Quản lý rủi ro là yêu cầu chủ chốt nhằm đảm bảo tính an toàn của sản phẩm. Ví dụ, ta trồng xà lách, rủi ro đầu tiên ta nghĩ tới ngay là vi trùng tiêu chảy, vì xà lách dùng ăn sống.

Trong khi tiêu chuẩn GlobalG.A.P (phạm vi cây trồng) có 272 yêu cầu, thì chuẩn trung gian LocalG.A.P được chia thành hai cấp độ cơ bản chỉ gồm 70 yêu cầu, và cấp độ chuyển tiếp với 100 yêu cầu.

Việc giảm đến hơn 60% các yêu cầu ở chuẩn trung gian giúp việc hiểu và áp dụng tiêu chuẩn của nhà sản xuất, đặc biệt là hộ sản xuất nhỏ cảm thấy đỡ “ngán” và có động lực.

Đánh giá rủi ro

Trọng tâm của cả hai cấp độ là an toàn thực phẩm và những yếu tố chính ảnh hưởng đến an toàn của sản phẩm, bao gồm việc quản lý vùng trồng, vệ sinh, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đánh giá và quản lý rủi ro là cách thức giúp nhà sản xuất đảm bảo sự phù hợp của quá trình canh tác.

Bài này chỉ giải thích “đánh giá rủi ro’” trong canh tác rau màu và trái cây. Trước khi bắt đầu, phải nói cho rõ, rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đầy rủi ro, thế nên, sẽ không có chuyện loại bỏ triệt để rủi ro! Điểm mấu chốt ở đây là chúng ta phải làm gì để giảm rủi ro đến mức thấp nhất, sao cho nó không có khả năng gây hại cho sức khoẻ của chúng ta.

Về định nghĩa: rủi ro được hình thành do khả năng xảy ra của mối nguy. Mối nguy ở đây được hiểu là những yếu tố về sinh học (chẳng hạn như vi trùng gây bệnh tiêu chảy, thương hàn), hoá học (như thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng hay chất kích thích tăng trưởng sử dụng trên rau) và lý học (mảnh vỡ thuỷ tinh, đá, đất).

Trong số những mối nguy này, hoá học có vẻ là mối nguy gây “kinh hoàng” nhất cho người tiêu dùng, vì một khi sản phẩm đã nhiễm hoá chất gây hại thì không có cách gì loại bỏ hay giảm thiểu chúng được. Vì vậy, quản lý rủi ro là yêu cầu chủ chốt nhằm đảm bảo tính an toàn của sản phẩm.

Nhận biết mối nguy

Để có thể quản lý được rủi ro, điều đầu tiên cần làm là phải “biết” ta đang có những mối nguy nào, chúng từ đâu đến và có thể gây hại gì cho sức khoẻ của ta. Ví dụ, ta trồng rau xà lách, mối nguy đầu tiên ta nghĩ tới ngay là vi trùng tiêu chảy, vì xà lách ăn sống. Tiếp theo, hình ảnh cây xà lách xanh mướt không tì vết có thể gây nghi ngờ cho người tiêu dùng về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hoặc như trong túi rau có lẫn đất, đá.Vi trùng tiêu chảy, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), đất đá, tất cả những thứ này từ đâu đó mà ra.

Chữ “biết” nói đến ở trên, trước hết là biết do đâu có chúng. Vi trùng tiêu chảy có thể từ nước tưới rau không hợp vệ sinh (do hàng xóm nuôi rất nhiều heo, gà, vịt làm bẩn nguồn nước ta dùng tưới rau chẳng hạn), cũng có thể từ trong đất (do ta nuôi chó và nó chạy rong nơi ta trồng rau). Còn thuốc BVTV là do ta dùng để trừ sâu bệnh, đảm bảo thu nhập và làm cây rau ưa nhìn; đất đá là do thau, rổ ta dùng đựng rau lúc thu hoạch không được sạch sẽ. Những nhận định này phải được ghi ra giấy hoặc đánh máy.

Cái “biết” tiếp theo chính là biết nếu có những rủi ro này, người tiêu dùng sẽ bị vấn đề gì với sức khoẻ của họ. Nếu có vi trùng tiêu chảy trong xà lách, người ăn sẽ bị tiêu chảy. Nếu có dư lượng thuốc BVTV, người sử dụng bị ngộ độc, hoặc giả chúng sẽ ở lại trong cơ thể, chờ tích tụ đủ nhiều sẽ gây bệnh ung thư. Đất, đá cùng lắm chỉ làm ta mẻ cái răng mới trám, xem ra thứ này nhẹ nhất.

Tóm lại, nói về rủi ro đối với canh tác rau màu và trái cây, như phân tích, có thể chúng đến từ môi trường, từ điều kiện vệ sinh kém và những thứ được sử dụng trong quá trình trồng… Ghi nhận tất cả những điều này lại là ta cơ bản đã hoàn tất cái gọi là đánh giá rủi ro. Không quá khó nhỉ?

Kim Thanh (theo TGTT)