(Cafenews)- Chị Vũ Thị Thanh Thảo chi gần 1 tỉ đồng cho bộ sưu tập búp bê và mở hẳn một quán cà phê búp bê cho những người cùng sở thích.

Mặc dù mới gia nhập hội búp bê vẫn chưa đầy một năm, nhưng chị Vũ Thị Thanh Thảo (42 tuổi) lại là người khá nổi tiếng trong cộng đồng những người yêu thích búp bê tại Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM.

Chúng tôi tìm đến quán cà phê của chị vào một chiều trung tuần tháng 7, quán nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3). Không gian quán khá rộng, được chia thành hai tầng và… ngập tràn búp bê.
Nghỉ việc ngân hàng, mở quán cà phê búp bê tiền tỉ cho người Sài Gòn - ảnh 1
Chị Vũ Thị Thanh Thảo (42 tuổi) bên bộ sưu tập búp bê đắt tiền của mình. ẢNH LÊ NAM

Theo lời chủ quán, toàn bộ các bé búp bê tại đây được chị tìm mua và sưu tập ở rất nhiều nơi khác nhau, khách có thể thoải mái lấy xuống ngắm nghía, chụp hình và chơi với các “bé”.

“Trong các dòng búp bê thì mình thích nhất là dòng Animator’s Doll Collection của hãng Disney, giá cho một “bé” cơ bản là 800.000 – 850.000 đồng. Mình có thể làm tóc cho búp bê, từ nhuộm, uốn đến thay tóc mới, rồi may áo quần và làm lại mặt mới theo nhiều phong cách khác nhau.”

Nghỉ việc ngân hàng, mở quán cà phê búp bê tiền tỉ cho người Sài Gòn - ảnh 2

Búp bê được đặt ở khắp mọi nơi trong quán. ẢNH LÊ NAM

Chị tiết lộ: “Giá các bé sau khi được “thẩm mỹ” sẽ rơi vào tầm từ 2.000.000 – 4.000.000 đồng/bé. Hiện tại mình có gần 100 bé các dòng, tổng số tiền mình bỏ ra để đưa các bé về và chăm sóc, làm đẹp là khoảng 1 tỷ đồng”.

Ngoài ra, chị Thảo cũng sở hữu một số dòng búp bê phiên bản giới hạn (được sản xuất với số lượng rất ít hoặc ngừng sản xuất – PV) với mức giá 300 – 500 USD/bé.

Nghỉ việc ngân hàng, mở quán cà phê búp bê tiền tỉ cho người Sài Gòn - ảnh 3

Diện chiếc váy cưới tự may, thay đôi kiểu tóc và phong cách trang điểm mới, bé búp bê này có giá từ 3.000.000 – 4.000.000 đồng. ẢNH LÊ NAM

Không gian dễ thương với trà bánh phong cách “tiểu thơ”, quán của chị Thảo thu hút rất đông những người thích chơi búp bê. Họ đến chủ yếu để gặp gỡ và giao lưu trực tiếp với nhau thông qua những buổi offline với nội dung đa dạng như: cách chăm sóc và dưỡng tóc cho búp bê, cách may đồ cho búp bê, trang điểm theo nhiều phong cách cho búp bê…

Ranh giới giữa đam mê và mê muội

Chia sẻ về cơ duyên đưa mình đến với búp bê, chị Thanh Thảo cho biết: “Đó là một sự tình cờ thú vị. Khoảng tháng 9.2017, mình vô tình thấy album ảnh búp bê của một bạn đăng tải trên Facebook và vô cùng ấn tượng bởi vẻ đẹp của chúng. Phản xạ tự nhiên, mình bấm vào Facebook bạn này coi và phát hiện ra bạn có cả một bộ sưu tập về búp bê khá đa dạng”.

Từ hôm đó, chị bắt đầu muốn tìm hiểu nhiều hơn về món đồ chơi này. Quyết định tham gia vào hội nhóm của những người có chung niềm yêu thích với búp bê, chị Thảo có cơ hội được trò chuyện và xem cách họ chơi, chăm sóc từng bé búp bê như thế nào. Họ xem búp bê như một người bạn, vốn đại diện cho những người thuộc tuýp hướng nội, ngại giao tiếp, họ được là chính mình nhờ những con búp bê.

