Cửa hàng của nhãn thời trang Foschini tại trung tâm thương mại Lenasia ở phía Nam thủ đô Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: Reuters
Nền kinh tế hàng đầu của lục địa đen nhập hơn 50% hàng dệt may, giày dép và các sản phẩm da – chủ yếu từ Trung Quốc. Phí vận chuyển gia tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của Covid-19 đang buộc các nhà bán lẻ Nam Phi chuyển sang nguồn cung địa phương, chấm dứt sự phụ thuộc quá nhiều vào châu Á.
Ưu tiên sản xuất trong nước
Năm 2019, chính phủ Nam Phi thực hiện chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất trong nước. Những vấn đề phát sinh từ châu Á trong hai năm qua đã làm tăng tính cấp bách, thúc giục sự thay đổi mạnh mẽ đối với sản xuất hàng hóa tại Nam Phi.
“Hầu hết đồ nội thất ở Nam Phi hiện được nhập khẩu. Chúng tôi đang xem xét các lựa chọn khác nhau để sản xuất thêm tại địa phương, đặc biệt là vào thời điểm hiện tại khi chi phí vận chuyển tăng 400%. Vì vậy, càng có lý do nếu bạn cần”, Giám đốc điều hành Anthony Thunström của hãng bán lẻ TFG nói với hãng tin Reuters.
Các xí nghiệp may địa phương cung cấp đến 72% các mặt hàng thời trang cho TFG. Hồi đáng 11 này, TFG nói họ muốn mua từ trong nước 30 triệu sản phẩm may mặc mỗi năm và trong vòng bốn năm tới, tăng từ 11,5 triệu sản phẩm hiện tại. TFG cũng đang bổ sung đồ nội thất và đồ trang sức vào danh sách hàng nội địa ngày càng tăng của hãng.
Thunström cho biết rất nhiều đồ trang sức của TFG đã được sản xuất ở Nam Phi, nhưng ông muốn tăng cường hơn nữa nguồn cung ứng trong nước.
Chủ sở hữu thương hiệu thời trang nữ Hobbs & Whistles của Anh và thương hiệu đồ gia dụng @Home của Nam Phi muốn các sản phẩm này được sản xuất và tiêu thụ trên cơ sở quay vòng nhanh, nhằm cải thiện thời gian bán hàng và cạnh tranh với các nhãn toàn cầu như Zara của hãng Inditex và đối thủ Thụy Điển H&M.
Chuỗi cung ứng toàn cầu tập trung ở châu Á với chi phí thấp đã buộc nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ châu Á. Những tổn thất và gián đoạn vừa qua của chuỗi cung ứng tại châu Á đã cho thấy những tác hại nghiêm trọng. Hôm 11-11, TFG cho biết họ sẽ chi thêm 575 triệu rand (37 triệu USD) trong vòng 3-5 năm tới để xây dựng năng lực sản xuất tại địa phương. Các nhà bán lẻ Nam Phi không đơn độc trong việc tìm kiếm nguồn hàng địa phương. Các nhãn Benetton và Hugo Boss của Ý cho biết họ đang tìm nguồn cung sản phẩm gần nhà hơn.
Vẫn phụ thuộc vào châu Á
Giám đốc điều hành Norman Drieselmann của Retailability – hãng sở hữu chuỗi cửa hàng bách hóa Edgars – nói rằng tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc đã khiến các sản phẩm thời trang bị trễ thêm hai tuần bên cạnh bốn tuần bị trễ do Covid-19. Các hãng bán lẻ Nam Phi đang điêu đứng trước việc thiếu hụt nguồn hàng nghiêm trọng trước dịp mua sắm Black Friday vào cuối tuần này và lễ Giáng sinh sắp tới.
Chuỗi siêu thị Woolworths nói với Reuters rằng họ hy vọng việc cắt điện sẽ ảnh hưởng đến các đơn đặt hàng của họ trong tháng 3 năm sau. Woolworths phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc khoảng 30% sản phẩm thời trang, làm đẹp và đồ gia dụng. Chuỗi này nói họ đang thu xếp để mua nhiều hơn hàng sản xuất tại Nam Phi.
Các nhà bán lẻ nói chuyện với Reuters đã không chia sẻ thông tin về các ứng viên cung cấp hàng trong nước.
Nhưng nhà bán lẻ quần áo và đồ điện tử giá rẻ Pepkor cho biết họ muốn làm việc với các nhà cung cấp hiện có và chiến lược để sản xuất quần áo dễ may như áo thun và quần short. Pepkor sẽ tạm ứng vốn cho nhà cung cấp để mua máy móc thiết bị.
