Trong khuôn khổ Mekong Connect 2022, ngày 22/11, hơn 100 lãnh đạo hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp đã tham dự diễn đàn “Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp”.
Ông Bùi Phước Hòa, chuyên gia Hội DN HVNCLC, dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Quỳnh.
Ngày 22/11, Ban tổ chức diễn đàn Mekong Connect 2022, báo Nông nghiệp Việt Nam, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT 2, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) phối hợp tổ chức Diễn đàn “Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp”.
Chủ trì diễn đàn là ông Nguyễn Ngọc Thạch – Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam; ông Nguyễn Trung Đông – Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý NN-PTNT 2 và bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao. Tham dự diễn đàn còn có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT và hàng trăm lãnh đạo hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Bùi Phước Hòa, chuyên gia Hội DN HVNCLC, dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập, cho biết qua quá trình nghiên cứu và thực tiễn làm tiêu chuẩn thì thấy có ba khó khăn chính cho các HTX khi làm tiêu chuẩn đó là khó khăn về chi phí, thời gian và văn hóa. Cụ thể, đầu tiên các HTX có thể gặp các khó khăn về chi phí như chi phí xây dựng tiêu chuẩn, tạo lập các quy trình, yêu cầu tuân thủ. Chi phí cơ sở hạ tầng và trang bị cần thiết theo tiêu chuẩn. Chi phí chứng nhận, kiểm nghiệm, giám định sản phẩm và chi phí quản lý. Tiếp đến là khó khăn về thời gian, để HTX có thể thực hành và tuân thủ tiêu chuẩn thì họ cũng cần thời gian đó là thời gian kiểm soát các công đoạn theo tiêu chuẩn. Thời gian ghi chép – lưu trữ hồ sơ. Thời gian kiểm tra đánh giá lại các hoạt động đã làm và đặc biệt là thời gian cập nhật, trao đổi thông tin. Khó khăn cuối cùng nhưng cũng hết sức hệ trọng đó là khó khăn về văn hóa. Hiện các HTX của chúng ta vẫn giữ mô hình quản lý theo quy mô hộ gia đình, chưa tách biệt rõ vai trò, trách nhiệm và quyền hạn. Khi đi vào làm tiêu chuẩn, nếu không thay đổi văn hóa, mô hình quản lý truyền thống để tách biệt và phân rõ, quyền hạn, trách nhiệm của các bộ phận thì sẽ rất khó khăn.
Từ nghiên cứu lý thuyết và quá trình thực tiễn làm việc cùng với các HTX ông Bùi Phước Hòa đề xuất nên xây dựng một “hệ sinh thái bốn nhà” gồm: nhà nước, nhà trường & nhà tư vấn, nhà phân phối, và nhà nông. Trong đó, nhà nước nên nhất quán về chính sách chung. Cần phải có cam kết các quy định xuyên suốt giữa các bộ ngành. Ngoài ra, nhà nước có thể hỗ trợ thêm môi trường đào tạo, tri thức. Đối với nhà trường và nhà tư vấn thì cần nghiên cứu cây giống, con giống, quy trình trồng trọt, chuyển giao. Hỗ trợ tư vấn cho các HTX có nhu cầu cần tìm đến thì được tư vấn, đào tạo huấn luyện kịp thời.  Nhà phân phối cần tìm hiểu khách hàng để định hướng cho người nông dân. Nhà phân phối cũng cần minh bạch, chia sẻ lợi ích với nhà nông. Nhà phân phối cũng phải cam kết giữ đúng tiêu chuẩn để giữ uy tín với đối tác, khách hàng. Đối với nhà nông thì HTX liên kết cần phải minh bạch trách nhiệm, lợi ích. Trong HTX cần có người đầu tàu đủ hiểu biết về tiêu chuẩn để có thể phổ biến, định hướng cho người dân. Về phía người nông dân thì họ cần phải biết làm và ghi chép lại minh bạch quá trình trồng trọt, chăn nuôi của mình. Người nông dân chỉ cần biết ghi lại đầy đủ để khi sản phẩm bán ra, nếu người tiêu dùng muốn truy nguyên nguồn gốc thì có đầy đủ dữ liệu.
“Nếu cả “bốn nhà” trong hệ sinh thái này đều làm tròn trách nhiệm, cùng chia sẻ trách nhiệm, thì chúng ta sẽ thành công” – ông Bùi Phước Hòa nói.
Hội thảo thu hút hơn 100 lãnh đạo hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp và đông đảo cơ quan báo chí tham dự. Ảnh: Trần Quỳnh.
Theo TS Lê Thanh Hòa, mỗi quốc gia xây dựng một bộ quy định và có mức độ bảo vệ khác nhau với sản phẩm nhập khẩu. Gần đây Trung Quốc một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta đã có những thay đổi rất lớn. Cơ bản hiện nay đối với thị trường Trung Quốc thì chúng ta chủ yếu đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc. Dù Trung Quốc chưa thực sự nghiêm ngặt trong việc kiểm tra dư lượng, nhưng gần đây họ cũng đã tăng cường trong công tác kiểm soát các thông số này. TS Lê Thanh Hòa khuyến nghị, doanh nghiệp và đặc biệt là HTX cần nâng cao năng lực nhận thức, chú trọng đào tạo cán bộ để hiểu rõ các yêu cầu kỹ thuật và kết nối với các cơ quan nhà nước để có thể thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật cho sản phẩm xuất khẩu
Bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu II, việc xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói có mục tiêu hàng đầu để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Thứ hai là đăng ký mã số trên cơ sở tự nguyện. Thứ ba là để kiểm tra đánh giá định kỳ. Thứ tư là mã số phải được công nhận bởi các nước nhập khẩu.
