18g00 ngày 20/2, tại The Adora, số 431 Hoàng Văn Thụ, P. 4, Quận Tân Bình, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) tổ chức buổi Lễ trao danh hiệu HVNCLC cho 542 doanh nghiệp đạt chứng nhận năm 2019. Lễ công bố HVNCLC năm nay với chủ đề: “Số hóa – Chuẩn hóa – Chinh phục thị trường”

Sự kiện quy tụ gần 600 doanh nhân, đội ngũ các chuyên gia kinh tế, đại diện các cơ quan nhà nước, cùng đông đảo giới truyền thông tham dự…

23 năm là một hành trình không ngơi nghỉ của chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC).Từ hành trình đó, rất nhiều doanh nghiệp (DN), nhiều thương hiệu đã vươn lên, bay cao, bay xa. Nhiều thông tin bổ ích từ cuộc khảo sát, bình chọn HVNCLC 2019 sẽ giúp DN có cái nhìn cận cảnh về một “chân dung thị trường” trong cơn chuyển động, tác động của làn sóng công nghệ sinh ra từ cách mạng 4.0.

Và, có một thực tế không thể bỏ qua, đó là hàng hoá ngày nay muốn bán được, muốn đi xa và lên được kệ hàng thế giới, bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn với sự hỗ trợ mang tính quyết định của công nghệ. Đó phải chăng là đôi cánh chắp cho hàng Việt bay ra thị trường thế giới thành công? Đó là lý do tại sao Lễ công bố HVNCLC 2019 chọn chủ đề: “Số hoá – Chuẩn hoá – Chinh phục thị trường”.

Số hoá kết nối tư vấn và hỗ trợ hội viên nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ theo kịp với cuộc cạnh tranh hội nhập mới. Hội sẽ cung cấp, giới thiệu cho hội viên các ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập, đăng ký website.

Chuẩn hoá. Vì thiếu tiêu chuẩn nên rất nhiều nông sản, thực phẩm Việt Nam dù có chất lượng tốt vẫn phải chịu cảnh “rớt từ vòng gửi xe” khi tìm đường hội nhập. Hội xây dựng các bộ tiêu chuẩn phù hợp ngành thực phẩm và phi thực phẩm hỗ trợ DN thâm nhập thị trường quốc tế.Trong công tác vận hành Bộ tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập, hội sẽ hoàn tất việc xây dựng bộ tiêu chí cả thực phẩm và phi thực phẩm.Xét duyệt và cấp chứng nhận chuẩn hội nhập. Đẩy mạnh hoạt động của câu lạc bộ Chuẩn hội nhập.Quảng bá bộ tiêu chí cho các DN khác và người tiêu dùng. Tham gia hệ sinh thái tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam – quốc tế.

Chủ tịch Hội DN.HVNCLC bà Vũ Kim Hạnh cho biết: Sau gần ba năm triển khai Bộ tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập cho ngành thực phẩm, đến nay đã có 88 DN trong lĩnh vực này đạt danh hiệu HVNCLC – Chuẩn hội nhập. Năm 2019, Hội sẽ cho ra mắt Bộ tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập cho ngành phi thực phẩm, sau khi đã xây dựng, tham vấn các DN, tổ chức, chuyên gia trong ngành.

Hai bộ tiêu chí này sẽ là lợi thế, điểm tựa về chất lượng kỹ thuật, là lời cam kết vững chắc về chất lượng để cạnh tranh với hàng của các nước ASEAN, đang tràn ngập và cả cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu, nhất là khi CPTPP mang lại cơ hội mới”. Với việc chuẩn hoá, hội sẽ đẩy mạnh việc chinh phục thị trườngqua hoạt động xúc tiến thị trường trong và ngoài nước.Với mục tiêu kiến nghị chính sách, hội sẽ phát triển các hoạt động chính sách, kiến nghị chính sách..

