Các đợt phong tỏa và giãn cách ngay từ đầu tháng 6 vừa rồi đã tác động nhiều đến tâm lý người lao động, có thời điểm đến 95% nhân viên muốn bỏ việc để về quê thăm người thân, gia đình ngay lập tức. Những nhà quản lý, nhà lãnh đạo doanh nghiệp khi tìm cách trấn an nhân viên, đôi lúc cũng đầy tâm trạng bất an.
Đó là nội dung chính của buổi trao đổi trực tuyến với chủ đề “Vấn nạn tâm lý do Covid-19 doanh nghiệp cần quan tâm khi sản xuất lại” do Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thuộc Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tối 2-10-2021.
Tâm lý bỏ về quê bắt đầu từ tháng 6…
Chia sẻ trong cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit cho hay, tháng 6 khi công ty chính thức có F0, là khởi điểm của sự căng thẳng cho toàn bộ máy, từ lãnh đạo đến cán bộ, công nhân viên trong công ty. Sự căng thẳng này nhanh chóng lan đến nhà máy sản xuất.
“Nhiều cuộc họp đưa ra để bàn xem phải làm gì để anh em trong công ty không bị là F1, F2… chuyện kinh doanh, sản xuất rất ít được bàn trong đó”, ông Nguyễn Lâm Viên nói.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit: “Đến 95% người lao động muốn về thăm nhà ngay hồi tháng 6 rồi”.
Ông Viên mô tả, thời điểm tháng 6 là rất khủng khiếp với công ty. Giai đoạn này nhân viên bắt đầu khủng hoảng, lo sợ không biết khi nào mình bị nhiễm, chuyện đi cách ly ra sao, ảnh hưởng như nào, gia đình ra sao,…Một số người xin về quê ngay trong đêm vì lo sợ.
“Với cương vị là người lãnh đạo luôn phải quan tâm tới sức khỏe tinh thần và vật chất cho nhân viên. Tôi ở lại Sài Gòn để cùng anh em chiến đấu. Nếu mình không có trong giai đoạn này sẽ rất rối bời”, ông Viên cho hay.
Nhiều nhân viên sống trong trạng thái chán nản, họ không muốn xung phong, suy nghĩ một vấn đề gì nữa, nhất là những cái mới, khác hoàn toàn so với trước đây.
Ông Nguyễn Lâm Viên dẫn chứng cuộc khảo sát của công ty, cho thấy. Về mặt sức khỏe, tinh thần của nhân viên xuống rất thấp, có đến 95% muốn về thăm nhà. Trên 10% bị mất ngủ, trong đó có 5% rối loạn tinh thần.
Ông nói: “Có lẽ khi khốn cùng nhất về mặt tinh thần, gia đình là điều nhân viên mình mong muốn nhất. Tôi mới cho bốn anh em kỹ sư gắn bó với công ty nghỉ việc về quê, vì họ mong muốn điều này. Có lẽ việc về quê giúp họ chữa lành được phần tâm hồn đang bị ảnh hưởng”.
Ông Viên nói Vinamit quan tâm ba vấn đề. Một, đó là sức khỏe của nhân viên, gắn liền với sức khỏe của doanh nghiệp. Hai, đó là tâm trí nhân viên, nếu tâm không an thì trí không sáng tạo được. Cuối cùng là vấn đề thúc đẩy năng lực nhân viên.
Ông Viên cũng tâm sự rằng các doanh nghiệp đang thiếu một phương thuốc chữa lành cho công nhân, nhân viên, cán bộ quản lý. Thậm chí là ngay bản thân chủ doanh nghiệp sau hậu Covid-19, cảm giác tiêu cực đang xâm lấn tâm trí người quản lý.
“Tâm lý xấu đang âm ỉ, nếu không tìm cách thoát ra thì tâm không an”, ông Viên thừa nhận.
