Nông trại Đông Dương (Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới, Quảng Bình) được quản lý thông minh, có nhà màn chống chọi được bão cấp 15, đã cho lãi mỗi mét vuông/triệu đồng/năm.
Sâu trong vùng hẻo lánh Khu công nghiệp (KCN) Tây Bắc Đồng Hới là Nông trại Đông Dương, ông Nguyễn Lê Minh, quản lý nông trại, cho biết: “Công ty Đông Dương ở Quảng Bình chuyên kinh doanh gas, mấy năm trở lại đây thấy tình hình thực phẩm bẩn tràn lan, đơn vị nghĩ cần làm gì đó để bảo vệ bữa ăn, sức khỏe của người dân, nên đã đầu tư trước mắt 5ha trồng rau củ quả với hệ thống nhà màn hiện đại, khắc chế được biến đổi khí hậu”.
Đầu mùa hè, gió Lào và cái nóng luôn ở mức 38 – 41oC, nông dân Quảng Bình không thể trồng được gì, nhưng ông Minh vẫn đang chăm sóc các loại rau quả từ cà chua, cải, rau mầm, dâu tây, dưa lưới… bằng hình thức thủy canh, nước tuần hoàn khép kín, chảy trong hệ thống ống nhựa, dinh dưỡng vi lượng được bơm theo nước đúng quy trình từng loại cây và từng thời điểm.
Theo ông Minh, cơ sở của ông cứ 20 ngày thu một vụ rau. Mùa hè không đủ cung cấp cho thị trường Đồng Hới, mùa đông mở rộng thị trường ra Hà Nội, vào TPHCM nhưng cũng không đủ xuất bán. “Mỗi ký rau được bán ra 120.000 đồng, đắt hơn thịt heo, nhưng bà con vẫn chấp nhận vì nhu cầu bữa ăn sạch. Chỉ tính riêng trong năm 2018, với chưa đầy 3ha đất, nông trại lãi gần 30 tỷ đồng”, ông Minh cho biết.
Cái lo nhất của người làm nông nghiệp ở miền Trung nói chung và Quảng Bình nói riêng là luôn đối mặt với thiên tai, bão lũ. Chính vì vậy, ông Minh đã thiết kế nhà màn chống chọi với sức gió giật cấp 15.
Ông cho biết: “Ban đầu tôi thiết kế mô hình trên máy tính, chạy phần mềm tính toán gió bão rồi áp dụng thực tế. Nông trại đã trải qua 2 cơn bão lớn của năm 2016 và 2017 nhưng nhà màn vẫn an toàn, cây bên trong không bị thiệt hại. Bí quyết là nhà màn gắn hệ thống ròng rọc điều khiển bằng động cơ và chip. Mùa hè chạy điện để nâng mái nhà màn lên cho cây quang hợp; gặp gió bão, ròng rọc thu nhà màn thấp xuống, hệ thống cột kèo được gia cố chắc nên thích ứng biến đổi khí hậu, gió bão không sao, mùa hè hạn hán vẫn có rau cung cấp ra thị trường”.
Ông Trần Đình Hiệp, Trưởng phòng Khoa học Sở NN-PTNT Quảng Bình, đánh giá: “Mô hình của Nông trại Đông Dương không cần phải vùng đất tốt, mà đất xấu cũng không ảnh hưởng chất lượng và sản lượng. Tuy nhiên, cần diện tích lớn để có chuyên canh, áp dụng đại trà khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm tạo được năng suất chất lượng cao, giá thành ngày càng rẻ hơn”.
Theo SGGP