Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế không tiền mặt vào năm 2027. Đây là động lực chính để các hãng ví điện tử quyết giành thị phần.

Hiện có 32 công ty tài chính công nghệ (fintech) được ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thanh toán trung gian – tức ví điện tử.

Tuy nhiên, cuộc đua giành thị phần phần lớn diễn ra ở GrabPay by Moca và MoMo, với các chương trình khuyến mãi khủng…

12 năm để thay đổi thói quen

Chuyển từ thói quen sử dụng tiền mặt sang các hình thức thanh toán điện tử ở Việt Nam, là một quá trình dài. Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập kiêm phó chủ tịch MoMo, nói rằng ngay từ năm 2007 ông đã tin thanh toán dịch vụ có giá trị nhỏ bằng SIM điện thoại rất tiềm năng. Nhưng mọi việc lại khó, bởi người tiêu dùng không quen sử dụng và chưa thấy lợi ích của việc này.

Ông Lê Thanh Tâm, tổng giám đốc phụ trách khu vực ASEAN của tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDG), cũng nói dù giảm nhiều nhưng tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam vẫn chiếm 79%. Số còn lại là thanh toán điện tử, trong đó thanh toán bằng thẻ chiếm 38%, ngân hàng điện tử 30%, và ví điện tử 28,4%.

Với cơ cấu này, các chuyên gia tin thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam vẫn là mảnh đất đầy cơ hội phát triển cho các công ty fintech. Dân số trẻ với thu nhập tốt, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và thương mại điện tử tại Việt Nam được kỳ vọng nằm trong tốp đầu của Đông Nam Á, là những điều kiện thuận lợi cho thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam phát triển trong những năm tới.

Một nghiên cứu của Nielsen Việt Nam chỉ ra có khoảng 25% khách hàng trong độ tuổi 18 – 25 tuổi tại Hà Nội và TP.HCM đang sử dụng dịch vụ tài chính nói chung. Tỷ lệ này tăng đáng kể so với các năm trước. Số liệu này không chỉ cho thấy tiềm năng tăng trưởng từ nhu cầu giao dịch tài chính của giới trẻ. Trong tương lai, nhóm này sẽ lớn lên và có khả năng chi nhiều tiền hơn. Chuyên gia của Nielsen Việt Nam nhận định, trong khi các ngân hàng truyền thống thường bỏ lơ nhóm đối tượng này, thì đây chính là cơ hội cho các công ty chuyên về ví điện tử. Chỉ cần tạo được hành vi tiêu dùng theo hướng phù hợp, hiện đại, cá nhân hoá, thì đây chính là phân khúc khách hàng tiềm năng.

Đổ xô đầu tư

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế không tiền mặt vào năm 2027. Đây là động lực chính để các hãng ví điện tử quyết giành thị phần.

Grab đã đổ thêm 500 triệu USD cho kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam, phần lớn tập trung vào mảng thanh toán. Quỹ đầu tư Softbank của Nhật Bản và công ty đầu tư GIC của Chính phủ Singapore, cùng góp 300 triệu USD cho ví điện tử của VNPAY vào tháng 7 vừa rồi. Ví MoMo cũng huy động được 100 triệu USD từ quỹ đầu tư Warburg Pincus.

Trong khi đó, ví điện tử Vimo sáp nhập với công ty xử lý thanh toán mPOS và đổi tên thành NextPay vào tháng 6/2019, và đang huy động khoảng 30 triệu USD, nhằm mở rộng thị trường. Ông Nguyễn Hữu Tuất, giám đốc điều hành của NextPay,cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ có mặt trên khắp Việt Nam và giành được 50% thị trường với 300.000 điểm chấp nhận thanh toán vào năm 2023, từ mức 60.000 cửa hàng hiện nay”.

Cuộc chạy đua đầu tư vào mảng thanh toán điện tử đã thay đổi ngoạn mục bức tranh toàn cảnh ngành fintech tại Việt Nam.

