Kinh doanh bùng nổ nhưng ngành giao hàng đồ ăn Thái vẫn “đói bụng”. Ảnh: Nikkei

Tiêu điểm

Lợi nhuận, chính quyền và tài xế – 3 áp lực của ngành giao nhận thức ăn tại Thái Lan

Ngành giao nhận đồ ăn của Thái Lan đang phải đối mặt với áp lực tài chính ngày gia tăng giữa lúc chính phủ luôn thúc giục các công ty phải cắt giảm giá dịch vụ còn tài xế lại yêu cầu tăng lương.

Được biết, làn sóng thứ ba của đại dịch Covid-19 đã đẩy mạnh nhu cầu giao thực phẩm ở Thái Lan. Theo Euromonitor, thị trường này dự kiến ​​sẽ tăng trưởng hai con số mỗi năm, từ 68,8 tỷ Baht (2,2 tỷ USD) vào năm 2020 lên hơn 74 tỷ Baht vào năm 2021 và lên tới 99 tỷ Baht vào năm 2024. Ngoài các công ty nước ngoài lớn như Grab, Gojek, Food Panda và LineMan, thì còn có những công ty địa phương mới tham gia vào thị trường như Robinhood, thuộc sở hữu của ngân hàng cho vay lớn nhất Thái Lan, Siam, và TrueFood, một chi nhánh của tập đoàn nông nghiệp và thực phẩm lớn nhất Thái Lan, CP Group.

Tuy nhiên, tính đến nay, thì chưa có công ty nào thu về được lợi nhuận đáng kể cả.

Nhiều nhà cung cấp thực phẩm đã chuyển sang bán hàng trực tuyến trong bối cảnh đại dịch, khiến chính phủ Thái Lan đã phải áp đặt lệnh phong tỏa từng phần. Nhưng các khoản phí giao hàng cao được các công ty giao đồ ăn đặt ra đã làm giảm tỷ suất lợi nhuận của thị trường. Vì vậy, giờ đây, chính phủ đã phải vào cuộc để giới hạn phí giao hàng nhằm bảo vệ các nhà hàng vừa và nhỏ.

“Điều này đã làm ảnh hưởng đến nhiều nhà hàng vừa và nhỏ cùng với những người bán thức ăn đường phố, hầu hết là những người có thu nhập thấp… và đó là lý do tại sao chính phủ đã phải vào cuộc”, một quan chức cấp cao tại Bộ Thương mại Bộ Thương mại cho biết.

Bộ Thương mại đã yêu cầu các công ty giao thực phẩm phải hợp tác và giảm tỷ lệ hoa hồng của mình từ khoảng 30% đến 35%, mức trung bình trong toàn ngành, xuống còn 25% để mang lại lợi nhuận tốt hơn cho các nhà cung cấp thực phẩm. Được biết, các công ty quy có mô lớn bao gồm Grab và Gojek đã không thể từ chối yêu cầu này.

“Để giúp giảm chi phí cho các thương gia của chúng tôi, Gojek sẽ giảm phí hoa hồng trong suốt tháng 6, không giới hạn lượng đơn đặt hàng mỗi tháng”, Gojek cho biết trong một tuyên bố.

Làn sóng Covid-19 thứ ba kéo dài hơn dự kiến này ​​cũng có nghĩa là chính phủ muốn các công ty giao thực phẩm phải tiếp tục duy trì mức phí thấp hơn cho đến cuối năm.

Để đối phó với mức phí thấp hơn, thì các công ty giao hàng đã cố gắng tồn tại bằng cách cắt giảm khoảng 20% ​​đến 30% chi phí trả lương cho người giao hàng. Điều này đã gây ra nhiều sự bất bình trong số các shipper với việc họ cho rằng điều này đã khiến thu nhập của họ giảm tới 50%, chỉ còn khoảng 500 baht (16 USD) mỗi ngày.

“Điều này hoàn toàn không công bằng và đó là lý do tại sao chúng tôi cần phải phản đối”, Anukul Ratkula, một shipper của LineMan, thuộc Công đoàn Freedom Riders, tổ chức kết nối khoảng 300 tay đua từ các dịch vụ giao đồ ăn trên khắp đất nước, cho biết. Anukul cũng cho biết rằng đã có các cuộc biểu tình từ hàng chục shipper tập trung tại các thành phố lớn yêu cầu tăng lương hoặc họ sẽ đình công. Được biết, chi phí trả lương cho nhân viên là khoản chi lớn nhất đối với các dịch vụ giao đồ ăn.

Với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và chi phí gia tăng, thì Grab, Gojek, Food Panda và LineMan đã lỗ tổng cộng hơn 4 tỷ baht vào năm 2019, theo dữ liệu từ Bộ Phát triển Kinh doanh.

Mặc dù ngành giao hàng thực phẩm ở Thái Lan là một thị trường đầy hứa hẹn, nhưng các công ty vẫn sẽ tiếp tục phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn khi tỷ suất lợi nhuận vẫn thấp trong khi doanh thu lại cao.