Trong khi đó, nhiều DN HVNCLC hiện nay đã và đang đi theo xu thế về công nghệ, số hóa quá trình sản xuất kinh doanh. Nhiều lãnh đạo trẻ của doanh nghiệp được bầu vào Ban chấp hành Hội DN HVNCLC trong kỳ Đại hội cuối năm 2018 vừa qua.

Ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit: Thời của thực phẩm sinh học

Ông Nguyễn Lâm Viên Chủ tịch HĐQT Vinamit.

Nói đến một trong những xu hướng liên quan đến ngành thực phẩm trong giai đoạn 2015 – 2020 đó là công nghệ sinh học. Có hai con đường, một bên là hóa học, một bên là sinh học. Bên hóa học tìm cách tiêu diệt tất cả các loại vi khuẩn. Trong khi bên sinh học dùng sự sống để tạo nên sự sống, tạo nên sự bền vững.

Vì vậy, Vinamit trong những năm gần đây, nhất là từ 2015 và kéo dài cho đến 2025 tập trung vào việc làm sao để có thể có những sản phẩm lương thực bền vững, làm sao để có sản phẩm thực phẩm hữu cơ. Ngày hôm nay, tôi không nói tới thực phẩm hữu cơ nữa mà phải làm sao để giúp con người tiếp cận thực phẩm sinh học.

Trách nhiệm của Vinamit trong ba năm tới là vẫn tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để sản xuất ra thực phẩm sinh học cho con người. Tôi không đồng tình với cái gọi là “ăn lợi khuẩn”. Tôi cho rằng vi khuẩn có cả một hệ, loại này kiềm chế loại kia, tạo nên sự cân bằng. Thực phẩm sinh học là dựa trên sự cân bằng để giúp con người sống lâu hơn”. Vừa nói, ông Viên vừa chỉ vào một loạt bình đựng dung dịch vi khuẩn ông đang nuôi trồng để cho ra đời sản phẩm sinh học.

Với việc ứng dụng công nghệ và phổ biến ứng dụng công nghệ của Hội DN.HVNCLC, tôi cho rằng hết sức cần thiết và tiên phong. Tôi mừng là nhiệm kỳ này Hội có sự tham gia của những doanh nhân trẻ.Người trẻ dễ dàng thay đổi hơn, mạnh mẽ hơn và dũng cảm hơn. Tôi cũng mừng là năm nay Hội đã nói đến việc ứng dụng kỹ thuật số, sử dụng app, đặt ra mục tiêu kiến tạo mới, có sự thay đổi nhanh chóng về mặt công nghệ để bắt kịp với xu hướng. Đó là sự cần thiết cũng như hỗ trợ cho các DN hội viên.

Ông Lê Trí Thông, CEO PNJ: Công nghệ giúp PNJ thân thiện với khách hàng

Ông Lê Trí Thông, CEO PNJ.

PNJ áp dụng các công nghệ khác nhau trong nhiều lĩnh vực. Đầu tiên là gia tăng hoạt động của công ty thông qua việc sử dụng Data Liketic, để phân tích và tối ưu hoá lượng hàng tồn kho cũng như lượng hàng trên đường di chuyển. Công nghệ thứ hai là computer vision (thị giác máy tính) kết hợp với trí tuệ nhân tạo, biến những chiếc camera an ninh có thể giúp chúng tôi đọc được hành vi của khách hàng cũng như của nhân viên bán hàng.

Từ đó, giúp bố trí lại quầy kệ trong cửa hàng, tạo thuận lợi cho luồng di chuyển của khách, tối ưu hoá hiệu quả sử dụng nhân viên, cũng như sắp xếp lại ca, kíp… Về lĩnh vực thứ hai, chúng tôi đang ứng dụng những công nghệ mới về tương tác, giúp cho khách hàng trải nghiệm mua hàng tốt hơn, có gắn kết giữa online và offline.

