(Vietnamtimes)-Lần đầu tiên, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được chuyển thể sang loại hình vũ kịch. Đặc biệt hơn, sản phẩm này còn là một sự hợp tác đầy tâm huyết, trân trọng, bền vững và dài lâu giữa nữ biên đạo Hàn Quốc Yoo-oh Chun của Công ty Y.O Saigon Dance Ensemble (YOSDE) và Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO), cùng các nghệ sĩ Việt Nam.

Sau một năm bắt tay vào dự án, đợt công diễn đầu tiên vũ kịch Múa Kiều đã ra mắt vào tối 10 và 11.3 tại Nhà hát TP.HCM trong niềm hạnh phúc của những người thực hiện và cổ vũ hết sức nhiệt thành của khán giả thành phố. Sự phấn khởi của cả đôi bên không chỉ bởi đã được công diễn hay thưởng thức một sản phẩm nghệ thuật tuyệt vời mà vì từ đây, thế hệ nghệ sĩ múa mới, đầy tài năng của Việt Nam đã được vào “bệ phóng”.

Từ cái bắt tay đầy bỡ ngỡ…

Múa Kiều không phải là tác phẩm nghệ thuật hợp tác đầu tiên giữa HBSO nói chung hay đoàn múa của HBSO nói riêng. Đây cũng không phải là “mối tình đầu” giữa YOSDE và HBSO.

Từ bốn năm trước, nữ biên đạo Hàn Quốc Yoo-oh Chun khả ái đã tìm đến HBSO để cùng thực hiện những dự án nghệ thuật, vở múa hết sức đặc sắc và đầy sáng tạo Arirang Saigon. Để rồi từ mối lương duyên đó, biên đạo Yoo-oh Chun tiếp tục với những dự án đầy nhiệt huyết khác như: Nỏ thần (câu chuyện về Trọng Thủy – Mỵ Châu), Huyền thoại nữ nhân hay 800 năm ước hẹn với nội dung lịch sử về hoàng tử Lý Long Tường nước Đại Việt lánh nạn ở đất Cao Ly.

Dẫu vậy, những lần hợp tác này đều được tính theo từng dự án và các diễn viên múa của Việt Nam được chọn tập luyện để cùng diễn chung với các nghệ sĩ Hàn Quốc, như một sự thử nghiệm. Chưa có một kế hoạch đường dài hay lời hứa hẹn nào được đặt ra cho “mối tình” này.

Ảnh: Minh Thanh

Nhưng với Múa Kiều, khán giả đã được thưởng thức một diện mạo hoàn toàn khác, một câu chuyện đầy tình cảm và nhân văn hơn của mối quan hệ hợp tác hữu nghị này. Lần đầu tiên, ngoài bà Yoo-oh Chun, toàn bộ diễn viên vở Múa Kiều là của HBSO. Không chỉ làm việc với ê kíp từ biên kịch, biên đạo cho đến kỹ thuật, dàn dựng sân khấu đến từ Hàn Quốc như những dự án trước, bà Yoo-oh Chun chọn biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng của HBSO để cùng bà xây dựng vở diễn.

Các diễn viên được chọn cũng được trả lương hàng tháng để tập luyện một tuần bốn buổi sau giờ làm việc với HBSO để đảm bảo mọi sự hóa thân đều không chê vào đâu được, mang đến một vở diễn thật lộng lẫy và cuốn hút. Cũng ít ai biết rằng chính bà Yoo-oh Chun là người đã âm thầm tài trợ toàn bộ chi phí để HBSO cải tạo lại rạp Thanh Vân trên đường Cách Mạng Tháng Tám (nơi tập luyện của dàn nhạc và đoàn múa HBSO) đủ tiêu chuẩn hơn để cho các nghệ sĩ có một chỗ tập tươm tất và ổn định.

Sẽ không dừng lại ở Kiều

Biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng gọi đây là một sự hợp tác trong mơ. Bởi nhà đầu tư là công ty của biên đạo Yoo-oh Chun không chỉ mang đến đây một khoản tiền, những kinh nghiệm hay công nghệ, kỹ thuật hàng đầu tại Hàn Quốc cho nghệ thuật múa mà còn là cả một sự đầu tư đường dài về đào tạo và phát triển.

“Những người theo nghề múa luôn lo lắng không có đất dụng võ, cả đời khổ luyện nhưng đôi khi không có sàn diễn để thể hiện tài năng và các sáng tạo của mình mà phải chịu cảnh “làm sô chợ” để kiếm sống thì giờ đây đã có hi vọng được sống và cống hiến cho nghề mà không còn phải quá lo lắng về chỗ tập, cơm áo gạo tiền, các ý tưởng dựng vở hay cơ hội đến với công chúng thông qua các tác phẩm mà mình ấp ủ” – biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng chia sẻ.

Ảnh: Phúc Hải

Sau thành công của hai đêm diễn vào tháng 3, Múa Kiều đang được sắp xếp để diễn lại vào tháng 10 hay 11 tới. Dẫu vậy, từ đây đến thời điểm đó, YOSDE và HBSO vẫn còn nhiều kế hoạch thú vị khác.

