Nền kinh tế thị trường tạo ra sự cạnh tranh sản phẩm và dịch vụ trong thời đại kỹ thuật số ngày càng gay gắt và trở thành yếu tố “sống còn” của doanh nghiệp. Vì vậy, công tác quản lý tài chính cũng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp, nhất là việc xây dựng thương hiệu. Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu (LBC) giới thiệu một số góc nhìn của các chuyên gia kinh tế về vấn đề thị trường bán lẻ và giải pháp cải thiện nội lực doanh nghiệp bằng kế hoạch kinh doanh tích hợp.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại Kantar Worldpanel Vietnam: Ngành bán lẻ Việt Nam đã “thay áo mới” trong khoảng 5 năm gần đây!
Tính đến thời điểm tháng 5/2018, tổng số lượng cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam đã tăng trưởng khá nhanh, với 308 siêu thị tăng 15% so với tháng 2/2017; 1.819 cửa hàng tiện lợi (tăng 21%); 65 trung tâm thương mại (tăng 44%); 131 cửa hàng hiện đại bán đồ gia dụng (tăng 120%); 359 chuỗi nhà thuốc (tăng 43%); 2.627 siêu thị điện máy (tăng 58%); 1.176 chuỗi thời trang (tăng 23%).
Riêng loại hình cửa hàng tạp hóa vẫn giữ vững vị thế và có xu hướng thay đổi bắt kịp sự chuyển động của thị trường bán lẻ, với 1,5 triệu cửa hàng tạp hóa và chiếm số lượng khổng lồ so với các kênh phân phối khác.
Bên cạnh đó, từ những số liệu thống kê trên cho thấy các loại hình cửa hàng tăng tốc trở lại. Đồng thời, nhìn qua 5 năm gần đây, tăng trưởng thị phần lớn thuộc về cửa hàng chuyên doanh, siêu thị và online. Chính vì vậy, trong ngắn hạn thì bán lẻ hiện đại tiếp tục tăng tốc và chiếm ưu thế so với bán lẻ truyền thống tại khu vực thành thị. Trong đó, các kênh mua sắm hiện đại và kênh kinh doanh trực tuyến đều gia tăng thị phần nhờ việc thu hút nhanh chóng người mua mới.
Còn theo thống kê, dân số ở độ tuổi 24 – 38 tuổi chiếm tỷ lệ khoảng 35% trong tổng số lượng dân số Việt Nam, còn dân số ở độ tuổi 15 – 23 tuổi chiếm tỷ lệ khoảng 15%. Đây là hai nhóm người tiêu dùng được đánh giá là thế hệ khách hàng mới trong hiện tại và tương lai mà các loại hình cửa hàng bán lẻ cần nắm bắt cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao.
Tuy nhiên, các nhóm người tiêu dùng này có những nhu cầu mua sắm khác nhau, điển hình nhóm người tiêu dùng trẻ ưu chuộng mua sắm đồ ăn thức uống và có nhu cầu tiêu dùng ngoài nhà, còn nhóm người tiêu dùng lớn tuổi thì có nhu cầu mua sắm sử dụng tại nhà.
Làn sóng công nghệ có ảnh hưởng ra sao trong việc định hình xu hướng mới cho ngành bán lẻ tương lai?
-Hiện nay, kênh mua sắm hiện đại tại Việt Nam không ngừng đạt tốc độ tăng trưởng cao, cùng với làn sóng công nghệ đã góp phần thay đổi phương thức mua sắm và hành vi tiêu dùng. Điều này, đòi hỏi những loại hình kinh doanh mới hoặc các loại hình cửa hàng bán lẻ truyền thống phải chuyển mình thay đổi để hòa nhập với xu hướng chuyển động của thị trường.
Nhìn vào thị trường bán lẻ toàn cầu, có thể thấy đã xuất hiện những loại hình cửa hàng bán lẻ kiểu mới và đạt được thành công nhờ ứng dụng các công cụ công nghệ hiệu quả như cửa hàng không người bán, tự thanh toán, kết hợp mua sắm – tiện lợi – giải trí…
Đặc biệt, các loại hình cửa hàng bán lẻ kiểu mới còn xóa mờ và kéo gần khoảng cách offline và online để tăng tính tiện lợi cũng như phục vụ khách hàng tốt hơn thông qua đặt hàng trực tuyến “thấy là mua được liền”, giao hàng nhanh hay nhận hàng ngay tại cửa hàng.
Trong cuộc đua nắm bắt cơ hội và xu hướng ngành bán lẻ, khái niệm về sự “tiện lợi” cũng được định nghĩa lại với “tiện lợi là tốc độ” đáp ứng nhu cầu khách hàng, nên còn rất nhiều cơ hội cho những loại hình cửa hàng bán lẻ mới. Bên cạnh đó, sự tiện lợi ngày nay tính bằng tốc độ thay vì khoảng cách như trước đây, đồng nghĩa với việc chú trọng khả năng mua hàng – giao nhận hàng nhanh chóng hơn là vấn đề địa lý. Đây là điều mà các nhà bán lẻ đã làm thay đổi thói quen người tiêu dùng, tạo ra xu hướng mới cho thị trường bán lẻ trong hiện tại và định hướng tương lai.
