Với dự án “Con tôm rừng”, chàng trai trẻ Phạm Xuân Thành đã từng bước đưa con tôm vùng ngập mặn Cà Mau ra thế giới với nhiều dòng sản phẩm khác nhau qua thông điệp “sạch – an toàn – chất lượng”. Ảnh: A.T.

Theo các số liệu thống kê, tôm là một trong những mặt hàng hiện đang tận dụng khá tốt những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, để giữ vững được mức độ tăng trưởng xuất khẩu ổn định, bất chấp nhiều mặt hàng khác đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 10/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam đã đạt 431,7 triệu USD, tăng hơn 25% so với tháng 10/2019. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm đạt 3,1 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Động lực từ EVFTA

Với việc EVFTA có hiệu lực, thì một số mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, với mức thuế hiện nay là 12 – 20%, đã được hưởng ưu đãi thuế là 0%. Sau 5 – 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, thì một số mặt hàng tôm khác sẽ được điều chỉnh về mức 0%. Ngày 11/9, những lô tôm đông lạnh của công ty Thông Thuận (Ninh Thuận) đã chính thức được xuất khẩu sang châu Âu với thuế suất nhập khẩu là 0% theo cam kết EVFTA.

Theo VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU bắt đầu tăng trưởng tích cực từ đầu quý III năm 2020 nhờ vào các tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA, có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020. Theo đó, tháng 10/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt 65,4 triệu USD, tăng gần 42% so với cùng kỳ 2019. Tổng cộng 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm sang thị trường này đã đạt trên 436,7 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Hà Lan, Đức và Bỉ hiện là các thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất trong khối EU. Tháng 10/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường của Hà Lan đã tăng 32%, Đức tăng 53% và Bỉ tăng 48% so với cùng kỳ 2019. Khối EU hiện là thị trường nhập khẩu tôm đứng thứ tư của Việt Nam.

Khu vực này cũng được xem là thị trường có tỷ suất lợi nhuận tốt và nhiều doanh nghiệp nên tập trung xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Vì vậy, dự báo xuất khẩu sang khu vực này sẽ tiếp tục tăng đến hết năm. Theo VASEP, cùng với hiệu ứng tích cực và những ưu đãi thuế đối với tôm đông lạnh từ hiệp định EVFTA, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ dự báo tiếp tục tăng.

Ngoài EU, Hoa Kỳ hiện là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23,5%. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong tháng 10/2020 đã tăng trưởng khá tốt với mức 39% so với tháng 10/2019.  Hoa Kỳ cũng được coi là thị trường nhập khẩu tôm ổn định nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020. Tại thị trường này, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ khác như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc.

Vượt qua thách thức

Để ngành nuôi tôm ở ĐBSCL phát triển bền vững thì rất cần sự đồng hành và định hướng kịp thời của ngành chức năng để các doanh nghiệp có thể làm giàu từ con tôm. Điều này bao gồm việc tiếp tục đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và ươm dưỡng giống tập trung theo quy hoạch chung của ngành và từng bước chủ động nguồn giống tại chỗ cung ứng nhu cầu phát triển sản xuất thủy sản.

Ngày 25/11/2020, đại hội thành lập Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam (VSSA) đã diễn ra tại Cà Mau.Đây là cơ hội để ngành tôm tiến tới mô hình tôm sạch và mở rộng thị trường trong bối cảnh hàng loạt những hiệp định thương mai mà Việt Nam ký kết đã và bắt đầu có hiệu lực.

VSSA hiện có tổng số 66 tổ chức, doanh nghiệp đăng ký tham gia. Các thành viên của VSSA cam kết xây dựng chương trình kiểm soát kháng sinh để đạt được các mục tiêu cụ thể, phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế, tiêu chuẩn môi trường và các thông lệ quốc tế.

Trong giai đoạn 2020 – 2025, VSSA sẽ tập trung phát triển tiêu chuẩn và đánh giá chứng nhận hợp tác cùng các hộ chăn nuôi và các thành phần khác trong chuỗi giá trị tôm, mở rộng vùng nuôi tôm sạch và bền vững; mở rộng thị trường, tìm kiếm công nghệ hỗ trợ trong chuỗi giá trị cung ứng tôm, gia tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin của khách hàng.

Lê Hiếu (TGHN)

Những cô gái bán mắm!