Buổi kết nối B2B Maching giữa các doanh nghiệp và đối tác mua hàng tại Lễ hội Sức khỏe và dinh dưỡng, hình ảnh anh Lê Nhất Vũ, đại diện Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thu Ba (Quảng Ngãi) cầm theo nhiều túi sản phẩm để lại nhiều ấn tượng.
Mỗi túi được anh Vũ và đồng nghiệp phân ra các loại khác nhau để tiện khi lấy ra chào hàng đối tác.
Nếu so với nhiều đơn vị khác, Thu Ba dường như chuẩn bị có phần kỹ càng hơn, họ đem theo nhiều sản phẩm đến gặp các nhà mua hàng. Những chi tiết khác như thông tin công ty, máy tính xách tay, tờ rơi giới thiệu. Ngay cả website của mình cho các đối tác cũng luôn được mở sẵn trên thiết bị máy, điện thoại.
Anh Lê Nhất Vũ cho biết, đến cuộc kết nối này, ngoài mang theo sản phẩm khô bò, còn có các sản phẩm cá bống sông Trà, tỏi Lý Sơn… Hiện tại Thu Ba mới cung cấp cho Big C, Co.opmart ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.
“Ngày hôm nay chúng tôi muốn kết nối với hệ thống Co.opmart tổng trong này để sản phẩm của mình vào được nhiều hơn nữa”, anh Vũ nói.
Trong khi ngồi chờ trong phòng kết nối với các đối tác, anh Vũ cùng đồng nghiệp của mình rất khẩn trương, chuẩn bị mọi thứ để chờ đọc tên doanh nghiệp mình.
“Các đơn vị mua hàng hỏi nhiều câu liên quan đến doanh số bán hàng, giá bán lẻ, vấn đề chiết khấu. Và nhất là vấn đề vận chuyển hàng từ Quảng Ngãi vào TPHCM, khi vận chuyển như thế giá tăng lên như thế nao…”
Quan sát doanh nghiệp Việt Nam tham dự buổi kết nối này, nhiều doanh nghiệp không có sự chuẩn bị như thế, có đơn vị chỉ mang theo một hai sản phẩm duy nhất với số lượng rất ít, catalog giới thiệu thậm chí còn không có.
Trong buổi kết nối này, có đến 6 đối tác mua hàng, tư vấn thị trường từ khắp nơi, trong nước cũng như ngoài nước, như: Đối tác từ Singapore, Hiệp hội bán lẻ Á – Phi, Co.opmart, Big C, Vincommerce, GS25. Giả sử, những đối tác này muốn xem và giữ lại sản phẩm để tìm hiểu thêm, doanh nghiệp đem một đến hai sản phẩm như thế đành chịu.
Như thế ngay sự chuẩn bị cho lần gặp đầu tiên này doanh nghiệp đã nhận phần thiệt về mình, làm mất đi cơ hội vào các kênh hiện đại.
Chia sẻ với các doanh nghiệp trong buổi kết B2B maching, bà Vũ Thị Kim Nương, giám đốc truyền thông của Auchan Retail Việt Namn cho biết, ở Việt Nam, Auchan có 21 cửa hàng với các mô hình, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Hiện nay, các mặt hàng đa phần là sản phẩm nước ngoài, ít có sản phẩm Việt Nam. Cụ thể, hiện Auchan có mặt ở 14 quốc gia do họ trực tiếp sở hữu, 3 Auchan còn lại tại các nước là hình thức nhượng quyền.
Theo bà Kim Nương, những sản phẩm làm ở quốc gia nào khi vào Auchan cũng dựa trên tiêu chuẩn chung của Auchan toàn cầu, được hội đồng kiểm duyệt.
“Ngành hàng phi thực phẩm, gốm sứ, may mặc, đồ trang trí… hãy liên hệ với chúng tôi để xem phù hợp bán tại Việt Nam hay không, nếu đạt chất lượng Auchan sẽ xuất khẩu đến 14 quốc gia mà chúng tôi sở hữu”, bà Kim Nương nói.
Bà Kim Nương nhắn nhủ các doanh nghiệp, chất lượng sẽ ưu tiên hàng đầu, bên cạnh đó là những chứng nhận đã đạt được trong và ngoài nước; nên doanh nghiệp hãy kiên nhẫn và tự tin khi vào.
Còn bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia Dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập cho hay, trong việc kết nối với các tổ chức mua hàng nước ngoài, điều đầu tiên họ nhìn vào là website của doanh nghiệp, 50% cơ hội bắt đầu từ việc làm website và “show” ra cho đối tác.
Có thể nói, mô hình kết nối kinh doanh B2B maching đang là xu hướng có trong những hội chợ quốc tế trên thế. Các doanh nghiệp Việt mong muốn phát triển theo xu hướng này cần có những chiến lược, cải thiện cách bán hàng, chào hàng, tiếp thị, đầu tư vào việc thiết kế website để có thể hội nhập và tiến hành các giao dịch B2B một cách chuyên nghiệp và hiệu quả nhất.
Trần Quỳnh