Người trồng cam tại xã Minh Hợp bất lực nhìn cam rụng gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Thời điểm thu hoạch cam đang cận kề, song hàng nghìn người dân trồng cam tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đứng ngồi không yên, bất lực nhìn cam rụng hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người trồng cam.

Đến vườn cam của anh Nguyễn Văn Lâm, xóm Minh Xá, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp những gốc cam trĩu quả đang đến vụ thu hoạch bỗng nhiên “đổ bệnh” rụng quả hàng loạt khiến anh không khỏi buồn lòng.

Nhiều cây cam dù đang trĩu quả trên cành, song quả đang rụng dần tại các gốc cây. Nhiều cây trong vườn rụng sạch quả chỉ còn trơ lá. Theo anh Nguyễn Văn Lâm, hiện tượng rụng quả này bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng hơn 10 ngày trước, ở các cây cam rụng quả lá chuyển màu vàng, quả có chấm đen.

Anh Nguyễn Văn Lâm cho biết: “Gia đình tôi trồng 2ha cam, đến thời điểm rụng quả cách đây khoảng 10 ngày, gốc cam nào cũng trĩu quả khiến người trồng hy vọng một mùa cam thắng lợi. Tuy nhiên, việc cam rụng quả không rõ nguyên nhân khiến gia đình tôi cũng như nhiều gia đình trồng cam khác thiệt hại lớn về kinh tế. Riêng gia đình tôi, số gốc cam bị bệnh và rụng quả khoảng 50% diện tích, với chi phí gần 200 triệu gồm: giống, phân bón, thuốc trừ sâu, chưa kể công chăm sóc, xem như mùa cam này gia đình tôi không còn lợi nhuận”.

Gia đình ông Nguyễn Viết Trì, xóm Minh Xá, xã Minh Hợp có 1ha cam giống xã Đoài lòng vàng và giống Vân Du gần đến kỳ thu hoạch cũng xảy ra hiện tượng rụng quả tấp thành từng đống, thối rữa dưới gốc. Trên diện tích cam bị bệnh, cùng với việc thu gom quả rụng để đảm bảo vệ sinh, tránh ruồi, muỗi, ông Nguyễn Viết Trì chặt bỏ những cây bị bệnh quá nặng để trồng lại cây khác.

Ông Nguyễn Viết Trì, xóm Minh Xá, xã Minh Hợp cho biết, để cây cam ra quả, cho thu hoạch phải mất thời gian 3 – 4 năm vun trồng và chăm sóc. Thêm vào đó, người trồng cam phải đầu tư chi phí lớn như: giống, phân bón thuốc trừ sâu.

Trung bình mỗi năm gia đình phải đầu tư trên 100 triệu đồng/ha để chăm sóc. Tuy nhiên, hiện cam bị bệnh rụng hàng loạt, nguy cơ mất trắng. Nguyện vọng lớn nhất của người trồng cam hiện nay là các cơ quan chức năng cần sớm tìm nguyên nhân để xử lý triệt để mầm bệnh, bên cạnh đó có các chính sách hỗ trợ, cho vay vốn lãi suất thấp để người trồng cam tiếp tục đầu tư chăm sóc cam vụ sau.

Không chỉ có diện tích cam của gia đình anh Nguyễn Văn Lâm và anh Nguyễn Viết Trì bị rụng quả, theo thống kê, hiện trên địa bàn xã Minh Hợp có khoảng 300ha cam bị bệnh và rụng quả. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do thời tiết diễn biến bất thường, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 vừa qua.

Nhiều diện tích cam ngập úng, nước rút chậm gây long rễ nên rễ không cung cấp được dinh dưỡng để nuôi cây và quả. Cây héo dần, lá chuyển màu vàng và rụng quả; một phần khác do cam bị nhiễm bệnh, song vẫn chưa thể xác định được là bệnh gì.

Minh Hợp là một trong những địa phương trồng cam lớn nhất của huyện Quỳ Hợp với diện tích 1.700ha với gần 2.000 hộ trồng. Nếu được mùa, bình quân 1ha cam có doanh thu đạt từ 300 triệu đến hơn 1 tỷ đồng, mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân địa phương. Tuy nhiên, việc cam bị bệnh và rụng quả hàng loạt vào thời điểm hiện nay khiến nhiều hộ trồng lâm vào tình trạng mất trắng.

Cam huyện Quỳ Hợp hay còn gọi là “Cam Vinh” gồm nhiều giống khác nhau như: Cam xã Đoài lòng vàng, cam xã Đoài thường, cam Vân Du, cam Valen… Cam Vinh là thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng từ nhiều năm nay bởi vị ngọt, thơm, mát và được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Giá bán cam vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán là 50.000 – 70.000 đồng/kg.

Ông Quán Vi Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết, huyện Quỳ Hợp có khoảng 2.850ha cam, quýt. Hiện nhiều địa phương có diện tích trồng cam lớn rơi vào tình trạng cam rụng sát thời điểm thu hoạch; trong đó, thiệt hại nặng nhất là các xã Minh Hợp, Văn Lợi.

Ngay sau khi xuất hiện tình trạng cam rụng hàng loạt, Phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp phối hợp với Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An trực tiếp xuống các địa phương xác định nguyên nhân. Nguyên nhân bước đầu được xác định bởi thời tiết diễn biến bất thường, các cây cam rụng quả do bị ngâm nước dài ngày trước đó, gây long rễ.

Hiện Phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động người trồng cam mạnh dạn phá bỏ cây bị bệnh để xử lý triệt để mầm bệnh và trồng lại cây khác.

Để có vườn cam năng suất cao, người trồng nên sử dụng giống cam sạch bệnh. Bên cạnh đó người trồng cam tuân thủ đúng quy trình chăm sóc, xử lý mầm bệnh trên cây cam để hạn chế dịch bệnh. Ngoài ra, cần tránh tình trạng trồng cam ồ ạt, không tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc, xử lý sâu bệnh, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Theo TTXVN