Bản Tin Thị Trường

1/ Sáng ngày 28/6, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn hiện đang ở mức 56,55 – 57,05 triệu đồng/lượng, tăng 50 ngàn đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giảm 50 ngàn đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua vào – bán ra đang ở mức 500 ngàn đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.773,1 USD/ounce, giảm 8,4 USD, tương đương 0,47% so với chốt phiên trước. Được biết, giá vàng thế giới vừa ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần trở lại đây.

2/ Từ 0h ngày 28/6, chợ đầu mối Hóc Môn (TP. HCM) đã ngưng kinh doanh đến 4/7 để kiểm soát dịch. Do đó, nguồn cung lớn liên quan thịt heo và rau củ quả cho TP HCM sẽ giảm. Để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, các siêu thị và chợ ở thành phố đã lên phương án hỗ trợ bằng cách tăng mạnh nguồn hàng. Theo đó, nhiều siêu thị tại TP. HCM tăng nguồn cung thịt heo, rau củ quả gấp 3 lần để bù đắp thiếu hụt khi chợ đầu mối Hóc Môn ngưng kinh doanh. Được biết, khách đến mua hàng tại các chuỗi siêu thị ở TP. HCM tăng 50% so với trước đó, lượng đơn đặt hàng online cũng tăng trên 20-50%. Trong đó, nhu cầu mua sắm tích trữ và tiêu dùng hằng ngày của người dân với sản phẩm thịt heo tăng từ 2 đến 3 lần tại các điểm bán khác nhau.

3/ Vừa qua, Tuần hàng Việt Nam tại Nhật Bản đã kết thúc với việc mặt hàng chuối của Việt Nam bắt đầu tìm được chỗ đứng trên thị trường đầy khắt khe này. Theo đó, trong 3 ngày diễn ra sự kiện, cùng với vải thiều và thanh long, thì chuối Việt Nam đã thu hút sự chú ý của người tiêu dùng Nhật Bản. Theo Ủy viên Ban điều hành Công ty TNHH AEON, đơn vị tổ chức, với giá bán cạnh tranh và chất lượng tốt, chuối Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại ở thị trường Nhật Bản. Cùng với chuối, AEON cũng đang lên kế hoạch nhập khẩu nhãn của Việt Nam để bán trong các siêu thị của tập đoàn này ở Nhật Bản. Được biết, chính phủ hai nước đã thỏa thuận về việc Nhật Bản sẽ xuất khẩu quýt sang Việt Nam, và ngược lại Việt Nam sẽ bán quả nhãn tại Nhật Bản.

Người tiêu dùng lựa chọn chuối Việt Nam ở AEON. Ảnh: TTXVN

4/ Ứng dụng đầu tư và tích lũy Infina vừa công bố hoàn tất vòng gọi vốn trị giá 2 triệu USD từ 5 quỹ đầu tư quốc tế lớn. Theo đó, 5 quỹ đầu tư tham gia vòng hạt giống (seed) này bao gồm Saison Capital (quỹ đầu tư thuộc tập đoàn tài chính Credit Saison Nhật Bản), Venturra Discovery (quỹ đầu tư thuộc tập đoàn Lippo Group Indonesia), 1982 Ventures của Singapore, 500 Startups của Mỹ, Nextrans của Hàn Quốc và một số quản lý cấp cao tại Google, Netflix Châu Á cùng tham gia. Startup thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính này tập trung vào điều hành ứng dụng Infina, cung cấp dịch vụ gửi tiết kiệm tích lũy, đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi và chứng chỉ quỹ tới người dùng.

5/ Giá phân bón giao dịch trên thị trường thế giới tiếp tục tăng nóng trong những ngày gần đây, trong đó nhiều mặt hàng đã thiết lập đỉnh lịch sử. Theo các bản tin của Argus và Fertecon, những công ty dự báo, phân tích thị trường uy tín quốc tế, trong tuần từ 18/6 – 24/6, nguồn cung urê trên toàn thế giới vẫn trong tình trạng khan hiếm, giá tiếp tục tăng. Trong tháng 7 tới, nguồn cung từ các nước sản xuất urê lớn được dự báo tiếp tục giảm do nhiều nhà máy tiến hành bảo dưỡng, các nhà xuất khẩu Trung Quốc dừng việc chào giá khiến giá urê khả năng bị đẩy lên cao. Thậm chí, trên thế giới các đơn hàng tháng 8 đang được chào với giá 470 – 480 USD/tấn FOB.

6/ Chính phủ Trung Quốc đang đẩy cao chiến dịch hạn chế giá hàng hóa tăng nóng và giảm đầu cơ trong nỗ lực làm dịu đi rủi ro từ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 khi giá hàng hóa nguyên liệu tăng nóng. Được biết, tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc chững lại trong tháng 5/2021 khi mà hiệu ứng so sánh với nền thấp của năm đại dịch Covid-19 của năm 2020 ngày một dịu đi, ngoài ra, nhiều doanh nghiệp gặp khó khi đương đầu với tình trạng chi phí tăng cao. Chi phí hàng hóa cao đã giúp làm tăng lợi nhuận cho nhiều ngành ví như ngành sản xuất hàng hóa nguyên liệu thô, tuy nhiên lại gây sức ép lên nhiều ngành khác. Chỉ số giá sản xuất tháng 5/2021 tăng 9% so với cùng kỳ năm trước và như vậy ghi nhận mức tăng mạnh nhất tính từ năm 2008, chủ yếu bởi giá kim loại tăng mạnh.

