Bà Phạm Thị Xuân Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC, chia sẻ tại Mekong Connect 2024, chiều 17/12. Ảnh: BSA Media.
Với sự đa dạng sinh học phong phú và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, Việt Nam có lợi thế lớn trong việc phát triển dược liệu thành ngành kinh tế chiến lược. Tuy nhiên, kinh tế dược liệu vẫn đang như “nàng công chúa còn ngủ trong rừng” khi chúng ta chưa khai thác tối ưu tiềm năng to lớn này.
Chia sẻ tại diễn đàn Mekong Connect 2024 bà Phạm Thị Xuân Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC – một đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm từ dược liệu cho rằng: “Việt Nam là nước được đánh giá có lợi thế về phát triển dược liệu. Tiềm năng chưa được phát huy xứng đáng”.
Theo bà Phạm Thị Xuân Hương, ngành Dược Việt Nam chủ yếu tập trung vào công nghiệp bào chế thuốc, trong khi đó chưa xây dựng được ngành sản xuất nguyên liệu. Dược liệu phải nhập 75%, chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn độ. Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 100 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau theo số liệu của Cục Quản lý Y dược học cổ truyền năm 2023.
Trong khi tiềm năng của ngành công nghiệp dược liệu cũng rất lớn. Theo Global Industry Analyst, ngành thảo dược toàn cầu đạt doanh thu 110 tỷ USD năm 2021, dự đoán sẽ là 179 tỷ USD vào năm 2026.
Tức là, còn một thị trường một dư địa rất lớn nếu Việt Nam có thể phát huy được thế mạnh về nguồn dược liệu của mình. Nói riêng về vùng ĐBSCL một trong 8 vùng dược liệu được quy hoạch của chính phủ, bà Hương đánh giá, “ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng theo nghiên cứu của OPC”.
“Hiện chúng tôi đã có 2 vùng dược liệu tại Cần Thơ và Đồng Tháp đang phát triển rất bền vững. Các sản phẩm ở hai vùng trồng này đang phát triển và sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai” – bà Hương nói.
OPC là đơn vị 47 năm phát triển dược liệu, với quy mô hơn 1.000 tỷ, chủ yếu sản phẩm là dược liệu. 47 năm qua OPC đã kiên trì phát triển dược liệu Việt Nam. Sản phẩm của OPC đã đi 15 nước, thế giới quan tâm sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe, đó là một lợi thế của ngành dược liệu. “OPC đã đầu tư mạnh mẽ vào hai việc đó là nghiên cứu phát triển và số hóa toàn bộ dữ liệu của trung tâm.  Như thế chúng tôi mới có thể sử dụng nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Một sản phẩm liên quan đến sức khỏe thì phải có nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Trong giai đoạn sắp tới sẽ ứng dụng AI trong nghiên cứu” – bà Hương cho biết.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển vùng nguyên liệu của OPC, bà Hương cho biết, OPC đi từ những sản phẩm có lợi thế cho đến những sản phẩm mà nguồn lực của doanh nghiệp cho phép phát triển trong tương lai. Khi doanh nghiệp triển khai vùng trồng thì phải hướng tới câu chuyện bền vững. Triển khai vùng trồng làm doanh nghiệp yên tâm về đầu vào để đầu tư công nghệ. Với dược liệu thì gần như trên thế giới chưa có phổ biến, nên nếu đăng ký thuốc từ dược liệu phải có chứng minh khoa học, tức là đòi hỏi đầu tư mạnh mẽ, bắt đầu từ vùng trồng.
“Nói về liên kết 4 nhà (nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý). Doanh nghiệp đầu tàu nhưng chính quyền là chủ đạo. Có chính quyền thì người dân yên tâm, doanh nghiệp cũng yên tâm đầu tư và bản thân chính quyền cũng như một bộ lọc giúp người dân tránh được nhiều rủi ro” – bà Tổng giám đốc Dược phẩm OPC nói.
Từ kinh nghiệm cũng như những khó khăn OPC gặp phải khi phát triển các vùng trồng ở các địa phương, bà Hương có ba kiến nghị.