Biên đạo Yoo-oh Chun nói: “Là người Hàn Quốc sống ở Việt Nam hơn mười năm nay, tôi luôn tìm hiểu văn hóa Việt thông qua văn học, lịch sử Việt Nam. Bản thân tôi vốn rất yêu văn học nên thấy mình vẫn bị cuốn hút bởi những tác phẩm đó. Đó là lý do vì sao những tác phẩm múa mà tôi đã dàn dựng ở Việt Nam đều là những điển cố văn học, văn hóa Việt Nam. Tâm tính người Việt nằm rất nhiều trong văn học chứ không chỉ ở vẻ bề ngoài. Tôi luôn mong các tác phẩm của mình, không chỉ người Việt mà nhiều người Hàn Quốc và cả người quốc tịch khác sẽ hiểu hơn nữa những nét đẹp tâm hồn của người Việt, thêm yêu nước Việt”.

Dù rằng bà Yoo-oh Chun muốn giữ bí mật về những kế hoạch sắp tới nhưng biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng đã tiết lộ sau Múa Kiều, YOSDE và đoàn múa của HBSO đã lập tức cùng nhau dàn dựng và tập luyện một tiết mục mang tên Nón Huế để mang đến Liên hoan múa quốc tế Busan lần thứ 14 – 2018, diễn ra từ ngày 31.5 đến ngày 5.6 tại thành phố Busan, Hàn Quốc. “Sẽ có 45 đoàn từ 15 nước tham dự festival lần này. Với liên hoan này, cô Yoo-oh Chun đã để cho tất cả diễn viên chúng tôi cùng sáng tạo để có thể giới thiệu đến bạn bè thế giới những gì Việt Nam đương đại nhất qua múa” – nghệ sĩ Phúc Hùng thổ lộ. Về phần mình, biên đạo Yoo-oh Chun chỉ hé lộ bà sẽ tiếp tục đưa các tác phẩm văn học Việt Nam lên sàn múa và tìm kiếm không chỉ cơ hội trình diễn các tác phẩm này tại Việt Nam hay Hàn Quốc.


MỘT NHÀ TÀI TRỢ NHƯ YOO-OH CHUN CÓ QUÁ KHÓ TÌM Ở VIỆT NAM?

Mười năm trước, khi còn làm Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM phụ trách khối nghệ thuật, quan sát cách thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa trong đó có hoạt động nghệ thuật, tôi đã nhiều lúc rơi vào tâm trạng bế tắc. Người có năng lực tài chính và người có năng lực nghệ thuật hình như luôn là hai đường thẳng song song, không bao giờ có thể gặp nhau.

Cái mà người có năng lực tài chính muốn khi bỏ tiền tài trợ hoặc đầu tư cho nghệ thuật thường là quyền can thiệp, quyền quyết định tuyệt đối với “món hàng” mà họ đã “mua”. Năng lực sáng tạo của người làm nghệ thuật chỉ được xem là thứ yếu, là thứ phải phục tùng. Nhiều người làm nghệ thuật (biên kịch, đạo diễn, diễn viên), hoặc bỏ đi làm việc khác vì cảm thấy bị xúc phạm nghề nghiệp, hoặc cam chịu để có chỗ sống và đợi một cơ hội được làm nghệ thuật đúng nghĩa. Đợi lâu quá, không ít người đã chấp nhận luôn cách làm nghệ thuật nửa vời. Vừa chẳng có tác phẩm nào, vai diễn nào để thể hiện và khẳng định bản thân; vừa thui chột dần khả năng sáng tạo nghệ thuật. Nhà quản lý dường như đứng ngoài quá trình bế tắc ấy.

Yoo-oh Chun thì khác. Trước khi trở thành doanh nhân (một cách không tự nguyện), bà thực sự là một nghệ sĩ múa vững vàng ở cả ba khả năng: biểu diễn, biên đạo và nghiên cứu, đào tạo. Trong khi làm nhiệm vụ của người tổng giám đốc doanh nghiệp, Yoo-oh Chun chưa bao giờ từ bỏ đam mê và năng lực lõi của mình là nghiên cứu múa, sáng tạo tác phẩm và… múa khi cần. Bà luôn đấu tranh với bản thân và với người thân, cộng sự để họ phải chấp nhận múa luôn là một phần không thể tách rời của cuộc đời bà. Vì là một nghệ sĩ đích thực nên bà luôn hiểu người nghệ sĩ cần gì và như thế nào là thực sự hỗ trợ phát triển nghệ thuật. Khi có điều kiện tài chính, ưu tiên trước hết và thường trực của Yoo-oh Chun luôn là múa.

Sang Việt Nam từ nhiều năm qua với trách nhiệm chính là kinh doanh, Yoo-oh Chun đã tìm mọi cơ hội để quan sát kỹ hoạt động nghệ thuật cá nhân của các nghệ sĩ Việt Nam, phát hiện cho ra các tài năng đang làm việc trong điều kiện như thế nào và tìm cách kết nối để hỗ trợ họ một cách tốt nhất trong khả năng có thể của bản thân và của đối tác. Điều kiện đổi lại với những người được bà hỗ trợ là hãy làm nghệ thuật tốt nhất như họ muốn và đừng từ bỏ đơn vị nghệ thuật mà họ đang là thành viên. Một nhà tài trợ, một nhà đầu tư như Yoo-oh Chun có quá khó tìm ở doanh nhân Việt Nam, tại Việt Nam? Hy vọng câu trả lời của tôi là sai: khó.

Nguyễn Thế Thanh


Bài: Thiên Thanh – Ảnh: Minh Thanh – Phúc Hải