Ngày 9/4, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho hay, huyện vừa công bố đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tiêu dùng về chất lượng tỏi mua tại địa phương.
Theo đó, người tiêu dùng có thể liên hệ đến 2 số 0985075258 (bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện) và 0935914999 (ông Đặng Tấn Thành – Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng nông thôn huyện) khi phát hiện bất kỳ cơ sở kinh doanh tỏi có hành vi “lừa đảo”.
Huyện Lý Sơn cũng đã thành lập đoàn công tác tiến hành kiểm tra đột xuất 48 điểm bán tỏi trên địa bàn xã An Vĩnh để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thương lái cố tình nhập tỏi từ nơi khác về bán tràn lan, không có giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ, nhái mác “tỏi Lý Sơn chính hiệu” để vụ lợi; buộc phải ký cam kết không tái phạm.
“Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở thêm những đợt kiểm tra mới để ngăn chặn triệt để những cá nhân, hộ gia đình có ý định kinh doanh tỏi trái quy định” – bà Hương cho biết.
Tình trạng tỏi đất liền đưa ra đảo Lý Sơn diễn ra thường xuyên với mức độ khá tinh vi, rất khó phát hiện, thu giữ. Mới đây nhất, vào cuối tháng 3/2019, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 2 xe ô tô chở 26 thùng xốp chứa gần 1 tấn tỏi tươi đang trên đường vận chuyển từ Ninh Hiển (Khánh Hòa) ra đảo Lý Sơn tiêu thụ, dưới danh nghĩa là tỏi Lý Sơn.
Để tự cứu lấy mình, nhiều hộ trồng tỏi trên đảo cũng đã hướng đến sản xuất tỏi hữu cơ sạch, tự xây dựng thương hiệu riêng. Điển hình như anh Nguyễn Văn Định, thôn Tây, xã An Hải đã mạnh dạn đầu tư trồng 6 sào tỏi (500m2/sào), sử dụng phân bón làm từ mùn rác hữu cơ của nhà máy rác sinh hoạt huyện Lý Sơn, thay vì sử dụng phân bón hóa học.
Mô hình mới mẻ đã đem lại thành công ngoài mong đợi khi cho sản lượng đạt 500-700 kg tỏi tươi/sào/vụ; tương đương với cách sản xuất tỏi truyền thống nhưng bù lại giảm đáng kể chi phí đầu tư. Không những thế, anh còn tự liên kết với Big C để tiêu thụ những sản phẩm do chính mình làm ra, lấy tên “Vua Tỏi”. Hiện các mặt hàng của chàng trai trẻ đang bán rất chạy, được khách hàng khá ưa chuộng.
Thực tế, mỗi năm huyện đảo chỉ sản xuất duy nhất một vụ tỏi Đông Xuân (từ tháng 9 năm trước qua tháng 2 năm sau), với sản lượng ước đạt 1.800 tấn thì không thể có nguồn cung dồi dào để bán cho khách hành quanh năm như thời gian qua.
Việc tỏi giả, tỏi nhái tập kết ra đảo với số lượng khủng làm mất đi hình ảnh, thương hiệu của tỏi Lý Sơn, khiến người trồng điêu đứng và người tiêu dùng “quay mặt”.
Vào tháng 10/2018, đích thân Bí thư Huyện đoàn Lý Sơn ra tâm thư kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiêu thụ tỏi giúp người dân vì lượng tỏi dồn ứ trong dân khá nhiều, giá bán giảm đến mức thấp nhất chưa từng có 35.000 đồng/kg.
Việc chính quyền huyện có những giải pháp thiết thực sẽ giúp cho cây tỏi dần lấy lại thương hiệu vốn có của nó và hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tự khắc sẽ bị đẩy lùi.