Thứ nhất, chính quyền sớm có quy hoạch những vùng trồng trên địa bàn. Một quy hoạch rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp rất nhiều trong việc định ra các chiến lược, kế hoạch của mình khi đầu tư.
Thứ hai, chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại với sản phẩm từ vùng trồng. “Bởi vì đã là sản phẩm vùng miền thì phải lớn từ đây, sẽ hỗ trợ cho cây phát triển. Nhưng các doanh nghiệp khi triển khai vùng trồng thì không thể lập chi nhánh. chúng tôi không phải doanh nghiệp của tỉnh thì cơ chế để đồng hành như thế nào? Quảng bá, xúc tiến thương mại như thế nào? Chúng tôi đề nghị các sản phẩm có xuất xứ vùng trồng, các doanh nghiệp triển khai, sử dụng vùng trồng thì được kết hợp với địa phương để quảng bá. Đó là cách hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều. Những sản phẩm liên quan đến đặc sản mà được đi bằng con đường du lịch thì thật tuyệt. Dược liệu là thuốc hỗ trợ điều trị, nên người dân tin, du khách tin để mua về làm quà thì rất tốt. Nhiều nước trong khu vực đã làm được” – bà Hương nói.
Thứ ba, chính quyền tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng cơ sở sơ chế, biến dược liệu tại cụm vùng trồng. “Khi doanh nghiệp triển khai vùng trồng, chọn nơi sơ chế, thì mong chính quyền hỗ trợ nơi đặt chiết xuất từ đó đưa về nhà máy chính, vì không đưa nguyên liệu thô về nhà máy được.

Các quan khách, đại biểu tham quan gian hàng OPC tại khu triển lãm Mekong Connect 2024. Ảnh: BSA Media.

Tiềm năng cây dược liệu An Giang
Trước đó, ông Hồ Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang đã trình bày tham luận “Khai phóng tiềm năng kinh tế dược liệu tỉnh An Giang”.
Theo ông Bình, tỉnh An Giang, với sự phong phú về thảo dược và điều kiện tự nhiên lý tưởng, đang nổi lên như một trung tâm tiềm năng về phát triển kinh tế dược liệu. Tuy nhiên, việc chuyển hóa nguồn tài nguyên thiên nhiên này thành giá trị kinh tế đòi hỏi sự kết hợp giữa kiến thức chuyên môn, đầu tư công nghệ và chiến lược phát triển bền vững.
Theo ông Bình, Việt Nam hiện có khoảng 4.000 loài cây dược liệu, với sản lượng hơn 16.000 tấn mỗi năm. Nhu cầu nội địa mỗi năm hơn 60.000 tấn với giá trị thị trường hơn 400 triệu USD. “Một con số chưa thực sự lớn” – ông Bình nói.
Nói riêng về An Giang, ông Bình cho biết, An Giang có lợi thế và tiềm năng cây dược liệu với sản lượng 1.000 tấn/năm, giá trị 487 tỷ đồng. Theo QĐ 1369 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang 2021-2030 tầm nhìn 2050 đã định hướng phát triển cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến sâu. Tuy nhiên, việc phát triển dược liệu tỉnh An Giang còn nhiều thách thức từ sản xuất đến tiêu thụ” – ông Bình nói.

Ông Hồ Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang đã trình bày tham luận “Khai phóng tiềm năng kinh tế dược liệu tỉnh An Giang” tại Mekong Connect 2024, chiều 17/12. Ảnh: BSA Media.

