NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ NGOC HẢI: “THÈM”… ĐỒNG BẰNG!

Về vai trò của TP.HCM và ĐBSCL các nhà khoa học, kinh tế, chính sách đã nói nhiều. Nhưng sau đại dịch – người ta dự báo TP.HCM sẽ phục hồi nhanh hơn 13 tỉnh thành ĐBSCL, dù TP bị làn sóng Covid thứ tư khốc liệt nhất nước.
Lý do thì đã nói rồi: TP là một thực thể, trong khi 13 tỉnh thành ĐBSCL vẫn là 13 thực thể, thiếu kết nối.
Vấn đề giao thông cũng rõ rồi. Đường cao tốc chỉ bằng 11% số đường cao tốc của cả nước. Mà GDP của vùng phía Nam lớn hơn cả 3 vùng kia cộng lại. Nếu đồng bằng bị ảnh hưởng thì GDP của TP.HCM cũng sẽ chẳng thể nào đạt nổi chỉ tiêu.
Chỉ cần bỏ hết sách vở nghiên cứu, dự án, kế hoạch dày cộp xuống mà nhớ mấy chuyện nói trên thôi, chúng ta thấy mối liên kết giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL nó quan trọng cỡ nào.
Đại dịch Covid chưa có hồi kết, nhưng trên thế giới đã xuất hiện “căn bệnh… thèm Đồng bằng”. Người ta di cư khỏi TP về với quê, vì có thể làm việc, học hành qua online. Ở Việt Nam, sinh viên học sinh về quê học online, những người không trụ nổi cũng tạo làn sóng về quê đông đảo.
Giống ta “5K”, nước Đức nhớ tránh: “Đông – Tối – Lạnh – Bí” (đông người, chỗ tối tăm, xài máy lạnh, không thoáng khí) – và cả loài người thèm sông nước sinh thái nông thôn. Xứ ta thật tràn trề, nhất là ĐBSCL…
Mà du lịch còn là đòn bẩy phát triển cả hai: TP.HCM và Đồng bằng.

NHÀ BÁO NGUYỄN THẾ THANH: LIÊN KẾT NHƯ MỘT CỘNG SINH TẤT YẾU

Sài Gòn – TP.HCM và miền Tây –ĐBSCL từ trong lịch sử đã hình thành mối quan hệ tất yếu về địa lý, thương mại. Dòng chảy hai chiều của hàng nông sản từ miền Tây lên và hàng công nghiệp từ Sài Gòn về theo nhu cầu mua bán, tiêu dùng cứ vậy mà xuất hiện và tồn tại. Con tôm, con cá, hạt gạo và trái cây Sài Gòn tìm đâu cho mình và cho các địa phương khác nếu không là miền Tây? Vải vóc và hàng tiêu dùng, thuốc chữa bệnh và các trường học chữ học nghề bậc cao miền Tây cậy vào đâu gần hơn và tốt hơn Sài Gòn? Như trái tim và các mạch máu nuôi sống một cơ thể. Như hồn vía của một con người sống có mình có ta, “đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ, đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu, anh về học lấy chữ nhu, chín trăng em đợi mười thu em vẫn chờ…”. Và như thế, chẳng phải nên gọi đó là mối quan hệ cộng sinh sao?
Giờ đây, ngay cả khi miền Tây – ĐBSCL đã có các trường đại học, sân bay quốc tế, cảng biển, khu công nghiệp lớn, những cây cầu nối liền các tỉnh và cả các cù lao nữa… thì mối quan hệ cộng sinh đó đâu phải đã lạt phai, thậm chí còn càng cần được củng cố sâu sắc hơn nữa để hiệu quả đem lại phải lớn hơn nữa. Bởi một lẽ tự nhiên như người ta thường nói và đã được chứng minh trong thực tế: muốn đi xa phải đi cùng nhau. Sài Gòn – TP.HCM cần phải ngày càng tỏ rõ chất lượng đỉnh cao tầm quốc tế của một trung tâm khoa học – đào tạo nhân lực – quản lý kinh tế – đối ngoại, phát triển giao thông hiện đại, một đầu tàu dẫn dắt cho cả một vùng tài nguyên bản địa vừa rộng lớn, vừa phong phú, nổi trội là ĐBSCL. Con tôm, con cá và hạt gạo ST của ĐBSCL đã vươn ra thế giới có bao nhiêu trong đó là kết quả của sự cộng sinh? Và, bài toán lợi ích của mối quan hệ hai chiều – đa chiều phải được đặt ra thành chính sách hợp lý như thế nào để tháo dần các điểm nghẽn, có thể khiến cho qui mô vùng có thể lớn mà không mạnh, giàu mà không văn minh.