“Hiện chúng tôi đã xác định được một số nhà cung cấp mà chúng tôi muốn hợp tác. Tiếp theo là phát triển hơn nữa năng lực của nhà cung ứng”, Giám đốc điều hành Leon Lourens nói.
Tuy nhiên, Nam Phi sẽ không thể tìm được mọi câu trả lời từ chính nền sản xuất trong nước.
Nền công nghiệp sản xuất Nam Phi đang bị suy kiệt bởi thiếu điện và tranh chấp lao động trong một số lĩnh vực. Các nguyên liệu thô, chẳng hạn như vải, buộc phải nhập từ châu Á.
CEO Drieselmann nói Retailability đang tìm cách phát triển nguồn cung ứng địa phương bằng cách đặt thêm đơn hàng từ các nhà sản xuất trong nước thay vì ở nước ngoài. Retailability cũng đang chuyển nguồn cung ứng từ Trung Quốc sang các nhà cung cấp nước ngoài hiện có khác.
Retailability đã “bắt đầu làm việc tích cực hơn với Ấn Độ như một giải pháp thay thế, đặc biệt là từ quan điểm tìm nguồn cung ứng vải”, Drieselmann nói thêm.
Bản Tin Thị Trường
1/ Đồng USD tăng giá rất mạnh so với nhiều ngoại tệ khác, lãi suất trái phiếu đi lên là các yếu tố chính làm giá vàng thế giới và trong nước giảm mạnh trong ngày 23-11. Giá vàng miếng SJC dao động quanh ngưỡng 58,6 – 59,45 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 300.000 đồng/lượng chiều mua vào và 350.000 đồng chiều bán ra. Chênh lệch giá hai đầu còn 850.000 đồng. Trên thị trường thế giới, giá vàng giảm mạnh 40 USD/oz còn 1.805 USD/ounce, tương đương giảm 1 triệu đồng mỗi lượng.
2/ Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2021 kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đã đạt gần 4,14 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020. Dù là quốc gia nông nghiệp, con số nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên và mang lại cơ hội lớn hơn cho các nhà xuất khẩu ngô và phụ phẩm lên men… Về thị trường, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhập khẩu nhiều nhất từ Argentina (35% tổng kim ngạch). Kế đến là Hoa Kỳ, với 16,7% tổng kim ngạch.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, cùng với đà tăng của hàng hóa, lương thực trên toàn cầu, giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa hạ nhiệt. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam đã tăng cường nhập khẩu ngô làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để phục vụ ngành sản xuất thịt, vốn đã tăng trưởng gần 30% trong thập kỷ qua. Đến nay, Việt Nam là nhà nhập khẩu ngô lớn nhất ở Đông Nam Á và dự báo sẽ là nhà nhập khẩu ngô lớn thứ năm trên toàn cầu trong hai năm 2021-2022.
3/ Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam tháng 10-2021 đã đạt gần tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, với kim ngạch 425,3 triệu USD (giảm 1,5%). Dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2020.
Trong đó, xu hướng xuất tôm vào thị trường Mỹ lẫn EU đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt. Riêng  thị trường Trung Quốc giảm liên tục do chính sách kiểm soát quá chặt chẽ dịch COVID-19. Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 341,5 triệu USD.
4/ Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn với giá trị kim ngạch hàng năm hơn 41 tỷ USD. Thế nhưng hiện tại, 80% hoạt động thu thập thông tin, xử lý dữ liệu, dự báo thị trường nông sản vẫn theo phương pháp thủ công, thông qua các bảng biểu trình bày dưới dạng Excel, Word để báo cáo theo đường hành chính. Hiện vẫn chưa có các phần mềm thu thập cơ sở dữ liệu trực tuyến ứng, khiến thông tin thường chậm, và mất nhiều công sức trong tổng hợp của các cơ quan cấp cao hơn.Chính vì thế, tính toán cung – cầu, dự báo thị trường nông sản thường chậm và không chính xác…
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết: Khảo sát cho thấy, thông tin, dữ liệu trong nước phổ biến là gửi qua đường công văn, email chiếm 73%. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng các ứng dụng phần mềm chỉ chiếm 27%. Đối với dữ liệu quốc tế cũng chủ yếu được trao đổi giữa các cơ quan, tổ chức qua gửi email, công văn, báo cáo giấy chiếm 63%”.
