Một công nhân tại nhà máy cáp ở Quý Dương, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Lượng lớn các nhà tuyển dụng Trung Quốc, từ ngành công nghiệp ô tô và bán lẻ cho đến các ngành công nghệ và quảng cáo, đã bắt đầu cắt giảm lương nhân viên.

Hầu hết người lao động đã chấp nhận giảm lương vì triển vọng việc làm thấp do nền kinh tế Trung Quốc đã bị tàn phá nặng nề sau đại dịch virus corona. Chính phủ Trung Quốc, do lo ngại sẽ xảy ra tình trạng mất việc làm lớn, cũng đã tỏ ý khoan dung đối với xu hướng cắt giảm lương của các doanh nghiệp.

Ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc, đã giảm gần 80% doanh số trong tháng trước, đặc biệt tích cực trong việc cắt giảm lương. SAIC Motor, nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải, đã đàm phán với các công nhân và tiến hành các phiên thông tin trong nhóm kể từ đầu tháng này.

SAIC Maxus, công ty con chuyên sản xuất xe thể thao của SAIC, cắt giảm đến 35% lương dựa trên hiệu suất công việc. Các khoản phụ trợ khác cũng bị cắt giảm theo.

Tuy nhiên, SAIC Maxus xác nhận với Nikkei việc cắt giảm lương sẽ được áp dụng chủ yếu cho các vị trí điều hành. Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất sẽ không bị ảnh hưởng, tiền lương cơ bản không bị cắt giảm.

Nhà cung cấp của SAIC, Công ty sản xuất ô tô Thượng Hải Huizhong, dự kiến sẽ giảm lương khoảng 20% kể từ tháng này.

Ngành bán lẻ cũng đang đối phó với thiệt hại do virus corona gây ra bằng cách giảm chi phí lao động. Miniso, điều hành các cửa hàng bán lẻ trong và ngoài Trung Quốc, cho biết họ sẽ cắt giảm 30-50% tiền lương trong tháng 3. Nhân viên nghỉ ở nhà sẽ nhận được khoảng 30% tiền lương bình thường.

Ngành công nghiệp công nghệ cũng không thoát khỏi tác động của đại dịch. Đại lý trực tuyến xe hơi cũ – Uxin Group đã cắt giảm lương từ 20% đến 30%. Sàn giao dịch xe cũ Chehaoduo cũng đã yêu cầu một số lớn lao động của mình ở nhà cho đến tháng 5.

Trang web quảng cáo 58.com đã yêu cầu nhân viên ở một số khu vực nghỉ phép mỗi tuần một lần. “Thu nhập hàng tháng sẽ giảm khoảng 500 nhân dân tệ (70 đô la) và phần lớn phí viễn thông cũng bị cắt”, một nhân viên công ty cho biết.

Mặc dù cuộc sống đang dần trở lại bình thường ở Trung Quốc, nhưng vẫn có những hạn chế về việc đi lại giữa các tỉnh và thành phố.

Ngoài ra, có suy đoán mạnh mẽ rằng các doanh nghiệp đã khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà tìm cách sử dụng sự sắp xếp đó để giảm chi phí lao động.

Ngay cả khi các công ty cắt giảm lương, các công ty thực tế đã trì hoãn việc cắt giảm nhân sự để phù hợp với thông điệp của chính quyền Trung Quốc. Ngoài việc triển khai các chương trình kích thích doanh nghiệp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết các chính sách ổn định việc làm mạnh mẽ.

Thành phố Bắc Kinh đã ra thông báo cho phép người sử dụng lao động tạm thời đình chỉ việc làm công nhân, miễn là nhân viên đồng ý và những người bị ảnh hưởng nhận được 70% mức lương tối thiểu.

Các nhân viên dường như sẵn sàng giảm lương mạnh nếu họ có thể tránh được việc sa thải quy mô lớn. Một ước tính của Goldman Sachs dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao tới 6% trong quý hai, tăng từ mức 5,2% vào cuối năm 2019.

Một số công ty đã cắt giảm nhân sự.

Startup trong lĩnh vực quảng cáo – Xinchao Media đã cắt giảm 500 nhân viên, tương đương 10% lực lượng lao động của công ty. Xinchao từng được coi là startup kỳ lân đầy hứa hẹn, trị giá hơn 1 tỷ USD.

Mặc dù một số nhân viên phản đối việc cắt giảm lương, nhưng nhiều người nhìn thấy rất ít triển vọng cải thiện thu nhập nếu nhảy việc. Tăng trưởng tiền lương đã chậm lại trong hai năm qua.

“Tôi sẽ ở lại công ty trong thời gian này”, một nhân viên 58.com nói.

Duy Khiêm (theo TGHN/Nikkei)