Tối 15/1, tại TP.HCM, Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC đã tổ chức buổi Tất niên năm 2019, với sự tham dự của các doanh nghiệp, chuyên gia, các nghệ sĩ, đại sứ hàng Việt…
Tại sự kiện diễn ra tọa đàm “Doanh nghiệp đứng vững và phát triển bền vững năm 2020”. Phát triển bền vững là câu chuyện mà LBC đã theo đuổi từ những ngày đầu thành lập tới nay.
Bà Cao Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng, bí quyết phát triển bền vững xuất phát từ triết lý phát triển bền vững của công ty. PNJ đặt lợi ích khách hàng, lợi ích xã hội vào trong lợi ích doanh nghiệp.
“Từ đó chúng tôi ung dung đi theo triết lý đó để phát triển”, bà Dung nói.
Chia sẻ thêm, bà Dung cho rằng, văn hóa doanh nghiệp cũng chính là nền tảng để phát triển bền vững, nên nếu không có văn hóa tử tế thì rất khó. Phải đi từ cái tâm của người sáng lập.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty Cổ phần Vinamit cho biết, sự tử tế của doanh nghiệp từ trong trái tim đi ra chính là việc nuôi dưỡng cho phát triển bền vững.
“Doanh nghiệp làm kiếm tiền phải có nghĩa vụ với nhà nước, phải có đạo đức với người tiêu dùng. Bởi nếu không yêu người tiêu dùng của doanh nghiệp làm sao đòi hỏi mọi người yêu doanh nghiệp được. Đó là yếu tố thành công”, ông Viên khẳng định.
Hãy xây dựng điều này từ ngày này qua ngày khác, năm nay qua năm khác, chính là nền tảng cho phát triển bền vững.
Trong khi đó, bà Nguyễn Phi Vân – Chủ tịch Hội đồng cố vấn Sihub, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu cho rằng, phát triển bền vững điều đầu tiên là ta có sống thật với con người mình hay không, có làm đúng với giá trị đang theo đuổi hay không.
“Thực tế rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trên thế giới đã thay đổi hoàn toàn dựa trên 17 mục tiêu phát triển bền vững cho doanh nghiệp mà Liên Hợp Quốc đưa ra”, bà Phi Vân cho hay.
Đồng tình với những ý kiến trên, ông Nguyễn Quân, Nguyên bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia tiêu chuẩn HVNCLC – Chuẩn hội nhập cho rằng, phát triển bền vững đúng là phải xuất phát từ cái tâm của người sáng lập, người lãnh đạo với khách hàng, xã hội, nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Quân, trong bối cảnh hiện nay, để phát triển ổn định, bền vững, doanh nghiệp cần quan tâm đến quá trình chuyển đổi số.
“Như LBC và HVNCLC làm thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số càng nhanh càng tốt. Chính phủ dự kiến trong 5 năm, từ 2020 – 2025 cơ bản doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi số. Còn chuyển đổi số của cả nền kinh tế thì Chính phủ đặt mục tiêu sau 2030. Nhưng nhiều doanh nghiệp hiện nay không biết bắt đầu từ đâu. Nên chúng ta cần có những chuyên gia hỗ trợ họ”, ông Nguyễn Quân cho biết.
Ông Nguyễn Quân cho biết thêm, trong các doanh nghiệp thành viên của LBC nhiều đơn vị đã đạt được chứng nhận HVNCLC – Chuẩn hội nhập ở ngành thực phẩm và phi thực phẩm, đó là những thành tích đáng tự hào để doanh nghiệp có thể thông qua chứng nhận này hướng đến các thị trường xuất khẩu trên thế giới.
“Hội DN HVNCLC nên từng bước quốc tế hóa tiêu chuẩn HVNCLC – Chuẩn hội nhập đề nhiều quốc gia, doanh nghiệp nước ngoài biết đến để giúp doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn. Đó là phát triển bền vững”, ông Quân phân tích.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi Tất niên của LBC
Bài, ảnh: Trần Quỳnh