(Cafenews)-“Nghĩa địa san hô” hóa thạch niên đại 6.000 năm ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được cho là độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà trên cả phạm vi thế giới.

Sau nhiều tháng khảo sát, cuối tháng 1/2018, nhóm chuyên gia thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố kết quả nghiên cứu về di sản cổ sinh độc đáo – “Nghĩa địa” san hô hóa thạch hình cối xay gần khu vực thắng cảnh Hang Cau ở xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn).
Cụm đá san hô hóa thạch xoắn ốc hệt như một cối xay bên bờ biển đảo Lý Sơn.Tiến sĩ Ngô Quang Toàn, Tổng hội Địa chất Việt Nam, cho hay bãi san hô hóa thạch này có giá trị độc đáo. “Tôi chưa từng tìm thấy ở vùng biển nào ở Việt Nam và trên thế giới cũng chưa từng thấy dạng san hô hóa thạch như thế này”, ông cho biết.
Nhiều cụm đá san hô hóa thạch hình cối xay đủ mọi kích cỡ trải rộng trên diện tích 20.000 m2 ven biển.
Qua đo đạc, các chuyên gia xác định kích thước mỗi khối đá có đường kính từ 2 m trở lên nằm dọc theo bờ biển từ khu vực vách đá Hang Cau về hướng Đông ngọn đèn Hải đăng đảo Lý Sơn.
Khối san hô hóa thạch có nhiều hoa văn dạng vòng xuyến tuyệt tác. Các chuyên gia nhận định, những khối hóa thạch này có niên đại từ 5.000 đến 6.000 năm trước. Di sản địa chất có giá trị du lịch và phục vụ nghiên cứu khoa học.
Loài muống biển nở hoa trên khối san hô hóa thạch tạo cảnh quan thơ mộng cho bờ biển Lý Sơn. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nam, Viện Địa chất khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết lần đầu tiên phát hiện khối san hô hóa thạch nơi đây hệt như chiếc cối xay của người dân đồng bằng Bắc bộ hay sử dụng. “Chúng tôi đã đặt tên cho chúng là san hô cối xay nhưng quan sát kỹ thì giống hoa hồng hơn”, ông Nam nói.
“Nghĩa địa san hô hóa thạch này xứng tầm di sản địa chất quốc tế. Chúng tôi tìm trên nhiều trang website về địa chất khoáng sản nhưng chưa có nơi nào có loại san hô hóa thành có hình thù tuyệt đẹp như vậy”, vị chuyên gia cho hay.
Các chuyên gia đánh giá, di sản địa chất ở đảo Lý Sơn phong phú, hàm chứa nhiều giá trị, giờ lại phát hiện thêm “nghĩa địa san hô” hóa thạch nên hội đủ điều kiện để kiến nghị UNESCO xét công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
Khối san hô hóa thạch nhuốm màu rêu xanh tạo. Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Ngãi, cho rằng việc phát hiện di sản “nghĩa địa” san hô có ý nghĩa đặc biệt về mặt khoa học. Trước mắt lãnh đạo tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương khoanh vùng bảo vệ, ngăn chặn các hoạt động con người có thể xâm hại, trong đó tạm dừng thi công mọi công trình trong khu vực di sản địa chất này.
Khối san hô phủ màu rêu hình cối xay nhô trên bãi cát. Quảng Ngãi đã mời các chuyên gia Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tiếp tục nghiên cứu sâu khu vực phát hiện di sản. Địa phương này đang xúc tiến củng cố hồ sơ sớm trình UNESCO xét công nhận công viên địa chất Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận; đồng thời tư vấn giúp tỉnh có biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị du lịch mang lại thu nhập cho người dân.

Minh Hoàng


Theo Zing