7/ Trung Quốc đã đồng ý mua lô hàng 20.000 tấn gạo Thái Lan thông qua thỏa thuận liên chính phủ (G2G), dự kiến ​​sẽ giao hàng từ nay cho đến tháng 7 tới. Theo Tổng giám đốc Cơ quan Ngoại thương Thái Lan, thương vụ này đã đạt được sau một cuộc đàm phán giữa đại diện Thái Lan với Tổng công ty Ngũ cốc, Dầu ăn và Thực phẩm Quốc gia Trung Quốc (Cofco), một doanh nghiệp nhà nước chuyên giám sát hạn ngạch nhập khẩu gạo hàng năm của đại lục. Kết quả là Cofco đã nhất trí mua lô hàng 20.000 tấn gạo trắng 5% của Thái Lan với giá 10,4 triệu USD. Được biết, thương vụ mua bán này cũng là một phần của biên bản ghi nhớ được ký vào đầu năm 2015 giữa Cofco và giới chức Thái Lan nhằm xuất khẩu 2 triệu tấn gạo, một nhánh của gói đầu tư chung giữa hai chính phủ, bao gồm một dự án đường sắt cao tốc.

8/ Cơ quan Quản lý Tài chính Anh (FCA) đã ra lệnh cấm Binance, một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới, kinh doanh hàng loạt dịch vụ tại quốc gia này. Được biết, Binance Markets sẽ phải xác nhận việc ngừng mọi hoạt động quảng cáo tại Vương quốc Anh trước hạn chót là tối 30/6. Sàn giao dịch này cũng phải xác nhận rõ trên trang web và các kênh mạng xã hội rằng nó không còn được phép hoạt động tại Anh. Lệnh cấm của Anh được đưa ra sau khi các cơ quan quản lý tà chính Nhật Bản lên tiếng cảnh báo về sàn Binance cuối tuần trước. Chính quyền Nhật Bản cho biết Binance có thể đang kinh doanh tại nước này mà không có giấy phép hoạt động. Binance cũng sẽ không được phép phục vụ các khách hàng ở Ontario, Canada từ ngày 31/12. Trong vài tháng qua, chính quyền Trung Quốc cũng mở chiến dịch trấn áp thị trường tiền mã hóa quyết liệt.

Sàn giao dịch tiền mã hóa Binance phải thông báo việc bị ngừng hoạt động trên lãnh thổ Anh ở mọi kênh truyền thông của doanh nghiệp này. Ảnh: Bloomberg

9/ Theo Thời báo Hoàn Cầu, kết quả khảo sát của Phòng thương mại Trung Quốc – Hoa Kỳ (CGCCUSA) cho thấy một “bức tranh ảm đạm về các doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ”. Theo đó, 52% công ty Trung Quốc ở Mỹ thừa nhận sẽ giảm đầu tư vì sự không chắc chắn trong quan hệ Mỹ – Trung và môi trường chính sách bất lợi. Khoảng 44% doanh nghiệp tiết lộ sẽ chuyển hướng sang châu Á, châu Âu hoặc Nam Mỹ. Hơn thế nữa, khoảng 74% công ty cho rằng mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Mỹ là thách thức khó khăn nhất trong hoạt động kinh doanh của họ tại Mỹ trong năm 2020 vừa qua. Một số nhà phân tích cho rằng môi trường chính sách thù địch của Mỹ cuối cùng sẽ khiến các công ty Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế.

10/ Vừa qua, Cục trưởng Tài chính Hong Kong cho biết chính phủ sẽ quyết tâm thúc đẩy chuyển đổi số nền kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ nhiều hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động và mở rộng kinh doanh. Theo đó, ngoài thanh toán điện tử trên lĩnh vực bán lẻ, các cơ quan chức năng cũng tăng cường nghiên cứu việc sử dụng đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng trung ương (CBDC). Bên cạnh tiếp tục thử nghiệm CBDC ở cấp độ thanh toán thương mại xuyên biên giới, trong vòng một năm tới sẽ tăng cường chuẩn bị cho việc phát hành tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng trung ương ở cấp độ bán buôn và bán lẻ ở Hong Kong, bao gồm nghiên cứu ứng dụng HKD kỹ thuật số vào lĩnh vực bán lẻ ở Hong Kong, tiếp tục hợp tác với Ngân hàng trung ương Trung Quốc để thử nghiệm kỹ thuật sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số ở Hong Kong.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

NTJ ứng dụng tinh hoa công nghệ trong chế tác trang sức