Theo ông Bình, từ năm 1981, An Giang đã nghiên cứu và phát hiện khoảng 350 loài cây dược liệu có giá trị cao. Đến năm 1991, An Giang đã phát hiện đến 680 loài cây dược liệu và biên tập thành tập sách “Cây thuốc An Giang”. Đến năm 2008, An Giang xây dựng vùng “Sưu tập và bảo tồn cây dược liệu quý vùng Bảy Núi tỉnh An Giang”Đến nay An Giang đã ghi nhận khoảng 1.083 loài cây dược liệu, đặc biệt ở vùng Bảy Núi, một số loài quý hiếm nằm trong danh mục đỏ. “Trong đó có một số loại dược liệu là lợi thế của An Giang với 38 loài cây thuốc quý hiếm trên các vùng đồi núi tỉnh An Giang nằm trong danh mục Sách đỏ. 50 loài đặc trưng có chỉ dẫn địa lý. 15 loài ưu thế như nho rừng, chúc, ngãi đen, ngãi bún, Lan Kim Tuyến, xáo tam phân, cát cánh, huyền tinh, xạ đen, sâm bố chính, Đẳng Sâm, Sâm dây, Thượng đẳng nhân sâmba kích, mật nhân, chuối rừng, gừng gió. 31 loài cây dược liệu có tiềm năng khai thác với khối lượng khoảng 1.000 tấn/năm, ước tính giá trị khoảng 485 tỷ đồng (tương đương khoảng 20 triệu USD)” – ông Bình đánh giá.
Hiện An Giang cũng đã có một số mô hình sản xuất cây dược liệu, tiêu biểu là mô hình “Nông trại trồng nấm thực phẩm và nấm dược liệu công nghệ cao” của nông dân giỏi Châu Thị Nương xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn. Mỗi tháng trại nấm đã xuất ra thị trường từ 2 đến 3 tấn nấm. Hàng năm cho gia đình thu nhập từ 800 triệu đến 900 triệu đồng. Tạo công ăn việc làm cho công nhân lao động thường xuyên với thu nhập từ 6 triệu đến 9 triệu đồng/tháng và khoảng 20 đến 30 nhân công (thu nhập 250.000 đến 300.000 đồng/ngày vào lúc thu hoạch cao điểm).
Mô hình thành công thứ hai, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang đó là “Mô hình trồng dược liệu kim ngân hoa” (bác sĩ Vũ Minh Tú ở xã Kiến An, huyện Chợ Mới). Với diện tích khoảng 10.000 m2, doanh thu mang về gần một tỷ đồng mỗi năm.
Ngoài ra, An Giang còn có các sản phẩm như trà từ thực vật đã chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (15 sản phẩm) gồm: trà kim ngân hoa túi lọc (OCOP 4 sao), trà bạch hoa thảo, đinh lăng, xạ đen, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo,…
Tuy nhiên, những gì đã làm được là hết sức khiêm tốn, còn rất nhiều tiềm năng cần được khai phá, bởi theo ông Bình hiện còn rất nhiều thách thức: đầu tiên là thiếu nhà Đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức đi đầu. Thứ hai, thiếu thông tin thị trường dược liệu. Thứ ba là còn yếu trong công tác nghiên cứu.
Do đó, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, để thu hút đầu tư An Giang phải thu hút được nhiều hơn các doanh nghiệp, sự quan tâm thông qua các giải pháp, phát triển thông tin về các cây dược liệu. “Hôm nay là buổi để chúng tôi giới thiệu với các doanh nghiệp về các cây dược liệu của An Giang. Mong nhận thêm thông tin từ các doanh nghiệp, để chính quyền có thể điều chỉnh quy hoạch, chính sách của nhà nước cho phù hợp. Thứ hai, phải làm sao xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Triển khai quy hoạch vùng trồng, vùng bảo tồn, xây dựng các thương hiệu dược liệu. Cuối cùng, An Giang cũng mong muốn chính phủ có các chính sách ưu đãi thêm nữa để thúc đẩy doanh nghiệp đến An Giang đầu tư, phát triển ngành dược liệu” – ông Hồ Thanh Bình nói.
Diễn đàn Mekong Connect năm 2024 diễn ra trong hai ngày 17 và 18/12/2024 tại Đại học An Giang, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, với chủ đề: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng ĐBSCL – TP.HCM và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới”.
Mekong Connect 2024 với sự bảo trợ của Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN, do UBND tỉnh An Giang và UBND TP.HCM đồng tổ chức và chủ trì. Cùng với đó là sự đồng hành của các tỉnh thành: Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang và Vĩnh Long.
Sự kiện được phối hợp thực hiện bởi: Sở Công Thương TP.HCM, Sở Công Thương An Giang, Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, VCCI Đồng bằng sông Cửu Long và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC). Mekong Connect 2024 được điều phối bởi: Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp – BSA.
Bsa Media