Báo cáo mới nhất do hãng kiểm toán PwC Singapore, ngân hàng United Overseas Bank và hiệp hội Fintech Singapore soạn thảo, nói rằng: nguồn vốn đầu tư vào các fintech ở Việt Nam trong chín tháng đầu năm 2019 chiếm đến 36% tổng vốn của khu vực. Năm 2018 chỉ có 0,4%. Trong khi đó, nguồn vốn đổ vào Singapore chậm lại xuống còn 51%, so với mức 53% của năm 2018; Indonesia chỉ nhận 12%, so với con số 37% trước đó.

“Mảng thanh toán điện tử đang thật sự dẫn dắt sự phát triển của Việt Nam”, ông Wong Wanyi, thuộc hãng PwC Singapore, và là đồng tác giả của báo cáo trên, nhận định.

Tạo thế cạnh tranh

Có đến 32 “tay chơi”, thế nhưng theo vụ Thanh toán thuộc ngân hàng Nhà nước, 80% giá trị thanh toán và lượng giao dịch chỉ thực hiện ở năm ví chính: Moca, MoMo, Payoo, SenPay và Airpay.

Hậu thuẫn bởi tập đoàn FPT, SenPay được sử dụng như một phương thức giao dịch giữa khách mua sắm, sàn thương mại điện tử Sendo và các chủ shop. Hiện Sendo là một trong bốn sàn thương mại hàng đầu tại Việt Nam có lượng khách là các nhà bán hàng trong nước, và người mua chủ yếu ở khu vực tỉnh lẻ.

Còn AirPay, ví điện tử này là sản phẩm của công ty Phát triển thể thao điện tử Việt Nam (tiền thân là Garena Việt Nam), được “chống lưng” bởi tập đoàn SEA (sở hữu sàn thương mại điện tử Shopee và nền tảng giải trí trực tuyến Garena). SEA cũng là nhà đầu tư rót tiền vào dịch vụ ăn uống Foody (Now). Bởi vậy, AirPay tại Việt Nam không những có hệ sinh thái từ giao dịch mua sắm trên Shopee, mà còn hưởng lợi từ tệp khách hàng mua thẻ game của Garena, và đặt đồ ăn trực tuyến qua Now.

Trong khi đó, các ví MoMo, Moca và Payoo có hướng đi khác chút.

MoMo là một trong những ví điện tử tiên phong trên thị trường, khi được cấp giấy phép thí điểm từ năm 2009 và có giấy phép chính thức từ 2015. Họ có hơn 100.000 điểm thanh toán, đồng thời dốc tiền làm khuyến mãi thu hút khách sử dụng ví. Cùng với việc đẩy mạnh giao dịch tại các cửa hàng nhỏ lẻ, MoMo còn có thể thanh toán được trên Tiki và Adayroi.

Hiện người dùng có thể dùng nền tảng này thanh toán hoá đơn các loại (điện, nước, cước điện thoại, viễn thông, internet, truyền hình cáp), du lịch, giao thông đi lại (máy bay, taxi, xe buýt liên tỉnh, tàu hoả) đến giải trí, tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, mua sắm, dịch vụ ăn uống…

Moca có bước đột phá khi bắt tay với Grab vào năm 2018, để hình thành GrabPay by Moca. Ví này cho phép thực hiện mọi giao dịch hiện có trên ứng dụng: đặt xe, giao hàng, gọi đồ ăn, nạp tiền điện thoại, trả tiền điện nước, thanh toán tại cửa hàng…

Là một trong hai đơn vị đầu tiên được cấp giấy phép thí điểm vào năm 2009, Payoo có lợi thế của người đi đầu và xây dựng được mạng lưới thanh toán hoá đơn (điện, nước…) khắp mọi miền tại các điểm bán lẻ như VinMart+, Thế giới Di động, Điện máy Xanh…

Giành giật người dùng

Các cửa hàng tiện lợi, quán cà phê và nhà hàng đều trưng bảng chấp nhận thanh toán ít nhất là hai, thậm chí bốn ví điện tử khác nhau. Thậm chí cả bãi giữ xe và quầy hàng lề đường ở quanh khu phố đi bộ Nguyễn Huệ và toà nhà Bitexco, cũng chấp nhận trả tiền qua ví điện tử.