“Tư tưởng không thông, bình tông đeo cũng nặng”
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh đề cao yếu tố lãnh đạo tinh thần của người quản lý
Đồng tình với ông Nguyễn Lâm Viên, ông Nguyễn Hoàng Ngân – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh cho rằng, bất kỳ nhà lãnh đạo, nhà quản lý nào cũng có những lo âu, hoang mang nhất định trong giai đoạn này, từ kết quả kinh doanh, an toàn trong sản xuất…
“Với nhựa Bình Minh, khi thực hiện 3 tại chỗ, mọi người sống trong điều kiện cách ly với thời gian 3 tháng, không thể tránh khỏi những hoang mang, bất an cho công nhân, cho gia đình của họ”, ông Ngân nói.
Đặc biệt, theo ông Ngân, những thông tin xã hội tác động rất lớn đến tâm lý người lao động, khi hàng ngày họ đều lên mạng và thấy những thông tin không tích cực từ dịch bệnh.
Theo quan điểm cá nhân của mình ông Ngân cho rằng, những giám đốc nhà máy, người quản lý của nhựa Bình Minh phải là những lãnh đạo tinh thần trong giai đoạn này.
“Chúng tôi hiện nay có 295 lao động đang làm việc 3 tại chỗ trong nhà máy. Những người quản lý, ngoài công việc thông thường hàng ngày, tôi giao họ nhiệm vụ quan trọng, làm sao cho tinh thần anh em công nhân cảm thấy thoải mái nhất, bằng nhiều hình thức khác nhau. Bởi “tư tưởng không thông thì cái bình tông đeo cũng nặng”, ông Ngân nói.
Trong suốt những tháng qua, mỗi ngày, Nhựa Bình Minh đều có những báo cáo hình ảnh từ giám đốc nhà máy, người quản lý về những điều mà họ đã làm trong ngày để ổn định tình hình, nhất là tâm lý cho người lao động làm việc tại chỗ.
Giải quyết những khó khăn về tinh thần, không chỉ phụ thuộc vào chuyện tài chính mà còn nhiều yếu tố khác. Ông Ngân cho biết sau khi công nhân viên đã được tiêm vaccine, mọi chuyền dần đỡ căng thẳng hơn trước.
“Nhựa Bình Minh chú trọng truyền thông nội bộ, và chúng tôi làm từ ngay từ khi thực hiện ‘3 tại chỗ’. Truyền thông nội bộ là trụ cột trong việc đảm bảo đời sống tinh thần thoải mái của công nhân. Ở đó, những nội dung đưa ra đều nhất quán từ cấp cao nhất, tần suất truyền thông liên tục để truyền đạt, và đa dạng về hình thức, từ bảng tin, qua Zalo, website… Họp mỗi ngày để cung cấp thông tin, trấn an tinh thần công nhân”, ông Hoàng Ngân chia sẻ.
Vị tổng giám đốc cho rằng, nếu doanh nghiệp không chăm lo kỹ càng, quyết đoán cho công nhân họ sẽ hoang mang, bất an, có thể dời khỏi doanh nghiệp. Chính làm tốt điều này, nên trong một khảo sát mới đây của Nhựa Bình Minh cho thấy, có 86% lao động sẵn sàng quay lại sản xuất bình thường.
Liệu pháp “rước cỗ Trung thu”
Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn đưa ra giải phát “tiệc trung thu”
Để chữa trị những vấn đề tâm lý mà công nhân, nhân viên trong các doanh nghiệp gặp phải, Thạc sỹ – Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn – Trưởng đơn vị tâm lý lâm sàng Bệnh Viện ĐH Y Dược, đưa ra mô hình “tiệc trung thu”.
Gồm bánh trung thu, ly nước tràchiếc đèn ông sao.
Bác sĩ Mẫn giải thích, bánh trung thu thường được chia thành 8 phần, đại diện cho 8 mặt cuộc sống: sức khỏe con người, gia đình, bạn bè, người thân, tài chính, công việc, thăng tiến, giải trí,…
Phần nhân bánh trung thu là hình tháp, gồm 5 bậc đại diện cho nhu cầu của con người. Bậc cơ bản nhất là nhu cầu sinh lý (ăn, uống, ngủ, nghỉ, làm đẹp…), bậc thứ 2 là nhu cầu về sự an toàn, bậc thứ 3 là nhu cầu được yêu thương, chia sẻ, thứ 4 là nhu cầu được tôn trọng, thứ 5 là nhu cầu được tự do.
