RealTime Robotics Inc là công ty đầu tiên hoàn toàn của người Việt, sản xuất máy bay không người lái (drone) tại khu công nghệ cao TP.HCM. Kế hoạch năm 2023 dự kiến lợi nhuận là trên 10 triệu USD.
Chia sẻ tại phiên thảo luận “Làm thế nào để ứng dụng KHCN và thực hiện chuyển đổi số đi vào thực tiễn của đời sống kinh tế”, sáng 24/11, tại diễn đàn Mekong Connect 2022, TS Lương Việt Quốc, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành RealTime Robotics Inc (RtR), nói: “Mọi người hay hỏi, một doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thông qua đổi mới sáng tạo có thể sản xuất sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu ra thế giới hay không? Câu trả lời là: “Có”. Như công ty RealTime Robotics hiện có khoảng 60 kỹ sư, đa số là trẻ, dưới 30 tuổi. Nếu bạn bước vào công ty thì thấy công ty không có tài sản gì đồ sộ cả mà chỉ hầu hết là máy tính và mình đầu tư mạnh vào phát minh và thiết kế.”
Vậy RealTime Robotics Inc thực sự đã làm như thế nào?
Nhỏ thì phải có võ
Ngay tại diễn đàn TS Lương Việt Quốc đã kể lại bí quyết để làm nên chiếc drone thuần Việt, bán sang thị trường Mỹ với giá cao hơn giá drone Mỹ, đó là tìm cách giải những bài toán thế giới chưa giải được.
TS Lương Việt Quốc trình chiếu lên màn hình ba loại drone phổ biến hiện nay trên thế giới và drone HERA của RtR để cho thấy quá trình nghiên cứu và quyết định lựa chọn đầu tư sản phẩm của mình.
Đầu tiên là chiếc drone do một tập đoàn quân sự lớn của Israel sản xuất, drone này được thiết kế để một người lính có thể mang và được chứa gọn trong balô. Nhưng chiếc drone này chỉ có thể mang được 1,2kg, chỉ mang được 1 camera và không mang được vật tiếp tế.
Tiếp theo, một nước khác cũng khá nổi tiếng về sản xuất drone là Thổ Nhĩ Kỳ. Drone của Thổ Nhĩ Kỳ cũng được thiết kế để bỏ gọn vào balô, mang được 1,3kg và mang được 1 camera và không có rổ để mang theo vật dụng khác. Thổ Nhĩ Kỳ cũng xuất khẩu con drone này ra nhiều nước trên thế giới.
Tiếp đến, một mẫu drone của nước khác, họ thiết kế có thể mang được đến 5kg nhưng nhược điểm là rất lớn. Một chiếc xe bán tải mới có thể chở được con drone này.
Và cuối cùng là sản phẩm drone của RealTime Robotics Inc, drone HERA, chứa gọn trong balô, nhỏ hơn chiếc balô của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng có thể mang đến 15kg, mang đồng thời 3 chiếc camera và có thể mang 9 vật với các vật hình dáng khác nhau để cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế…
“Hiện tại giá bán của một chiếc drone HERA của RealTime Robotics là 58.000 USD và đang được cung cấp cho cảnh sát Mỹ. Trong khi giá bán của các sản phẩm cùng loại của G7 chỉ là hơn 30.000 USD” – TS Lương Việt Quốc cho biết.
“Tức là gì, khi mình sáng tạo ra được những tính năng vượt trội thì mình hoàn toàn có thể bán với giá cao hơn mà thị trường vẫn đón nhận” – TS Quốc nói.
TS Quốc phân tích, câu chuyện của công ty RealTime Robotics cho thấy, một công ty vừa và nhỏ, với chỉ khoảng 60 kỹ sư, nếu biết chọn đầu tư giải những bài toán thế giới còn vướng mắc. Cụ thể, ở đây là cái drone nhỏ thì năng lực vận chuyển hạn chế, nhưng khi mình tìm được cách để phá vỡ được rào cản này thì mình có thể bán ra thị trường thế giới. “Điều này cũng chứng tỏ người Việt mình hoàn toàn có đủ trí tuệ để làm ra những sản phẩm bán ra thị trường thế giới và cạnh tranh được với những nước tiên tiến nhất” – TS Quốc khẳng định.
TS Lương Việt Quốc trình chiếu lên màn hình ba loại drone phổ biến hiện nay trên thế giới và chiếc drone HERA của RtR.
RealTime Robotics sẽ làm drone nông nghiệp
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, theo TS Lương Việt Quốc, drone đã được chứng minh hiệu quả hơn tất cả các phương pháp cách tác truyền thống. Drone có thể làm được hai việc, đó là khám bệnh và chữa bệnh. Chẳng hạn như ứng dụng drone khám bệnh, drone có thể mang các cảm biến, camera chuyên dụng để khám bệnh cho cây trồng. Nếu theo phương pháp truyền thống thì mình phải lội ruộng, còn drone thì 1 giờ có thể quét vài chục đến hàng trăm ha. Như thế drone có thể khám thường xuyên, phát hiện kịp thời, phát hiện theo từng khu vực khu trú, như thế có thể sử dụng ít hóa chất hơn.
Mặt khác, hiện nay, theo TS Quốc, ở Việt Nam chúng ta đang sử dụng chủ yếu là drone Trung Quốc. Điều này đặt ra các vấn đề về an ninh thông tin khi các drone này có thể gửi các dữ liệu về Trung Quốc, chưa kể các drone có thể bị ngắt hoạt động từ xa thông qua mạng Internet.
“Chặng đường sắp tới công ty sẽ làm các drone nông nghiệp, phục vụ cho tốt cho nông nghiệp và đảm bảo các vấn đề về an ninh thông tin” – TS Quốc tiết lộ.
Chia sẻ thêm về quyết định rời Mỹ về Việt Nam mở công ty sản xuất drone, TS Lương Việt Quốc cho biết sở dĩ ông quyết định về Việt Nam khi mở công ty là vì tự tin vào nguồn tài nguyên chất xám của người Việt và chất lượng nhân lực công nghệ thông tin của các kỹ sư Việt Nam. Và cho đến nay, thành công của RealTime Robotics cho thấy quyết định của TS Quốc là đúng. Dù đúng là khi mới về lập công ty thì cũng gặp một số khó khăn về thủ tục hành chính, tuy nhiên, ngược lại cũng có những thuận lợi riêng, chẳng hạn, những chính sách ưu đãi của Khu Công nghệ cao TP.HCM dành cho những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như RealTime Robotics.
TS Lương Việt Quốc, người sáng lập và hiện là Giám đốc điều hành (CEO) của RealTime Robotics Inc (RtR), từng được tới 8 trường đại học hàng đầu của Mỹ chấp nhận cấp học bổng đào tạo tiến sĩ và cũng là người đầu tiên nhận được giấy phép đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) để mở nhà máy sản xuất drone tại Việt Nam.
Hiện tại, RealTime Robotics sản xuất từ vài trăm đến 1.000 drone/năm. Công ty đang rốt ráo hoàn thành thủ tục xây nhà xưởng trong Khu công nghệ cao TP.HCM vào cuối năm nay. Với nhà xưởng mới, Công ty sẽ tăng công suất sản xuất gấp 10 – 20 lần hiện nay.
Dự kiến năm 2023, khi cơ sở sản xuất và các thị trường dần vào guồng, lợi nhuận của RtR sẽ đạt ít nhất 10 triệu USD và tăng trưởng ít nhất 50%/năm. Sau thị trường Mỹ, RtR sẽ mở rộng sang nhiều thị trường quốc tế khác như châu Âu, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ.