Để tìm được đầu ra cho nông sản Việt, yếu tố quan trọng vẫn là chính sách thực sự khuyến khích nông dân làm theo tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn và chất lượng, xóa đi những định kiến “xấu” trên thị trường.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 5/2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam đạt 15,49 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 7,4 tỷ USD, giảm 3,2%; chăn nuôi ước đạt 210 triệu USD, giảm 19,1%; thủy sản ước đạt 2,8 tỷ USD, giảm 11,5%; lâm sản chính đạt 4,2 tỷ USD, giảm 1,9%.

Dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng của thị trường xuất nhập khẩu nông, thủy sản Việt Nam bị gián đoạn trong một khoảng thời gian. Việc dịch bệnh lan rộng tại các nước tiêu thụ nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, châu Âu… làm nhiều đơn hàng đã bị hủy hoặc chậm giao hàng, tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại của các doanh nghiệp nông sản.

Năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD. Tuy từ cuối tháng 4, tình hình đã từng bước cải thiện do các nước châu Âu và trong khu vực đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế, song đây vẫn là một bài toán không dễ hoàn thành trong bối cảnh hiện nay.

Nhìn thẳng vào thực tế, bên cạnh yếu tố khách quan, những mặt hàng nông, thuỷ sản Việt Nam hiện còn tồn tại không ít “căn bệnh trầm kha” khiến các sản phẩm này không thể rộng đường xuất khẩu.

Tại buổi tọa đàm “Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam” do báo Hải Quan tổ chức mới đây, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao đã thẳng thắn chỉ ra một số gút mắc, hạn chế này.

NHỮNG YẾU KÉM “KINH NIÊN”

Nói về những mặt còn yếu của nông sản Việt, bà Vũ Kim Hạnh chỉ ra một số vấn đề đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua như:

  • Sản phẩm chủ yếu được xuất thô, công nghệ chế biến, bảo quản còn lạc hậu; Lạm dụng hóa chất (phân bón, thuốc sâu). Nông sản của chúng ra có chất lượng không đồng đều, chưa có tiêu chuẩn rõ ràng, thống nhất dẫn đến thường gặp khó khăn lớn trước các rào cản kỹ thuật.
  • Khâu phân phối (cả trong nước và quốc tế) các mặt hàng của Việt Nam còn yếu. Do tính chất phân phối toàn cầu, nhưng trình độ thương mại quốc tế còn kém dẫn đến chúng ta chưa thể thâm nhập và đứng vững được trong các chuỗi giá trị thế giới.

Là người theo dõi việc kinh doanh nông sản Việt trên các thị trường quốc tế nhiều năm, bà Hạnh nhận thấy có một số vấn đề từ thị trường rất đáng quan tâm.

Thứ nhất, nông sản Việt Nam bị định kiến rất sâu của nhà mua hàng quốc tế về dư lượng. “Điều này gắn liền với thực tế là nông sản Việt Nam đến nay chỉ có chừng 5% là đạt tiêu chuẩn quốc tế”, bà Hạnh cho biết.

Thứ 2, nhìn chung nông sản Việt Nam không có thương hiệu, không thâm nhập được chuỗi thương mại toàn cầu.

“Hiện nay do tình hình mới thuận lợi hơn nên dần dần khắc phục điểm yếu này, nhưng vẫn còn chậm”, bà Hạnh nói tiếp, “Nhìn chung, sự thiếu thốn thông tin thị trường và khả năng xử lý thông tin này từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp, nông dân đều bị yếu”.

GIẢI BÀI TOÁN… KHÓ GIẢI

Trước thực trạng đã chỉ ra, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng điều cần thiết nhất để có thể thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản Việt là THÔNG TIN.

“Thị trường đang thay đổi nhanh. Cập nhật thông tin và kiến thức thị trường cho nông dân và doanh nghiệp là chuyện cần làm và thiết thực nhất hiện nay”.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp đưa ra ví dụ, sự thay đổi lớn nhất với thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn đến từ thị trường Trung Quốc.