“Doanh nghiệp gắn vào thực tế, thấy nhu cầu lớn quá, trong khi mình không đáp ứng được, hay nhu cầu của công ty nhiều mà mức độ thỏa mãn của nhân viên không đạt được thì họ sẽ bị căng thẳng”, bác sĩ Mẫn cho hay.
Bác sĩ Mẫn cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp cần hiểu công nhân viên của mình, tìm hiều nhu cầu của họ là gì, tại sao họ lại muốn về nhà. Tại sao không ở lại, phải chăng là nhu cầu về gia đình. Phải nhìn là mỗi người gắn với những người khác như một mặt xích, họ lo không biết gia đình họ có bị sao không… nên họ muốn gặp nhau, người thân họ. Nếu công nhân giữ thái độ lo sợ sẽ đưa họ đến hành vi bỏ chạy khỏi công ty, thành phố về quê.
Cũng theo bác sĩ Mẫn, người chủ doanh nghiệp phải làm cho thái độ của công nhân mình thay đổi, để thay đổi hành vi. Nếu làm cho công nhân hiểu được, cảm thấy được virus corona không đáng sợ.
“Khi bị lây virus corona, thì 80% từ nhẹ đến không triệu chứng và tự khỏi, 20% chuyển nặng – 5% số này đi vào khoa hồi sức cấp cứu nặng – tỉ lệ tử vong khoảng 2%. Những người tử vong rơi vào nhóm dễ tổn thương, nhóm cao tuổi, suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, béo phì, nhóm có thai” – Nếu chủ doanh nghiệp làm cho nhân viên mình hiểu được điều này thì nhận thức của họ sẽ thay đổi và họ không còn lo âu, hoảng sợ như trước nữa.
Nói về phần chiếc đèn ông sao, bác sĩ Mẫn phân ra 6 nguồn lực, nhân lực, tài chính, vật chất, thiên nhiên, xã hội, văn hóa. Ứng vào doanh nghiệp cũng là 6 nguồn lực của công ty, tổ chức, cá nhân để góp phần vào chữa trị dịch bệnh.
Bác sĩ Mẫn cho hay, theo tổ chức Y tế thế giới, sức khỏe gồm ba phần, gồm sức khỏe thể chất, tâm lý và xã hội.
Nhìn vào doanh nghiệp, những công nhân tỏ ra chán nản, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần họ. Trong đó có sự liên hệ giữa họ với những người khác trong xã hội.
“Suy ra, sức khỏe của công ty hay công nhân cũng nhìn nhận từ 3 phần trên để hiểu cho rõ”, bác sĩ Mẫn nói.
Theo ông Hoàng Ngân, thời điểm này Nhựa Bình Minh đã tiêm 98% vaccine mũi 1 cho công nhân, 89% vaccine mũi 2. Tính cả hai nhà máy là 62% vaccine mũi 2. Ông Ngân khẳng định, việc làm trên cũng là yếu tố giúp nhân viên ổn định tâm lý khi quay lại sản xuất. “Chúng tôi hành động nhanh chóng vì xác định nguồn lực lao động là yếu tố quan trọng nhất. Đó là cái chủ động được, dễ nắm bắt hơn là thị trường vào lúc này”, ông nhận xét. 
Bác sĩ Mẫn cho rằng, đó là nguồn nhân lực xã hội mà Nhựa Bình Minh đang áp dụng, nó thể hiện vai trò, uy tín, sự quyết đoán của người lãnh đạo công ty. Điểm mạnh này sẽ góp phần giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với người lao động và doanh nghiệp. 
Bài, ảnh: Trần Quỳnh