Nhóm ba tập đoàn tài chính hàng đầu của Nhật Bản và Grab đã lọt vào danh sách chọn lọn các nhà đấu thầu mua lại thị trường Đông Nam Á và Ấn Độ của Home Credit trị giá 2-2,5 tỷ USD. Ảnh: Home Credit Việt Nam

Nhóm ngân hàng Nhật Bản gồm Mitsubishi UFJ Financial Group Inc (MUFG), Mizuho Financial Group Inc và Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đã lọt vào danh sách vòng trong tham gia đấu thầu mua tài sản của công ty cho vay tiêu dùng Home Credit ở Đông Nam Á và Ấn Độ.

Grab Holdings Ltd – ứng dụng gọi xe và giao vận hàng đầu ở Đông Nam Á – cũng đã lọt vào vòng trong. Nguồn tin riêng của Bloomberg nói rằng Home Credit đang muốn mức định giá 2-2,5 tỷ USD cho mảng kinh doanh tại Việt Nam, Indonesia, Philippines và Ấn Độ.

“Thương vụ bất khả”

Một số nhà thầu đã bày tỏ quan tâm đến việc mua lại toàn bộ danh mục đầu tư của Đông Nam Á và Ấn Độ, trong khi những người khác chỉ quan tâm đến Đông Nam Á. Các nguồn tin của Bloomberg nói các bên vẫn đang tiếp tục cân nhắc các thỏa thuận hoặc có thể ngừng theo đuổi bất cứ việc ký kết nào.

Home Credit, thuộc sở hữu của gia đình tỷ phú người Séc quá cố Petr Kellner, đã thảo luận với các cố vấn về các lựa chọn bao gồm quan hệ đối tác và bán cổ phần ở Đông Nam Á và Ấn Độ để giúp huy động tiền mặt cho tập đoàn.

Các định chế cho vay Nhật Bản đã quan tâm đến việc mua tài sản ở khắp châu Á trong những năm gần đây khi họ tìm cách mở rộng thị trường mới trong bối cảnh lãi suất thấp và tăng trưởng ì ạch ở Nhật Bản.

Đối với Grab, công ty đã lỗ nhiều hơn dự kiến ​​và giá cổ phiếu giảm 55%, việc mua tài sản của Home Credit có thể giúp đa dạng hóa và xây dựng đơn vị dịch vụ tài chính của mình. Năm ngoái, Grab đã tăng tỷ lệ sở hữu tại nhà cung cấp ví di động Ovo của Indonesia lên khoảng 90% bằng cách mua lại cổ phần từ PT Tokopedia và Lippo Group.

Đại diện cho các ngân hàng Nhật Bản và đại diện cho công ty đầu tư của gia đình Kellner, PPF Group NV, từ chối bình luận. Đại diện của Grab đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.

PPF Group NV – tập đoàn mẹ của Home Credit có các mảng kinh doanh tài chính, viễn thông, sản xuất, truyền thông và công nghệ sinh học đã hủy bán cổ phần trị giá 1,5 tỷ đô la Hồng Kông cho Home Credit vào tháng 11-2019, với lý do điều kiện thị trường. Kellner qua đời ở tuổi 56 trong một vụ tai nạn trực thăng năm ngoái.

Home Credit được thành lập vào năm 1997 và đang hoạt động tại 9 quốc gia trên khắp Châu Á, Trung và Đông Âu và Liên Xô cũ.

Chân dung các nhà đấu thầu

Hồi tháng 2-2020, MUFG đầu tư 80 tỷ yen, khoảng 727 triệu USD vào siêu ứng dụng Grab. Khoản đầu tư mới của ngân hàng Nhật Bản sẽ giúp Grab tập trung khai phá dịch vụ tài chính và bảo hiểm ở Đông Nam Á.

MUFG sẽ dựa vào hệ thống phân tích dữ liệu và trí thông minh nhân tạo (AI) của Grab để đề ra các gói cho vay và bảo hiểm thích hợp cho thị trường Đông Nam Á rất giàu các khách hàng siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Trong khi MUFG với thế mạnh về ngân hàng số của mình sẽ giúp liên minh MUFG – Grab vượt xa các đối thủ.

MUFG hiện đầu tư và mua lại nhiều ngân hàng ở Đông Nam Á như Krungsi của Thái Lan, Bank Danamon của Indonesia…

Trên thị trường Việt Nam, MUFG hiện là một trong hai cổ đông ngoại của VietinBank với 19,73% cổ phần. Trong nhiều năm qua, MUFG đã cố gắng thuyết phục Ngân hàng Nhà nước cho phép họ nâng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ lên 50% bởi họ đang phục vụ số lượng ngày càng tăng các doanh nghiệp Nhật đầu tư tại Việt Nam và VietinBank đã đạt chuẩn Basel II. Trong các cuộc gặp với Chính phủ Việt Nam, MUFG luôn nhấn mạnh rằng việc nâng từ hạn trần 30% là “hết sức cấp thiết” và mong muốn Chính phủ ủng hộ.

Cú bắt tay giữa MUFG và Grab chắc chắn tạo thêm cú hích trên thị trường tài chính – cụ thể là các khoản cho vay nhỏ (micro lending) và dịch vụ vi bảo hiểm tại Việt Nam.

Đó là kỳ vọng trước đại dịch. Sau hai năm Covid đầy biến động, tháng 11 năm ngoái có tin MUFG muốn bán cổ phần tại VietinBank bởi tập đoàn tài chính muốn tái cấu trúc sau khi bán mảng ngân hàng bán lẻ tại thị trường Bắc Mỹ lên đến 8 tỷ USD.

Các kế hoạch mở rộng sang mảng vi tài chính và vi bảo hiểm của Grab ở các thị trường Đông Nam Á và tại Việt Nam hầu như không thành công. Mảng vi tài chính tại Việt Nam vẫn thuộc các công ty tài chính tiêu dùng – đến 18 công ty. Grab Việt Nam đã có một số dịch vụ bảo hiểm xe máy và xe hơi trên ứng dụng, nhưng khó làm nên trò trống với thị trường quá “nghiệt” như vậy.

Sự kiện đã hơn 3 năm mà chưa thể bước vào thị trường vi tài chính hay vi bảo hiểm ở Đông Nam Á có thể khiến Grab dốc sức mua lại mảng thị trường Đông Nam Á của Home Credit. Chắc chắn, sẽ có dự dàn xếp giữa các chủ đầu tư với MUFG và Grab cũng như các bên liên quan.

Mặt khác, SMBC – tập đoàn tài chính lớn thứ hai Nhật Bản sau MUFG – đã có bước đi phóng khoáng hơn khi ký khoản vay hợp vốn 200 triệu USD với VPBank trong tháng 11 vừa rồi.

Mizuho – tập đoàn tài chính ngân hàng lớn thứ ba sau MUFG và SMBC – năm rồi dẫn dắt vòng gọi vốn series E trị giá đến 300 triệu USD vào ví điện tử MoMo, giúp công ty trở thành kỳ lân thứ ba tại Việt Nam sau VNG và VNLife – hãng mẹ của ví điện tử VNPay.

Nhưng nếu có thương vụ mua lại Home Credit ở ba thị trường ASEAN và Ấn Độ thì có thể mỗi thị trường sẽ có một chủ mới. Tương tự như ngân hàng UOB của Singapore mua lại mảng bán lẻ của Citibank tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia, còn ngân hàng DBS lớn nhất Đông Nam Á mua lại phân khúc Đài Loan của Citibank…

Trả đũa phương Tây, Nga cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng, trừ năng lượng và nguyên liệu thô