Đã đến lúc chương trình HVNCLC cần phải tái tạo cũng như định nghĩa lại, tự sáng tạo lại chính mình để tiếp tục một hành trình mới. Vừa qua, BCH đã họp, thảo luận, nhấn mạnh một định hướng mới liên quan đến công nghệ, liên quan đến tiêu chuẩn, thúc đẩy chuyển đổi số và tiêu chuẩn hoá trong DN hội viên, để đẩy mạnh việc thâm nhập thị trường quốc tế. Đây là những mũi tiên phong, đột phá định hướng cho hoạt động của Hội DN.HVNCLC trong nhiệm kỳ này.

Ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Điện Quang: Thành công với bốn công nghệ chiếu sáng thông minh

Ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT, kiêm CEO Điện Quang.

Hơn 45 năm nay, Điện Quang chỉ tập trung vào một lĩnh vực chiếu sáng và thiết bị điện. Giai đoạn 2018 – 2022, chúng tôi xác định công nghệ là yếu tố cốt lõi. Trong hai năm vừa qua, công ty tập trung đầu tư phát triển các giải pháp công nghệ cung cấp cho người tiêu dùng (NTD).

Tháng 7/2018, công ty cho ra đời đồng thời bốn bộ giải pháp về công nghệ, gồm: giải pháp DQ Home – Nhà thông minh, giúp NTD điều khiển được hầu hết các thiết bị điện trong gia đình ở mọi lúc, mọi nơi theo kịch bản được lập trước. Giải pháp Apollo – chiếu sáng thông minh, NTD điều khiển được các thiết bị chiếu sáng lên đến hơn 16 triệu màu.

Giải pháp Home Care – Kết nối NTD với các thợ điện và các nhãn hàng trong ngành điện, qua đó đặt dịch vụ tư vấn, thiết kế, thi công lắp đặt, bảo hành chỉ với một trạm. Cuối cùng là giải pháp Tư vấn chiếu sáng thông qua app, ứng dụng trên điện thoại di động. Qua đó biết ánh sáng đạt yêu cầu hay chưa, cần bổ sung gì…

Điều mà tôi tâm đắc nhất đối với hoạt động của Hội DN.HVNCLC nhiệm kỳ này, đó là Hội thành lập ban công nghệ chuyên trách. Như vậy, chứng tỏ Hội đánh giá rất cao tầm quan trọng của công nghệ trong việc tiếp cận người tiêu dùng (NTD) cũng như hỗ trợ các DN hội viên. Ban này dù mới thành lập, nhưng đã hoạt động khá tích cực trong thời gian vừa qua.

Chúng tôi vừa thảo luận trong buổi họp đầu tiên, đưa ra định hướng xây dựng những nền tảng để kết nối hội viên với nhau và kết nối với NTD. Chúng tôi đang xây dựng app giúp hội viên sử dụng sức mạnh của Hội trong việc khảo sát NTD, tiêu thụ và đánh giá sản phẩm… thông qua một nền tảng chung.

Ông Phạm Minh Thiện, CEO Cỏ May: Đưa tự động hoá và AI vào hoạt động doanh nghiệp để tạo đột phá

Ông Phạm Minh Thiện, CEO Cỏ May.

Ngoài những công nghệ mà chúng tôi đã nhập về nghiên cứu trong những năm trước đây, ví dụ như công nghệ CO2, siêu tới hạn, hoặc là công nghệ tách màu trong chế biến gạo… Bây giờ đi xa hơn, chúng tôi muốn đưa tự động hoá, AI vào chế biến thuỷ sản.Tôi quyết định thành lập công ty Cỏ May Automation, để lãnh trách nhiệm đưa công nghệ 4.0 vào trong hơi thở của doanh nghiệp.Và chúng tôi dùng đó làm công cụ kỳ vọng tạo sự bứt phá.

“Trong nhiệm kỳ mới này, với tư cách là thành viên trong ban công nghệ của Hội DN.HVNCLC, tôi kỳ vọng ứng dụng về trí tuệ nhân tạo, về IoT sẽ là nền tảng để chúng ta thay đổi phương thức vận hành và phương thức hợp tác với nhau. Làm sao dựa vào nền tảng tự động hoá gắn kết các thành viên, để tất cả DN thành viên trở thành một khối tiêu thụ lớn đối với đối tác. Khi tất cả DN cộng hưởng với nhau, tôi tin chúng ta có thể dắt tay nhau để ra biển lớn.