Trong đó, hiểu biết mặc định của nhiều nhà sản xuất kinh doanh nông sản về thị trường Trung Quốc đã bị lạc hậu mà chưa cập nhật kịp thời.

“Luôn cho Trung Quốc là thị trường dễ tính, chất lượng nào cũng tiêu thụ được (cứ chở lên biên giới, hạ giá là “đẩy” hàng đi được), bà Hạnh nêu ví dụ.

Thực tế, theo bà Hạnh điều này đã thay đổi từ giữa năm 2018, tức là đã 2 năm rồi. Cánh cửa tiểu ngạch đang hẹp dần và không bao giờ phục hồi như trước được nữa. Với thị trường Trung Quốc, bây giờ phải có tiêu chuẩn, phải truy xuất được nguồn gốc, phải có 2 thứ mã: mã vùng trồng và mã xưởng đóng gói để có thể thông quan chính ngạch.

Một gút mắc hiện nay về mã vùng trồng là Cục trồng trọt chưa xử lý nhất quán được mà giao về cho địa phương và từng tỉnh lại có những cách xử lý khác nhau trong khi phía người mua (Trung Quốc) lại thống nhất quản lý.

Bà Vũ Kim Hạnh chỉ ra một thực tế nữa là sau nhiều năm len lỏi vào tận những vùng nguyên liệu xa xôi của Việt Nam, tự đi mua hàng tại vườn hay thuê thương lái Việt Nam mua theo yêu cầu của họ thì Trung Quốc đã sở hữu bản đồ vùng trồng nông sản khá chi tiết về các tỉnh của Việt Nam.

Nghịch lý ở đây là trong khi phía Trung Quốc lấy giống từ Việt Nam về và tự trồng thành nhiều vùng rộng lớn. Như thanh long, họ đã trồng tới 70 ngàn hecta mà nông dân Việt Nam còn thi nhau trồng khắp 62/63 tỉnh thành. Trong khi đó qui hoạch của nhà nước chỉ có 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An).

Đây cũng là một trong những lý do khiến hiện tượng “được mùa mất giá” liên tục diễn ra. Nông dân phải đổ bỏ chính những sản phẩm mình tốn nhiều công sức ươm trồng, chăm sóc hay vất vưởng chờ… giải cứu.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp, một mảng thông tin thị trường cần cập nhật nữa là các Hiệp định thương mại tự do mới (FTA).

Cụ thể, gần đây nhất là Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (VEFTA). Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng dự đoán năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt NAm sang EU sẽ đạt 20% (nếu không gặp dịch Covid 19). Tuy nhiên, hiện rất ít doanh nghiệp hiểu sâu về lợi thế của ta với thị trường này.

Theo bà Hạnh, không chỉ xuất khẩu, đây còn là thị trường ta có thể nhập rất tốt, nhất là các thiết bị máy móc công nghệ cao phục vụ sản xuất, cùng với đó được chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật.

Thậm chí ta đã có những lợi thế sẵn có nhưng cũng chưa phát huy được bao nhiêu như là các Chỉ dẫn địa lý về hồ tiêu, về nước mắm truyền thống…đã được châu Âu bảo hộ từ lâu.

GỠ ĐỊNH KIẾN “DƯ LƯỢNG” VÀ TÌM GIÁ TRỊ GIA TĂNG CHO NÔNG SẢN VIỆT

Vấn đề lạm dụng hóa chất vẫn là một định kiến nặng nề đối với nông sản Việt nhiều năm qua. Bà Hạnh thẳng thắn nói tới nay không dễ tẩy xóa định kiến về DƯ LƯỢNG THUỐC TRỪ SÂU. Cụ thể, nông dân tận dụng “thuốc độc” để trái cây tăng trưởng nhanh, bảo quản được dài, “nhan sắc” sản phẩm ngon lành, thì bán được, nhưng chỉ một đôi lần là bị từ chối và sau đó, tất cả các nhà sản xuất khác đều vạ lây, tiếng xấu, ảnh hưởng đến nhiều người. Những người làm tốt cũng bị hàm oan.