NHÀ KHẢO CỔ NGUYỄN THỊ HẬU: MỐI QUAN HỆ LIÊN KẾT SỐNG CÒN GIỮA TP.HCM VÀ CÁC TỈNH ĐBSCL

ĐBSCL không chỉ là vựa lúa cung cấp lượng gạo xuất khẩu lớn nhất nước ta, mà còn là nơi cung cấp lương thực thực phẩm, hàng nông sản, nhất là các mặt hàng tươi sống cho thị trường TP.HCM. Không chỉ vậy, miền Tây còn là nơi có nguồn nhân lực Dồi dào cho các KCN, KCX ở Đông Nam Bộ, cũng như có số lượng lớn người lao động tham gia vào khu vực kinh tế phi chính thức ở TP.HCM. Hiện tượng “nhập cư” vào nơi có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh là một quy luật của quá trình CNH – HĐH.
Tuy nhiên hiện tượng nông dân miền Tây phải ly nông và ly hương đổ lên TP.HCM và miền Đông Nam Bộ chủ yếu là từ nguyên nhân kinh tế – xã hội ở miền Tây. Người dân miền Tây vốn năng động và rất chịu khó trong làm ăn, khi bỏ quê ra đi là họ đã cùng đường và phải “tự cứu mình”. Sự dịch chuyển lao động của nguồn nhân lực phần lớn chất lượng thấp, tâm lý lối sống “tạm cư” đến đô thị và các khu công nghiệp, trở thành một yếu tố làm cho chất lượng sống những khu vực này không ổn định. Bất ổn từ nông thôn – nông nghiệp là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến sự bất ổn ở đô thị và các KCN.
Chính vì vậy, trận đại dịch khắc nghiệt vừa qua đã làm bộc lộ những bất ổn này và cho thấy, thực tế hệ thống an sinh xã hội của TP.HCM (và cả miền Đông Nam Bộ) vô cùng mong manh, đã không thể đảm bảo cho người dân một cách tối thiểu những mặt hàng “thiết yếu”, khi giao thương từ miền Tây lên TP bị đình trệ và cắt đứt trong vài ngày! Hàng hóa miền Tây ùn ứ, đổ bỏ trong khi người TP thiếu đói. Hàng triệu người lao động phải “di tản” khỏi TP trong thiếu đó và lo sợ dịch bệnh. Nguồn nhân lực ở TP.HCM thiếu hụt nghiêm trọng!
Đây là hậu quả của thực trạng từ nhiều năm nay ĐBSCL không được đầu tư trở lại một cách xứng đáng, TP.HCM không tích lũy đủ nguồn lực để củng cố và phát triển hệ thống an sinh xã hội chăm lo cho người lao động.
Từ góc độ lịch sử, Sài Gòn – TP.HCM có vị thế là trung tâm, đầu mối kinh tế của ĐBSCL, tiêu biểu cho văn hóa Nam Bộ. Đó là vì truyền thống quan hệ khắng khít cùng làm ăn và chia sẻ mọi cơ hội và lợi ích cho nhau giữa TP và khu vực miền Tây.
NHÀ BÁO LÊ HUYỀN ÁI MỸ: CÓ AI CẮT ĐƯỢC DÒNG SÔNG?
Mỗi năm, cứ mùa thu là gia đình tôi lại đón người thân từ Pháp về. Trước khi ra Huế, bao giờ cũng phải về… Châu Đốc, An Giang, ngủ một đêm ở Victoria, để ít nhất phải đứng từ cái bao lơn resort ấy mà ngắm cho trọn vẹn cái ngã ba sông lộng gió. Sớm tinh mơ, tiếng chào “Bonjour”, lời hẹn gặp “Au revoir” của các đoàn khách rôm rả từ sảnh ra sân. Các ông Tây bà Đầm luống tuổi đang chuẩn bị đi tour khám phá sông Mekong, như tìm lại ký ức một thuở. Tôi đã gặp họ ở Cafe Terrace Continental – Sài Gòn và ngồi chung trên con thuyền du lịch bồng bềnh từ quận 7 trở ra bến Bạch Đằng.
Bạn thử hình dung cái “cung đường” ấy, họ đến Việt Nam, là trở lại với Sài Gòn, là tìm về miền lục tỉnh. Họ tìm thấy ký ức trên những ký thác văn hóa. Họ được hòa mình trong nhịp sống bản địa kết nối liền lạc từ đô thị cảng sông về tận miền đồng bằng sông nước. Từ đó, họ “ngao du” sang vùng Biển Hồ, soi mình trong dòng chảy văn minh l’Indochine mà họ đã có dự phần ít nhiều.
Đằng sau hành trình địa – văn hóa ấy là văn hóa – kinh tế chứ còn gì!
Sự kết nối, tương tác ấy, tôi lại nghĩ nó giống như dòng chảy sông ngòi Nam Bộ với hai hệ Cửu Long, Đồng Nai. Sông Sài Gòn -Vàm Cỏ – Đồng Nai chung một hệ. Có ai cắt được dòng sông? Có ai chặt được con nước? Nhưng cũng có chất nào “mềm” như nước? Nước là biểu hiện tinh túy nhất của tính thích nghi. Nên con người, nhịp sống, tính liên kết để phát triển của vùng đất sông nước từ Cửu Long về Đồng Nai – Sài Gòn cũng mang theo cái tính “ứng vạn biến” ấy.
Chỉ đến khi COVID-19 hoành hành và xáo tung lên tất cả, những hàng rào chắn, những tờ giấy niêm phong, tôi mới lần đầu chứng nghiệm cái sự “ngăn sông, chặn dòng”. Và nó gây ra bao hệ lụy. Nhưng thôi. Chuyện sống còn, lúc dầu sôi lửa bỏng, lại chưa từng nếm trải. Biết để đó.
Còn việc bây giờ và nay mai, là cứ khơi thông dòng chảy như tiền nhân đã từng chọn nơi này mà mở cõi trời Nam. Mà hơn những 300 năm sau nên hẳn từ cơ giới hóa đã bước ngoặc sang công nghệ số. Vậy mà đâu bữa trước dịch, tôi chạy về Long Xuyên, đường Quốc lộ 30 nằm dọc theo con kênh đào, cứ hễ hai chiếc xe song đôi là thiếu điều xe mình mém lọt kênh. Vậy mà cũng chẳng mấy chốc đã tới Ngã ba Lộ tẻ, đang ở khúc Cần Thơ, rẽ trái đi Kiên Giang, chạy thẳng là về An Giang. Tất cả là một mạng lưới đan xen nhau, kết giữ nhau…