Bà Đỗ Duy Hiếu, CEO Pomina: Vai trò công nghệ mới trong quản trị

Bà Đỗ Duy Hiếu, CEO Pomina.

Là một doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp nặng, Pomina đã trang bị cho các nhà máy luyện và cán thép những dây chuyền sản xuất, với công nghệ tiên tiến thế giới (nạp liệu ngang thân lò) ở mức độ tự động hoá cao, sản xuất thép sạch và tự động loại bỏ sai sót, đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của bộ tiêu chuẩn Việt Nam và thế giới.

Đồng thời, Pomina cũng sớm áp dụng công nghệ trong quản trị.Chúng tôi cũng đã đầu tư phần mềm quản trị doanh nghiệp (SAP-ERP) từ năm 2008.Quy trình này quản trị khoa học bằng điện toán, đã giúp các quy trình vận hành trong nội bộ được minh bạch và đổi mới kịp thời.

Tôi nhận thấy Hội DN.HVNCLC đã sớm có kế hoạch giúp các DN Việt nhận thức được sự quan trọng của công nghệ và đổi mới công nghệ.Trong thời gian qua, Hội tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn… hướng sự quan tâm của DN đến phát triển công nghệ số. Trong nhiệm kỳ mới, ban công nghệ cũng đã đưa ra một số dự án cụ thể, để tiếp cận NTD, tập hợp tài nguyên thông tin thị trường để chia sẻ cho DN thành viên. Đây là những kế hoạch rất thiết thực, cũng là một tín hiệu khởi đầu cho việc hỗ trợ chuyên sâu hơn của Hội, trong việc áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ông Lý Huy Sáng  Phó TGĐ Công ty gốm sứ Minh Long I: Giải pháp công nghệ phục vụ người tiêu dùng tốt nhất

Ông Lý Huy Sáng, Phó TGĐ Minh Long.

Minh Long là đơn vị luôn quan tâm về chất lượng sản phẩm của mình cũng như là sự hài lòng của các hàng. Để luôn giữ được điều này và phát triển tốt hơn, hiện nay Minh Long đang áp dụng chương trình thẻ thành viên khách hàng và sắp tới sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích về thói quen mua sắm cũng như là sự hài lòng của khách hàng với sản phẩm của Minh Long.

Trong nhiệm kỳ mới này, tôi hy vọng ban công nghệ có thể xây dựng một phần mềm thật sự để giúp cho nhà sản xuất và NTD kết nối với nhau, hiểu về nhau, về nhu cầu cũng như là cung ứng. Đây có thể là một nền tảng thương mại điện tử thực sự giúp cho NTD tiếp cận được những sản phẩm tốt, với giá cả hợp lý nhất.

Ông Kao Siêu Lực, CEO ABC Bakery: Công nghệ là xương máu

Ông Kao Siêu Lực, CEO ABC Bakery.

Công nghệ cũng là một trong những cái thuộc xương máu của chúng tôi.Trước đây, chúng tôi sản xuất dựa vào kinh nghiệm, nên chất lượng sản phẩm và vận hành nhà máy không ổn định. Do đó, chúng tôi nghiên cứu lại và áp dụng quy trình thao tác chuẩn để sản xuất (SOP – Standard Operating Procedure) nên từ năm năm nay, việc sản xuất bánh ở ABC luôn ổn định. Công nghệ này có thể giúp một người thợ mới vào làm việc chỉ cần không tới một ngày là họ biết hết các quy trình.

Ngoài ra, hệ thống kế toán của doanh nghiệp chúng tôi cũng áp dụng theo SAP (phần mềm hoạch định doanh nghiệp). Trước đây, toàn bộ đơn hàng được fax qua lại và phải nhập dữ liệu thủ công.Tuy nhiên hiện nay, các form được thống nhất hết, khách hàng đặt hàng cái gì thì mình copy vào, không phải đánh máy, bởi đánh máy dễ bị sai sót. Áp dụng phần mềm SAP chúng tôi thấy rất hài lòng và đạt được hiệu quả tốt, chính xác và tiết kiệm nhiều chi phí.

