Ảnh: L.A.Đ

Không nói trực tiếp vụ khủng hoảng “Masan-nước mắm truyền thống”, trên mạng xã hội hiện đang có những bài viết nhiều tâm trạng nhưng dễ tạo thiện cảm, như bạn trẻ khởi nghiệp với “Con tôm rừng” Phạm Thành khoe nước mắm má làm (với hai chục ký cá tươi, ủ với muối, sau hai năm thu hoạch được một ít nước mắm để dành nhà ăn).

Hay món “kem nước mắm” do anh Ralf, có cha là người Đức, mẹ người Ý, chủ quán kem nức tiếng ngon ở Sài Gòn Galato, chuyên làm kem tươi chỉ sử dụng nguyên liệu tự nhiên, trong đó có nước mắm Tĩn là loại “nguyên chất thuần tuý”.

Cũng có không ít ý kiến dứt khoát, thôi từ nay mạnh ai nấy làm nước mắm truyền thống (nước mắm truyền thống) ở nhà cho chắc ăn, khỏi lùng sục kiếm và cũng khỏi xài nước mắm hoá chất.Nghe nhưthời cao điểm “ngăn sống cấm chợ”.

Bắt đầu từ bộ tiêu chuẩn

Thật ra, nước mắm truyền thống vẫn đang được hơn 3.000 cơ sở sản xuất ra khá nhiều, vừa thơm ngon, mang hương vị hoàn toàn tự nhiên, nhưng ngặt nỗi chưa thể tạo ra độ phủ trên thị trường. Vì vậy, cuối tuần rồi tôi mời các chuyên gia thị trường cùng bàn, ý kiến chung của các chuyên gia cho là: để bán được ở các đô thị lớn, nước mắm truyền thống cần bốn yếu tố: chất lượng ổn định và minh bạch; thương hiệu đáng tin cậy; giá hợp lý; và mạng phân phối đáp ứng được nhu cầu khách hàng.

Trước khi nói đến hệ thống phân phối, nước mắm truyền thống phải tạo ra một thương hiệu chung, một dấu hiệu chung, một tiêu chuẩn chung nào đó để “đóng dấu” trên các sản phẩm, giúp người tiêu dùng (NTD) phân biệt. Nói nôm na: cũng giống như một sản phẩm Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) phải có logo chữ V quen thuộc để chứng minh đó là sản phẩm HVNCLC vậy đó. NTD dù yêu quý nước mắm truyền thống đến đâu đi nữa mà ra ngoài chợ, vào siêu thị như lạc vào mê cung của các loại nước mắm, trong đó sẽ không ít kẻ cố tình đánh tráo khái niệm, thì có muốn ủng hộ cũng chẳng thể nào làm được. Ai cũng biết những kẻ đánh tráo khái niệm này giỏi thế nào, marketing của họ mạnh ra sao để lèo lái người dùng.

Ảnh: L.A.Đ

Về chất lượng, rõ ràng phải minh bạch cho NTD sự khác nhau, như trắng với đen của nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống. Ở đây, quy trình và bản chất về nguyên liệu cấu thành là cơ bản khác nhau. Một đàng là cá và muối, nếu có pha đấu hay pha chế cũng chỉ là chất phụ làm cho bớt mặn, điều vị… chứ không thay đổi bản chất giống như lấy nước pha với hương liệu, chất tạo màu, chất bảo quản và chất tạo sánh như loại nước mắm công nghiệp. Tiêu chuẩn nước mắm truyền thống được câu lạc bộ (CLB) nước mắm truyền thống xây dựng từ ngày 15/1/2017, chờ lập xong hiệp hội nước mắm truyền thống sẽ ban hành.Nhưng từ đó đến nay, hơn hai năm bị đối thủ cạnh tranh tìm mọi cách cản trở nên hiệp hội chưa thể ra đời, vì vậy bộ tiêu chuẩn nước mắm truyền thống cũng chưa hoàn thiện để công bố cấp quốc gia (tiêu chuẩn do hiệp hội công bố là đúng luật định). Khi chưa có tiêu chuẩn thì CLB nước mắm truyền thống cũng phải thống nhất được nội dung cơ bản về tiêu chuẩn và các hội nước mắm trên toàn quốc cần thống nhất thực hiện. Điều quan trọng là tiêu chuẩn thế nào thì minh thị đầy đủ bằng thông tin trên bao bì cho người mua thấy rõ và lựa chọn.Và chúng ta vẫn phải tiếp tục xây dựng bộ tiêu chuẩn của nước mắm truyền thống để làm rõ những sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn.