Cụ thể, người tiêu dùng dần dần có thói quen tìm kiếm thông tin sản phẩm, dịch vụ trên internet và ra cửa hàng mua sắm; hoặc xem quảng cáo tại cửa hàng và đặt hàng qua kênh mua sắm online. Hành trình mua sắm phức tạo của khách hàng được chứng minh qua con số có tới 49% người tiêu dùng mua sắm ở kênh offline và online, nhưng đáng chú ý là khách hàng ngày càng có yêu cầu được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận hàng hóa, dịch vụ qua các công cụ công nghệ hỗ trợ mua sắm.
Sự tiện lợi ngày nay được tính bằng tốc độ thay vì khoảng cách, được xem là một trong những nguyên nhân tạo động lực cho Amazon & Uber đóng góp thúc đẩy quá trình thay đổi thói quen người tiêu dùng. Trong đó, các nhà bán lẻ online có lợi thế đã và đang nỗ lực hiện diện thực tế và tiến đến cửa hàng tạp hóa được số hóa. Đơn cử, không chỉ Hema, Alibaba còn đầu tư vào những cửa hàng đang hiện hữu như RT Mart, Suning Fresh và Auchan. Tencent có các cửa hàng 7Fresh thuộc JD, Carrefour, Yonghui và đang hợp tác khắng khít với Walmart & Sam’s Club.
Ngoài ra, có thể thấy cơ hội phát triển vẫn còn nhiều cho loại hình cửa hàng bán lẻ nhỏ; xây dựng hệ thống giao hàng nhanh và hiệu quả; hệ thống mua sắm đa kênh, nắm bắt tất cả các điểm tiếp cận với người mua… Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, các loại hình cửa hàng bán lẻ cần công cụ hỗ trợ quy trình mua sắm, công nghệ đột phá trong cửa hàng… mới đáp ứng được hành trình mua sắm phức tạp của người tiêu dùng như đòi hỏi tiếp cận thông tin, đặt hàng, nhận hàng… bằng các ứng dụng công nghệ tiện lợi.
Sự tiện lợi ngày nay được tính bằng tốc độ thay vì khoảng cách
Ông Hiroki Oka, chuyên gia tư vấn triển khai mô hình kinh doanh tích hợp của Deloitte: Lập kế hoạch kinh doanh tích hợp (IBP) rất cần thiết đối với doanh nghiệp
Xu hướng hiện tại và phát triển tại thị trường Việt Nam đặt ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp nói chung, các nhà bán lẻ nói riêng; đồng thời các yếu tố tạo nên chuỗi cung ứng hiệu quả và nhanh chóng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Việt Nam chưa bao giờ là thị trường bán lẻ đơn giản, mà hệ thống phân phối vô cùng phức tạp với sự phân mảnh, với hơn 95% hệ thống phân phối vẫn còn bị chi phối bởi các kênh truyền thống.
Ngoài ra, hệ thống logistcs là “cổ chai nghẽn” của Việt Nam với chi phí khá cao, nhưng cơ sở hạ tầng tụt hậu so với một số nước khác trong khu vực. Cụ thể, chi phí logistics Việt nam lên đến khoảng 25% GDP, còn các nước khác có mức thấp hơn nhiều…
Nếu thách thức của doanh nghiệp là như vậy thì đâu là lối ra?
-Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), thị trường bán lẻ mở cửa, các công ty nước ngoài vào thị trường sẽ tạo nên sự cạnh tranh gây gắt tại thị trường nội địa. Cùng với đó, người tiêu dùng ngày càng có kỳ vọng được trải nghiệm mới đối với hoạt động mua sắm, tăng nhu cầu tiện ích, nên sản phẩm, dịch vụ theo xu hướng cá nhân hóa và đây là yêu cầu đang tăng nhanh chóng đối với nhóm hàng tiêu dùng.
Chính vì vậy, chuỗi cung ứng hiệu quả và chuyên nghiệp sẽ quyết định sự thành công của doanh nghiệp, trong đó quy trình S&OP khó đáp ứng sự chuyển biến, liên kết và đồng bộ hóa giữa các chức năng nội bộ của công ty và bên ngoài. Một tập hợp các cuộc họp kinh doanh có cấu trúc liên quan đến các chức năng thích hợp cho phép căn chỉnh trên một thời gian dài hơn kế hoạch cung và cầu thống nhất, được hỗ trợ bởi các kịch bản và tùy chọn được mô hình hóa.
Theo đó, muốn giải quyết các thách thức khi khách hàng than phiền về dịch vụ, chất lượng hàng hoá, hoạt động sản xuất, không dự báo được thị trường… doanh nghiệp phải tập trung vào một số mắt xích trong hệ thống và con người. Tại các doanh nghiệp, các bộ phận không kết nối hoặc kết nối lỏng lẻo; đồng thời nhiều quy trình chỉ giải quyết sự vụ không mang tính hệ thống… là những tín hiệu cho thấy cần ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý doanh nghiệp, quản trị công ty…
Làm sao IBP giải quyết được các vấn đề giúp doanh nghiệp tạo ra chuỗi cung ứng hiệu quả?
