Tiêu điểm:
Người Việt đã tiêm vaccine Covid có thể du lịch 10 nước mà không bị cách ly
Trong tương lai gần, khi đã tiêm đủ hai liều vaccine ngừa Covid-19, du khách từ Việt Nam có thể đi du lịch 10 nước mà không bị cách ly, trong đó có Thái Lan và tiểu bang Hawaii của Mỹ.
Các chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19 đang được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng hiện chỉ có khoảng 10 nước đã tuyên bố rằng họ đang hoặc sẽ cho phép nhập cảnh, miễn cách ly và phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 bắt buộc đối với những du khách đã tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Chẳng hạn, theo Sky News, từ ngày 1/3 tới Cyprus (đảo Sip) ở châu Âu sẽ cho phép du khách nước ngoài đã có giấy chứng nhận tiêm chủng được nhập cảnh mà không cần xét nghiệm và cách ly. Tuy nhiên, chính phủ Cyprus sẽ theo dõi tình hình dịch bệnh trên thế giới để có chính sách phù hợp với từng quốc gia, như không cho phép công dân Mỹ nhập cảnh dù họ đã tiêm chủng.
Trước đó, từ hôm 1/2 một quốc gia nhỏ ở châu Âu là Georgia cũng cho phép du khách nhập cảnh nếu đã tiêm đủ hai liều vaccine. Estonia cũng có quyết định tương tự nhưng yêu cầu chi tiết khá kỹ lưỡng: giấy chứng nhận tiêm chủng cần ghi nơi sản xuất, loại vaccine đã tiêm, hãng sản xuất và số series. Các nước châu Âu khác như Iceland, Ba Lan và Romania đều yêu cầu khách nhập cảnh cung cấp bằng chứng đã tiêm vaccine.
Lebanon là nước đầu tiên ở Trung Đông đã cho phép du khách nhập cảnh nếu có giấy chứng nhận đã tiêm vaccine và phải thực hiện thêm xét nghiệm.
Trong khi đó quần đảo Seychelles ở Ấn Độ Dương đòi hỏi khách phải tiêm đầy đủ ít nhất hai tuần trước khi đến đây. Nếu liều tiêm là hai, cả hai liều phải được tiêm ít nhất hai tuần trước khi khởi hành. Ngoài ra, đảo quốc này cũng đòi khách nộp kết quả xét nghiệm được thực hiện 72 giờ trước khi đến.
Tại châu Á, Thái Lan sẽ là nước đầu tiên cho phép du khách được miễn cách ly 14 ngày nếu đã tiêm vaccine. Bangkok Post nói chính phủ nước này đang cân nhắc việc giảm thời gian cách ly xuống còn ba ngày hay miễn cách ly đối với khách đã tiêm vaccine và có xét nghiệm Covid-19 âm tính.
Bang Hawaii là nơi đầu tiên ở Mỹ có thể cho phép du khách đã tiêm chủng được miễn cách ly bắt buộc khi đến đảo. Du khách sẽ nhận mã điện tử trên một ứng dụng smartphone cho phép họ đi thăm khắp hòn đảo. Theo Hawaii News Now, chương trình này sớm nhất sẽ bắt đầu từ 1/3/2021 với công nhân những ngành quan trọng. Sau đó sẽ mở rộng cho công dân Mỹ từ các tiểu bang khác và sớm nhất là 1/5/2021. Du khách quốc tế đã tiêm chủng có thể được cho phép nhập cảnh mà không cách ly.
Với số quốc gia và lãnh thổ trên toàn cầu là trên 200, con số 10 tròn trịa và ít ỏi này có ý nghĩa như thế nào? Chúng ta có thể hiểu rằng tốc độ mở cửa biên giới trở lại của các nước sẽ là một quá trình chậm chạp và phức tạp khi các biến chủng Covid-19 liên tục xuất hiện.
Quá trình tiêm chủng đại trà đã được thực hiện ở nhiều nước và dự kiến kéo dài trong ít nhất 3 năm. Nhưng lúc này là thời điểm tốt nhất để các nước cần ngồi lại với nhau để thống nhất về một quy trình mở cửa, trong đó có các thông tin chi tiết trong hộ chiếu vaccine như các thông tin mà chính phủ Estonia đòi hỏi từ khách nước ngoài nhập cảnh.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn đang ở mức 56,05 – 56,50 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, chênh lệch hai đầu là 450.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.796,3 USD/ounce, giảm tới 10,2 USD/ounce, tương đương 0,56% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, việc lợi suất trái phiếu Mỹ leo lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm đã phát đi thông điệp rằng thị trường dường như đã chấp nhận được thông điệp kinh tế phục hồi. Điều này gây áp lực lên giá của kim loại quý.
