Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch câu lạc bộ LBC chia sẻ tại chương trình

Ngày 3/12/2019, Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức chương trình sinh hoạt định kỳ tháng 12/2019 với chủ đề: Doanh nghiệp Việt và vấn đề phát triển bền vững. Ông Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch câu lạc bộ LBC đã chia sẻ nhiều nội dung liên quan chủ đề trên với các doanh nghiệp thành viên. Trong đó mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những cách làm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu, rộng với thế giới, vấn đề phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu. Phát triển bền vững dần trở thành trọng tâm chiến lược của các doanh nghiệp trong nhiều năm trở lại đây và được xem như động lực sáng tạo, tăng trưởng.

Phát triển bền vững phải phát triển hài hòa 3 trụ cột, là tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Nghĩa là mọi tác động bằng quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư, công trình, hay bằng cơ chế chính sách) đều phải có tác động tích cực tới ba trụ cột trên.

Để bền vững, trước hết, doanh nghiệp phải hoạt động một cách có trách nhiệm, phù hợp với các nguyên tắc của toàn cầu, có những hành động hỗ trợ cho xã hội quanh họ. Từ đó, thúc đẩy sự bền vững vào sâu DNA của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải cam kết ở cấp cao nhất, có báo cáo những nỗ lực của họ hàng năm và tham gia gắn kết vào những việc của địa phương nơi họ kinh doanh.

Những doanh nghiệp thành công nhờ mô hình kinh tế tuần hoàn

Trong nền kinh tế truyền thống, các nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên ở dạng nguyên liệu thô để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ, sau đó phế thải từ sản xuất và tiêu dùng được chôn lấp hoặc thậm chí thải ra môi trường.

Mô hình kinh tế tuần hoàn là một giải pháp thay thế bền vững cho mô hình truyền thống nói trên. Trong nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả tài nguyên đã sử dụng

Ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết, khái niệm kinh tế tuần hoàn gần đây được nói đến rất nhiều. Trong nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả những tài nguyên đã sử dụng.

Như tại công ty Heineken Việt Nam, họ áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm kiến tạo những giá trị bền vững cho con người, hành tinh, và sự thịnh vượng, không chỉ giúp giảm phát thải mà còn kiến tạo ra giá trị từ rác thải. Những sáng kiến này bao gồm: tiến tới không rác thải cần chôn lấp, gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế.

Cụ thể, gần như 100% chai bia thủy tinh được thu hồi lại để tái sử dụng trước khi được tái chế tại nhà máy thủy tinh vào cuối vòng đời sản phẩm. Các nguyên vật liệu khác như nhôm, nhựa và giấy đều được tái sử dụng hoặc tái chế; xử lý 100% nước thải đạt tiêu chuẩn an toàn loại A trước khi trả về môi trường một cách an toàn.

Một mô hình kinh tế tuần hoàn khác trong nông nghiệp cũng được ông Phạm Phú Ngọc Trai chia sẻ, đó là mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn trong trang trại chăn nuôi lợn (COAM). Mô hình trên do chị Nguyễn Phương Thảo, đại diện công ty Nguyên Khôi Xanh áp dụng, với tên gọi: “Mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn ứng phó với biến đổi khí hậu”, mô hình này đã giành được giải thưởng tại Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” 2019.

Theo đó, vật nuôi được sống trong môi trường sạch sẽ, rộng rãi, gần gũi với thiên nhiên, hạn chế tác động của hóa chất, hòa hợp với tự nhiên, theo một vòng tuần hoàn, khép kín. Chất thải rắn của lợn được xử lí qua men vi sinh, trở thành thức ăn cho giun quế. Sau đó, đạm giun lại trở thành đạm cho vật nuôi, phân giun trở thành phân bón hữu cơ cho các cây trồng trong trang trại. Phần nước thải sau biogas không xả thẳng ra môi trường mà có hệ thống bể lọc ngập nước kiến tạo, bao gồm các vật liệu lọc và cây thủy sinh để tiếp tục phân giải các chất dư thừa là nitơ và phốt pho. Nước thải sau bãi lọc được tận dụng để tưới cây và đưa ra đầm sen nhằm tạo năng suất cũng như để đạt hiệu quả kinh tế…

Thức ăn được làm chín bằng men vi sinh thay vì nấu chín bằng nhiệt phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than, điện lưới. Các phế thải của quá trình trồng trọt ngoài mô hình như: rơm rạ, cỏ dại, bèo,… được xử lý để làm thức ăn cho giun quế và phân bón hữu cơ.

Nhiều doanh nghiệp LBC quan tâm đến sự phát triển bền vững trong tương lai

Ông Cổ Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long chia sẻ về cách làm bền vững mà Thiên Long đang và sẽ áp dụng trong thời gian tới
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc CTCP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan tại sự kiện
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn lo lắng về việc doanh nghiệp còn thiếu nhiều điều kiện, trong đó có các cơ chế, chính sách… để phát triển bền vững thành công

Bài, ảnh: Trần Quỳnh