-Lập kế hoạch kinh doanh tổng hợp (Integrated Business Planning – IBP), là sự tiến bộ trong quy trình S&OP – cho phép các nhà quản lý chức năng và thực hiện xây dựng các kế hoạch tối ưu và đồng bộ về bán hàng, tiếp thị, quản lý hàng tồn kho, hoạt động mua sắm, các khoản chi tiêu và các khoản đầu tư khác cùng với công tác quản lý tài chính tối ưu. Đặc biệt, IBP hỗ trợ ở ngay từ giai đoạn lập kế hoạch tài chính, sản xuất, phân phối, bán hàng… từ đó đơn giản quy trình quản lý của doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ.
Mặc dù vậy, IBP yêu cầu sự phối kết hợp từ cấp quản lý cấp cao, kỹ năng nhóm, thiết kế lại quy trình và công nghệ hỗ trợ tiên tiến. Tạo ra kế hoạch tài chính, sản phẩm, nhu cầu và danh mục đầu tư một cách hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu kinh doanh.
Với những mục tiêu này, cần có sự hỗ trợ và lãnh đạo từ Ban lãnh đạo để thay đổi văn hoá tổ chức, cơ chế khuyến khích, các quy trình vận hành… Song song đó, đòi hỏi cơ sở dữ liệu trong bảng tính đủ để tạo ra các biểu đồ khác nhau từ việc phân tích dữ liệu đến hợp tác giữa các nhóm chức năng để đề xuất các khuyến nghị hợp lý.
Chuỗi cung ứng đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng và ổn định nền kinh tế toàn cầu, cầu nối mang hàng hóa và dịch vụ của công ty đến gần hơn với người tiêu dùng. Do đó, điểm mấu chốt của IBP là liên kết và tích hợp thông tin nhiều phòng ban như mua hàng, logistics hay những hoạt động lập kế hoạch hàng tồn kho, thực hiện đơn đặt hàng và sản xuất.
Ngoài ra, bằng việc nắm bắt nhu cầu thị trường để lập kế hoạch thống nhất cho doanh nghiệp và triển khai những kịch bản như thế nào để đạt được hiệu quả kinh doanh. Trong đó, cân đối cụ thể phân chia công việc và trách nhiệm của từng bộ phận, đầu tư hệ thống công nghệ – đây cũng được xem là “điểm nghẽn” mà doanh nghiệp thường gặp phải.
Những yếu tố nào cần xem xét để ứng dụng IBP hiệu quả trong doanh nghiệp?
-IBP đã ứng dụng thành công trong các doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực bán lẻ, thời trang… là những ngành ứng dụng tốt do quản lý danh mục sản phẩm lớn. Việc ứng dụng IBP là điều tất yếu trong quá trình phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững, nhất là khi doanh nghiệp muốn tăng trưởng doanh số bán thông qua IBP để tiết kiệm chi phí nhưng đạt hiệu quả cao hơn.
Đối với công ty nhỏ và vừa, IBP là công cụ giúp các phòng ban của doanh nghiệp tương tác với nhau nhiều hơn, chứ không dừng lại ở chiến lược kinh doanh vận hành hàng năm và triển khai mà không nắm bắt, cập nhật khuynh hướng tương lai. Bên cạnh đó, IBP còn là công cụ hiệu quả giúp khắc phục những trường hợp, kế hoạch kinh doanh được lập ra nhưng không nhận được sự đồng thuận cao từ các Ban lãnh đạo cũng như các bộ phận khác nhau dẫn đến khi triển khai trong thực tế gặp khó khăn.
Tuy nhiên, dù áp dụng bất cứ công cụ nào thì quy trình quản lý của doanh nghiệp phải đoàn kết, thống nhất quy trình nội bộ công ty và đảm bảo hệ thống phải cập nhật được công cụ mới.
Trước đây, các doanh nghiệp phổ biến quản lý chuỗi cung ứng bằng công cụ excel và những công nghệ truyền thống, nhưng trong quá trình phát triển, nhất là thời đại kinh tế số như hiện nay thì các công cụ này đã bộ lộ nhiều hạn chế. Ngược lại, IBP là hệ thống mới, với quy trình có lợi thế xử lý khối lượng dữ liệu lớn, hỗ trợ giải quyết các tình huống phát sinh…
Trong điều kiện doanh nghiệp không có hệ thống đảm bảo ứng dụng IBP, thì cần nền tảng thu thập dữ liệu tốt để có thể ứng dụng. Chi phí ứng dụng IBP dựa trên doanh thu doanh nghiệp, nên doanh nghiệp chỉ cần đánh giá và chuẩn bị quy trình nhất quán trong công ty, sau đó ứng dụng IBP vào quy trình này.
IBP hỗ trợ ở ngay từ giai đoạn lập kế hoạch tài chính, sản xuất, phân phối, bán hàng… từ đó đơn giản quy trình quản lý của doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ.
Nhân Phương