Nhiệm kỳ tới Hội DN.HVNCLC nên hỗ trợ nhiều lĩnh vực cho DN. Ví dụ như mời các chuyên gia trực tiếp tham quan nhà xưởng của DN, tìm hiểu quy trình hay dây chuyền sản xuất, từ đó có giải pháp hỗ trợ tư vấn. Ngoài ra, hiện nay nhiều DN không thấu hiểu về các vấn đề pháp lý, các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, về sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường… nên Hội cần có giải pháp hỗ trợ.

Tham gia vào BCH Hội DN.HVNCLC, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ tất cảkinh nghiệm, nhằm hỗ trợ hội viên, kể cả tư vấn lắp đặt máy móc thiết bị, các tiêu chuẩn cần đạt được và nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm…

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, CEO Namilux: Khó đứng vững khi không coi trọng tiêu chuẩn và công nghệ

Trong 20 năm qua, chúng tôi đeo đuổi giải pháp cải tiến công nghệ và tự động hoá các khâu trong sản xuất bếp gas. Với NaMilux, để có được vị trí nhất định tại thị trường nội địa, đặc biệt là xuất khẩu, công nghệ có vai trò quan trọng giúp cho NaMilux thực hiện được điều này.

Chúng tôi xuất khẩu bếp gas cho thị trường Nhật Bản, nên việc ứng dụng công nghệ khá toàn diện. Từ khâu dập (công nghệ dập Transfer hiện đại nhất hiện nay), đúc, sơn, ép nhựa… Namilux đã áp dụng tự động trên 70%.

Phần còn lại chúng tôi đang tiếp tục làm tự động hoá trong thời gian tới.Sắp tới, chúng tôi đưa vào áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp (ERP), để thống nhất quản lý trong toàn nhà máy NaMilux.

Nhiều doanh nghiệp thành viên của Hội DN HVNCLC hiện nay đã và đang trang bị những thiết bị hiện đại trong nhà máy

HỘI THẢO: “ĐÔI CÁNH NÀO ĐỂ HÀNG VIỆT BAY RA THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI”

Thời gian Thời lượng Nội dung Diễn giả Ghi chú
 

PHẦN 1: ĐÔI CÁNH ĐỂ HÀNG VIỆT BAY XA: TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG VÀ CÔNG NGHỆ

14:05 – 14:25 20p Làm gì để sản phẩm bản địa VN hội nhập thị trường thế giới? Bà Nguyễn Phi Vân – Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền Chính phủ Malaysia  
14:25 – 14:55 30p Tọa đàm

 

ThS. Nguyễn Kim Thanh – Chuyên gia Chuỗi an toàn thực phẩm

Ông Nguyễn Công Luận – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần rau quả thực phẩm Antesco

Moderator: Anh Nguyên Trần
14:55 – 15:15 20p Q&A
PHẦN 2: VAI TRÒ TIÊU CHUẨN TRONG CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP PHI THỰC PHẨM
15:15 – 15:35 20p Vai trò Tiêu chuẩn với hoạt động và sản phẩm của doanh nghiệp & Việc hợp tác của Bộ KH&CN qua thỏa thuận hỗ trợ DN và nông dân Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng Cục Trưởng – Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

 

15:35 – 16:05 30p Tọa đàm: Vai trò tiêu chuẩn trong cạnh tranh của doanh nghiệp Phi thực phẩm Ông Nguyễn Hoàng Linh

Ông Bùi Phước Hòa – Chuyên gia biên soạn bộ Tiêu chuẩn HVNCLC Chuẩn Hội nhập các ngành Phi thực phẩm

Ông Nguyễn Mạnh Dũng

TGD Công ty Namilux

Moderator: Anh Nguyên Trần
16:05 – 16:35 30p Q&A

 

Tuấn Anh – Trần Quỳnh