Về vấn đề tiêu chuẩn chất lượng, theo bà Hạnh, hiện một bộ tiêu chuẩn bước đệm với chi phí và thời gian đạt chứng nhận chỉ bằng 1/3 của Global G.A.P là Local G.A.P do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao tiến hành được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội mới cho nông sản Việt Nam.

Làm nông nghiệp theo Local G.A.P mới đạt được khoảng 30% tiêu chuẩn của Global G.A.P. Và đó là những tiêu chuẩn quan trọng nhất, đóng vai trò chủ chốt, được ví như “trái tim” của Global G.A.P.

Theo bà Hạnh, bộ tiêu chuẩn này nhiều điểm tương thích và phù hợp, nên khi đã tiếp cận với Viet G.A.P thì hoàn toàn có thể tiếp cận Local G.A.P để đi ra thị trường thế giới nhanh chóng và ổn định.

Liên quan đến việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản Việt, theo ý kiến của bà Hạnh, vấn đề bảo quản, chế biến đã được nói từ rất lâu nhưng việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Bà Vũ Kim Hạnh kể ra một câu chuyện khi gặp nông dân, bà thấy họ thường thắc mắc “sao ta cứ mãi bám thị trường Trung Quốc mà không tăng lượng xuất qua Âu, Mỹ…”.

Nhắc lại chuyện trên, bà Hạnh cho hay việc xuất qua Âu Mỹ ai cũng muốn nhưng thị trường Âu Mỹ có nhiều đòi hỏi: tiêu chuẩn, chi phí vận chuyển, năng lực bảo quản và thương hiệu. Chúng ta phải xem từng loại sản phẩm cho từng thị trường rồi tháo gỡ từng chút một.

Để tìm được đầu ra cho nông sản, bà Hạnh nhấn mạnh yếu tố quan trọng vẫn là chính sách thực sự khuyến khích nông dân làm tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn và chất lượng. Còn chính sách xây kho, xây nhà máy chế biến… nhà nước có vai trò chính, kiên định thực hiện chính sách vì lợi ích lâu dài cho nền kinh tế.

“Chúng ta biết là không thể kinh doanh nông sản với những hộ nông dân riêng lẻ, những hình thức sản xuất chế biến nhỏ tại nhà mà phải dứt khoát đi vào hình thức hợp tác lớn, sản xuất lớn, công nghệ cao”, bà Vũ Kim Hạnh phân trần.

Bà Hạnh trăn trở, nhà nước luôn nói khuyến khích đầu tư cho nông sản chất lượng cao, công nghệ cao mà chủ yếu chỉ nói trên giấy, không cụ thể hóa thành chính sách và thường xuyên giám sát việc thực thi chính sách.

“Và như thế, dù nói rất hay về những điều to tát mà nông nghiệp vẫn cứ mãi sống kiếp gia công, làm hàng “ăn tươi nuốt sống, đổ đống chờ giải cứu”.

Kết lại những trăn trở của mình, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao nhìn nhận:

“Việt Nam đã gần như đi qua mùa dịch bệnh Covid-19. Dù hết sức thận trọng chúng ta cũng nhận thấy hiện nay Việt Nam đang có một lợi thế là có thể sắp xếp, tổ chức việc tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong khi các nước đối tác cũng là đối thủ còn lao đạo với dịch bệnh này.

Sau mùa dịch, chúng ta hiểu rằng sự an toàn, tốt cho sức khỏe đang là nhu cầu lớn nhất của người tiêu dùng thế giới. Vì vậy, vấn đề chăm lo cho chất lượng, giảm thiểu sử dụng hóa chất, xây dựng để đạt kịp thời các tiêu chuẩn quốc tế chính là yêu cầu phải cập nhật để nông dân và các nhà sản xuất kinh doanh có thể khởi động lại kinh doanh một cách vững chãi…”.

Theo BizLive