2/ Vietnam Airlines đã có kế hoạch để đầu tư 9.900 tỷ đồng vào sân bay Long Thành, trong đó 30% là từ vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay. Các dịch vụ mà hãng muốn đầu tư tại Long Thành gồm: cung ứng nhiên liệu hàng không, phục vụ kỹ thuật mặt đất, cung ứng suất ăn, nhà ga hàng hóa, trung tâm logistics hàng không. Vietnam Airlines đã đề xuất cùng các công ty con trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc hợp tác với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để thành lập liên doanh. Trong ngắn hạn, hãng xin được bố trí ngay vị trí đất để triển khai đầu tư sớm hạng mục xây dựng, bảo dưỡng, sửa chữa máy bay tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau khi được chấp thuận chủ trương, Vietnam Airlines và các đơn vị thành viên sẽ lập các đề án, dự án đầu tư cụ thể trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
3/ Hiện nay các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021. Những mặt hàng như dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8/2021. Theo dự báo sáng sủa nhất, để ngành dệt may thế giới trở lại đạt được ngưỡng tiêu thụ của năm 2019 cũng phải cần đến hết quý 3/2022. Còn theo kịch bản phục hồi chậm, thì phải hết năm 2023 ngành này mới phục hồi hoàn toàn. Ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2021 đạt kim ngạch xuất khẩu là 39 tỷ USD – ngưỡng thực hiện của năm 2019.
4/ Trong báo cáo “Các thị trường mua bán các sản phẩm giả mạo sở hữu trí tuệ và vi phạm bản quyền năm 2020”, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã điểm mặt ba cái tên hoạt động tại Việt Nam vi phạm sở hữu trí tuệ gồm trang phimmoi.net, chợ Đồng Xuân và chợ Bến Thành.
Phimmoi.net sau một thời gian lui vào bóng tối đã xuất hiện lại với phiên bản phimmoizz.net. Theo cáo buộc, website đã đăng tải hàng nghìn bộ phim có bản quyền tại nước Mỹ. Tháng 8/2019, đại diện nhóm chủ sở hữu đã đệ đơn khiếu nại hình sự với những người điều hành trang web. Tới tháng 6/2020, phimmoi.net đã ngừng hoạt động không rõ lí do. Tuy nhiên không lâu sau đó hầu hết toàn bộ nội dung trên web đã được chuyển sang một tên miền khác là phimmoizz.net.
Trong khi đó, USTR cũng cáo buộc hai chợ Đồng Xuân và Bến Thành bán các sản phẩm quần áo, giày dép, phụ kiện và mỹ phẩm được cho là hàng giả. Ngoài ra, một số các sàn thương mại điện tử trong khu vực như Shopee (Singapore), Tokopedia (Indonesia), Taobao và Punduoduo (Trung Quốc) cũng có trong danh sách cáo buộc vi phạm sở hữu trí tuệ của USTR.
5/ Chính phủ Ấn Độ hiện đang chuẩn bị một dự thảo quy định yêu cầu các công ty truyền thông xã hội nhanh chóng xóa bỏ những nội dung gây tranh cãi và hỗ trợ công tác điều tra của nhà chức trách. Động thái này sẽ diễn ra tiếp sau một cuộc tranh cãi với Twitter và trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang tìm cách siết chặt kiểm soát đối với những “người khổng lồ” công nghệ đầy quyền lực. Tại Ấn Độ, Twitter đã phớt lờ các yêu cầu xóa nội dung liên quan đến những cuộc biểu tình của nông dân, qua đó làm tăng thêm quyết tâm của Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi kể từ năm 2018 nhằm thắt chặt quy định đối với những nội dung bị xem là thông tin sai lệch hoặc bất hợp pháp. Dự thảo trên sẽ buộc các công ty truyền thông xã hội, như Facebook và Twitter, và các nền tảng chiếu phim trực tuyến như Netflix và Prime Video của Amazon, có trách nhiệm hơn đối với những nội dung được chia sẻ qua các nền tảng của họ.