Về giá thì các chuyên gia thương mại cũng cần hướng dẫn cho nhà sản xuất về các phương án định giá, để cạnh tranh trong môi trường phân phối chuyên nghiệp.

Đến hệ thống phân phối

Niềm tin của NTD với nước mắm truyền thống đang tạo ra thuận lợi đáng kể để mở mạng phân phối sản phẩm này. Nhưng hiện nay, mạnh ai nấy mở điểm bán, riêng lẻ hay gửi đâu đó, nên NTD tìm mua rất khó, dẫn đến hiện tượng là những người ủng hộ nước mắm truyền thống nhiệt thành cũng chạy đôn chạy đáo mua dùng hay làm quà cho khách, đều kêu là không tìm được nước mắm trong siêu thị hay chợ.

Ở đây xin phân tích một chút trước khi đề xuất giải pháp phân phối cho các doanh nghiệp nước mắm truyền thống. Đưa hàng vô siêu thị cho NTD dễ tìm mua nhất? Chi phí rất cao. Tiền chi phí để lấy mã hàng không ít. Các chi phí giấy tờ, thủ tục là một khoản chi phí, ngoài ra, tiền chiết khấu cho siêu thị thường liên quan 7 – 8 khoản mục “tiền cứng tiền mềm”.Khi vào rồi thì phải chịu luật về “chiếm không gian” (space share).Sau một thời gian mà doanh số không đạt thì phải đi ra, dành mặt bằng trưng bày cho doanh nghiệp khác.

Còn với kênh phân phối truyền thống? Chuỗi các bên liên quan thường quá dài: từ nhà sản xuất đến đại lý (nhà phân phối), cửa hàng bán lẻ, cuối cùng mới đến tay NTD. Mỗi khâu lấy lời một ít giá thành sẽ quá cao.

Chi phí kho và giao nhận. Giá thuê mặt bằng ở thành phố rất đắt, cho nên chỉ có thể thuê kho nhỏ dùng chung, nếu muốn thuê ở một nơi ven thành phố, và nên chọn quận ven đông dân. Còn chi phí giao nhận thì phải dùng đến “nền kinh tế chia sẻ”.

Cũng không thể không ứng dụng công nghệ, vì điều này mang lại lợi ích lớn. Ví dụ lập một app rồi bán qua app và liên kết với một đại lý giao hàng nhanh, mà hiện nay có rất nhiều đơn vị (như dạng bản đồ phân phối, cho phép khách hàng lựa chọn thương hiệu muốn mua dễ dàng), hoặc mua một vị trí trên Tiki, Lazada làm nơi đặt hàng chung. Khi đó khách hàng và nhà cung cấp sẽ không quá khổ sở để tìm thấy nhau.

Cũng có thể áp dụng hệ thống quản lý tự động để khách hàng đặt hàng, sau đó họ chuyển hàng thẳng về địa chỉ yêu cầu thì sẽ tốt. Chọn nơi đặt kho ở những khu vực nào thuận lợi cho vận chuyển (lúc đầu chọn kho tạm, chừng sáu tháng sau, theo dữ liệu thống kê về khu vực và chủng loại hàng mà khách thường đặt hàng, sau đó xây kho chuyển hàng theo nhu cầu dự đoán để tiết giảm chi phí không cần thiết).

Ảnh: L.A.Đ

Cuối cùng, cũng phải nói đến các hoạt động truyền thông tiếp thị chung, “ăn theo” các sự kiện lớn (hội chợ hay phiên chợ an toàn có uy tín, như phiên chợ Xanh – Tử tế, thường xuyên quảng bá đến các địa chỉ Horeca, hoặc làm các chương trình tiếp thị tại điểm bán chung cho mọi người).

Tóm lại, xây dựng hay mở rộng mạng lưới phân phối cho nước mắm truyền thống là một hệ thống các công việc cần tiến hành đồng thời, vì xưa giờ ta chưa bắt tay làm. Tuy nhiêu khê, khó khăn, nhưng không phải không làm được và không khả thi.Phân phối chỉ thành công nếu hàng hoá đảm bảo được chất lượng, có mức giá hợp lý.

Kim Hạnh (theo TGTT)