Các sản phẩm dừa ĐBSCL tự tin bước ra thế giới. Ảnh: Kim Chi.

Sau Mekong Connect 2017, ý thức phát triển chuỗi giá trị từ cây dừa hiện rõ trong nhiều doanh nghiệp sáng tạo ở Bến Tre, khép kín chuỗi giá trị bằng cách ứng dụng công nghệ và tiêu chuẩn thích hợp.

Bà Trương Thị Cẩm Hồng, giám đốc công ty chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, trải qua mười năm “nằm gai” theo đuổi việc nghiên cứu phát triển sản phẩm tinh khiết tự nhiên. Mỹ phẩm từ dừa của Cửu Long không chỉ đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước mà đã làm quen với khách hàng Hàn Quốc, một trong những trung tâm “o bế” sắc đẹp ở châu Á.

Dự án mới

Giấy thấm dầu từ dừa của Cửu Long được làm từ nước dừa len men theo công nghệ sinh học, có công dụng hút sạch lượng nhờn dư trên da mặt, giữ da sạch thoáng, đang được ưa chuộng. “Cửu Long đang tiến gần tới kết quả ứng dụng công nghệ làm giấy (thấm dầu) và chất liệu mới gói thực phẩm từ dừa”, ông Nguyễn Trường Chinh, chủ nhãn hàng Chả hoa Năm Thuỵ, nhận xét sau khi tháp tùng đoàn của sở Công thương Trà Vinh sang Bến Tre, nói.

Mặt nạ mỹ phẩm từ nước dừa “Mask from Coconut”, kết hợp giữa nước dừa và dầu dừa, cũng đang được thị trường ưa chuộng, bà Cẩm Hồng cho biết.Trong cách nói của bà, các doanh nghiệp ngành dừa vừa “cá tính hoá” thương hiệu vừa đa dạng hoá sản phẩm.Nếu trước đây chỉ thấy ở một vài doanh nghiệp, nay ở nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã “kích hoạt ý thức cạnh tranh”.

Bến Tre và Trà Vinh trưng bày các sản phẩm đa dạng trong khuôn khổ một dự án quốc tế hồi tháng 7/2018, cho thấy ý tưởng thâm nhập sâu vào các ngành sản xuất thâm dụng dừa đã qua tinh chế đang lan toả giữa Bến Tre và Trà Vinh. Công ty Good Life (Nhật Bản) và nhiều công ty chuyên xuất khẩu sản phẩm từ dừa tại TP.HCM, đã tìm thấy nguồn lực mới khi nhìn thấy các doanh nghiệp ở Bến Tre và Trà Vinh thoả thuận tăng nhanh vùng nguyên liệu dừa không dùng hoá chất và phát triển thành vùng hữu cơ có kiểm soát. Thay vì cạnh tranh, Trà Vinh và Bến Tre đã thoả thuận hợp tác tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế, từ việc hợp tác phát triển nguyên liệu “không dẫm chân” và ứng dụng công nghệ tối ưu để tạo sản phẩm giá trị.

“Dầu dừa chứa 50% acid lauric (chất có khả năng kháng nấm, vi khuẩn và virus) giúp làm lành và phục hồi các vùng da bị tổn thương, phòng ngừa chẻ ngọn tóc… Khi nứt môi hay nứt da do thời tiết, dùng dầu dừa thoa lên sẽ rất dễ chịu”, bác sĩ Lê Thị Dung, bệnh viện Y học cổ truyền Trần Văn An(Bến Tre) khẳng định.

Thu hút nguồn lực

Bến Tre có khoảng 72.000ha dừa, còn Trà Vinh có khoảng 22.000ha dừa.Mỗi tỉnh có khoảng 15 – 20 doanh nghiệp chế biến. Bến Tre đặt dừa vào thực phẩm, mỹ phẩm; còn tại Trà Vinh, công ty Trà Bắc tập trung sản xuất và xuất khẩu than hoạt tính, than khử mùi, thảm… Hiện nay, Trà Bắc là nhà cung cấp cho thành phố Osaka và nhiều ngành công nghiệp khác (nệm xe hơi, lọc nước và máy chạy thận…)

Cả Bến Tre và Trà Vinh đang phát triển nguồn nguyên liệu bền vững để tránh nạn rớt giá tại vườn bằng những dự án, trong đó có dự án do bộ Ngoại giao – thương mại và phát triển Canada (2014 – 2020) tài trợ, với nguồn vốn khoảng 215 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn do Canada tài trợkhông hoàn lại là 11 triệu CAD).

Với những giá trị dược tính tiềm tàng từ dừa, Betrimex, thành viên của tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đầu tư 20 triệu USD để làm ra sản phẩm nước dừa nguyên chất đóng hộp CocoXim với công suất 37 triệu lít sản phẩm/năm. Các sản phẩm của Betrimex: dừa xiêm xanh, dừa xiêm sen, dừa xiêm tắc, dừa xiêm dứa đang được khai thác với hương vị đặc trưng, kênh phân phối từ hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi với giá bán lẻ là 13.000 đồng/hộp.

Đầu tư nước dừa đóng hộp với công nghệ UHT (Tetra Pak – Thuỵ Điển) đã nâng giá trị nước dừa lên khoảng 300 lần, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân từ trực tiếp cho đến gián tiếp, giúp cải thiện cuộc sống cũng như góp phần vào sự phát triển bền vững của kinh tế xã hội tại địa phương, bà Kim Yến, giám đốc điều hành Betrimex, cho biết.

Hoàng Lan