6/ Mới đây, văn phòng công tố tại thành phố Milan đã ra quyết định trừng phạt Uber và các nền tảng giao thực phẩm khác số tiền 733 triệu euro vì vi phạm những quy định về an toàn lao động.Theo thông báo, Uber và các ứng dụng gồm Glovo, Just Eat cùng Deliveroo phải thanh toán các khoản bảo hiểm xã hội và an sinh trong quá khứ. Ngoài ra, nhân viên giao hàng của các hãng cũng phải được đối xử “đầy đủ”, bao gồm việc được cung cấp các trang thiết bị như mũ bảo hiểm, găng tay, áo phản quang hay khẩu trang chống virus, cũng như các thiết bị để tham gia giao thông như xe đạp hay xe scooter. Hiện các công ty trong danh sách thông báo trên có 90 ngày để tuân thủ những yêu cầu mới.
7/ Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã công bố gói hỗ trợ kinh tế bổ sung trị giá 11 tỷ euro (13,4 tỷ USD) nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các nhà tự doanh của Tây Ban Nha đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Nội dung của kế hoạch này hiện vẫn đang được thảo luận với Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha, bao gồm khả năng cắt giảm các khoản vay được nhà nước cung cấp và tái cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Động thái này được xem là phù hợp với lời kêu gọi của các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng Covid-19, sau khi Chính phủ đã cung cấp các khoản vay ưu đãi trước đó. Theo Reuters, trong những tuần tới, Chính phủ Tây Ban Nha sẽ tập trung phác thảo một loạt các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, có thể bao gồm cả khoản cho vay dự kiến do nhà nước hậu thuẫn cũng như gói viện trợ trực tiếp.
8/ Vừa qua, Facebook đã thông báo rằng họ sẽ đầu tư thêm 1 tỷ USD vào lĩnh vực tin tức trong ba năm tới. Facebook cho rằng việc đảm bảo chất lượng báo chí là trọng tâm của cách thức hoạt động của các mạng xã hội mở khi họ cung cấp thông tin và trao quyền cho người dân. Đó là lý do tại sao công ty này đã đầu tư 600 triệu USD kể từ năm 2018 để hỗ trợ lĩnh vực tin tức. Gã khổng lồ công nghệ này đã hợp tác với các hãng tin tức, trong đó có những “tên tuổi” đáng chú ý như The Guardian, Telegraph Media Group và Daily Mail Group. Ngoài ra, Facebook cũng đã thông báo vào ngày 23/2 rằng họ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm tin tức ở Australia sau khi các cuộc đàm phán vào phút cuối với chính phủ kết thúc.
9/ Theo Bloomberg, trong khi nhiều mã cổ phiếu công nghệ đang thống trị thị trường chứng khoán Hoa Kỳ thì các nhà đầu tư Trung Quốc lại đang “say sưa” với cổ phiếu của các hãng kinh doanh thực phẩm & đồ uống (F&B), đặc biệt là cổ phiếu của các công ty kinh doanh thịt heo. Cổ phiếu của nhóm tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) như Apple, Amazon, Facebook, Netflix… chiếm tới 20% giá trị chỉ số S&P 500 tại Mỹ. Còn tại Trung Quốc, các tập đoàn lớn trong lĩnh vực thực phẩm & đồ uống (Big Food) lại là tâm điểm của giới đầu tư. Tính đến cuối năm 2020, đầu tư của các quỹ tương hỗ tại Trung Quốc vào 3 nhà sản xuất rượu và đồ uống lớn (Quý Châu Mao Đài, Ngũ Lương Dịch và Lư Châu) còn lớn hơn đầu tư vào “gã khổng lồ” công nghệ Tencent Holdings và Meituan. Cũng theo Bloomberg, giá cổ phiếu trung bình của các doanh nghiệp ngành F&B Trung Quốc đã tăng 60% trong năm 2020.
10/ Singapore vừa giới thiệu chương thị thực lao động (work visa) mới với tên gọi Tech.Pass nhằm thu hút nhân tài hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. Theo đó, Chính phủ Singapore đã mở đơn đăng ký cho 500 vị trí từ ngày 19/1. Những người được nhận visa có thể bao gồm các doanh nhân thành công, chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu. Hồ sơ đăng ký chương trình Tech.Pass này phải đáp ứng 2 trong 3 yêu cầu, trong đó có bằng chứng lương hàng tháng tối thiểu 20.000 SGD (15.145 USD, gần 350 triệu đồng) trong năm qua. Visa có thời hạn 2 năm. Chủ sở hữu visa Tech.Pass có mức độ tự do cao hơn. Nếu người có visa lao động bình thường chỉ được làm cho một số nhà tuyển dụng nhất định, người có visa Tech.Pass có thể kinh doanh hoặc trở thành nhân viên, cố vấn cho nhiều công ty.
Ricky Hồ – Hiếu Lê/BSA
PNJ quyên góp ủng hộ chương trình gây quỹ mua và tiêm Vaccine