Nghỉ việc ngân hàng, mở quán cà phê búp bê tiền tỉ cho người Sài Gòn - ảnh 4

Khách có thể thoải mái chơi đùa với búp bê tại đây. ẢNH LÊ NAM

Theo chị, cộng đồng yêu búp bê cũng như các cộng đồng khác, quy tụ thành viên ở khắp mọi miền, ở nhiều lứa tuổi, nhỏ có, lớn có và không ít thành viên ở độ tuổi từ U40 trở lên… Dù xuất phát điểm khác nhau, nhưng họ có cùng một điểm chung là tình yêu với búp bê.

Dần dần, chị hình thành thói quen khó bỏ là “mỗi ngày đều phải dành khoảng 30 phút để xem hình hoặc đọc những tài liệu về búp bê”. Chị bộc bạch: “Búp bê có rất nhiều dòng với đủ các mức giá khác nhau. Tài liệu về búp bê hầu hết là tiếng Anh và hiếm có ai dịch lại, mình càng đọc lại càng hiểu hơn về từng bé búp bê, và cả về cộng đồng búp bê trên thế giới”. Và rồi chị trót đam mê lúc nào không hay.
Nghỉ việc ngân hàng, mở quán cà phê búp bê tiền tỉ cho người Sài Gòn - ảnh 5

Khách vừa thưởng thức trà, vừa nhìn ngắm với những bé búp bê xinh đẹp. ẢNH LÊ NAM

Một trong điều khiến chị băn khoăn nhất là chuyện một cậu thanh niên trong hội búp bê tâm sự với chị, rằng cậu rất mê búp bê, khao khát tìm hiểu và nghiên cứu về chúng… Nhưng con trai mà chơi búp bê thì cứ bị trêu chọc, bị kỳ thị, đến mức “chỉ dám chơi lén”.

Chị Thảo nhấn mạnh: “Không có quy định nào về việc con gái mới được chơi búp bê và thích màu hồng, còn con trai thì phải mê siêu anh hùng, ô tô điều khiển và thích màu xanh. Không nên trách phạt một đứa trẻ khi chúng chỉ thích đọc sách thay vì đồ chơi, và dĩ nhiên cũng không thể cấm cản một người lớn yêu thích, thậm chí là đam mê búp bê. Vậy là mình quyết định mở quán trà bánh búp bê này, với hy vọng đây là không gian mà các bạn có thể ngồi chăm chút cho các bé búp bê mà không phải ngại những ánh mắt kỳ thị của những người chưa biết về cộng đồng búp bê.

Nghỉ việc ngân hàng, mở quán cà phê búp bê tiền tỉ cho người Sài Gòn - ảnh 6

Bé Ruki, dòng BJD (búp bê khớp) bé xinh trên bàn tay bà chủ. ẢNH LÊ NAM

Nhưng chị cũng thẳng thắn cho biết, bản thân chị không phải quá giàu có để mạnh tay chi tiền tỉ chơi búp bê. Con búp bê đầu tiên chị Thảo mua thuộc dòng Barbie với giá vài trăm nghìn đồng, sau đó chị mới tìm kiếm và mua thêm nhiều dòng búp bê khác nhau.

“Mình biết nhiều người cho rằng mình điên và sống không thực tế khi nghỉ việc ngân hàng để mở quán trà bánh búp bê, nhưng thực tế là mình đang được làm việc với đam mê, mà vẫn đảm bảo một cuộc sống như mình mong muốn. Chưa bao giờ mình đánh đổi vài tháng lương hay ăn uống tiết kiệm chỉ để đủ tiền mua một bé búp bê mà mình thích, vì nếu làm vậy thì không phải là đam mê, mà là mê muội mới đúng”; chị chia sẻ.

Nghỉ việc ngân hàng, mở quán cà phê búp bê tiền tỉ cho người Sài Gòn - ảnh 7

Những ai yêu thích việc chăm sóc và chơi đùa với búp bê có thể đến quán cà phê vào thứ 7 hàng tuần để tham dự buổi offline định kỳ của hội chơi búp bê Sài Gòn. ẢNH NVCC

Một người thật sự đam mê búp bê, theo lời chị Thảo, không nhất thiết phải là người có thật nhiều bé búp bê, và một người chỉ sưu tầm các bé búp bê bình dân thì cũng không hẳn là bộ sưu tập của họ không có giá trị.

“Nếu bạn thật sự mong muốn có được điều gì đó, hãy nỗ lực để đạt được nó khi bạn đủ khả năng. Chỉ khi bạn theo đuổi và làm chủ được đam mê, khi đó đam mê của bạn mới thật sự có giá trị”.

Theo TNO