlines dù chưa có thông báo chính thức nhưng thực tế cũng đã tạm dừng khai thác các chuyến bay chở khách thường lệ do có ít hành khách đi lại bởi ảnh hưởng đại dịch covid-19. Như vậy, hiện nay chỉ còn Vietnam Airlines và Vasco khai thác trên một số đường bay còn được phép vận hành.

5/ Theo Bloomberg, giá cổ phiếu các doanh nghiệp công nghệ, giáo dục và bất động sản Trung Quốc đã lao dốc không phanh trong ngày thứ ba liên tiếp sau chiến dịch trấn áp của Bắc Kinh. Tiêu biểu, giá cổ phiếu Tencent Holdings đã lao dốc hơn 5% trong phiên giao dịch sáng 27/7 sau khi mảng âm nhạc của tập đoàn này không còn được streaming độc quyền. Giá cổ phiếu Meituan sụt giảm lần lượt 14% và 11% trong hai ngày 26 và 27/7. Được biết, hiện nay, hàng loạt nhà đầu tư lớn đang bán tháo cổ phiếu Trung Quốc, như Quỹ đầu tư Ark Innovation ETF đã giảm lượng cổ phiếu Trung Quốc từ 8% xuống 0,5% trong tháng này. Theo ngân hàng JPMorgan Chase & Co nhận định, chính sách mới của Trung Quốc khiến các loại cổ phiếu này trở thành tài sản không thể đầu tư.

6/ Trong thời gian qua, xoài Ấn Độ đang hướng sự chú ý đến thị trường khắp khu vực Đông Á và Trung Đông. Các số liệu chính thức cho thấy, chỉ khoảng 28 triệu USD xoài tươi được Ấn Độ xuất khẩu từ tháng 4 năm ngoái đến tháng 2 năm nay, so với mức cao khoảng 195 triệu USD của trái cây và các sản phẩm liên quan tới xoài trong năm 2016. Được biết, xoài chiếm khoảng 40% tổng xuất khẩu trái cây của Ấn Độ, nhà sản xuất lớn nhất thế giới, với khoảng 21 triệu tấn được thu hoạch trong năm tính đến tháng 6. Tuy nhiên, xuất khẩu xoài của nước này, trung bình khoảng 50.000 tấn/năm, đã bị giáng một đòn nặng nề bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Để thu hút thêm nhiều khách hàng, Bộ Thương mại Ấn Độ gần đây tổ chức các cuộc gặp gỡ trực tuyến giữa người mua và người bán, đồng thời tổ chức lễ hội xoài ở Bahrain, Kuwait và Qatar.

7/ Amazon bác bỏ thông tin nói rằng “đế chế” thương mại điện tử này có kế hoạch từ cuối năm nay sẽ chấp nhận thanh toán bằng bitcoin, song thừa nhận tập đoàn có quan tâm đến tiền điện tử. Trước đó, tờ City AM của London dẫn một nguồn tin gần gũi với Amazon nói rằng  tập đoàn sẽ chấp nhận thanh toán bằng tiền số, viện dẫn các tin tuyển dụng nhân viên mới đây đều yêu cầu các kỹ năng về tiền số và công nghệ chuỗi khối. Tuy đã bác bỏ thông tin trên, nhưng Amazon khẳng định tập đoàn vẫn đang “để mắt” đến lĩnh vực tiền điện tử. Giá tiền điện tử đã tăng lên sau những thông tin đồn đoán “gã khổng lồ” thương mại điện tử sẽ chấp nhận thanh toán bằng bitcoin.

Đồng tiền điện tử bitcoin. Ảnh: TTXVN

8/ Theo số liệu thống kê của Refinitiv Lipper, các nhà đầu tư trên toàn thế giới đã rót hơn 900 tỷ USD vào các quỹ tương hỗ và quỹ ETFs của Mỹ trong nửa đầu năm nay. Được biết, đây là con số kỷ lục tính từ năm 1992 và cao hơn so với tất cả tiền đầu tư vào các quỹ tại các vùng địa lý khác trên khắp thế giới trong cùng thời gian trên. Nguồn tiền toàn cầu đổ mạnh vào các tài sản tài chính Mỹ cho thấy, nhà đầu tư vẫn tin nền kinh tế này sẽ vượt qua đại dịch tốt hơn phần còn lại thế giới. Lượng tiền vào mạnh đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ lập những kỷ lục mới, mức tăng thị trường Mỹ cao hơn rất nhiều so với thị trường tài chính châu Âu và châu Á. Việc các chính sách tiền tệ và tài khóa đã đẩy tỷ lệ tiết kiệm tăng cao, nhiều người tin rằng Mỹ hiện vẫn là nơi tốt nhất để giữ tiền nếu xét đến việc nắm giữ cổ phiếu, trái phiếu và nhiều loại tài sản khác.

9/ CEO Mark Zuckerberg cho biết mạng xã hội lớn nhất thế giới này đang xây dựng một nhóm sản xuất chuyên về “Metaverse”, một thế giới kỹ thuật số nơi mọi người có thể di chuyển giữa các thiết bị khác nhau và giao tiếp trong môi trường ảo. Trong một cuộc phỏng vấn với chuyên trang tin công nghệ The Verge, Zuckerberg cho hay người dùng có thể nghĩ về Metaverse như “một hiện thân của thế giới Internet”. Thay vì chỉ xem nội dung trong không gian đó, họ có thể ở trong Metaverse. Giới quan sát công nghệ cho rằng đây là “một cuộc phiêu lưu” của Facebook trong bối cảnh giới lập pháp Mỹ đang “để ý” tới mạng xã hội này. Zuckerberg chia sẻ rằng hoàn toàn hợp lý khi đầu tư sâu vào thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) để định hình những lĩnh vực công nghệ còn mới mẻ này. Ông đánh cược VR – AR sẽ là nền tảng điện toán lớn tiếp theo của thế giới.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA