Kết thúc cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4 hôm 28/10/2018.

Điểm chung của các dự án đoạt giải tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4, chính là việc gắn kết với cộng đồng, cùng ước muốn giới thiệu nét văn hoá đặc trưng của quê hương.

Giữ hồn ẩm thực Tây Bắc

Đặng Thị Huyền Mi, cô giảng viên trường đại học Tây Bắc (Sơn La) đã giới thiệu món nước chấm lạ, hấp dẫn và mang nét đặc trưng rất riêng của đồng bào Thái ở vùng núi Tây Bắc. “Chẩm chéo” là loại đặc sản đặc biệt khi ăn với gà nướng. Dù được ban giám khảo gợi ý thay đổi khẩu vị để phù hợp với người tiêu dùng cả nước, nhưng Huyền Mi nhất quyết nói không bởi theo cô, loại gia vị này đóng vai trò linh hồn trong ẩm thực Tây Bắc, đặc biệt là ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái. Thay vì đổi khẩu vị, Mi bảo mình sẽ nhẫn nại tìm cách để thuyết phục những khách hàng khó tính, để họ thích nghi và yêu mến sản phẩm của đồng bào mình. Đây chính là một trong những lý do giúp cho dự án “Phát triển thị trường cho sản phẩm gà nướng và chẩm chéo của đồng bào dân tộc Thái – Tây Bắc” của Huyền Mi đoạt giải nhất nhóm.

Ít ai biết, Huyền Mi chỉ mới khởi nghiệp khi tham gia lớp tập huấn tại Hà Giang vào đầu tháng 8/2018, do trung tâm BSA tổ chức. Từ những kiến thức học được, Huyền Mi nghĩ ngay đến sản phẩm của đồng bào dân tộc mình và tìm cách để phát triển. Nghĩ là làm, Mi quyết tâm và thành công khi gần như ngay lập tức thực hiện dự án sau ngày kết thúc lớp học. Tại hội chợ Sức khoẻ và dinh dưỡng, do hội DN.HVNCLC tổ chức vào trung tuần tháng 10.2018, sản phẩm gà nướng chẩm chéo do Huyền Mi đã chinh phục người tiêu dùng miền Nam, với hơn 100 lọ được bán ra mỗi ngày.

Cũng với việc nâng cao giá trị văn hoá cộng đồng mình, Sùng Y Xía cũng xuất sắc đánh bại những đối thủ khác để giành hạng nhì nhóm. Sùng Y Xía tập hợp chị em phụ nữ trong vùng cùng phát triển nghề truyền thống, cũng như phát triển du lịch, bảo tồn làng nghề dệt lanh, khai thác giá trị từ sự sáng tạo vẽ sáp ong của người H’Mông ở Hoà Bình. Không chỉ dừng lại ở những bộ trang phục sặc sỡ, Xía hướng dẫn chị em sản xuất các sản phẩm handmade từ thổ cẩm lanh của người H’Mông như túi xách, túi khoác, ba lô, tranh treo tường… Đặc biệt, dự án “Xây dựng nhà truyền thống dân tộc H’Mông – Hoà Bình và khôi phục ngành nghề truyền thống dệt thổ cẩm, vẽ sáp ong” còn giúp người dân, nhất là giới trẻ tránh xa tệ nạn bởi địa bàn sinh sống của Y Xía (huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình) được mệnh danh là điểm nóng về tệ nạn ma tuý ở cửa ngõ Tây Bắc.

Chia sẻ lợi ích cộng đồng

Trong khi đó, ngôi vị quán quân ở hạng mục cá nhân, Võ Văn Phong, Bến Tre – chủ dự án “Phát triển tài nguyên bản địa – Dự án C2T” đã tìm hướng làm du lịch theo cách riêng, cùng chia sẻ lợi nhuận với người dân. Không chỉ sẻ chia lợi nhuận cộng đồng, Phong có mong muốn dự án sẽ giới thiệu nét văn hoá của người dân Bến Tre đến với du khách gần xa. Ở đó, không chỉ là lối sống, sự chân chất của người dân, mà còn là những món ăn đậm chất Nam bộ, những làng nghề truyền thống liên quan đến tính bản địa, là sản phẩm từ dừa…

Ban tổ chức đã nhìn nhận chuỗi giá trị của dự án C2T có những “mắt xích” cơ bản, đảm bảo các sản phẩm du lịch về đặc sản Bến Tre, vườn sinh thái, ẩm thực… C2T khát khao xây dựng mục tiêu tạo sự hài lòng, yêu thích cho khách tham quan du lịch và xây dựng một hình ảnh Bến Tre thu nhỏ, độc đáo.

Không riêng ba dự án này, mà một loạt dự án khác đoạt giải như “Trái cây cuộn nhãn hiệu Tư Bông” của Nguyễn Thị Các Thuỷ, Đồng Tháp (giải nhì cá nhân); “Sản xuất và chế biến các sản phẩm từ củ ấu” của Nguyễn Anh Thy, Đồng Tháp; và “Chăn nuôi gà ta thả đồi gắn với chuỗi giá trị sản phẩm” của Phan Văn Tuân, Bắc Kạn (cùng giải ba cá nhân)… đều thể hiện được nét văn hoá của người dân bản địa, có sức lan toả và giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều người.

Từ động lực và kinh nghiệm, các dự án đã tìm cách khởi nghiệp theo cách mới, luôn tìm ra những điểm yếu để làm tốt hơn, thực hiện những dự án, sản phẩm đơn giản quanh mình. Cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp mới chỉ là bước đệm khởi đầu, là bệ phóng để các dự án vươn lên.

Anh Tuấn