5/ Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của dân cư (không tính tổ chức, doanh nghiệp) vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 9 là gần 5,292 triệu tỷ đồng, giảm gần 1.500 tỷ đồng so với cuối tháng 8. Trước đó, trong tháng 8, tiền gửi của người dân cũng đã giảm gần 1.000 tỷ đồng so với tháng 7. Thông thường mọi năm, tiền gửi của người dân vào ngân hàng luôn có dấu hiệu suy giảm so với nửa đầu năm. Tuy nhiên, việc số dư tiền gửi của người dân giảm liên tiếp trong hai tháng ở thời gian này là hiếm thấy từ trước đến nay.
Giới ngân hàng chỉ ra các nguyên do: Một, làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh ở thời điểm này khiến thu nhập của nhiều người bị ảnh hưởng. Hai, nhiều tỉnh thành thực hiện phương án giãn cách xã hội nên người dân không thể đến ngân hàng để gửi tiết kiệm. Ba, các kênh đầu tư khác như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và tiền mã hóa lại ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân, đặc biệt trong hai tháng cao điểm giãn cách tại các tỉnh phía Nam.
6/ Theo Reuters, Mỹ dự định sẽ công bố một khoản vay ưu đãi dầu mỏ trích từ quỹ dự phòng của quốc gia này nhằm hỗ trợ các nước phải nhập khẩu dầu từ châu Á. Song song, chính phủ Mỹ tiếp tục kêu gọi liên minh cường quốc xuất khẩu dầu mỏ OPEC, hãy tăng sản lượng để giảm nhiệt giá ‘vàng đen’, hoặc Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản, Trung Quốc, và Ấn Độ sẽ tạo áp lực giá như xả kho dự trữ của họ.
Mới đây, Nhật Bản đã để ngỏ khả năng nước này sẽ mở kho dự trữ dầu vào cuối tuần này. Trong khi đó, các nguồn thạo tin tại Ấn Độ cho biết New Dehli đã tổ chức các cuộc tham vấn với Mỹ về việc mở kho dầu dự trữ chiến lược. Tính đến cuối tháng 9/2021, Nhật Bản có lượng dầu dự trữ cho 145 ngày sử dụng. Trong khi đó, trong kho dự trữ của Ấn Độ hiện có khoảng 26,5 triệu thùng dầu.
7/ Khủng hoảng chip bán dẫn khiến Sony phải nhiều lần cắt giảm sản xuất số lượng máy chơi game chủ lực PlayStation 5. Trong những tháng gần đây, Sony còn từ chối nhận đơn đặt hàng một số dòng máy chụp hình dù đứng trước lễ hội mua sắm cuối năm. Nhiều hãng sản xuất máy chụp hình hàng đầu khác cũng đang phải đối mặt vấn đề tương tự.
8/ Nhằm cạnh tranh với Mỹ và EU trong cuộc đua năng lượng sạch, Nhật Bản vừa tuyên bố sẽ tăng gấp đôi các khoản hỗ trợ cho người mua xe điện, lên đến $7.000 USD – tương đương với các khoản hỗ trợ tại Mỹ và châu Âu. Chưa kể, chính phủ Nhật sẽ trợ giá cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng các trạm sạc nhanh dành cho xe điện, dự kiến lên đến 150.000 trạm sạc vào năm 2030, tăng gấp 5 lần so với 30.000 trạm hiện có.
9/ Vừa mất ngưỡng 60.000 USD, giá Bitcoin lại sụt xuống quanh mốc 56.000 USD. Đà giảm khiến giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền số lớn nhất thế giới lùi về 1.075 tỷ USD. Giá các đồng tiền số khác cũng giảm mạnh. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đưa ra cảnh báo rằng tiền điện tử Bitcoin chứa nhiều rủi ro với người sử dụng, đặc biệt khi quốc gia Trung Mỹ El Salvador El Salvador chuẩn bị xây một thành phố lấy vốn từ Bitcoin. IMF cho rằng việc sử dụng Bitcoin làm tiền hợp pháp sẽ dẫn đến rủi ro đáng kể trong việc bảo vệ người tiêu dùng, tính toàn vẹn tài chính và sự ổn định tài chính. IMF kêu gọi El Salvador đưa ra các biện pháp pháp lý bổ sung để bảo vệ người tiêu dùng, cũng như chống nạn rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.

https://bsaonline.vn/vietnam-airlines-ra-mat-san-thuong-mai-dien-tu-voi-hon-300-mat-hang/