Ông Nguyễn Đức Trường, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Thành, cho rằng để ổn định chất lượng nông sản thì người nông dân cần được hỗ trợ từ nguyên liệu đầu vào với công nghệ mới để giúp giảm chi phí đầu vào. Các công nghệ mới có những đột phá giúp bà con tiết kiệm nhiều chi phí về thời gian, vật tư… Chẳng hạn hiện Đại Thành đã có các máy bay không người lái, thiết bị viễn thám, dẫn đường, máy phun thuốc tự động… Đặc biệt có thiết bị giám sát nông nghiệp thông minh.
Theo ông Trường, hiện đa phần các HTX chưa tiếp cận được công nghệ mới, nguyên nhân thứ nhất là thiếu nhân lực để tiếp cận công nghệ mới và thứ hai là thiếu vốn.
Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông sản chất lượng cao, chinh phục thị trường khó tính và cách thức liên kết, hợp tác với trang trại, nông hộ vệ tinh, ông Phạm Quốc Liêm – Tổng giám đốc Công ty Unifarm Bình Dương, cho biết để sản xuất được những sản phẩm nông nghiệp đủ điều kiện phục vụ thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang các thị trường khó tính, khâu đầu tiên là người dân cần phải biết trồng cây gì.
“Để chọn lựa được sản phẩm để sản xuất cần tiến hành khảo sát nhu cầu thị trường. Chúng ta sản xuất những thứ mà thị trường cần chứ không sản xuất ra những thứ mà ta có thể sản xuất. Một sản phẩm được chọn phải vừa có thế mạnh để cung ứng tại thị trường trong nước, vừa đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Chẳng hạn, cách đây hơn 10 năm để Unifarm chọn sản phẩm dưa lưới để đầu tư chúng tôi phải đi khảo sát khắp nơi, từ các cửa hàng, siêu thị, các chợ đầu mối… Khi đó chúng tôi thấy gần như hầu hết các sản phẩm dưa lưới trên thị trường ở đó là nhập khẩu từ Trung Quốc và Thái Lan. Như thế chúng tôi nghĩ chúng tôi có cơ hội với sản phẩm này có thể cạnh tranh nếu dưa lưới được trồng ở Việt Nam”, ông Phạm Quốc Liêm chia sẻ.
Bước thứ hai, sau khi xác định được sản phẩm mà thị trường đang có nhu cầu thì cần phải có kế hoạch, giải pháp cạnh tranh với các quốc gia đang sản xuất sản phẩm đó. “Không nên sản xuất theo tiêu chuẩn của từng thị trường cụ thể mà phải xác định sản xuất theo tiêu chuẩn cao nhất đối với loại nông sản đó”, ông Liêm nhấn mạnh. “Sau khi thành công và đạt được những thành quả nhất định, từ những kinh nghiệm quý báu được đúc rút từ thực tế, Công ty Unifarm Bình Dương đã đào tạo cho người dân thông qua việc hợp tác với các trang trại, nông hộ, các HTX. Từ đó hướng tới việc liên kết, hợp tác với trang trại, nông hộ vệ tinh cùng phát triển bền vững”, ông Phạm Quốc Liêm nói.
Hồ Đức Minh – Công ty XNK Vạn Xuân Phát, một trong 25 công ty được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, chia sẻ, khi đi gặp khách hàng, họ nói luôn: “hàng là phải ngon. Nếu hàng không ngon là họ nghỉ chơi luôn. Họ cũng nhắc khéo luôn, là các tiêu chuẩn pháp lý thì các bạn phải tự động theo, không theo là sẽ bị phạt. Cho nên tiêu chuẩn pháp lý là rất nghiêm khắc”. Đối với người thương nhân, tiêu chuẩn pháp lý giống như tiêu chuẩn A-B-C vậy, nếu không đạt là rớt luôn từ vòng gửi xe. Tiêu chuẩn này không đạt là “quay đầu”. Tức là, khi đi thông quan ở cửa khẩu, nếu họ kiểm tra vi phạm các tiêu chuẩn này là “quay đầu”.
An toàn – biết kiểm soát – và chịu trách nhiệm là thương nhân phải hiểu và người nông dân phải hiểu đó là giá trị. Cái cuối cùng không phải luật lệ hay thủ tục mà là để cho sản phẩm cuối cùng có giá trị, sản phẩm đó có giá trị, việc ghi chép tỉ mỉ của người nông dân không phải là làm khó cho họ, mà là để khẳng định cái giá trị sản phẩm của mình.
Tiêu chuẩn của thị trường với khách hàng như phải ngon hơn, giá tốt hơn… là chuyện của thương nhân, nhưng sản phẩm có đạt chuẩn hay không lại phải phụ thuộc vào người nông dân, người trồng.
Hiện nay cách duy nhất mà Vạn Xuân Phát làm là công khai, minh bạch tất cả với người nông dân. Global Gap cũng được, LocalGap cũng được… nhưng quan trọng là phải chịu khó ghi chép, cam kết minh bạch làm cùng Vạn Xuân Phát. Vạn Xuân Phát kiên quyết những vùng nào không tuân thủ thì công ty sẽ không thu mua. Công ty công khai, minh bạch tất cả chi phí lợi nhuận, giá lên thì giá thu mua của công ty sẽ lên cho bà con chia sẻ lợi nhuận cùng bà con.

Diễn đàn Mekong Connect 2022 có chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”. Sự kiện diễn ra trong hai ngày 23 và 24/11, tại Khách sạn Mường Thanh – TP Cần Thơ. (Thông tin thêm về sự kiện, các tài liệu có tại https://mekongconnect.vn/)