Ông Marek Forysiak, chủ tịch Smartnet, sự tiện lợi, nhanh chóng và trải nghiệm dịch vụ tốt và các chương trình khuyến mãi “làm quen”, đang thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Các khảo sát cho thấy, có đến 25% khách hàng sử dụng ví điện tử vì các khuyến mãi mà các ví tặng cho khách, sau đó họ quen dần với trải nghiệm mới, và khiến họ “dính chặt” với ví điện tử. Và họ chuyển từ ví này sang ví khác khi có khuyến mãi đậm. Hoàn tiền từ 10 – 50%, mua 1 tặng 1, tích luỹ điểm và khuyến thưởng bậc thang “càng xài càng rẻ”, đã khiến người tiêu dùng mê mệt: mua vé xem phim CGV bảy ngày trong tuần chỉ 1.900 đồng/vé, các cuốc xe 9.000 đồng, thanh toán tại cửa hàng được hoàn tiền theo luỹ tiến đến 35%…

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình từng ta thán: “Không thể tưởng tượng được người ta đốt tiền cỡ nào. Người ta có thể tài trợ cho những người dùng ví điện tử 20% tiền điện cho cả cái đất nước này, để đổi lấy tăng trưởng…”

Phát biểu của ông có vẻ hơi quá, bởi các hãng đều khôn ngoan giới hạn trần số tiền người dùng được giảm: chẳng hạn 20% cho lần đầu sử dụng ví thanh toán tiền điện, nhưng không quá 100.000 đồng, hoặc 30% tiền nạp điện thoại, nhưng không quá 50.000 đồng!

Lợi ích lâu dài

Người tiêu dùng được lợi trước tiên, nhưng về lâu dài là một nền kinh tế số. Đó là nền kinh tế không tiền mặt mà ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu thực hiện vào năm 2027.

Chỉ khoảng 40% dân số Việt Nam có tài khoản, nhưng phần lớn người dân chỉ đem thẻ đến cây ATM rút tiền để sử dụng tiền mặt. Trong những dịp lễ tết, hình ảnh hàng dài người rồng rắn trước cây ATM rút tiền, nhưng có khi đến lượt mình lại hết tiền. Dù đã có quy định “các ngân hàng thương mại để cây ATM rỗng, không có tiền sẽ bị phạt 15 triệu đồng mỗi trường hợp”, nhưng mọi người vẫn thất vọng khi tiền trong tài khoản thì có, nhưng đi rút thì khổ sở vô cùng…

Tuần rồi, trong thông tư mới nhất về việc không để ATM “khô” tiền, đảm bảo lưu thông tiền mặt của các ngân hàng, lần đầu tiên ngân hàng Nhà nước đã nhắc đến vai trò của ví điện tử trong việc đảm bảo một cái tết thuận tiện mua sắm cho người dân.


Thanh toán điện tử tại Việt Nam tăng trưởng với tốc độ 35% mỗi năm, thuộc loại nhanh nhất thế giới. Dự kiến, mảng này đạt giá trị gần 4,5 tỷ USD trong năm 2019. Hiện ngân hàng Nhà nước đang xem xét bỏ hạn mức thanh toán 20 triệu đồng/ngày, và vẫn giữ mức 100 triệu đồng/tháng đối với ví điện tử.

Hãng tin Reuters cũng vừa loan tin: Ant Financial của gã khổng lồ Alibaba vừa mua lại lượng lớn cổ phần của ví eMonkey. Thương vụ này sẽ ảnh hưởng đến hướng đi của eMonkey và cạnh tranh thị trường trong thời gian tới.

bài và ảnh Nguyên Thảo (theo TGHN)